Saturday, April 10, 2021

Kịch Nghệ Hoa kỳ --Phần 1

Sau Thế chiến thứ nhất những vở nhạc kịch được yêu thích và có doanh thu cao đã ngự trị sân khấu Broadway. Sân khấu nghiêm túc trang trọ̣ng rút lui lại thành sân khấu nhỏ và ít tốn kém, "xa khỏi Broadway" và nầm ngoài thành phố New York.
Sau Thế chiến thứ hai tình trạng này lại tái diễn.  Kịch nghệ Mỹ suy thoái vào những năm 1950, và bị bó thúc ởi cuộc Chiến tranh lạnh cùng chủ nghĩa McCarthy. Năng lượng của những thập niên 1960 đã giúp phục hồi kịch nghệ.  Phong trào "rời xa Broadway" mở ra một hướng đi mới cho kịch nghệ quần chúng mang tính thương mại.
Nhiều nhà soạn kịch lớn sau năm 1960 viết kịch cho các sân khấu nhỏ.  Thoát ra khỏi nhu cầu phải kiếm thật nhiều tiền để trả cho các hí viện đắt tiền, họ lấy cảm hứng mới từ chủ nghĩa hiện sinh Âu châu và từ cái gọi là Nhà Hát Kỳ Lạ/Theater of the Absurd liên quan đến các nhà soạn kịch Âu châu như
Samuel Beckett, Jean Genet, và Eugene Ionesco, hoặc Harold Pinter.  Những nhà soạn kịch hay nhất trở thành người đề xướng cái mới lạ, siêu thực, từ bỏ sân khấu hiện thực nhằm tấn công vào các ước lệ xã hội hời hợt, nông cạn.
Edward Albee (1928- )
  Nhà soạn kịch có ảnh hưởng nhiều nhất vào những năm đầu thập niên 1960 là Edward Albee, con nuôi của một gia đình giàu có sở hữu các hí viện đại nhạc hội và có bạn bè nằm trong giới kịch sĩ.  Giúp giới thiệu kịch kỳ quái Âu châu, Albee đã tích cực góp phần đưa các trào lưu Âu châu mới lạ vào nền kịch nghệ Mỹ.  Trong vở Giấc Mơ Nước Mỹ/The American Dream (1960), những nhân vật phác họa đơn giản trong vai Mẹ, Cha, Ba lập lại những câu sáo mòn để chế riễu một gia đình kiểu nô lệ, không có tình yêu thương thật sự.
Đánh mất danh tính và những cuộc đấu tranh giành giựt quyền hành nhằm lấp đầy khoảng trống đã đưa kịch của Albee lên tầm cao, như trong vở Ai Sợ Virginia Woof?/Who’s Afraid of Virginia Woolf? (l962). Trong vở kịch gây nhiều tranh cãi này, về sau được chuyển thành phim do Elizabeth Taylor và Richard Burton đóng, một đôi vợ chồng không hạnh phúc chia sẻ những điều họ tưởng tượng -- chẳng hạn có với nhau một đứa con và sống một đời có ý nghĩa-- được vạch trần một cách thô bạo cho độc giả thấy chúng không thật.
Albee tiếp tục cho ra đời nhiều vở kịch nổi tiếng qua nhiều thập niên, gồm có vở Bé Alice Tí Hon/Tiny Alice (l964); Một Sự Cân Bằng Tinh Tế/A Delicate Balance (l966); Cảnh Miền Biển/Seascape (l975); Trò Chơi Hôn Nhân/Marriage Play (1987); và Ba Người Phụ Nữ Cao/Three Tall Women (1991), tất cả đều nói về một nhân vật chính giống như bà mẹ nuôi độc đoán của Albee, trải qua ba giai đoạn trong đời.
Amiri Baraka (1934-)
Nhà thơ Amiri Baraka, được biết đến qua những bài thơ dịu dàng, mang âm hưởng văn nói, gần giống nhạc jazz ngẫu hứng, đã chuyển sang soạn kịch vào thập niên 1960.  Luôn luôn đi tìm kiếm chính mình, Baraka đã đổi tên nhiều lần trong khi ông tìm cách minh định danh xưng của mình là người da đen.  Thời trẻ Baraka đã thử tìm kiếm nhiều hướng đi cho đời mình sau khi học chưa xong đại học Howard, và ông đã bị trục xuất khỏi lực lượng không quân Hoa kỳ vì bị tình nghi có liên hệ với đảng Cộng sản.  Trong những năm ấy ông bắt đầu theo nghề viết văn.  
Vào thập niên 1960, Baraka sống ở làng Greenwich, thành phố New York.  Ở đây ông quen biết nhiều nghệ sĩ và nhà văn, trong số đó có Frank O’Hara và Allen Ginsberg.   
Năm 1965 Baraka bắt đầu lập ra Đoàn Kịch Da Đen ở Harlem.  Ông mô tả cái nhìn của những người da đen có tinh thần quốc gia về nạn kỳ thị sắc tộc qua các vở kịch làm nhiều người phải ái ngại như vở Dutchman (1964).  Trong vở này một người đàn bà da trắng đã đùa cợt với một thanh niên da đen và cuối cùng giết chết anh ta trên chuyến tàu điện ngầm ở thành phố New York.  Nửa đầu vở kịch rạng ngời những đoạn đối thoại thông minh cùng việc xây dựng nhân vật tinh tế.  Kết thúc của kịch khiến người xem bàng hoàng và vở kịch có thể bị cho là giống kiểu kịch kích động khi gợi lên hiểu lầm về chủng tộc và biến nhân vật chính là một thanh niên da đen trở thành nạn nhân.
Sam Shepard (1943- ) 

