Giải Nobel Văn chương 1962 được trao cho toàn sự nghiệp của
John Steinbeck; nhà văn Mỹ thứ 6 được giải Nobel tiếp theo sau Ernest Hemingway
1954. [photo from the Nobel Foundation archive]
JOHN STEINBECK, NOBEL VĂN CHƯƠNG
1962
Sinh ngày 27/02/1902 tại Salinas,
miền trung California. Sống và lớn lên trong một vùng thung lũng đồng quê xanh
tươi, còn được gọi là “Salad Bowl” với dòng sông Salinas. Xong trung học
(1919), có ước vọng viết văn, Steinbeck ghi tên học môn Văn chương Anh và cả
lớp Viết văn / Creative writings tại Đại học danh tiếng Stanford, Palo Alto.
Năm 1923, Steinbeck ghi tên học thêm môn Sinh Học / Biology tại Hopkins Marine
Station, tại đây Steinbeck quen biết với William E. Ritter và quan tâm nhiều
hơn tới Môi sinh / Ecology. Do theo học thất thường, ông rời Stanford 6 năm sau
(1925) và không có một học vị nào. Steinbeck quyết định sang New York lập
nghiệp, ông làm đủ loại công việc lao động tay chân để kiếm sống và tập sự làm
báo, viết văn nhưng không thành công, không nhà xuất bản nào nhận in cuốn sách
đầu tay của ông.
Trở về California 3 năm sau (1928),
Steinbeck cũng làm đủ mọi nghề, kể cả hướng dẫn du lịch ở Lake Tahoe, nhưng vẫn
túng quẫn. Ông dọn về sống trong căn nhà nhỏ của cha ở vùng bán đảo Monterey;
không phải trả tiền nhà lại được người anh giúp đỡ, không bận bịu mưu sinh, ông
tập trung viết văn. Nhưng cuộc sống lại chật vật khi cả nước Mỹ bước vào thời
kỳ Đại Suy Thoái. Steinbeck mua được một chiếc tàu nhỏ, thử sống bằng
nghề đánh cá ven biển, cá cua lưới bắt được cũng là nguồn thực phẩm cho gia
đình, còn rau tươi thì hái lượm ngay trong vườn nhà; vẫn không đủ sống, vợ
chồng ông phải sống bằng tiền trợ cấp xã hội / welfare.
Tuy vẫn viết nhưng Steinbeck chưa
gây được tiếng vang nào. Phải mãi tới 7 năm sau (1935), với cuốn Tortilla
Flat tên tuổi ông mới được biết tới. Lấy bối cảnh là vùng Monterey,
California nơi ông sinh sống, thời gian sau Thế chiến I, mô tả đời sống của đám
dân quê / paisanos nghèo khổ, sống bầy đàn, chỉ biết hưởng thụ với rượu, ham
muốn xác thịt / lust, và trộm cắp vặt / petty theft. Họ là nạn nhân của hoàn
cảnh lịch sử. Tortilla Flat bắt đầu được giới phê bình đón nhận và cả
thành công về tài chánh.
Tiếp theo 2 năm sau, là cuốn Của
Chuột và Người (Of Mice and Men,1937), “là một bi kịch của hai nông
dân tha phương cầu thực với giấc mơ có được một mái nhà, một mảnh vườn nhưng
rồi vẫn phải sống một cuộc đời làm công lang thang khổ cực. George Milton nhỏ
con nhưng khôn lanh và gã kia là Lennie Small, tuy có tên “Small” nhưng lại to
xác rất mạnh và đần độn, tính khí dữ dằn bất thường khiến hắn phải lệ thuộc vào
George trong sinh hoạt khó khăn hàng ngày – tác phẩm chỉ với hơn 100 trang sách
mà sau này được Hội đồng giải Nobel văn chương 1962 gọi đó là một “tiểu tuyệt
phẩm / a little masterpiece”.
Rồi tới Chùm Nho Uất Hận (The
Grapes of Wrath, 1939), kể chuyện về một gia đình nông dân Joad từ vùng
Oklahoma, do một thảm nạn môi sinh Dust Bowl mất hết trang trại
đất đai phải rời bỏ quê nhà di cư sang California, vùng đất của “sữa và mật
ngọt” để mưu tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng rồi họ đã phải đối đầu với vô
vàn khó khăn, không có công ăn việc làm, tiền công thì quá thấp và rơi vào cảnh
nghèo khó hơn. Cuốn sách được Steinbeck viết bằng một ngôn ngữ trần trụi /
plain spoken language giàu hình ảnh, tố cáo lòng tham của đám chủ trại giàu có,
đưa tới những bất công xã hội. Thái độ phê phán đó khiến Steinbeck trở thành
khuôn mặt khó ưa ngay nơi quê nhà. Nhóm nghiên cứu Đại học Stanford, mới đây đã
đánh giá Steinbeck như một nhà văn của môi sinh.[9]
Năm 1940, Steinbeck được giải thưởng
National Book Award với cuốn Chùm Nho Uất Hận. Tác phẩm này cũng
nhận được thêm một giải Pulitzer danh giá khác. Cuốn sách liên tục được
tái bản.
Cả hai cuốn Của Chuột và Người
và Chùm Nho Uất Hận được viết trong bối cảnh thời kỳ Suy
Thoái của thập niên 1930s, là 2 tác phẩm đỉnh cao trong văn học Mỹ được coi là
tuyệt tác của John Steinbeck. Cả hai đều được chuyển thể thành phim. Henry
Fonda đóng vai Tom Joad trong Chùm Nho Uất Hận đã được đề cử là tài tử
xuất sắc nhất cho giải Academy Award.
