Monday, December 31, 2018

Khái Lược Văn Học Sử Mỹ - Chương I - Phần 3a: Thời Kỳ Thuộc Địa Ở Vùng New England

                                                Thời Kỳ Thuộc Địa Ở Vùng New England
Có thể nói rằng không một nhóm thực dân nào trên thế giới có học thức bằng nhóm người Thanh giáo (Puritans).  Giữa năm 1630 và năm 1690 số người tốt nghiệp đại học ở miền đông bắc nước Mỹ, tức vùng New England, bằng số tốt nghiệp đại học trên toàn nước Anh.  Đây là một sự kiện rất đáng ghi nhận khi chúng ta đều biết những người có học thời ấy đều thuộc dòng dõi quý tộc, và đều không muốn dấn thân mạo hiểm sống ở những miền đất hoang dã.  Người Puritan sống tự túc, họ tự tìm tòi học hỏi; đây quả là những ngoại lệ rất ấn tượng. Họ mong rằng qua giáo dục họ có thể hiểu và thực hành ý muốn của Thượng Đế khi lập nên các vùng thuộc địa ở New England.
Người Puritan định nghĩa một bài viết hay một tác phẩm hay phải khiến người ta ý thức trọn vẹn về tầm quan trọng của việc thờ phượng Thượng Đế và về các mối nguy hiểm tâm linh cho con người sống trên đời.  Thể loại văn học người Puritan dùng để diễn đạt rất đa dạng: từ những bài thơ siêu hình phức tạp đến các nhật ký bình dị, hay các quyển sử tôn giáo hết sức trau chuốt toàn mỹ.  Dù văn phong và thể loại có thể khác nhau, nhưng trong vân học thời kỳ thuộc địa này chúng ta thường gặp một số chủ đề nhất định.  Cuộc sống được xem như một bài thi.  Thất bại sẽ dẫn đến hỏa ngục và bị Chúa trừng phạt đời đời; còn thành công sẽ được lên thiên đàng an hưởng sung sướng.  Thế gian là đấu trường giữa các thế lực của Thượng Đế và thế lực của quỷ Satan, một kẻ thù đáng sợ dưới đủ loại hình tướng.  Nhiều người Puritan hồi hộp chờ đợi ngày Chúa giáng thế lần nữa, để chấm dứt nỗi khổ của con người, và mở ra thời kỳ 1000 năm hòa bình thịnh vượng.
Từ lâu các học giả đã nêu lên mối liên hệ giữa thuyết Puritan và chủ nghĩa tư bản.  Cả hai đều dựa trên tham vọng muốn thăng tiến, tính cần cù lao động, và nỗ lực hết mình để được thành công.  Mặc dù, nói theo ngôn ngữ duy thần, mỗi cá nhân theo Thanh giáo (Puritan) không thể biết được họ có được cứu rỗi và nằm trong số người được chọn lên thiên đàng hay không, họ có khuynh hướng xem thành công ở đời là dấu hiệu đã được Thượng Đế chọn.  Ho săn đuổi tài sản và địa vị không chỉ cho họ mà còn để đảm bảo sự lành mạnh về tâm linh, và những hứa hẹn cho đời sau.
Thêm vào đó, ý niệm “lèo lái hướng đạo” (“stewardship”) khuyến khích mọi người thành công.  Người Puritan diễn dịch mọi sự việc biến cố như những biểu trưng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Họ cảm thấy khi họ ăn nên làm ra và cộng đồng của họ phồn thịnh, họ đã khéo làm đẹp thêm ý muốn của Chúa.  Với họ không có sự phân biệt rành rẽ giữa thế tục và tôn giáo.  Tất cả mọi chuyện trên đời đều là sự hiển bày ý muốn của thiêng liêng, ý ưởng này về sau cũng được các nhà siêu nghiệm luận (Transcendentalists) lập lại.  Khi ghi lại các biến cố thông thường để qua đó nói lên ý nghĩa tâm linh của chúng, các tác giả Thanh giáo (Puritan) thường trích dẫn từng trang, từng dòng trong Kinh Thánh.  Sử sách còn ghi lại các cảnh tượng đầy màu sắc tôn giáo mang tính tượng trưng về sự thành công của người Puritan và về nước Trời ngay trên trái đất.
Những người thực dân Puritan đầu tiên đnh cư tại New England là thí dụ điển hình về tính nghiêm túc của Ky tô giáo thời kỳ Cải cách (Reformation Christianity).  Với tên gọi “những người hành hương” (Pilgrims), họ là những con chiên di cư từ Anh qua Hòa lan (lúc bấy giờ Hòa lan được xem là nơi cởi mở về tôn giáo) năm 1608 khi xảy ra các vụ thanh trừng tôn giáo tại Anh.  Giống với phần lớn những người Puritan khác, họ diễn giải sát theo lời trong Kinh Thánh.  Ho đọc và dựng tượng theo lời trong Sách Corinthians thứ hai –“Từ trong số ấy họ bỏ đi ra, và ly khai hẳn, đấy là lời Chúa.”  Thất vọng về vụ thanh lọ̣c nội bộ Anh quốc giáo, những người “Ly Khai” lập nên các nhà thờ kín bí mật (underground) với lời cam kết sẽ trung thanh theo nhóm Ly Khai, chứ không ủng hộ vua nước Anh.  Những người này bị xem là kẻ phản bội vua, đi theo tà giáo, và sẽ bị đọa vào hỏa ngục.  Vì vậy họ thường bị xử tội.  Sự ly khai của họ cuối cùng khiến họ phải bỏ trốn qua Tân thế giới.


