Mary đi men theo con lộ xuống ngọn đồi
về phía đường Wilmott. Những chuyện
vụn vặt về mẹ cô được người ta xầm xì trong thị trấn nhiều năm qua
đã lọt đến tai cô. Họ kể rằng vào
một đêm hè cách đây đã lâu mẹ cô biến mất, và một tên chẳng ra gì
trong thị trấn, kẻ hay la cà trước trại ngựa của Barney Smithfield, đã
cùng trốn đi với nàng. Bây giờ một
tên trẻ tuổi chẳng ra gì khác đang tìm cách cầu hòa với cô. Nghĩ đến đó cô cảm thấy vô cùng tức
giận.
Đầu óc cô
nảy ra ý tìm cho được một vũ khí nào đó cô có thể cầm lấy để nện
vào tên Duke Yetter cho hắn biết tay.
Trong lúc cô đang tuyệt vọng, hình ảnh người cha bỗng sáng lên
trong đầu cô, người cha với sức khỏe mòn mỏi và giờ đây đang cận kề
cái chết. “Cha tôi chỉ muốn có dịp
được giết một kẻ như anh, “ cô la to và quay lại nhìn đối mặt với gã
thanh niên kia, khi ấy anh ta đã rút được chân ra khỏi đám dây leo chằng
chịt trong vườn cây và đang đi theo cô.
“Cha tôi chỉ muốn giết một tên nào đó chỉ vì những lời dối
gian người ta truyền miệng nhau về mẹ tôi trong thị trấn này.”
Sau khi nổi
nóng và bật lời đe dọa với Duke Yetter, Mary lập tức thấy xấu hổ về
cơn thịnh nộ của mình và cô bước đi thật nhanh, nước mắt dâng
trào. Bối rối Duke lẽo đẽo theo sau
cô. Anh ta van nài: “Tôi không có ý xấu gì cả, cô Cochran
à. Xin cô đừng nói với cha cô chuyện này.
Tôi chỉ muốn được vui một chút với cô. Tôi xin nói với cô tôi không có ý xấu
gì cả.”
Ánh tà dương
của buổi tối mùa hè bắt đầu ngả bóng và gương mặt những người dân
cư đang tụ tập từng nhóm nhỏ nơi hiên nhà thâm u hay bên cạnh bờ rào
trên đường Wilmott làm thành những vệt sáng dìu dịu và nhỏ hình bầu dục. Tiếng
trẻ con cũng đã bớt ồn ào, và chúng đứng tụ lại thành nhóm. Khi Mary đi ngang, chúng im lặng ngước
nhìn cô. “Cô ta sống cách đây không
xa. Cô ấy cũng gần như là hàng xóm
của mình,” Mary nghe thấy giọng một người đàn bà nói như thế bằng
tiếng Anh. Khi cô quay đầu lại, cô
chỉ thấy một số người đàn ông da ngăm ngăm đang đứng trước nhà. Từ trong nhà vọng ra tiếng một người
đàn bà đang hát ru trẻ.
Anh thanh niên
người Ý lúc chiều hôm gọi chào cô giờ đây chắc chắn sẽ đi ra ngoài
chơi chiều tối Chủ nhật. Anh ta dạo
gót trên hè phố, rảo bước đi nhanh vào khoảng tối. Anh ta diện chiếc áo dành cho ngày Chủ
nhật, đầu đội mũ dạ màu đen, bâu áo trắng cứng thẳng thớm, thắt cà
vạt đỏ nổi bật. Bâu áo trắng tinh khiến màu da nâu của anh ta trông
gần giống da đen. Anh ta mỉm cười
như một cậu bé, lại nhấc mũ chào Mary một cách vụng về nhưng chẳng
nói lời nào.
Mary cứ quay
nhìn lại sau lưng để chắc rằng Duke Yetter không đi theo cô nhưng dưới
ánh đèn hiu hắt cô không thể thấy được anh ta. Cơn bực dọc của cô cũng đã biến mất.
Cô không muốn
về nhà và thấy rằng giờ ấy nếu đi lễ nhà thờ thì đã quá
muộn. Từ khu phố trên của đường
Main có một con đường ngắn chạy về phía đông đổ dốc xuống đồi dẫn
đến một con lạch nhỏ có cây cầu bắt ngang, đánh dấu chỗ thị trấn vẫn
chưa được phát triển về phía đông.
