Thời Kỳ Lãng Mạn 1820-1860: Tiểu Thuyết
Walt Whitman, Nathaniel Hawthorne, Herman Melville, Edgar Allan
Poe, Emily Dickinson và những nhà Siêu nghiệm luận là đại diện cho thế hệ văn
học lớn đầu tiên hình thành ở Mỹ. Trường
hợp các tiểu thuyết gia, cái nhìn lãng mạn thường diễn đạt dưới hình thái mà
Hawthorne gọi là “tiểu thuyết lãng mạn,”một dạng tiểu thuyết đầy tình tiết,
giàu cảm xúc, và mang tính tượng trưng. Tiểu thuyết lãng mạn không phải loại chuyện
diễm tình mà là tiểu thuyết nghiêm túc trong đó tác giả sử dụng các kỹ thuật đặc
biệt để truyền đạt những ý nghĩa phức tạp, tinh tế.
Thay vì mô tả các nhân vật hiện thực với đầy đủ chi tiết như
các nhà văn Anh hay Tây Âu, Hawthorne, Melville, và Poe đã xây dựng nhân vật
chính trong tiểu thuyết của mình bao trùm lên toàn bộ cuộc đời, và chất chứa đầy ý nghĩa
huyền thoại. Các nhân vật chính trong
tiểu thuyết lãng mạn Mỹ thường bị ám ảnh, dằn vặt và xa lạ với mọi người. Arthur Dimmesdale hay Hester Prynne trong tiểu thuyết Vết Chữ Đỏ của Hawthorne, Ahab trong Moby Dick của Melville, cùng các nhân vật lạc loài và bị hôn ám triền miên trong truyện ngắn của Poe đều là những nhân vật chính cô đơn bị xô đẩy vào số phận tăm tối không lường trước được, một số phận sinh ra thật bí ẩn tận trong vô thức sâu thẳm nhất của chính nhân vật. Cốt truyện mang tính biểu trưng cho ta thấy các diễn tiến ngấm ngầm bên trong một não trạng thống khổ.
Một lý do khiến tiểu thuyết Mỹ đi sâu vào việc khám phá những ngõ ngách ẩn khuất của tâm hồn là vì ở Mỹ thiếu vắng đời sống cộng đồng truyền thống định cư ổn định. Các tiểu thuyết gia người Anh như Jane Austen, Charles
Dickens (đại văn hào được nhiều người yêu thích nhất), Anthony Trollope, George
Eliot, William Thackeray, sống trong một xã hội truyền thống, phức tạp, đâu ra đó, và họ chia xẻ cùng đọc giả thái độ đã cung cấp thông tin cho tác phẩm hiện
thực của mình. Các tiểu thuyết gia Mỹ phải đối mặt với một
lịch sử đầy những xung đột và cách mạng, một vùng địa lý rộng lớn hoang dã, và một xã
hội dân chủ năng động, hầu như không có giai cấp rõ rệt. Tiểu thuyết Mỹ thường cho ta thấy sự vắng
mặt của truyền thống mang tính cách mạng. Nhiều tiểu thuyết Anh có nhân vật chính là
một người nghèo vươn lên nấc thang kinh tế xã hội, có thể nhờ một cuộc hôn nhân
tốt đẹp, cũng có thể do khám phá ra nguồn gốc quý tộc bí ẩn của mình. Những câu chuyện bí ẩn như thế không hề
thách thức cơ cấu xã hội quý tộc Anh, ngược lại nó còn khẳng định thêm xã hội ấy. Sự thăng tiến của nhân vật chính làm
thỏa mãn mơ ước được thành đạt của độc giả, phần lớn thuộc giới trung lưu.
Ngược lại tiểu thuyết gia Mỹ phải dựa vào những gì họ có. Một mặt, nước Mỹ khi ấy là một nước
biên cương chưa định hình rõ rệt, với biên địa thường xuyên bành trướng, gồm các nhóm di dân
nói tiếng ngoại quốc và họ có lối sống quê kệch, lạ lùng riêng. Do đó nhân vật chính trong văn học Mỹ có thể thấy mình đơn độc giữa những bộ lạc ăn thịt người, như trong truyện Typee
của Melville, hoặc nhân vật ấy đi thám hiểm vùng đất hoang dã như trong quyển Leatherstockings của James Fenimore
Cooper, hoặc chứng kiến những cảnh cô đơn từ nhà mồ, như các nhân vật đơn độc của Poe, hay gặp quỷ đi trong rừng, như nhân vật Young Goodman Brown của Hawthorne. Hầu hết các nhân vật chính nổi
tiếng trong tiểu thuyết Mỹ đều là “những người cô đơn.” Con người cá nhân dân chủ Mỹ phải tự tạo dựng
mình lên, nếu quả có một con người như thế.
