Saturday, April 27, 2019

Chương III Thời Kỳ Lãng Mạn (1820-1860) -Phần 1: Các Nhà Văn Nghị Luận và Các Nhà Thơ

                                                                          Chương III 
                          Thời Kỳ Lãng Mạn (1820-1860) - Các Nhà Văn Nghị Luận và Các Nhà Thơ 


Phong trào Lãng mạn khởi đầu từ Đức, nhanh chóng bành trướng đến Anh, Pháp và các nước khác, du nhập sang Mỹ vào năm 1820, sau khi William Wordsworth và Samuel Taylor Coleridge làm một cuộc cách mạng về thi ca ở Anh với việc xuất bản tác phẩm Lyrical Ballads*.  Tại Mỹ cũng như tại Âu châu cách nhìn mới luôn thu hút nghệ sĩ và trí thức.  Nhưng điểm khác biệt quan trọng là ở Mỹ phong trào Lãng mạn đến vào thời kỳ nước Mỹ đang mở rộng bờ cõi và đã có phong cách diễn đạt riêng của mình.  Việc định hình danh tính dân tộc Mỹ và khuynh hướng lý tưởng cùng cảm xúc sôi nổi dâng cao qua phong trào Lãng mạn đã góp phầm khiến nhiều kiệt tác ra đời vào thời kỳ “Phục hưng Mỹ.”
Tư tưởng Lãng mạn chủ yếu xoay quanh nghệ thuật như nguồn cảm hứng, đời sống tâm linh con người và vẻ đẹp của thiên nhiên, qua cách diễn đạt bằng ngôn ngữ hình ảnh, phát triển một cách tự nhiên.  Các tác giả Lãng mạn cho rằng chỉ có nghệ thuật, không phải khoa học, mới có thể diễn đạt hay nhất chân lý phổ biến.  Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật biểu cảm đối với cá nhân và xã hội.  Trong bài nghị luận tựa đề “Nhà Thơ” (1844), Ralph Waldo Emerson, một người có thể nói có ảnh hưởng lớn nhất trong thời kỳ Lãng mạn, đã khẳng định:

Lời này dành cho tất cả những ai sống theo lẽ thật, và đứng lên đáp ứng nhu cầu diễn đạt qua ngòi bút.  Trong tình yêu, nghệ thuật, trong cuộc chạy đua vật chất, khi làm chính trị, hay khi lao động, lúc vui chơi, chúng ta nghiên cứu tìm cách nói lên những bí ẩn đau khổ của mình.  Con người chỉ là một nửa; nửa kia là những gì người ấy diễn đạt ra thành lời.

Phát triển cái tôi cá nhân trở thành chủ đề chính; và phương pháp chủ đạo là ý thức về tự ngã.  Theo thuyết Lãng mạn, nếu tự ngã và thiên nhiên là một, thì ý thức về tự ngã không phải là ngõ cụt ích kỷ bế tắc, mà sẽ là tri thức rộng mở ra tận vũ trụ. 