Tuy thành công nhưng Chùm Nho Uất
Hận cũng gây ra nhiều dư luận bất lợi cho Steinbeck, do khuynh hướng xã hội
triệt để – Steinbeck bị gán cho là thiên cộng / suspected communist leanings,
do mạnh mẽ bênh vực tầng lớp lao động cơ cực bị bóc lột bởi một giới tư bản
giàu có, đầy quyền lực sở hữu phần lớn đất đai và các trang trại, cùng liên kết
với nhóm tài phiệt chủ các ngân hàng. Chùm Nho Uất Hận xuất bản lần đầu
tháng 04/1939 và trở thành cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ nhưng ngay nơi quê
nhà, cuốn sách bị lên án là “tục tĩu / obscene, trình bày sai sự thực /
misrepresented” với những mô tả tiêu cực về đời sống di dân tới California.
Cuốn sách hai lần bị đốt công khai ở
Salinas. W.B. “Camp” viên chủ nhân giàu có với các trang trại trồng bông và
khoai tây, khi tới chủ toạ buổi đốt sách ở thị trấn Bakersfield đã tuyên bố: “Chúng
ta giận dữ không phải vì bị ai đó tấn công, nhưng chúng ta đã bị tấn công bởi
một cuốn sách tục tĩu theo cái ý nghĩa tệ hại nhất của từ ngữ này – a book
obscene in the extreme sense of the word.” Nhưng lúc đó cũng có người can
đảm như Gretchen Knief, trông coi thư viện Kern County, cô không sợ bị đuổi
việc vẫn lên tiếng cảnh báo: “Nếu cuốn sách ấy bị cấm hôm nay, liệu sẽ có
thêm cuốn sách nào bị cấm ngày mai?”
Chùm Nho Uất Hận bị Kern County Board cấm trong các trường học và thư viện
(1939), và chỉ được giải toả hai năm sau đó (1941).
Trong Thế chiến Thứ II, Steinbeck có
thời gian làm phóng viên chiến trường cho tờ New York Herald Tribune
(1943), đi sát theo các đơn vị xung kích đổ bộ tấn công quân Đức ở Ý, trên các
hải đảo Địa Trung Hải. Steinbeck bị thương trở về với cả chấn thương tâm lý;
ông tự vượt qua bằng miệt mài trong viết lách.
Năm 1947, Steinbeck là một trong số
những người Mỹ hiếm hoi đầu tiên được đi thăm Liên bang Xô Viết sau Cách mạng
Nga, cùng đi với ông có phóng viên nhiếp ảnh Robert Capa. Cuốn sách Nhật Ký Nga
/ A Russian Journal được xuất bản một năm sau (1948) với phần hình ảnh
của Capa. Chính quyền Cộng sản Xô Viết lúc đó đánh giá Steinbeck như một “nhà
văn Mỹ tiến bộ - American progressive writer” với cái nghĩa tả khuynh theo
chủ nghĩa xã hội.
John Steinbeck tại chốt kiểm soát quân sự từ phía Tây
Berlin, 11 tháng 12, 1963. Có một khoảnh khắc, Steinbeck chống lại một lính gác
ở phía Đông và bước qua lằn sơn trắng phân cách biên giới Đông và Tây Đức. Ông
thăm Berlin 5 ngày trong chuyến thăm Châu Âu 2 tháng, kết thúc bằng chuyến thăm
Moscow. (AP Photo/Edwin Reichert)
Trong cùng năm, Steinbeck được bầu
vào Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật và Văn Học Hoa Kỳ / American Academy of Arts and
Letters.
Năm 1952, tiểu thuyết trường thiên Phía
Đông Vườn Địa Đàng / East of Eden được xuất bản, Steinbeck coi đó là
tác phẩm lớn nhất của ông (magnum opus), sau này lên phim (1955) với
James Dean, một tên tuổi điện ảnh trẻ tài năng trong vai Cal Trask.
Năm 1961, Steinbeck cho xuất bản Mùa
Đông Bất Bình / The Winter of Our Discontent, viết về sự suy đồi đạo
lý của nước Mỹ, và không được giới phê bình đánh giá là một thành công.
Năm 1962, trong sự ngạc nhiên của
chính Steinbeck, ông được trao giải Nobel văn chương cho toàn sự nghiệp văn
học, “do những trang sách viết trộn lẫn hiện thực và tưởng tượng, kết hợp sự
u mặc tinh tế và ý thức xã hội sắc bén – for his realistic and imaginative
writings, combining as they do sympathetic humour and keen social perception”. Các
nhân vật của ông đều là nạn nhân của lịch sử, của thời kỳ suy thoái. Giải Nobel
trao cho Steinbeck lúc đó đã bị báo chí Thuỵ Điển chỉ trích nặng nề, ngay cả
tại Mỹ. Nhưng sau này, Steinbeck được mệnh danh là “gã khổng lồ của văn giới
Mỹ – a giant of American letters”, với một số tác phẩm được xem như văn học
cổ điển Tây phương”.
Cũng thật trớ trêu, tuy đã là khôi
nguyên của giải văn chương Nobel, nhưng theo Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ /
American Library Association, thì Steinbeck là một trong số 10 tác giả từng bị
cấm đoán và chỉ trong khoảng thời gian từ 1990 tới 2004, riêng cuốn Of Mice
and Men xếp hàng thứ 6 trong số 100 cuốn bị cấm ở Mỹ.
Năm 1964, Steinbeck được Huân chương
Tự do của Tổng Thống / Presidential Medal of Freedom, từ TT Johnson là
bạn ông và Steinbeck cũng đã từng viết diễn văn cho TT Johnson.
CỦA CHA VÀ CON STEINBECK GIỮA CUỘC
CHIẾN VIỆT NAM
John Steinbeck có 2 con trai với bà
vợ thứ hai Gwyndolyn Conger. Thomas Myles Steinbeck, là con cả sinh năm 1944 và
John Ernst Steinbeck IV là con thứ sinh năm 1946. Tới giai đoạn Mỹ tham chiến ở
Việt Nam, cả hai con trai Steinbeck đều tới tuổi quân dịch và bị động viên.