Cô đi xuống con đường ấy đến bên cây cầu và đứng đấy trong ánh
hoàng hôn dần dần tắt, để nhìn hai thằng bé đang câu cá chỗ lạch
nước.
Một người
đàn ông vai to, mặc quần áo vải thô đi đến, dừng lại nơi cây cầu để nói
chuyện cùng cô. Đây là lần đầu tiên
cô nghe một người dân trong thị trấn nói về cha cô với giọng đầy tình
cảm. “ Cô là con của bác sĩ Cochran phải không cô?” Ông ta ngập ngừng
hỏi. “Tôi đoán cô không biết tôi là
ai nhưng cha cô biết tôi đấy.” Ông đưa
tay chỉ hai thằng bé đang ngồi cầm cần câu trên bờ cỏ cạnh con lạch.
“Hai đứa ấy là con trai tôi, và tôi còn bốn cháu nữa.” Ông giải
thích. “Còn một thằng nữa với ba
đứa con gái. Một đứa con gái của
tôi làm việc cho một cửa hiệu. Nó
cũng bằng tuổi cô.” Người đàn ông
giải thích mối quan hệ giữa ông với bác sĩ Cochran. Ông nói ông đã từng làm công trên nông
trại, nhưng mới đây dọn đến thị trấn để làm trong xưởng sản xuất đồ
đạc. Mùa đông năm trước ông bệnh
một thời gian dài và không có tiền.
Trong lúc ông nằm bệnh, một đứa con trai của ông té rơi từ trên
gác nhà vựa xuống và bị thương rách cả da đầu.
“Cha của cô
ngày nào cũng đến nhà chúng tôi và ông khâu lại vết thương trên đầu
thằng Tom con tôi.” Người nông dân
quay mặt không nhìn về Mary, tay cầm nón ông nhìn về phía hai thằng
bé. “Tôi túng quẫn và cha cô không
những chăm sóc tôi cùng mấy cháu mà còn cho bà vợ tôi tiền để mua
mấy thứ chúng tôi cần nơi các cửa hiệu trong thị trấn này, như thực
phẩm thuốc men.” Người đàn ông nói
rất nhỏ Mary phải nghiêng về phía trước để nghe ông nói. Mặt cô gần chạm vào vai người phu thợ
ấy. “Cha cô là người tốt, và tôi
không nghĩ ông ấy được hạnh phúc lắm,” người đàn ông nói tiếp. “Thằng bé với tôi khoẻ trở lại và tôi
có việc làm trong thị trấn này nhưng ông ấy không muốn nhận tiền của
tôi. ‘Anh biết cách sống với vợ con
của anh. Anh biết làm họ hạnh
phúc. Hãy giữ số tiền đó mà tiêu
cho họ.’ Ông ấy nói với tôi như vậy.”
Người phu thợ
lại đi tiếp, băng qua cây cầu, men theo bờ lạch đến chỗ hai đứa con
trai của ông đang câu cá, Mary tựa người vào thành cầu nhìn xuống
dòng nước đang chảy lặng lờ. Nước
gần như màu đen trong bóng tối dưới gầm cầu, và cô nghĩ cha cô cũng
đã sống một đời u tối như thế.
“Đời cha mình cũng như dòng nước luôn luôn chảy trong bóng tối,
không bao giờ chảy ra ngoài chỗ có ánh sáng,” cô thầm nghĩ và nỗi lo
sợ đời mình cũng sẽ chảy tiếp trong bóng tối vây kín người cô. Cô bỗng thấy thương cha cô vô cùng, một
tình thương mới mẻ, lớn lao tỏa khắp người cô và cô cảm thấy như cha
đang ôm cô. Khi còn bé cô lúc nào
cũng mơ được bàn tay cha vuốt ve và giờ đây ước mơ ấy lại trở về với
cô. Cô đứng thật lâu nhìn xuống
dòng nước chảy và cô cương quyết tối nay cô phải cố gắng làm cho
giấc mơ xưa ấy trở thàng hiện thực.
Khi cô ngẩng lên nhìn thì người phu thợ đã nhóm được một
đốm lửa với các nhành cây khô bên bờ lạch. “Chúng tôi bắt được cá lóc ở đây,” ông
ta nói to. “Ánh lửa khiến chúng bơi
lại gần bờ. Nếu cô muốn đến đây
thử câu cá, tụi nhỏ sẽ cho cô mượn một cái cần câu để câu.”
