Friday, January 3, 2020

Chương VI- Phần 1i - Văn Học Hiện Đại và Thời Kỳ Thử Nghiệm (1914-1945) :Những Kẻ Đào Tẩu và Phong Cách Phê Bình Mới, Kich Nghệ Hoa Kỳ Thế kỷ 20

Các Trào Lưu Văn Học:  Những Kẻ Đào Tẩu và Phong Cách Phê Bình Mới
Kể từ cuộc Nội chiến sang đến thế kỷ 20 miền nam nước Mỹ vẫn trong tình trạng trì trệ về chính trị và kinh tế, đầy nạn mê tín dị đoan và phân biệt chủng tộc, nhưng đồng thời lại phong phú về lối sống độc đáo của dân bản địa và ý thức mạnh đầy tự hào về truyền thống miền nam của họ.  Có lẽ sẽ thiếu công bằng nếu nói các tiểu bang miền nam nước Mỹ là một vùng sa mạc nghèo nàn về văn hóa, cục bộ và lạc hậu. 
Nghịch lý thay, phong trào văn học địa phương có ý nghĩa nhất vào thế kỷ 20 lại là phong trào của những Kẻ Đào Tẩu/ the Fugitives—đứng đầu là nhà thơ, nhà phê bình và lý thuyết gia John Crowe Ransom, nhà thơ Allen Tate, và tiểu thuyết gia kiêm nhà thơ và nhà nghị luận Robert Penn Warren.  Trường phái văn học miền nam này phản đối các giá trị thương mại của đô thị “miền bắc,” những giá trị mà họ cho là đã tràn lan ở Mỹ.  Những tác giả này kêu gọi người Mỹ hãy quay về với mảnh đất và những truyền thống của nước Mỹ có thể tìm thấy ở miền nam.  Phong trào này lấy tên từ tạp chí văn học Kẻ Đào Tẩu/The Fugitive,* xuất bản từ năm 1922 đến năm 1927 tại Vanderbilt University, thành phố Nashville, tiểu bang Tennessee, nơi mà Ransom, Tate và Warren cùng cộ̣ng tác.
Ba nhà văn nòng cốt của trào lưu Đào Tẩu này cùng phối hợp với phong trào Phê bình Mới**, đây là một cách tiếp cận trong việc tìm hiểu tác phẩm văn học qua việc đọc kỹ tác phẩm và chú ý đến những dạng thức diễn đạt (như hình ảnh, ẩn dụ, âm vận, âm thanh và biểu tượng), cùng các ý nghĩa chúng gợi lên.  Ransom, lý thuyết gia đầu đàn của phong trào phục hưng miền nam giữa hai cuộc chiến đã cho xuất bản quyển sách  Phương Cách Phê Bình Văn Học Mới (1941) bàn về phương cách này, một phương cách phê bình khác với những phương pháp phê bình văn học trước đây từng dựa trên lịch sử và tiểu sử tác giả.  Phương cách phê bình mới này đã thành phương cách phê bình chủ yếu ở Mỹ trong những năm 1940 đến 1950, vì nó rất phù hợp với những nhà văn hiện đại như Eliot, và có thể thấm nhuần học thuyết của Freud (đặc biệt là sự phân tích tâm lý con người của học thuyết này như id/tôi, ego/tự ngã và superego/siêu ngã), và những cách tiếp cận dựa trên các khuôn mẫu mang tính huyền thoại.
Kịch Nghệ Hoa Kỳ Thế Kỷ 20 
Sang thế kỷ 20, nền kịch nghệ của Mỹ vẫn còn phỏng theo nghệ thuật sân khấu của Anh và Âu châu.  Những vở kịch Anh hoặc kịch  dịch từ các ngôn ngữ Âu châu thường được biểu diễn vào thời điểm khán giả thường đi xem kịch ở Mỹ.  Luật bản quyền không đủ để bảo vệ và hỗ trợ cho các nhà  soạn kịch người Mỹ, và có phương hại đến kịch bản gốc chân chính.  “Hệ thống minh tinh” cũng vậy, chỉ có nam nữ diễn viên được ca ngợi nhiều nhất, còn kịch bản thì không.  Người Mỹ đổ xô đi xem các diễn viên Âu châu đến Mỹ trình diễn.  Hơn nữa, những vở kịch du nhập từ nước ngoài vào, giống như rượu vang nhập cảng, được quý chuộng hơn các kịch trong nước.

Suốt thế kỷ 19 các vở kịch nhiều tình tiết ướt át*** (melodrama) với những nhân vật gương mẫu có chủ trương dân chủ, nói lên sự tương phản rõ rệt giữa cái thiện và cái ác khá được ưa chuộng.  Những vở kịch về các vấn đề xã hội, như nạn nô lệ da đen, cũng thu hút nhiều khán giả.  Đôi khi các vở kịch đó được dựng lên từ tiểu thuyết, như quyển Căn Lều Của Chú Tom.  Mãi đến thế kỷ 20 mới có những vở kịch nghiêm túc đề xướng những ý tưởng thẩm mỹ mới.  Tuy nhiên, văn hóa quần chúng cũng có những phát triển rất quan trọng, đặc biệt là hình thái đại nhạc hội (vaudeville: sân khấu tạp lục cho quần chúng bao gồm các màn hoạt cảnh, hài hước với anh hề, ca nhac, v.v…).  Những tiết mục ca sĩ da đen hát dân ca, biểu diễn theo phong cách của họ, hoặc do người da trắng hóa trang làm người da đen, có hình thức và cách diễn tả độc đáo riêng.