Khi John IV, đứa con thứ 2, vừa xong
lớp tập huấn quân sự và sắp lên đường sang Việt Nam, Steinbeck hãnh diện dẫn
con tới thăm và bắt tay TT Lyndon B. Johnson tại Oval Office, White House. John
IV, tới Việt Nam trong vai trò phóng viên chiến tranh, làm cho đài phát thanh
và truyền hình quân đội Mỹ trấn đóng ở Pleiku. Rồi tới đứa con trai cả Thomas
Myles Steinbeck cũng nhập ngũ trấn đóng ở Fort Ord, California và có thể cũng
sẽ phải sang Việt Nam.
Khi Mỹ quyết định ồ ạt đưa quân qua
tham chiến ở Việt Nam (1965), Steinbeck tuy không còn trẻ nữa ở tuổi 64, giữa
cao điểm cuộc chiến tranh đang leo thang, ông có ý định sang thăm Đông Nam Á
trong vòng 5 tháng. Steinbeck không xa lạ gì với chiến tranh, từng là phóng
viên chiến trường trong Thế chiến II. Lần này Steinbeck đến Việt Nam, vẫn như
một phóng viên chiến trường, cho tờ báo Newsday, Long Island, New York. John
Steinbeck đã đi khắp miền Nam Việt Nam, trong vòng 6 tuần lễ, [ từ tháng
12.1966 tới đầu năm 1967 ].
John E. Steinbeck và con trai John IV 19 tuổi tới thăm và
bắt tay Tổng thống Lyndon B. Johnson tại Oval Office, White House ngày thứ Hai
16/ 05/ 1966 trước khi lên đường sang Việt Nam. Steinbeck là bạn của Tổng thống
Johnson từ 1963. Cuộc gặp gỡ 4 phút theo yêu cầu của Steinbeck. [nguồn: tài
liệu LBJ Library and Museum]
Từ lâu, Steinbeck đã có thái độ
khinh mạn các nhóm phản chiến, xem họ như thành phần bạc nhược khi so sánh với
những người lính Mỹ đang chiến đấu ở Việt Nam. Ông không chỉ lên án họ,
Steinbeck còn có ý tưởng kỳ lạ là phải đem bọn phản chiến này thả vào đường
mòn Hồ Chí Minh để xem bọn chúng sống ra sao.
Do danh tiếng của Steinbeck với giải
Nobel và cả mối liên hệ quen biết với TT Johnson, Steinbeck được đối xử rất đặc
biệt, di chuyển với máy bay riêng thường cùng đi với cấp chỉ huy quân sự cao
cấp Mỹ, kể cả với tướng William Westmoreland, và Steinbeck cũng thường xuyên
được “briefing – tường trình” về tình hình chiến sự với bức tranh màu
hồng về tương lai thắng lợi của Mỹ ở Việt Nam.
Thường là ban ngày có mặt nơi chiến
trường, nếu không quá xa Sài Gòn và không phải ở lại qua đêm, buổi tối
Steinbeck trở về khách sạn Caravelle, dùng bữa tối trong một nhà hàng sang
trọng trên lầu 9, từ nơi đây vẫn có thể thấy ánh hoả châu và cả tiếng trọng
pháo từ xa vọng về. Những Lá Thư gửi Alicia / Letters to Alicia
được viết ở đây. [Alicia Patterson – là tên người vợ của Harry Guggenheim, đồng
sáng lập tờ Newsday, Alicia là nhà báo tên tuổi, được giải thưởng báo chí
Pulitzer, nhưng Alicia đã chết trước đó 3 năm].
Đặt chân tới Việt Nam, ngay từ đầu,
Steinbeck bị mê hoặc với những vũ khí tối tân của quân đội Mỹ, điều mà ông chưa
từng được thấy trong Thế chiến thứ II. Như khi ông chứng kiến những chiếc máy
bay DC3 “Hoả Long –Puff the Magic Dragon” trang bị những cỗ đại liên với
hoả lực khủng khiếp, chỉ trong vòng vài giây có thể nhả đạn 50-ly bao trùm khắp
một sân banh rộng lớn khi lâm trận như một con rồng phun lửa. Steinbeck rất chủ
quan cho rằng, “với trang bị vũ khí tối tân như vậy làm sao mà Mỹ có thể
thua cuộc chiến tranh trước đám địch quân quê mùa ấy.”
Steinbeck cũng từng đeo súng M-16 ra
bãi tập bắn. Có điều mà Steinbeck không được cho biết là, khác với khẩu AK của
VC, súng M-16 trang bị cho lính Mỹ lúc đó thường bị hóc đạn ngoài trận địa; scandals
chết người đó đã không bao giờ được Steinbeck ghi lại trong những lá thư
viết từ Việt Nam cho tờ Newsday.
Chỉ 6 tuần lễ sống trong vùng chiến,
được bảo vệ an toàn, làm sao John Steinbeck hiểu được rằng: quân cộng sản Bắc
Việt lúc ấy cũng đã được trang bị với những vũ khí tối tân nhất của Liên Xô và
Trung Quốc, và ngay ở lãnh thổ miền Bắc lúc đó đã có hàng sư đoàn quân chí
nguyện Trung Quốc giả dạng quân Bắc Việt với những dàn hoả tiễn phòng không tối
tân sẵn sàng nghênh chiến với hàng đoàn phản lực cơ Thần Sấm từ Hạm đội 7 bay
vào oanh tạc miền Bắc.[6]
Sự kiện lớn lao và quan trọng như
vậy mà trong bộ chính sử mới nhất của Hà Nội cho đến nay vẫn còn giấu giếm, đó
là trong cuộc chiến tranh để đối phó với Mỹ và miền Nam, giữa giai đoạn 1965 và
1970, thể theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông đã đưa sang miền Bắc VN
320.000 Hồng quân Trung Cộng. Tới 1968, Mao đưa thêm sang Lào 110.000 quân nữa
(tổng cộng: 430.000 quân). Những sư đoàn “chí nguyện quân” ấy đã ẩn náu
ở rất nhiều nơi trong các hang động như ở Lạng Sơn, Hà Nam, hay sống trong các
khu rừng biệt lập, sinh hoạt kín đáo và không được phép tiếp xúc với dân chúng.