Sunday, December 30, 2018

Khái Lược Văn Học Sử Mỹ - Chương I - Phần 2: Văn Học Thám Hiểm

Nếu lịch sử diễn biến khác đi, Hoa kỳ có lẽ dễ dàng trở thành một phần của đế chế Tây ban nha hay Pháp ở hải ngoại.  Dân Mỹ hiện giờ có thể đã nói tiếng Tây ban nha, và cùng chung Mễ tây cơ làm thành một quốc gia, hoặc giả họ đã nói tiếng Pháp và sáp nhập cùng miền Quebec và Montreal nói tiếng Pháp của Canada.

Thế nhưng những nhà thám hiểm đầu tiên đặt chân đến Mỹ không phải là người Anh, Tây ban Nha hay Pháp. Tài liệu đầu tiên còn lưu lại về việc thám hiểm nước Mỹ được viết bằng ngôn ngữ Scandinavian/Bắc Âu.  Truyện Vinland Saga bằng tiếng Old Norse (thuộc hệ ngôn ngữ miền Bắc nước Đức, sau phát triển thành các ngôn ngữ được dùng ở Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển ngày nay) kể lại câu chuyện Leif Ericson và nhóm người du cư mạo hiểm Bắc Âu (Norsmen) đến định cư một thời gian ngắn tại vùng duyên hải đông bắc Mỹ châu, có thể là vùng Nova Scotia, Canada, trong thập niên đầu thế kỷ 11, gần 400 năm trước lần khám phá thứ hai ra Tân thế giới của người Âu châu được ghi lại.
Việc tiếp xúc lần đầu tiên và kéo dài giữa Châu Mỹ và những vùng khác trên thế giới được bắt đầu với cuộc hành trình nổi tiếng của nhà thám hiểm người Ý Christopher Columbus, do vua Ferdinand và Nữ hoàng Isabella xứ Tây Ban Nha tài trợ.  Quyển nhật ký Epistola của Columbus, được in năm 1493, kể lại các biến cố trong hành trình ấy: nỗi sợ hãi phải đương đầu với quái thú và sợ bị rơi ra khỏi trái đất phẳng của những người di dân trên tàu, vụ nổi loạn bất thành chống thuyền trưởng, việc Columbus sửa lại nhật ký hải hành với mục đích làm các thủy thủ không thể biết họ đã phải đi xa hơn những người trước họ, và lần đầu tiên khi họ thấy đất liền lúc tàu gần đến Mỹ châu.
Bartolome de las Casas*đã cung cấp một nguồn tài liệu phong phú nhất về cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa người Da Đỏ ở Mỹ với người di dân Âu châu.  Khi còn là một linh mục trẻ Bartolome de las Casas là người giúp Tây Ban Nha chinh phục đất Cuba.  Ông chuyển ngữ nhật ký của Columbus, và về cuối đời ông viết quyển Lịch Sử Người Da Đỏ rất dài và sống động trong đó ông chỉ trích việc thực dân Tây Ban Nha bắt thổ dân làm nô lệ.
Khi người Anh đến Mỹ để chiếm thuộc địa, họ chỉ gây thảm họa. Vùng đất thuộc địa đầu tiên của người Anh được thành lập năm 1585 tại Roanoke, ngoài khơi North Carolina; không còn dấu tích gì về  những người thực dân ở đó; ngày nay chỉ còn lại huyền thoại do con cháu người Da Đỏ Croatan** mắt xanh kể lại.  Vùng đất thuộc địa thứ hai Jamestown được thành lập năm 1607 tồn tại mãi về sau, dù người di dân phải chịu đói, chịu đựng nhiều khó khăn, chính sách khắc nghiệt và sai lầm của những người lãnh đạo.  Tuy vậy văn học Mỹ đã tô hồng bức tranh về nước Mỹ như một miền đất trù phú và đầy cơ hội.  Chuyện kể về quá trình thuộc địa hóở Mỹ đã được biết đến khắp thế giới.  Thomas Hariot ghi lại cẩn thận chuyến thám hiểm vùng Roanoke trong tài liệu Bài Tường Trình Ngắn và Trung Thực về Miền Đất Virginia Mới Được Tìm Thấy (1588).  Quyển sách của Hariot liền được dịch sang tiếng Latin, Phap và Đức. Hai trăm năm sau, quyển sách và hình ảnh trong sách ấy vẫn còn được khắc bản, in lại và phổ biến rộng rãi. 