Eugene O’Neill (1888-1953) 
Eugene O’Neill là nhà soạn kịch vĩ đại của nền kịch nghệ Mỹ.  Nhiều vở kịch của ông là kết hợp xuất sắc giữa nét độc đáo về kỹ thuật sân khấu với nhãn quan tươi mới và chiều sâu cảm xúc.  Những vở kịch đầu tay của ông quan tâm đến tầng lớp lao động và người nghèo; những vở về sau đào sâu vào thế giới chủ quan nhiều hơn, như sự dằn vặt, tính dục, nhấn mạnh những gì ông đọc được từ Freud, chúng bộc lộ nỗi đau đớn to lớn mà ông phải chịu đựng trước cái chết của cha mẹ và người anh trai.  Vở Nỗi Khát Khao Dưới Hàng Cây Du/Desire Under the Elms (1924) của ông tái hiện lại những đam mê được dấu kín trong một gia đình.  Vở Thánh Brown Vĩ Đại/The Great God Brown (1926) hé lộ vùng vô thức của một thương nhân giàu có, và vở Giờ Nghỉ Giải Lao Kỳ Lạ/Strange Interlude (1928), đoạt giải Pulitzer, nói về mối tình phức tạp của một người đàn bà.  Những vở kịch táo bạo này phơi bày những nhân cách khác nhau, quay về với những cảm xúc chơn chất đơn sơ hoặc phức tạp do quá nhiều căng thẳng.


O’Neill tiếp tục đi sâu tìm hiểu các áp lực tâm lý kiểu Freud về tình yêu và quyền lực ảnh hưởng trong gia đình qua chùm kịch gồm ba vở tựa đề Khóc Thương Trở Thành Electra/Mourning Becomes Electra**** (1931), dựa vào ba vở kịch cổ điển tựa đề Oedipus của Sophocles.  Những vở kic̣h về sau của ông gồm những vở được nhỉn nhận là kiệt tác như Người Bán Nước Đá Đã Đến/The Iceman Cometh (1946), một vở kịch nói thẳng về sự chết, và Chuyến Đi Cả Ngày Dài Lê Thê Vào Đêm Tối/Long Day’s Journey Into Night (1956), một vở tự truyện dưới dạng kịch táo bạo và dài, tập trung nói về gia đình của tác giả, và sự sa sút về thể xác và tâm lý của người trong gia đình xảy ra chỉ qua một đêm.  Vở này là một trong loạt kịch O’Neill sáng tác trước khi ông qua đời.
O’Neill đã định nghĩa lại kịch nghệ bằng cách loại bỏ sự phân chia kịch thành hồi và màn.  Giờ Nghỉ Giải Lao Kỳ Lạ/Strange Interlude có chín hồi, và vở Khóc Thương Trở Thành Electra/Mourning Becomes Electra kéo dài 9 giờ; sử dụng mặt nạ như trong kịch Á đông và cổ Hy lap, lồng vào những đoạn độc thoại như kịch Shakespear và những lời hát đồng ca kiểu kịch Hy lap; ông cũng sử dụng ánh sáng và âm thanh để tạo hiệu ứng đặc biệt.  Ông được xem là nhà soạn kịch hàng đầu của nền kịch nghệ Mỹ.  Năm 1936 ông được giải Nobel văn chương và là nhà soạn kịch người Mỹ đầu tiên có được vinh dự ấy. 
Thornton Wilder (1897-1975)
Thornton Wilder được biết đến qua các vở kịch như Thị Trấn Của Chúng Ta/Our Town (1938), và Da Của Răng/The Skin of Our Teeth (1942), và quyển tiểu thuyết Cây Cầu San Luis Rey/The Bridge of San Luis Rey (1927).
Thị Trấn Của Chúng Ta/Our Town chứa đựng những giá trị tích cực của Mỹ.  Vở kịch chứa đầy đủ các yếu tố tình cảm ướt át và niềm hoài vọng –một thị trấn nhỏ truyền thống điển hình, cha mẹ nhân từ, những đứa con tinh nghịch, những đôi nhân tình trẻ.  Tuy vậy, những yếu tố sáng tạo mới mẻ như bóng ma, giọng nói vang từ phía khán giả, và sự thay đổi táo bạo về thời gian khiến vở kịch có sức thu hút người xem.  Xét về mặt ảnh hưởng đối với khán giả, vở kịch về căn bản nói về sống chết, trong đó người chết được tái sanh lại, ít nhất là trong giây lát.