[6B]
Nhiều chi tiết về “đạo quân ma” ấy
cũng được viết ra trong cuốn “The Dragon in the Jungle, The Chinese Army
in the Vietnam War” của Lý Tiểu Bình / Xiaobing Li do Oxford University
Press xuất bản 2020. [4] Đến nay (2021) vẫn còn tìm thấy
những khu hang động trong núi rừng miền Bắc đã bỏ hoang ấy với các khẩu hiệu
chữ Hán lưu dấu trên vách đá như: Trung Việt hữu nghị vạn tuế, Hồ chủ tịch
vạn tuế, Đả đảo Mỹ đế. [8]…
Steinbeck được xem như phe “diều hâu
/ hawk” công khai ủng hộ sự tham chiến của quân đội Mỹ ở Việt Nam mà ông coi đó
một cuộc dấn thân anh hùng / heroic venture, thái độ hiếu chiến
của Steinbeck đã gây nhiều phản cảm trong công luận Mỹ và ngay chính trong gia
đình ông lúc bấy giờ. Ở Mỹ, Steinbeck lúc đó không chỉ bị căm ghét bởi giới trí
thức cánh hữu, ngay cả phe tả có người không ngần ngại gọi ông là “phản bội /
betrayal”. [2]
“Diều hâu Steinbeck” với súng nón sắt và áo giáp trong hầm
cá nhân / foxhole trên một trận địa phía Tây Nam thành phố Đà Nẵng ngày 21
tháng 12, 1966. Qua những bức thư viết từ tiền tuyến trên tờ Newsday, Steinbeck
công khai ủng hộ sự tham chiến của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Trong khi đó, John
IV con trai Steinbeck, ngược với cha, là tiếng nói phản chiến mạnh mẽ, John IV
sau này trở thành đệ tử của Ông Đạo Dừa nơi Cồn Phụng trên sông Mekong, Đồng
Bằng Sông Cửu Long. [nguồn: AP]
John Ernst Steinbeck IV [06/12/1946
– 02/07/1991], hết thời gian quân dịch, được giải ngũ ngày 07/12/1967. Chỉ một
thời gian ngắn về Mỹ, năm 1968 John IV trở lại Việt Nam trong vai trò nhà báo
với khuynh hướng phản chiến – hoàn toàn đối nghịch với quan điểm của cha mình.
John IV đã hợp tác với Sean Flynn [con của tài tử Errol Flynn] cùng làm tại Dispatch
News Service, cung cấp cho truyền thông Mỹ những thông tin một chiều hết
sức bất lợi cho Washington như vụ Thảm sát Mỹ Lai, câu chuyện Chuồng Cọp của
trại giam Côn Sơn…
Trong khi John Steinbeck Cha vẫn còn
sống, ngày 05/03/1968, sau Tết Mậu Thân, John IV đã ra điều trần trước một Uỷ
ban Thượng viện Mỹ, nói ra những điều mà không một chính giới Hoa Kỳ nào muốn
nghe, rằng: có tới 60% lính Mỹ tuổi từ 19 tới 27 nghiện cần sa / Marijuana, và
chính cơ quan MACV cũng khuyến khích tình trạng nghiện ngập này bằng cách cung cấp
thuốc gây nghiện như Amphetamines / hay còn được gọi là pep pills cho lính Mỹ.
Như một scandal trên báo chí lúc bấy giờ, và đã có một đụng độ công khai giữa
Pentagon và John IV.
Sự phân hoá “Của Cha và Con –
Of Father and Son” trong gia đình Steinbeck, cũng là hình ảnh bi kịch
phân hóa của nước Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam.
“Steinbeck in Vietnam: Dispatches
from the War” [1] (University of
Virginia Press, 2012), có thể xem là những trang sách cuối đời gây chấn động
của Steinbeck khi ông đã bước vào tuổi 64.
John Steinbeck được chẩn đoán có
bệnh nghẽn mạch tim nhưng từ chối một cuộc mổ tim [ heart bypass surgery ]. Ông
mất tại New York ngày 20/12/1968, giữa một trận đại dịch cúm (1968 flu
pandemic) nhưng do suy tim, và ông cũng là người nghiện thuốc lá trong nhiều
năm.
STEINBECK VÀ MỘT THOÁNG VIỆT NAM
An Khê, Việt Nam 22/12/1966
An Khê là thị xã của tỉnh Gia Lai
trên Cao nguyên Trung phần Việt Nam, nằm bên Quốc lộ 19 giữa Pleiku và Qui
Nhơn. An Khê có giá trị chiến lược quan trọng trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Từ tháng 8/1965 Mỹ đã xây dựng trại Radcliff, là căn cứ chính của Sư đoàn Kỵ
Binh Số 1 / US 1st Cavalry Division. Radcliff chỉ được trao lại cho Việt Nam
vào cuối năm 1970 khi có chính sách Việt Nam hoá cuộc chiến tranh, chuẩn bị cho
Mỹ rút khỏi Việt Nam.
Trước Giáng Sinh 2 ngày
[22/12/1966], Steinbeck đã tới thăm căn cứ An Khê. Với hào quang của giải Nobel
văn học, Steinbeck trông phong trần ở tuổi 64, trong bộ áo lính GI’s, buổi tối
ngồi trên một chiếc thùng gỗ vây quanh là đám lính trẻ quân dịch / enlisted
men, lứa tuổi con ông, nao nức tới gặp và nghe ông nói. Bằng ngôn ngữ bộc bạch,
Steinbeck tâm sự: “Sáu tháng trước, tôi rất buồn vì 2 đứa con trai tôi bị
động viên. Nhưng rồi 6 tháng sau, bởi Chúa / by God! Tôi hãnh diện vì chúng đã
nên người. Đàn ông trai tráng thực sự là những giá trị hôm nay / valuable
things today.” Con trai ông John IV thì đang đóng ở Pleiku; một đứa khác
cũng trong quân ngũ đóng ở Fort Ord, Monterey California.