Nếu tự ngã hòa làm một với toàn thể nhân loại, cá nhân có bổn phận đạo đức là cải cách những bất công xã hội, và làm giảm thiểu nỗi khổ của loài người.  Ý niệm về tự ngã,  một ý niệm mang nghĩa ích kỷ đối với các thế hệ trước, đến lúc ấy đã được định nghĩa lại.  Những từ kép mới xuất hiện mang nghĩa tích cực như “phát triển tiềm năng cá nhân,” “diễn đạt về cái tôi,” “độc lập cá nhân.” Vì chủ thể tự ngã duy nhất trở nên quan trọng, ngành tâm lý học trở nên quan trọng. Những hiệu ứng và thủ thuật nghệ thuật kỳ đặc được phát triển để khêu gợi trạng thái tâm lý khinh khoái, thăng hoa. “ Kỳ vĩ,” hiệu ứng mà cái đẹp tuyệt vời, vô cùng (thí du khung cảnh nhìn từ trên đỉnh núi) khiến ta cảm thấy thán phục, kinh sợ, trước sự bao la và trước sức mạnh mà con người không thể hiểu được.
Đối với phần lớn các nhà thơ, nhà văn viết các bài nghị luận, phong trào Lãng mạn được cho là tích cực và phù hợp.  Núi non, sa mạc và các vùng có khí hậu giống như khí hậu nhiệ̣t đới của nước Mỹ rộng lớn là hiện thân của tính kỳ vĩ đó. Tinh thần lãng mạn dường như đặc biệt thích hợp với nền dân chủ Mỹ: nó nhấn mạnh chủ nghĩa cá nhân, khẳng định giá trị của người dân thường, và đi tìm các giá trị thẩm mỹ đạo đức từ trí tưởng tượng dạt dào nguồn cảm hứng.  Ralph Waldo Emerson, Henry David Thoreau và những người cùng tư tưởng với họ đều lấy cảm hứng từ tinh thần lạc quan mới mẻ này của phong trào Lãng mạn.  Phong trào này đã gặp được mảnh đất màu mỡ để phát triển tại vùng New England.
Siêu Nghiệm Luận   
Phong trào Siêu nghiệm luận là một phản ứng đối lại với khuynh hướng lý tính của thế kỷ 18, và cũng là sự thể hiện xu hướng nhân đạo nói chung của tư tưởng thế kỷ 19.  Phong trào này cơ bản dựa trên niềm tin về sự hợp nhất giữa thế giới và Thượng Đế.  Linh hồn của cá nhân, một tiểu vũ tru ̣(tiểu ngã), được cho là một với vũ trụ (đại ngã). Độc lập cá nhân và cá nhân chủ nghĩa được phát triển trên niềm tin vào tính hợp nhất giữa linh hồn của cá nhân và Thượng Đế.  Phong trào Siêu nghiệm luận gắn bó chặt chẽ với vùng Concord, một ngôi làng nhỏ thuộc vùng New England, cách Boston 32 km về phía Tây. Concord là miền đất định cư nằm sâu trong đất liền đầu tiên của những thực dân vùng vịnh Massachusetts thời kỳ đầu. Với rừng rậm bao bọc chung quanh, Concord trước đây cũng như hiện nay là một thị trấn êm đềm, đủ gần để tiếp cận với các buổi diễn thuyết, quán sách và những trường đại học vùng Boston và được trau giồi học vấn thâm sâu, dù vậy nó vẫn ở xa thành phố lớn nên được yên tĩnh.  Concord cũng là chiến trường đầu tiên trong cuộc Cách mạng Mỹ, và bài thơ ca ngợi cuộc chiến đấu đó của Ralph Waldo Emerson, bài “Khúc Hát Concord,” đã chứa đựng một trong những vần thơ ban đầu nổi tiếng nhất của văn chương Mỹ:



Cạnh chiếc cầu thô sơ bắc ngang vùng nước ngập
Lá cờ của họ tung bay trước ngọn gió tháng Tư
Nơi này những người chủ nông trang đã xếp hàng dàn trận
Và đã bắn phát súng vang dội toàn thế giới.

Concord là thuộc địa đầu tiên của những họa sĩ đồng quê, và là nơi đầu tiên đem đến lối thoát tâm linh văn hóa thay thế cho khuynh hướng nặng nề vật chất kiểu Mỹ.  Đây là nơi diễn ra những cuộc nói chuyện về các vấn đề cao thâm, và nơi có cách sống đơn giản (cả Emerson và Henry David Thoreau đều có vườn trồng rau).  Emerson, người dọn đến Concord năm 1834, và Thoreau là những người gắn bó nhiều nhất với thị trấn này, nhưng nó cũng thu hút nhà tiểu thuyết Nathaniel Hawthorne và nữ sĩ theo phong trào nữ quyền  Margaret Fuller, nhà giáo dục Bronson Alcott ̣̣(thân phụ của tiểu thuyết gia Luisa May Alcott), và nhà thơ William Ellery Channing.  Câu lạc bộ Siêu nghiệm luận bắt đầu hình thành vào năm 1836, và gồm các thành viên như Emerson, Thoreau, Fuller, Channing, Bronson Alcott, Orestes Brownson (một nhà truyền giáo hàng đầu), Theodore Parker (nhà truyền giáo và đấu tranh đòi bãi bỏ chế dộ nô lệ), và những người khác.
Các tác giả Siêu nghiệm luận cho xuất bản tạp chí The Dial bốn lần mỗi năm. Tạp chí này tồn tại được bốn năm, đầu tiên do Fuller làm chủ bút, sau đó là Emerson.  Họ quan tâm đến các nỗ lực cải cách xã hội bên cạnh các vấn đề văn học.  Một số nhà Siêu nghiệm luận chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ, và một số tham gia vào việc xây dựng các cộng đồng tốt đẹp lý tưởng thí điểm như Brook Farm (được Nathaniel Hawthorne mô tả trong tác phẩm The Blithedale Romance), và Fruitlands.