Tài liệu chính về vùng đất thuộc địa Jamestown,*** các bài viết của đại úy John Smith, một trong những người lãnh đạo, hoàn toàn trái ngược lại với lời kể chính xác và khoa học của Hariot.  Những gì Smith viết đều tô hồng lãng mạn, và ông còn thêu dệt nhiều chi tiết về cuộc hành trình.  Nhờ Smith chúng ta được biết đến câu chuyện về nàng Pocahontas.  Dù là chuyện có thật hay chỉ do tưởng tượng, câu chuyện đã in đậm nét trong trí tưởng tượng của người Mỹ về lịch sử của họ.  Chuyện kể việc Pocahontas, con gai cưng của tù trưởng Powhatan, cứu mạng đại úy John Smith khi ông bị cha cô bắt giam.  Sau đó, khi người Anh thuyết phục Powhatan trao Pocahontas cho họ làm con tin, tính dịu dàng, trí thông minh và vẻ đẹp của nàng đã làm họ rất ấn tượng.  Năm 1614 nàng lập gia đình với John Rolfe, một nhà quý tộc người Anh.  Cuộc hôn nhân đã mở đầu cho tám năm hòa bình chung sống giữa những người thực dân và thổ dân Da Đỏ, giúp đảm bảo sự tồn tại của miền thuộc địa mới đang phải vật lộn để sống còn.                                                         
Đến thế kỷ thứ 17, những tên cướp biển, kẻ mạo hiểm và các nhà thám hiểm đã mở đầu cho một làn sóng thực dân thứ hai, những người này đến Mỹ và định cư luôn tại đây, mang theo vợ con, nông cụ, và những dụng cụ thủ công nghệ.  Văn học ban sơ của thời thám hiểm này gồm các nhật ký, thư tín, nhật ký hành trình, sổ lưu hải trình, và các bản báo cáo gửi cho các mạnh thường quân tài trợ cho cuộc thám hiểm – tức là vua chúa ở Âu châu, hay những công ty cổ phần trong giới thượng gia Anh và Hòa lan. Dần dần các tài liệu đầu tiên ấy được thay thế bởi những tài liệu ghi lại của các thuộc địa di dân.  Vì sau cùng người Anh chiếm cả Bắc Mỹ làm thuộc địa của mình nên các sáng tác văn học thời kỳ thuộc địa được biết đến nhiều nhất và được in thành tuyển tập đều bằng tiếng Anh.  Đến thế kỷ 20, với sự nở rộ của nền văn học do các nhà văn gốc dân thiểu số sáng tác, và với nếp sống ngày càng đa văn hóa hơn ở Mỹ, các học giả đang tìm cách quay trở lại tìm tòi khám phá di sản đa chủng quan trọng thời ban sơ của lục địa này.  Mặc dù ở chương này chúng ta sẽ bàn về các truyện của người gốc Anh, chúng ta cũng cần nhận thức rõ tầm quan trng của tính cách quốc tế ngay từ thời ban sơ này trong văn học Mỹ.

(Còn tiếp)


Chú thích ̣(LNVK):
* Bartolome de las Casas là một thực dân Tây Ban Nha, sử gia và nhà cải cách xã hội trước khi ông trở thành giáo sĩ dòng Dominican.  Ông là một trong những người Âu châu đầu tiên đặt chân đến Mỹ châu.  Dù có tham gia lúc đầu, nhưng sau ông chống lại việc đối xử tệ đối với thổ dân, và nạn nô lệ da đen.  Ông đã bỏ ra 50 năm trong đời để đấu tranh chống lại chế độ thực dân, nô lệ và để thuyết phục triều đình Tây Ban Nha đi theo một chính sách thuộc địa nhân đạo hơn.  Ông thường được xem là một trong những người đầu tiên bênh vực nhân phẩm con người (tức đấu tranh cho nhân quyền ngày nay) 
https://en.wikipedia.org/wiki/Bartolom%C3%A9_de_las_Casas

** 

Nhóm thổ dân Da Đỏ sống ở vùng duyên hải North Carolina ngày nay.

***
https://www.historyisfun.org/jamestown-settlement/history-jamestown/