Tiểu thuyết gia nghiêm túc cũng phải tự tạo ra các thể loại
mới – tự do mới có hình thái lập dị dàn trải rộng lớn như quyển tiểu thuyết Moby Dick của Melville hay quyển Truyện
Kể Về Arthur Gordon Pym mơ màng
tản mạn của Poe. Ít có tiểu thuyết Mỹ nào đạt được sự hoàn hảo quy ước, ngay cả đến ngày nay cũng vậy. Thay vì vay mượn những phương pháp văn học đã
từng được thử nghiệm, người Mỹ có khuynh hướng tạo ra những kỹ thuật mới mẻ đầy
sáng tạo. Ở Mỹ nếu chỉ là một đơn vị xã
hội theo truyền thống rõ ràng vẫn chưa đủ, bởi vì cái xưa cũ và
truyền thống đã bị bỏ lại đằng sau từ lâu rồi; ch́inh lực lượng mới mẻ đầy sáng tạo
mới khiến người ta chú ý đến.
Tiểu Thuyết Lãng Mạn
Loạ̣i tiểu thuyết lãng mạn u ám và kinh dị cho ta thấy rất khó tạo được danh tính riêng nếu không có một xã hội ổn định. Kết thúc
chuyện hầu hết các nhân vật chính trong tiểu thuyết lãng mạn đều chết. Trong Moby
Dick tất cả thủy thủ ngoại trừ Ismael, đều bị chết chìm, và vị giáo sĩ đa cảm
nhưng tội lỗi Arthur Dimmesdale cũng chết cuối tác phẩm Vết Chữ Đỏ (The Scarlet Letter). Trong
văn học Mỹ, tiếng nhạc bi tráng, tự chia chẻ đã ngự trị trong các
tiểu thuyết, ngay trước khi cuộc Nội chiến của những năm 1860 thể hiện bi
kịch xã hội còn lớn hơn cả cuộc chiến, đó là bi kịch của một xã
hội đầy những xung đột bên trong.
Nathaniel Hawthorne
(1804-1864)
Nathaniel Hawthorne, một người Mỹ thế hệ thứ năm gốc người
Anh, sinh ra tại Salem, Massachusetts, một thành phố cảng giàu có chuyên buôn
bán với Ấn độ. Từ thế kỷ trước một
người trong tổ tiên của ông đã từng là quan tòa tại làng Salem xét xử những người
phụ nữ bị buộc tội là phù thủy.
Hawthorne đã dùng ý tưởng về lời nguyền rủa của gia tộc mình về một quan tòa tàn ác để viết lên tác phẩm Ngôi
Nhà Có Bảy Đầu Hồi.
Nhiều truyện của Hawthorne có bối cảnh là vùng New England
thời Thanh giáo (Puritan), và tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, Vết Chữ Đỏ (1850), là bức tranh mô tả cổ điển nước Mỹ Thanh giáo. Truyện kể về mối tình tha thiết nhưng bị xã hội ngăn
cấm giữa một người đàn ông trẻ đa cảm, giáo sĩ Arthur Dimmesdale, với một phụ nữ trong làng xinh đẹp tên Hester Prynne.
Bối cảnh là miền Boston năm 1650, thời kỳ thuôc địa Mỹ mới thành lập, quyển
tiểu thuyết làm nổi cộm sự tôn thờ thái quá học thuyết của Calvin (Calvinism) về mặt đạo đức, đè nén tình dục, mặc cảm tội lỗi và việc tự thú nhận tội dể được cứu chuộc tâm
linh.
Vào thời ấy, tác phẩm Vết Chữ Đỏ là một quyển truyện táo bạo dám đả phá truyền thống. Văn phong nhẹ
nhàng, bối cảnh lịch sử của thời xa xưa, và cách diễn tả ẩn dụ mơ hồ đã làm dịu bớt đi chủ đề bi thương của truyện, khiến người đọc thích, nhưng những nhà văn
phức tạp như Ralph Waldo Emerson và Herman Melville đã nhận thấy được sức mạnh “địa
ngục” của tác phẩm này. Nó dám đề cập những
vấn đề thường thường không ai dám nói đến ở Mỹ vào thế kỷ 19, chẳng hạn nói về tác động của trải nghiệm dân chủ khai phóng mới mẻ lên hành vi cá nhân, nhất là về mặt tự do
tính dục và tôn giáo.
Quyển sách có bố cục xuất sắc và văn chương tuyệt vời, sử
dụng hình tượng ẩn dụ phù hợp, một văn thuật mà chính những người thực dân theo
phái Thanh giáo thời kỳ đầu lập quốc từng cố gắng áp dụng.
Danh tiếng của Hawthorne còn được biết đến qua các tiểu
thuyết và truyện ngắn khác. Trong
tác phẩm Ngôi Nhà Có Bảy Đầu Hồi (1851)
một lần nữa Hawthorne bàn đến chủ đề lịch sử vùng New England. Sự “suy sụp”
của ngôi nhà nói đến sự tàn lụi của một gia đình cũng như chính cái nha. Đề tài của tiểu thuyết liên quan đến một lời
nguyền rủa có từ đời cha ông để lại cho con cháu và việc thoát ly được khỏi lời nguyền ấy bằng tình thương. Như một nhà phê bình đã nhận xét, nhân vật chính giàu lý tưởng
Holgrave đã nói lên rằng với cái nhìn dân chủ Hawthorne đã mất tin tưởng vào các gia đình quý tộc thời xưa: “Sự
thật là, ít nhất 50 năm một lần, một gia đình nên hòa nhập vào đại đa số vô danh trong toàn bộ nhân loại, và nên quên đi tổ tiên dòng họ của mình.”