Có lần được phóng viên một tờ báo
hỏi: Có phải Mỹ đang bị kẹt / locked in trong một cuộc chiến vô vọng
không? Steinbeck nói: “Đó là một câu hỏi hài hước nhất,” ông tiếp: “Mọi
cuộc chiến tranh đều vô vọng nhưng là cần thiết, và cuộc chiến tranh này cũng
là cần thiết.”
Steinbeck cho biết ông tới đây để
viết về cuộc chiến tranh, chủ yếu là những cảm tưởng của ông về cuộc chiến này.
Trong cuộc gặp gỡ, John Steinbeck
trả lời mọi câu hỏi của đám GI’s về cuộc đời trải qua của ông nếu như không quá
riêng tư. Rằng ông cũng đã từng làm phu bến tàu / longshoreman, sống với nông
dân, lao động làm thuê hái bông / picked cotton. Có cả những chi tiết thú vị
như toàn bộ tác phẩm của ông đều được viết tay / written in longhand chứ ông
không đánh máy.
Các bản thảo viết tay với nét chữ rất đẹp của John
Steinbeck. Chi tiết thú vị: Toàn bộ tác phẩm của ông đều được viết tay /
written in longhand, chứ ông không đánh máy. (AP Photo/Bebeto Matthews)
“Có những câu hỏi của các bạn mà tôi
chưa từng trả lời cho ai, nhưng tôi ngưỡng mộ những gì các bạn đang làm ở đây
và đáng cho tôi kính trọng”.
Ngồi nói chuyện suốt hai tiếng đồng hồ, với 2 ly cà phê, cũng đã thấm mệt,
Steinbeck phải xin lỗi đám lính trẻ đang say sưa nghe ông nói, để đi ngủ. Cảm
tưởng của một tân binh có mặt trong suốt buổi nói chuyện của Steinbeck, có thể
tóm gọn trong một câu: “He just seems to radiate greatness / Ông ấy thực lớn
lao toả sáng.” [3]
Pleiku, Việt Nam 07/01/1967
Ngày 7/01/1967, trong chuyến thăm
Pleiku, John Steinbeck từ trên một chiếc trực thăng UH-1B Huey quan sát cuộc
chiến Việt Nam. Ông đã không tiếc lời ca ngợi toán phi công trực thăng: “Họ
lái những con tàu giống như các kỵ sĩ điều khiển con ngựa đua của họ. Họ uốn
lượn dọc theo những con suối, bay bổng trên đỉnh cây như những cánh chim én,
quay vòng và nhào xuống nhanh như cắt trong buổi chiều. Tôi quan sát đôi bàn
tay họ nơi phòng lái, rất nhịp nhàng và phối hợp như đôi bàn tay của nhạc sĩ
Pablo Casals trên chiếc đàn trung hồ cầm / cello. Chắc bạn còn nhớ giấc mơ hồi
trẻ nhỏ là được tự do bay bổng và cảm giác tuyệt vời như thế nào. Cảnh tượng
bây giờ giống như vậy, nhưng đôi bàn tay tôi thì đã già và lú lẫn để theo lệnh,
bảo phải bay vút lên / updrafts và cắt ngang / side winds, né tránh hoả lực từ
dưới đất / ground fire báo hiệu bằng một nháng lửa / tiny puff or flash, hay
một va chạm / a hit và tất cả phải tức thời và tự động. Và tôi chỉ biết ngưỡng
mộ và có niềm vui được ngắm nhìn họ.” [1]
Ngày 7/01/1967, nhà văn John Steinbeck trên chuyến bay quan
sát cuộc chiến Việt Nam từ một chiếc trực thăng UH-1B “Huey”, thuộc Trung Đoàn
Không Kỵ 10 đồn trú tại Pleiku, bên cạnh ông là viên xạ thủ khẩu đại liên M60
7.62 mm. Mấy ngày sau sau Tết Mậu Thân, Thomas Myles Steinbeck con trai cả của
Steinbeck cũng bị đưa sang Việt Nam và từng là một xạ thủ đại liên trực thăng.
[nguồn: Associated Press]
STEINBECK VÀ 2 CUỘC GẶP GỠ CHƯA GHI
LẠI
Cần Thơ, Việt Nam, Ngày… Tháng 12
Năm 1966
BS Hoàng Ngọc Khôi, YKSG 1960:
“Khi John Steinbeck được giải
Nobel văn chương 1962, tôi – Hoàng Ngọc Khôi và anh DS Nguyễn Phúc Bửu Tập
đang làm tại Trường Quân Y và cùng phụ trách tờ Tập San Quân Y (TSQY).
Anh Bửu Tập mua được cuốn Of Mice and Men (OMAM), đọc xong đưa cho
tôi đọc. Khi trả lại, Bửu Tập bảo: Hay là chúng mình dịch rồi đăng
vào Tập San. Chúng tôi bắt đầu dịch và cho đăng vào TSQY khoảng giữa
năm 1963, dựa theo cuốn tiếng Anh OMAM nhưng vẫn có thêm cuốn tiếng Pháp
Des souris et des hommes để tham khảo. Nhà văn Trần Phong Giao, lúc đó
là Thư ký Tạp chí Văn, tình cờ đọc được vội tìm hai chúng tôi đặt cọc là
khi viết xong giao cho Tạp chí Văn xuất bản. Tôi không biết Nxb Văn có
liên lạc với John Steinbeck hay không, nhưng hình như hồi đó chưa có thoả
hiệp về tác quyền giữa hai nước.