“Ồ, cám ơn
chú, cháu không muốn câu tối nay.”
Mary nói, và vì e ngại mình sẽ bật khóc, và không thể trả lời
được nếu người phu thợ đó lại bắt chuyện tiếp, cô vội vàng bỏ
đi. Người đàn ông với hai thằng bé
nói to theo: “Chào cô nhé.” Những
lời ấy bất ngờ thốt ra từ miệng ba người tạo thành một âm thanh như
kèn trumpet bỗng vang rõ mồn một như một tiếng kêu vui mừng vụt ngang
qua tâm trạng nặng nề của cô.
Khi Mary con
gái của ông bước ra ngoài đường để đi dạo, bác sĩ Cochran ngồi một
mình trọn một giờ đồng hồ nơi phòng mạch của ông. Trời bắt đầu tối, và những người đàn
ông cả buổi chiều ngồi trên ghế hoặc trên mấy cái hộp đặt trước
trại ngựa đối diện đã về nhà dùng bữa ăn tối. Tiếng người nói cũng thưa dần, và
thỉnh thoảng cứ năm mười phút lại im lặng. Rồi có tiếng trẻ khóc
vẳng lại từ một con đường xa xôi nào đó.
Chập sau chuông nhà thờ bắt đầu đổ.
Vị bác sĩ
không phải là người gọn gàng lắm và thỉnh thoảng nhiều ngày ông quên
cạo râu. Bàn tay với những ngón
dài gầy guộc của ông đưa lên vuốt hàm râu đã mọc quá nửa. Căn bệnh của ông nặng hơn ông tự nhận và
đôi khi hồn vía ông như bay bỗng ra khỏi thân xác. Thường khi ngồi như thế, ông hay để hai tay
trong lòng và chăm chú nhìn chúng như một đứa trẻ. Ông thấy như thể chúng thuộc về một
người khác. Ông trầm ngâm suy nghĩ như
triết gia. “Thân xác mình cũng
lạ. Bao nhiêu năm nay mình đã sống
nơi thân xác này và mình lại dùng nó quá ít. Bây giờ nó sắp chết và mục rữa mà
chưa từng được dùng. Mình thắc mắc
sao nó không tìm ra người khác nương gá vào.” Ông buồn bã mỉm cười
trước ý tưởng này nhưng rồi lại nghĩ tiếp. “À mình cũng đã từng có những suy
nghĩ quan tâm đến người khác và mình cũng có dùng đôi môi với cái
lưỡi nhưng rồi mình lại để chúng ì ra đó không dùng đến. Khi Ellen còn ở đây sống với mình, mình
đã để nàng nghĩ mình là kẻ lạnh lùng vô cảm trong khi có một cái
gì đó trong lòng mình thôi thúc cố sức muốn thóat tung ra.”
Ông nhớ hồi
còn trẻ có những buổi tối ông thường ngồi yên lặng cạnh người vợ cũng
trong phòng mạch này và đôi tay ông chợt thấy đau đớn khi phải với ra
qua khoảng không gian nhỏ hẹp ngăn cách giữa hai người để chạm vào
bàn tay, gương mặt,mái tóc của
nàng.
Chẳng phải mọi
người trong thi trấn đều tiên đoán cuộc hôn nhân của ông rồi cũng sẽ
đổ vỡ hay sao!
Vợ ông từng là cô đào trên sân khấu cho một gánh hát đến diễn
tại thị trấn Huntersburg và bị kẹt lại đây. Lúc ấy nàng lâm bệnh và không có
tiền trả cho quán trọ. Vị bác sĩ
trẻ đã quan tâm chăm lo mọi thứ cho nàng và khi nàng phục hồi ông đã
đưa nàng đi chơi đây đó bằng chiếc xe ngựa của ông. Đời sống của nàng đã từng vất vả và
ý tưởng sẽ sống một đời yên tịnh nơi một thành phố nhỏ đã thu hút
nàng.
Rồi sau khi
lấy nhau và có một mặt con nàng bỗng thấy nàng không thể tiếp tục
sống chung với một người đàn ông im lặng, lạnh lùng. Người ta đồn
rằng nàng đã bỏ ttrốn cùng một tên trai trẻ, con của một người trông
coi hội trường của thị trấn, một kẻ cũng biến mât vào khoảng thời
gian ấy, nhưng chuyện đó không đúng.