Hai quyển tiểu thuyết cuối cùng của Hawthorne ít thành công
hơn. Cả hai đều có bối cảnh hiện đại, khiến cho tính cách huyền bí của tiểu thuyết lãng mạn khó phát triển được.
Chuyện Tình Blithedale
(1852) khá thú vị vì nó mô tả cộng đồng ở nông trại Brook, một cộng đồng có
tính xã hội không tưởng. Trong
truyện này Hawthorne phê phán những nhà cải cách xã hội đầy tham vọng quyền
lực, tự kiêu tự đại mà trong thâm tâm họ không phải là những nhà dân chủ chân
chính. Tượng Đầu Người Mình Dê Bằng Cẩm Thạch
(1860), mặc dù có bối cảnh là Rome, lại bàn về chủ đề tội lỗi, cô đơn, chuộc
lại lỗi lầm, và được cứu rỗi theo kiểu Thanh giáo.
Những chủ đề này cùng bối cảnh đặc thù ở vùng New England
theo Thanh giáo thời Mỹ còn là thuộc địa của Anh là dấu ấn của nhiều truyện
ngắn nổi tiếng nhất của Hawthorne: “Cái mạng che màu đen của vị giáo sĩ,” “Chàng
trẻ tuổi Goodman Brown,” “Thiếu tá Molineax, người bà con của tôi.” Trong truyện cuối cùng, một người thanh niên
ngây ngô từ miền quê lên thành –một việc thường xảy ra ở Mỹ trong thời đô
thị hóa vào thế kỷ 19 để nhờ một người bà còn quyền thế mà anh ta chưa bao
giờ gặp giúp đỡ. Robin gặp nhiều khó khăn
khi đi tìm vị thiếu tá ấy. Cuối cùng vào một đêm nọ anh
ta tham dự vào một vụ xô xát rất khác thường: dân chúng đang bêu rêu chế riễu một tên đàn ông hình như đã phạm tội rất nhục nhã, và tìm cách đuổi cổ hắn ra khỏi thành phố một cách tàn bạo. Robin đã cười nhạo to hơn ai hết cho đến khi anh
nhận ra rằng “tên tội phạm “ ấy chẳng ai khác hơn là người anh đang tìm kiếm, ông ta là đại diện cho người Anh nên đã bị đám đông quần chúng cách mạng Mỹ tước quyền chức. Câu chuyện khẳng định có sự gắn bó chặt chẽ giữa tội lỗi và đau
khổ mà mọi người đều nếm trải. Nó
cũng nhấn mạnh chủ đề người tự lập thân. Như những người Mỹ dân chủ khác, Robin phải học cách vươn lên
bằng chính sức lao động cần cù của mình, không phải bằng cách nương nhờ vào lòng ưu ái
của người giàu có trong họ hàng.
“Thiếu tá Molineax, người bà con của tôi” phản ánh một trong những yếu tố độc đáo nhất
trong truyện của Hawthorne: sự vắng mặt đời sống gia đình bình thường trong các tác phẩm của ông. Trong khi Các
Câu Chuyện Đựng Trong Vớ Da của Cooper cố gắng đưa đời sống gia đình vào
miền đất ít hoang dã nhất của Mỹ, truyện ngắn và tiểu thuyết của Hawthorne thường cho ta thấy các gia đình tan vỡ, bị nguyền rủa, sống gượng gạo cùng nỗi đau khổ
của những con người cô đơn.
Tư tưởng cách mạng cũng có thể đã góp phần vào việc ca ngợi
ý thức tự do đầy tự hào nhưng lại cách biệt con người.
Cuộc Cách mạng Mỹ, theo cách nhìn tâm lý lịch sử, cũng tương tự như cuộc
nổi loạn của một thanh niên mới lớn chống đối lại cha mẹ mẫu quốc Anh và đại gia đình Đế chế Anh. Người Mỹ đã
dành được độc lập, nhưng rồi họ lại bối rối vì phải đối đầu với
tình trạng nan giải khi định hình một danh tính cho riêng mình, tách biệt khỏi thế lực xưa. Tình hình này cứ diễn đi diễn lại nơi vùng
biên cương, đến mức trong tiểu thuyết Mỹ, sự trơ trọi cô đơn có vẻ như là điều kiện sống vốn có của người Mỹ. Thanh
giáo và Tin lành, một tôn giáo khởi sinh từ Thanh giáo, có thể cũng đã làm yếu đi đơn vị gia đình khi rao giảng rằng trách nhiệm tiên quyết của mỗi người là
tự cứu lấy linh hồn của chính mình.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.