Khi Steinbeck sang Việt Nam thì tôi
đang làm Y sĩ trưởng Quân y viện Trương Bá Hân tại Sóc Trăng. Lúc đó, có một Đại úy cố vấn Mỹ thuộc Cục IV Tiếp Vận phụ
trách tiếp vận cho Quân y viện TBH cứ khoảng hai tháng lại tới kiểm
tra xem QYV có nhu cầu gì không và không hiểu sao ông ta lại biết tôi có dịch
cuốn OMAM.
Bỗng một hôm, cuối năm 66 hay
đầu năm 67 gì đó, cũng viên Đại uý cố vấn ấy (mà nay tôi quên mất tên) bay
trực thăng ghé thăm QYV bảo tôi là John Steinbeck đang ở Cần Thơ và có
hẹn gặp ông ta ngày mai đi uống cà phê trưa từ 2 tới 3 giờ chiều và
hỏi tôi có muốn gặp Steinbeck không? Ông bảo tôi có thể lên ngay trực
thăng đi cùng nhưng khi về phải tự lo. Tôi mừng quá nhưng trả lời sáng
mai tôi sẽ lấy xe Jeep đi và về cho tiện vì từ Sóc Trăng sang Cần Thơ
chỉ khoảng hơn một giờ lái xe.
Hôm sau đúng giờ, viên đại uý
Mỹ đã đợi tôi tại QYV Phan Thanh Giản, Cần Thơ
và rồi ông chở tôi tới một câu lạc bộ sĩ quan Mỹ. Tới nơi thì
Steinbeck cũng vừa tới, ông ta mặc đồ như một quân nhân tác chiến, có
khoác cả áo giáp, có bộ râu lẫn ria cắt tỉa gọn ghẽ. Khi gặp
Steinbeck tôi còn là Y sĩ Đại uý, ông ta gọi tôi là Doctor và hỏi tôi có
sang Mỹ bao giờ chưa và sao lại chọn dịch cuốn sách OMAM của ông? Tôi
nói tôi đã sang Mỹ hai lần rồi và lần nào tôi cũng muốn mau trở về
vì nhớ quê nhà và bằng hữu. Ông cười bảo vậy đúng là điều ông muốn
nói trong cuốn truyện rồi, ước vọng sao có một mảnh đất, một khu
vườn và ngày ngày gặp bạn bè tán gẫu với nhau. Tôi mang theo hai cuốn
truyện dịch, một cuốn OMAM và một cuốn Des souris et des hommes để ông
ký cho tôi và Bửu Tập, còn tôi cũng tặng ông một cuốn truyện dịch Của
Chuột và Người. Tôi chỉ được viên Đại uý cố vấn nhường cho nửa giờ nên tôi
chỉ hỏi ông một câu duy nhất là ông có dự tính gặp một nhà văn Việt Nam nào
không? Ông trả lời chuyến đi này của ông không có liên quan gì tới văn chương
cả, mà là quan sát tại chỗ về tình hình miền Nam xem có cơ thắng trận hay
không. Hôm đó viên Đại uý cố vấn có chụp cho tôi với John Steinbeck một tấm
hình polaroid lấy liền. Nửa giờ quá ngắn ngủi và Steinbeck chỉ ở VN có
sáu tuần mà phải đi khắp 4 vùng chiến thuật và viết bài hàng ngày
cho tờ báo Newsday mà ông là đặc phái viên. Steinbeck ủng hộ Mỹ
đem quân tới VN để chống sự bành trướng của CS và rất ghét nhóm
phản chiến. Ngược lại con ông, đang phục vụ tại VN trong đoàn Truyền
thông quân sự Hoa Kỳ thì lại chống chiến tranh VN. Những bài
báo của ông viết từ VN sau được in lại thành một cuốn sách: John
Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the war. Và anh cũng đã biết rồi.
Từ trên xuống: Of Mice and Men, của John Steinbeck bản tiếng
Anh; Des souris et des hommes bản tiếng Pháp; Của Chuột và Người, bản dịch của
Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập, Nxb Văn Sài Gòn 1967. Từ sau 1975, bản
tiếng Việt này đã được tái bản nhiều lần ở Việt Nam.
Đêm 29/04/1975 do tôi di tản nhờ tàu
Hải quân rất bất ngờ nên đã không mang theo được gì. Sau 1975 có người nhà
bên Việt Nam gửi cho tôi cuốn Của Chuột và Người do Hội Nhà Văn in
lại và đây là lần xuất bản thứ hai, đề năm 1997. Cuối sách có lời
viết như sau: “Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với các ông Hoàng Ngọc
Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập. Rất tiếc cho đến nay chúng tôi vẫn không
nhận được tin tức cụ thể từ hai dịch giả”. Sau đó bên nhà lại gửi cho cuốn Của Chuột và
Người nhưng lần này do nhà Xuất bản Văn Học ấn hành năm 2001. Và tôi
nghe nói cuốn truyện được tái bản nhiều lần vì được dùng làm tài
liệu tham khảo trong các trường Đại học về môn Anh ngữ. Người bạn cùng
dịch sách OMAM với tôi, DS Nguyễn Phúc Bửu Tập, thì nay cũng đã mất [1930-2020].
BS Hoàng Ngọc Khôi, Toronto, Email ngày 21.03.2021
Tây Ninh, Việt Nam, Ngày… Tháng 01
Năm 1967
BS Trần Văn Khánh, YKSG 1965
BS Khánh nguyên cựu nội trú các bệnh
viện, anh là bạn đồng khoá YKSG 1965 và rất thân với Nghiêm Sỹ Tuấn, trong Ban
Quan Điểm báo SVYK Tình Thương. Ra trường bị động viên với cấp bậc Y sĩ Trung
uý, là bác sĩ chuyên khoa giải phẫu thần kinh / neurosurgeon hiếm hoi, anh được
bổ nhiệm về làm trưởng khoa Giải Phẫu QYV Tây Ninh. Anh Khánh kể: Giai đoạn
ấy, do đụng độ hai bên thương vong nhiều, ngày đêm tôi làm việc trong Quân y
viện và cả sang giúp bên Dân y viện! Tôi mổ đủ thứ; có thể tưởng tượng là tôi
đã làm cả giải phẫu thần kinh Stellectomie, với những dụng cụ dã chiến!