Chính Lester Cochran đã đưa nàng đến Chicago, ở đấy nàng được
nhận vào một gánh hát đi lưu diễn sang các tiểu bang miền Tây. Rồi ông đã đưa nàng đến tận cửa khách
sạn, dúi vào tay nàng một số tiền, và không hề hôn từ giã, ông lặng
lẽ quay lưng bỏ đi.
Vị bác sĩ
ngồi trong phòng mạch của mình sống lại giây phút ấy cùng những giây
phút căng thẳng khác khi lòng ông bị xáo động mạnh trong khi bề ngoài
ông lại có vẻ bình thản và trầm lặng.
Ông thắc mắc không rõ người đàn bà ấy có biết điều đó
không. Đã nhiều lần ông tự hỏi
mình như thế. Sau khi ông chia tay
nàng nơi cửa khách sạn, nàng chẳng hề viết cho ông một dòng chữ
nào. “Có lẽ nàng đã chết,” ông đã
nghĩ vậy cả ngàn lần.
Đã hơn một
năm nay cái thường xảy ra vào những giây phút kỳ lạ lại xảy ra
nữa. Trong lòng bác sĩ Cochran,
hình ảnh người vợ ông nhớ lại lẫn lộn
với hình ảnh cô con gái của ông. Những
lúc đó ông cố tách rời hai hình ảnh ấy ra, cố làm chúng phân biệt
không dính líu gì nhau, nhưng chỉ hoài công. Ông nghiêng đầu và tưởng
tượng nhìn thấy bóng một cô gái mặc áo trắng bước ra qua cánh cửa
từ mấy căn phòng nơi hai cha con ông sống.
Cánh cửa sơn màu trắng và di động chầm chậm theo làn gió nhẹ
thổi vào từ cửa sổ để mở. Làn
gió len vào căn phòng thật nhẹ và yên lặng, làm lung lay vài tờ giấy
trên chiếc bàn nằm trong góc phòng.
Có tiếng sột soạt thật nhẹ như tiếng váy phụ nữ. Vị bác sĩ nhổm lên, đứng run rẩy . “Người nào đây? Có phải con không Mary, hay đấy là
Ellen?” ông hỏi, giọng khàn khàn.
Trên cầu thang
dẫn từ ngoài đường vào chỗ ở trên lầu có tiếng chân người nặng nề
và cánh cửa bên ngoài mở ra. Trái
tim yếu ớt của vị bác sĩ thoi thóp đập và ông ngả người xuống ghế
một cách nặng nề.
Một người
đàn ông bước vào phòng mạch. Đó
là một anh nông dân, một thân chủ của bác sĩ. Khi đến giữa căn phòng anh ta thắp một
que diêm và giơ lên trên đầu nói lớn: “Chào bác sĩ!” Khi bác sĩ Cochran từ ghế ngồi
đứng lên trả lời, anh ta giật mình làm rơi que diêm xuống, và nó cháy
yếu ớt cạnh bên chân anh ta.
Người nông dân
trẻ có cặp giò rắn rỏi như hai trụ đá nâng đỡ cả một tòa nhà nặng
nề, và ánh sáng yếu ớt của que diêm đang cháy trên nền nhà giữa hai
bàn chân của anh ta chập chờn trước làn gió nhẹ, dọi bóng nhảy múa
trên các bức tường trong phòng. Đầu
óc đang bối rối của vị bác sĩ chưa kịp thóat ra khỏi những hình
ảnh tưởng tượng thì giờ đây lại đón nhận thêm tình huống mới này.
Ông quên cả
sự có mặt của anh nông dân và đầu ông lại nghĩ về quãng đời khi ông còn
có vợ. Ánh sáng nhập nhòe trên
tường gợi ông nhớ lại một ánh sáng nhảy múa khác. Một buổi chiều hè khi ông lập gia đình
được một năm, ông cùng vợ đi xe hơi về miền quê. Họ đang mua đồ đạc cho các căn phòng
chỗ họ ở. Tại nhà một người nông
dân, Ellen thấy một cái gương xưa không ai còn dùng nữa dựng nơi vách
tường trong nhà kho. Tấm gương ấy có một hình dạng kỳ lạ nào đó khiến nàng thích, và vợ người
nông dân đã tặng tấm gương cho nàng. Trên đường về nhà, người vợ trẻ nói cho
chồng hay mình đã mang thai và vị bác sĩ chưa bao giờ thấy lòng mình
xúc động như thế. Ông ngồi tay giữ
chặt tấm gương đặt nơi đầu gối trong khi vợ ông đánh xe; khi nói tin họ
sẽ có con nàng quay mặt đi nhìn về phía cánh đồng.