Clifford Odets (1906-1963)
Clifford Odets, một nhà soạn kịch chuyên viết kịch xã hội, gốc người Do Thái nhập cư từ Đông Âu.  Lớn lên tại thành phố New York, ông trở thành diễn viên trong Nhóm Kịch (the Group Theater) của đạo diễn Harold Clurman, Lee Strasberg, Cheryl Crawford, nhóm này chuyên diễn các vở kịch bản xứ của Mỹ.
Vở kịch nổi tiếng nhất của Odets là Chờ Lefty/Waiting for Lefty (1935), chỉ có một hồi, hết lòng cỗ vũ cho nghiệp đoàn công nhân.  Vở kịch Hãy Thức Dậy Và Hát!/Awake and Sing! của ông, nói về tính hoài cổ hướng về gia đình, cũng là một vở thành công và được khán giả ái mộ, tiếp theo là vở Cậu Bé Bằng Vàng/Golden Boy, nói về một thanh niên di dân người Ý ̣đã làm hư hoại tài năng âm nhạc của mình (cậu bé chơi đàn violin), khi bị đồng tiền dụ dỗ trở thành võ sĩ quyền anh và bị thương đôi tay.  Giống như vở Gatsby Vĩ Đại/The Great Gatsby của Fitzgerald và vở Bi Kịch Nước Mỹ/An American Tragedy của Drieser, vở kịch này là lời cảnh báo về tham vọng và khuynh hướng chạy theo vật chất thái quá.

---

*Kẻ Đào Tẩu/The Fugitive


**Phong Cách Phê Bình [Văn Học] Mới/The New Criticism


Lý thuyết phê bình mới đã thống lĩnh tư tưởng trong văn học Mỹ suốt những năm giữa thế kỷ 20, nhấn mạnh việc bám sát tác phẩm, và phê bình dựa vào chính văn bản, hơn là thiên kiến hoặc lịch sử không căn cứ trên văn bản.  Trong bài nghị luận 1937 tiên phong có tựa đề "Công ty Phê Bình" Ransom đề ra hình thức phê bình văn học lý tưởng như sau: "phê bình phải khoa học hơn, hoặc là phải chính xác và có hệ thống hơn."  Ông lập luận rằng để đạt mục tiêu này, phản hồi của riêng từng người về văn chương, sự hiểu biết uyên bác về mặt lịch sử và ngôn ngữ, và cái ông gọi là "nghiên cứu về mặt đạo đức" không nên ảnh hưởng đến việc phê bình văn học.  Ông cũng lý luận rằng các nhà phê bình văn học nên xem một bài thơ như một đối tượng thẩm mỹ.  Nhiều tư tưởng ông giải thích trong bài nghị luận này trở nên rất quan trọng đối với việc phát triển của phong cách phê bình mới.   "Công ty Phê Bình" và một số bài nghị luận lý thuyết khác đã nêu ra một số nguyên tắc chủ đạo mà từ đó các nhà phê bình văn học mới tiếp tục phát triển thêm. Tuy thế, những học trò ban đầu của ông, nhất là Allen Tate, Cleanth Brooks, và Robert Penn Warren, đã đóng góp rất nhiều vào việc phát triển các khái niệm chính yếu (chẳng hạn như "bám sát tác phẩm") mà sau này giúp minh định phong cách phê bình mới.
The New Critical theory, which dominated American literary thought throughout the middle 20th century, emphasized close reading, and criticism based on the texts themselves rather than on non-textual bias or non-textual history. In his seminal 1937 essay, "Criticism, Inc." Ransom laid out his ideal form of literary criticism stating that, "criticism must become more scientific, or precise and systematic." To this end, he argued that personal responses to literature, historical scholarship, linguistic scholarship, and what he termed "moral studies" should not influence literary criticism. He also argued that literary critics should regard a poem as an aesthetic object.[15] Many of the ideas he explained in this essay would become very important in the development of The New Criticism. "Criticism, Inc." and a number of Ransom's other theoretical essays set forth some of the guiding principles that the New Critics would build upon. Still, his former students, specifically Allen Tate, Cleanth Brooks, and Robert Penn Warren, had a greater hand in developing many of the key concepts (like "close reading") that later came to define the New Criticism.

***Melodrama
Lối diễn xuất phù hợp cho kịch là giống như thật, trong khi diễn xuất trong các vở kịch melodrama ̣(ướt át) là phải náo động, ướt át ủy mị.  Từ melodrama và melodramatic chính xác hơn chữ drama và dramatic khi muốn diễn tả việc bộc lộ xúc cảm thái quá.
The acting style appropriate to a drama is realistic, whereas the acting in a melodrama is bombastic or excessively sentimental. ... The words melodrama and melodramatic are more precise choices than drama and dramatic to describe an excessive display of emotion.

****Electra: nhân vật chính trong bi kịch cổ điển Hy lạp của Sophocles và Euripides.

Theo tâm lý học Freud cách tân, mặc cảm Electra, do Carl Jung đề xướng trong học thuyết phântâm học, là sự ganh đua về mặt tâm lý tính dục với mẹ mình của một người con gái nhằm chiếm đạt [được tình cảm của] người cha.
In Neo-Freudian psychology, the Electra complex, as proposed by Carl Jung in his Theory of Psychoanalysis, is a girl's psychosexual competition with her mother for possession of her father.

 
                                                          Hết Chương VI