“Tôi có diễm phúc gặp văn hào John
Steinbeck tại Tây Ninh năm 1967, không nhớ rõ ngày
tháng trong một dịp bất ngờ khó tin! Như một “duyên khởi” vào một buổi sáng
sau vòng thăm các bệnh nhân sau mổ, rất tình cờ tôi gặp nhóm người Mỹ trên một
xe Jeep chạy vào Quân y viện, hai người đàn ông và một phụ nữ. Họ cần có nước
rửa tay và khu vệ sinh. Trong đám người ấy, tôi nhận ra ngay nhà văn Steinbeck
qua chùm râu và ria mép trên khuôn mặt nông dân của ông ấy. Steinbeck trông
phong trần trong bộ quân phục GI’s với cả áo giáp và nón sắt.
Qua vài câu trao đổi, Steinbeck quá
đỗi ngạc nhiên khi có một người bản xứ xa lạ nói tiếng Anh lưu loát và nhận ra
mình; hơn thế nữa anh ta còn là độc giả từ bao năm của ông. Khánh nhắc tới cuốn
sách The Grapes of Wrath, nhắc tới cảnh tượng một người mẹ vừa
sẩy thai đã cố gắng cứu sống một người đàn ông sắp chết đói và cho ông ta bú
bầu sữa từ chính nơi ngực mình. Khánh nói với Steinbeck, trang sách cuối ấy
không chỉ vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng và cả tuyệt đẹp, đã đọc rồi không sao có thể
quên.
Chỉ bấy nhiêu thôi, Steinbeck đã hoàn
toàn bị chinh phục. Steinbeck thân thiết mời Khánh – mà ông gọi là “young
man” lên chuyến xe Jeep cùng ông trong chuyến thăm đi một trại Lực Lượng
Đặc Biệt không xa chân núi Bà Đen mà lính Mỹ gọi đó là Black Virgin Mountain,
cũng là nơi mà Steinbeck tưởng như đó là điểm cuối của con đường mòn Hồ Chí
Minh.
Ấn tượng sâu đậm nhất nơi Khánh:
Steinbeck nói nhiều như là một war advocate / bênh vực chiến tranh, ông
tin rằng với vũ khí tối tân như hiện nay Mỹ sẽ thắng đám lính VC hỗn tạp và cả
quê mùa. Trong khi đó thì cô Mỹ tóc bạch kim ngồi phía sau – không biết có phải
là vợ mới cưới của ông hay không, đi theo làm stenodactylo / tốc ký ghi
xuống những điều Steinbeck đang nói.
Không phải là không nhớ, nhưng Khánh
không muốn nói nhiều về chuyến field trip ngày hôm ấy với Steinbeck,
Khánh coi đó như một chút riêng tư mà Khánh muốn giữ cho riêng Anh. Khánh viết:
“Tôi xin được phép không làm nhân chứng lịch sử của một giai đoạn chiến
tranh tương tàn mà rốt cuộc miền Nam bị miền Bắc cưỡng chiếm”. Sau này sang
Mỹ, Khánh đã có dịp tới thăm The National Steinbeck Center ở Salinas,
tới thành phố Carmen, cả ôm pho tượng Steinbeck. Trần Văn Khánh, Oklahoma,
Email: ngày 7 tháng 3, 2021
MỘT CUỐN SÁCH GÂY TRANH CÃI
“Những bức thư gửi Alicia” trên tờ Newsday được tập hợp trong một cuốn sách có tên là Steinbeck
in Vietnam: Dispatches from the War, nhưng rồi đã không được in ra vào
thập niên 1960s, do những e ngại danh tiếng của Steinbeck bị thêm tổn thương và
mãi tới 44 năm sau khi Steinbeck mất (1968), cuốn sách mới được University of
Virginia Press xuất bản (2012), với Thomas Barden giáo sư Đại học Toledo, Ohio
từng là cựu chiến binh ở Việt Nam và là một học giả chuyên về Steinbeck viết
lời Dẫn Nhập và Kết Từ cho tác phẩm cuối đời của Steinbeck.
Theo Barden, chính TT Johnson cũng
muốn Steinbeck tới Việt Nam tường trình tại chỗ những gì đang diễn ra lúc đó.
Steinbeck muốn có một chuyến đi độc lập, nhưng qua nội dung các bức thư viết từ
chiến trường, rõ ràng Steinbeck có quan điểm ủng hộ cuộc chiến tranh, phản ánh
chính sách của TT Johnson lúc đó với chủ thuyết Domino, và tính tất thắng /
winnability của Mỹ trong cuộc chiến này. Giữa Cha và Con Steinbeck đã có
đụng độ với cách nhìn khác nhau về cuộc chiến tranh Việt Nam. John IV con trai
Steinbeck cho rằng đây là một cuộc chiến sai lầm, “đa số lính Mỹ thì nghiện
ngập, con số thương vong thì không chính xác, và rằng chúng ta – người Mỹ phải
rút chân ra khỏi cuộc chiến tranh này.”
Sau thời gian ở Việt Nam trở về Mỹ
và trong những trao đổi riêng tư, Steinbeck đã tỏ ra bất bình về những tin tức
sai lạc về cuộc chiến tranh hàng ngày cung cấp cho dân chúng Mỹ. Chính Elaine
vợ ông cũng khuyên Steinbeck cần thay đổi cách nhìn về cuộc Chiến tranh Việt
Nam, nhưng Steinbeck đã không còn sống lâu hơn để viết thêm gì khác về cuộc
chiến tranh ấy.
Đồng ý với John Steinbeck hay không,
thì sự nghiệp của ông đã hoàn tất. Tất cả những trang viết của ông trước sau,
thì nay vẫn hiện diện trên các kệ sách trong các thư viện và trường học. Sẽ vẫn
là một bài học cho các thế hệ tương lai.