Ôi, hình ảnh
ấy mới in sâu làm sao trong tâm khảm người đàn ông đang bệnh nặng ấy! Mặt trời lặn dần trên cánh
đồng trồng bắp và lõa mạch hãy còn non bên đường. Cánh đồng cỏ đã sẫm tối và thỉnh
thoảng con đường chạy qua những đoạn ngắn len lỏi giữa cây cối cũng
đen thẫm đưới ánh chiều tà đang lịm tắt.
Tấm gương đặt
trên đầu gối ông phản chiếu vài tia hoàng hôn và rọi bóng một qủa cầu
vàng thật to nhảy múa trên cánh đồng và trên các cành cây. Giờ đây khi ông đứng trước mặt người
nông đân và khi ánh sáng hắt hiu của que diêm đang cháy gợi cho ông nhớ
lại buổi chiều tối với những ánh sáng nhảy múa hôm đó, ông nghĩ ông
đã hiểu được sự thất bại trong hôn nhân và cuộc đời của mình. Vào một tối cách đây đã lâu lắm rồi
khi Ellen nói với ông về cuộc mạo hiểm lớn sắp đến trong hôn nhân của
họ, ông đã giữ im lặng, vì ông nghĩ rằng không một lời nào ông có
thể nói lại diễn đạt được điều ông cảm thấy trong lòng. Ông cứ tự chống chế bào chữa cho mình
như thế. “Lẽ ra nàng phải hiểu
không cần mình nói, và với Mary suốt đời mình cũng đã từng nhủ
lòng y như thế. Mình là một tên
vừa hèn vừa ngu. Mình lúc nào
cũng im lặng vì sợ trải lòng mình ra –như một thằng ngốc đầy lỗi
lầm. Mình là một kẻ kiêu hãnh và
hèn nhát.”
“Tối nay mình
sẽ làm. Dẫu có chết mình cũng
phải nói chuyện với con bé.” Ông
nói lớn, đầu ông lại nghĩ về đứa con gái.
“Ông ơi, có
chuyện gì thế?” Anh nông dân đứng đấy tay cầm nón, chờ để nói việc
của mình.
Vị bác sĩ
lấy ngựa từ trại ngựa Barney Smithfield và đánh xe ra miền quê để
chăm sóc vợ người nông dân sắp sửa hạ sanh đứa con đầu lòng. Đó là một người phụ nữ gầy có xương
chậu hẹp, và đứa bé lại to, nhưng vị bác sĩ lại có sức mạnh như
người đang nóng sốt. Ông đỡ đứa bé
ra đời trong tuyệt vọng và người phụ nữ hoảng sợ đang rên rĩ, vật
vã. Chồng cô cứ bước vào rồi lại
đi ra khỏi phòng và hai người phụ nữ hàng xóm đã có mặt, họ đứng
im lặng chờ xem có ai nhờ họ giúp gì không.
Khi mọi việc xong thì đã 10 giờ tối và vị bác sĩ đã sẵn
sàng trở về thị trấn.
Anh nông dân
kéo ngựa đến cửa và vị bác sĩ đánh xe đi mất. Ông cảm thấy mình yếu đi một cách lạ
lùng, nhưng đồng thời lại rất mạnh.
Điều mà ông vẫn chưa làm giờ lại có vẻ đơn giản làm sao! Có lẽ khi ông về đến nhà cô
con đã đi ngủ, nhưng ông sẽ bảo cô thức dậy và đi vào văn phòng của ông. Rồi ông sẽ kể
hết cho cô nghe về cuộc hôn nhân của ông và sự thất bại của cuộc hôn
nhân đó, không cần che dấu sự xấu hổ của mình với con. “Nơi Ellen có cái gì đó rất đẹp, rất
trìu mến và mình phải làm cho Mary hiểu được điều đó. Như vậy sẽ giúp Mary trở thành một
người phụ nữ đẹp,” ông thầm nghĩ, lòng đầy tự tin vào sức mạnh từ
quyết tâm của ông.