Diễn viên và kịch tác gia Sam Shepard suốt thời thơ ấu của mình đã cùng gia đình theo cha vốn là phi công trong Thế chiến thứ hai, dọn đi từ căn cứ quân sự này đến căn cứ quân sự khác.  Khi lên mưười mấy tuổi ông sống ở một thôn trang tại vùng sa mạc hoang vu phía đông Los Angeles, California.  Lúc học trung học, Shepard tìm thấy niềm an ủi từ các nhà thơ Beats; ông học đánh trống theo kiểu nhạc jazz, và về sau ông chơi trong một ban nhạc rock.  Năm 1964 Shepard cho ra đời những vở kịch đầu tiên của ông, vở Những Kẻ Chăn Bò/Cowboys và Khu Vườn Đá/The Rock Garden.  Những vở này giúp định hình các sáng tác chín muồi sau đó của ông trong việc sử dụng mô típ và chủ đề cạnh tranh giữa phái nam kiểu Tây phương.

Trong số gần 50 sáng tác cho sân khấu và điện ảnh của Shepard, có ba vở liên hệ nhau được ái mộ nhất nói lên tình yêu và bạo lực trong gia đình: Lời Nguyền Rủa Của Giai Cấp Đói Khổ/The Curse of the Starving Class (1976), Đứa Trẻ Bị Chôn/ Buried Child (1978), và Miền Tây Thực Sự/True West (1980), vở kịch hay nhất của ông.  Trong vở True West, hai anh em trung niên, một nhà văn viết chuyện phim có học thức và một tên du thủ du thực, tranh nhau viết một vở kịch cao bồi miền Tây nói lên cuộc sống thực cho một nhà sản xuất phim giàu có sống trong thành phố. Mỗi người nghĩ rằng mình cần cái người kia có –thành công, tự do – hai anh em đổi vị trí nhau trong một không khí đầy bạo lực do rượu kích động.  Vở kịch ghi nhận mối quan tâm của Shepard về việc đánh mất tự do, bản sắc và độc lập trong cuộc sống Mỹ.  Vở kịch đưa lên sân khấu miền biên cương đang biến mất dần (kẻ du thủ du thực) và óc tưởng tượng của Mỹ (nhà văn), bị chiêu dụ bởi đồng tiền, truyền thông, và các thế lực thương mại, được hình tượng hóa qua nhân vật nhà sản xuất phim.