Một người lính, 19 tuổi, sinh quán Bronx, New York, trao cho
John Steinbeck một grenade để Steinbeck bắn thử tại đồi 55 của Thủy Quân Lục
Chiến, ngày 21 tháng 12, 1966. Chuyến đi 6 tuần lễ đến Việt Nam, từ tháng
12.1966 tới đầu năm 1967, là chất liệu cho cuốn “Steinbeck in Vietnam:
Dispatches from the War”, vốn không ra mắt vào thập niên 1960s, mà mãi tới 44
năm sau khi Steinbeck mất, do University of Virginia Press xuất bản 2012.
(Hình: AP)
IN RETROSPECT – NHÌN LẠI
Năm 1972, thời gian tôi đi tu
nghiệp ở San Francisco về chuyên ngành Y Khoa Phục Hồi, John Steinbeck đã mất
trước đó 4 năm (1968). Tiếp sau Lyndon B. Johnson, Richard Nixon là Tổng thống
Mỹ, đang theo đuổi chính sách Việt Nam hóa cuộc chiến tranh – mà báo chí Mỹ gọi
đó là kế hoạch đổi màu da trên xác chết, chuẩn bị cho Mỹ hoàn toàn rút
chân ra khỏi Nam Việt Nam.
Và cũng chưa bao giờ phong trào phản
chiến với teach-in, sit-in lên cao và lan rộng ra khắp các đại học trên
toàn nước Mỹ như vậy. Nơi sân trường Đại học Berkeley, đám sinh viên “con ông
cháu cha” từ miền Nam Việt Nam sang du học Mỹ cũng hòa nhập vào đám phản chiến
ấy, chúng mặc bộ áo bà ba đen tổ chức các nhạc hội hát “Quảng Bình Quê Ta
ơi” quyên tiền ủng hộ Hà Nội và Mặt trận Giải Phóng. Và ở đâu đó, hai con
trai của John Steinbeck cũng đang hòa nhập vào dòng người đó.
Cũng trong năm 1972 và cả sau này,
tôi đã hơn một lần tới thăm Monterey, Salinas quê hương của Steinbeck.
Steinbeck mất ở New York, tro cốt của ông được đưa về California và chôn cất
lặng lẽ trong khu nghĩa trang của gia đình. Ba mươi năm sau khi ông mất, một National
Steinbeck Center được khai trương (27/06/1998) nơi thị trấn Salinas,
nơi ông sinh ra.
Trung tâm Quốc gia Steinbeck, [địa chỉ 1 Main Street,
Salinas, CA 93901] nơi thị trấn Salinas quê hương của Steinbeck. Trung Tâm Steinbeck
được xây dựng và khai trương (1998) 30 năm sau khi ông mất (1968). (Hình:
LordHarris; https://en.wikipedia.org/wiki/User:LordHarris)
Trong một lần đã tới thăm, điều vẫn
còn lưu lại trong trí nhớ là câu trích dẫn của John Steinbeck được phóng lớn và
trưng bày nơi sảnh đường của National Steinbeck Center Salinas, California.
“Nhà văn phải tin tưởng rằng điều
hắn đang làm là quan trọng nhất trên thế giới. Và hắn phải giữ ảo tưởng ấy cho
dù khi biết được điều đó là không thực.”
Dĩ nhiên đây không phải là câu văn
hay nhất của Steinbeck nhưng có lẽ phản ánh đúng nhất về cuộc đời 66 năm đầy
thăng trầm và cả nghịch lý của Steinbeck mà ông đã bướng bỉnh lựa chọn để đi
tới vinh quang và cả đôi khi chống lại chính mình.
(California 28/03/2021)
THAM KHẢO:
1/
Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War, March 29, 2012 by
John Steinbeck (Author), Thomas E. Barden (Editor)
2/ Steinbeck In Vietnam: A Great
Writer's Last Reports, April 21, 2012, 6:25 AM https://www.npr.org/2012/04/21/150012711/steinbeck-in-vietnam-a-great-writers-last-reports
3/
War hopeless but necessary, Steinbeck says. Ray Belford, The Stars and
Stripes Archives, December 22, 1966
https://www.stripes.com/news/war-hopeless-but-necessary-steinbeck-says-1.84079
4/ John Steinbeck, despised and
dismissed by the right and the left, was a real American radical. America’s
Best Hated Author by Eric Johnson. Aug 5, 2004
https://www.montereycountyweekly.com/news/local_news/john-steinbeck-despised-and-dismissed-by-the-right-and-the-left-was-a-real-american/article_4bd65e88-6803-59da-9ec2-0a62c5c8adbb.html
5/ John Steinbeck IV and the Coconut
Monk. Alison Teal, Contributor 04/09/2014, HuffPost
https://www.huffpost.com/entry/john-steinbeck-and-the-co_b_5089375
6/ (A) The Dragon in the Jungle: The
Chinese Army in the Vietnam War. Xiaobing Li. Oxford University Press, Jan 30,
2020. (B) A History of the Modern Chinese Army. Xiaobing Li. The University
Press of Kentucky, 2007
7/ Của Chuột và Người. John
Steinbeck. Bản dịch của Hoàng Ngọc Khôi và Nguyễn Phúc Bửu Tập. Nxb Văn, Sài
Gòn,1967
8/ Khám Phá Việt Nam
Hầm bí mật dưới lòng đất của Lạng
Sơn có nhiều ghi chú bằng cả chữ Hán và https://youtu.be/mpuudi8AMIU
9/ Great Writers of the West:
Steinbeck and the Environment. The Bill Lane Center for the American West.
Stanford University Wednesday, May 10, 2017 https://west.stanford.edu/events/great-writers-west-steinbeck-and-environment
Source:
https://www.voatiengviet.com/a/steinbeck-cha-con-chien-tranh-viet-nam/5832783.html