Ông về đến cửa
trại ngựa lúc 11 giờ tối, Barney Smithfield, Duke
Yetter và hai người đàn ông khác đang ngồi nói chuyện ở đó. Người chủ trại ngựa dẫn chú ngựa vào
chuồng tối om, còn vị bác sĩ đứng tựa vào tường nhà trong giây lát. Người lính gác đêm cho thị trấn đứng
với đám người đàn ông cạnh cửa trại ngựa. Giữa anh ta và Duke Yetter bỗng lời qua tiếng
lại. Nhưng vị bác sĩ không hề nghe
thấy những lời đốp chát họ nói với nhau, hoặc tiếng Duke cười rú to
trước cơn giận dữ của người lính gác đêm. Ông bỗng thấy mình khựng lại một cách
kỳ lạ. Có một cái gì đó ông tha
thiết muốn làm, nhưng ông không thể nhớ ra. Cái đó có dính líu đến người vợ Ellen
của ông, hay liên quan tới cô con gái Mary của ông?
Hình bóng hai người phụ nữ lại làm đầu óc ông rối lên, và thêm
vào đó còn một hình bóng thứ ba càng làm rối rắm hơn, đó là người
phụ nữ mà ông vừa giúp cho sanh nở.
Mọi thứ đều lộn xộn. Ông
bắt đầu băng qua đường đi về phía lối vào cầu thang dẫn lên văn phòng
của ông, rồi bỗng dừng lại giữa đường, chú mục nhìn quanh quất. Sau khi đã nhốt ngựa vào chuồng, Barney
Smithfield quay trở ra, đóng cửa, và ngọn đèn treo nơi cửa trại ngựa
đu đưa qua lại. Ánh đèn hắt những chiếc
bóng kỳ dị nhảy múa trên gương mặt và hình thù của mấy người đàn
ông đang đứng gây gỗ nhau bên bờ tường trại ngựa.
Mary ngồi cạnh
cửa sổ trong văn phòng của vị bác sĩ, đợi ông về. Cô đăm chiêu suy nghĩ đến nỗi không nghe
cả tiếng của Duke Yetter đang nói với mấy gã đàn ông ngoài phố.
Lúc Duke Yetter
bước ra phố, cơn thịnh nộ hồi chiều tối lại đến với cô, và cô lại
thấy cảnh hắn tiến đến gần cô trong vườn trái cây, mắt lộ vẻ tự tin
đắc thắng của một gã đàn ông, nhưng giờ đây cô đã quên hắn mà chỉ nghĩ
đến cha mình. Một chuyện xảy ra
hồi cô còn nhỏ lại hiện về ám ảnh cô.
Một chiều tháng năm, khi ấy cô 15 tuổi, cha cô bảo cô tháp
tùng ông tối đó đánh xe ra miền quê.
Vị bác sĩ phải đến khám bệnh cho một phụ nữ tại một nông
trại cách thị trấn 5 dặm. Vì trời mưa nhiều nên đường
xá rất khó đi. Trời đã tối hẳn
lúc họ đến nhà bác nông dân, và hai cha con vào bếp ăn hết thức ăn còn
để nơi bàn nhà bếp. Tối đó không hiểu
sao cha cô trông như một cậu bé khá vui tính. Lúc đi trên đường ông có nói chuyện với
cô. Mặc dù ở lứa tuổi mới lớn,
Mary đã khá cao và bắt đầu trỗ mã.
Sau khi dùng bữa ăn tối đã nguội nơi nhà bếp của nông trại, ông
cùng cô đi một vòng quanh căn nhà, và cô ngồi nơi hàng hiên nhỏ hẹp. Cha cô đứng trước mặt cô trong giây
lát. Ông đút tay vào túi quần ,
ngửa đầu ra phía sau và cười thật tự nhiên. Ông nói “Thật lạ khi nghĩ
rằng chẳng bao lâu nữa con sẽ thành phụ nữ. Con sẽ làm gì khi con thành một một cô
gái lớn? Con nghĩ chuyện gì sẽ
xảy ra cho con chứ? Con sẽ sống một
cuộc đời ra sao? Cái gì sẽ xảy ra
với con?”
Vị bác sĩ
ngồi nơi hàng hiên cạnh đứa con, và trong phút chốc cô nghĩ rằng ông
sẽ vòng tay ôm cô. Rồi ông bỗng đứng
lên đi vào trong, bỏ lại cô ngồi đấy một mình trong bóng tối.
(Còn tiếp)