Khi viết kịch, Shepard cố gắng tái tạo lại một vùng tự do bằng cách cho phép nhân vật của mình hành động một cách tự phát, bất ngờ, không tiên đoán được, và đôi khi đi ngược logic.  Thí dụ nổi tiếng nhất đến từ vở Miền Tây Thực Sự/True West.  Trong một cử chỉ nhằm nói lên sự tự do bất chấp luật pháp, nhà văn điên khùng đã đánh cắp vô số máy nướng lát bánh mì. Hoàn toàn phi hiện thực nhưng thật kỳ đặc, về mặt xúc cảm, nhưng có thể tin được, màn kịch có tác động như một vở hài kịch, một tấn tuồng thật dị hơm và đầy mỉa mai.  

Shepard đã để nhân vật dẫn dắt ông viết, thay vì bắt đầu với một cốt truyện đã sắp đặt trước, kịch của ông thật tươi mới y như cuộc sống.  Vẻ siêu thực và tính thử nghiệm đã liên kết ông với Edward Albee, nhưng kịch của Shepard sát thực tế và vui nhộn hơn, các nhân vật cũng giống thực hơn.  Các vở kịch này đều chứa đựng ý thức can trường của bờ Tây Hoa kỳ và đều có lời bình về cách Mỹ sử dụng các mô típ phong cảnh, bối cảnh và văn cảnh cụ thể.

David Mamet (1947- )

Có tầm vóc quan trọng ngang với Shepard là nhà soạn kịch David Mamet, lớn lên từ thành phố Chicago, có cách viết chịu ảnh hưởng bởi phương pháp diễn xuất của Stanislavski, một phương pháp đã chỉ ra cho ông thấy rằng cách “chúng ta dùng ngôn ngữ... quyết định hành vi của chúng ta hơn là ngược lại.” Việc ông nhấn mạnh ngôn ngữ không phải như phương tiện giao tiếp, mà như một vũ khí, một lối trốn tránh và gây ảnh hưởng lên thực tại đã khiến Mamet mang tính bén nhạy hậu hiện đại đương thời.

Những vở kịch tác động mạnh mẽ của Mamet gồm Bò Rừng Mỹ/American Buffalo (1975), một vở kịch  hai màn với ngôn ngữ ngày càng thêm hung bạo về một tên nghiện ngập,một tiệm bán phế liệu, và một vụ trộm; và vở Speed-the-Plow (1987).  Vở Glengarry Glen Ross (1982) được tán dương và thường được in trong các tập văn tuyển, nói về những nhà mua bán địa ốc, được chuyển thể thành cuốn phim nổi tiếng vào năm 1992 do các tài tử thượng thặng đóng.  Giống như phần lớn các tác phẩm của Mamet,  vở kịch này cho thấy ông dằn vặt nhiều trước một số các vấn đề không giải quyết được của nước Mỹ –ở đây, như một kịch bản mới từ vở Cái Chết Của Người Bán Hàng/Death of a Salesman của Arthur Miller, người ta thấy nhu cầu về nhân phẩm và công ăn việc làm, nhất là đối với những người thợ già; sự cạnh tranh giữa thế hệ già và thế hệ trẻ nơi làm việc; việc quá tập trung chú trọng đến lợi nhuận bất kể phúc lợi cho công nhân; và –bao trùm lên tất cả –là bầu không khí cạnh tranh soi mòn kéo dài đến độ con người bị hà hiếp.

Vở Oleanna (1991) của Mamet mổ xẻ hữu hiệu việc khuấy nhiễu tình dục tại một trường đại học.  Vở Cryptogram (1994) đưa lên sân khấu cái nhìn kinh hoàng của một đứa bé về đời sống gia đình.  Những vở kịch ông sáng tác mới đây gồm Xóm Xưa (1991) và Đám Cưới Boston (1999)

    

 


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.