Khác với các nhóm ở Âu châu, những nhà Siêu nghiệm luận Mỹ không ra bản tuyên ngôn riêng.  Họ đòi phải có nét riêng của mỗi cá nhân , phải có cách nhìn đặc thù của từng người.  Phái lãng mạn Siêu nghiệm luận của Mỹ đã đưa chủ nghĩa cá nhân cấp tiến lên đến đỉnh cao của nó. Các nhà văn Mỹ thường xem họ là những nhà thám hiểm cô đơn vượt ngoài xã hội và các quy chế ước thúc. Người anh hùng kiểu Mỹ, như nhân vật thuyền trưởng Ahab của Herman Melville, Huck Finn của Mark Twain, Arthur Gordon Pym của Edgar Alan Poe, thường phải đối mặt với nguy nan, thậm chí một hủy diệt ̣(cái chết) nào đó, trong khi theo đuổi một cuộc hành trình siêu lý tính để đi tìm chính mình.  Đối với nhà văn lãng mạn Mỹ, không có gì được ban cho cả.  Các quy ước văn chương và xã hội, chẳng những không hữu ích, mà còn nguy hiểm nữa.  Có một áp lực mạnh mẽ buộc nhà văn Mỹ cùng một lúc phải khám phá ra một hình thức, nội dung và âm điệu văn chương thật sự nguyên tuyền kiểu Mỹ (không hề sao chép, mô phỏng theo kiểu Anh hay Cựu thế giới).  Qua những kiệt tác ra đời trong ba thập niên trước cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865) rõ ràng các nhà văn đã cố gắng vượt bậc để đối mặt với thử thách lớn lao này.
Ralph Waldo Emerson (1803-1882)
Ralph Waldo Emerson, nhân vật vĩ đại bao trùm lên thời đại của ông, ý thức rõ  sứ mạng tôn giáo của ông.  Mặc dù nhiều người chỉ trích ông đã đánh đổ Thiên Chúa giáo, ông giải thích rằng, đối với ông, “để trở thành một người giảng đạo giỏi, nhất thiết ngườii ấy phải rời bỏ nhà thờ.”  Bài diễn văn ông đọc vào năm 1838 tại trường Thần học của Harvard nơi ông từng học đã làm Harvard không niềm nở đón tiếp ông trong 30 năm liền.  Trong bài đó ông tố cáo nhà thờ hành xử “như thể Thượng Đế đã chết,” đặt nặng giáo điều và bóp chết tinh thần con người.
Triết lý của Emerson từng bị cho là đầy mâu thuẫn, và quả thực ông luôn ý thức tránh xa việc xây dựng một hệ thống tri thức logic bởi vì một hệ thống lý tính như vậy sẽ phủ định niềm tin của ông vào trực giác và tính linh động. Trong tiểu luận “Tự Lực” Emerson đã nhận xét: “Khư khư bám lối mòn một cách ngu xuẩn là trò tinh quái của những kẻ đầu óc nhỏ nhoi.”  Nhưng khi kêu gọi khai sinh chủ nghĩa cá nhân Mỹ lấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên thì ông lại vô cùng kiên định.  Phần lớn những tư tưởng chủ đạo của ông như cần phải có một cách nhìn mới mẻ về dân tộc Mỹ, phải căn cứ trên kinh nghiệm cá nhân, như ý niệm về linh hồn đại ngã trùm khắp vũ trụ, và học thuyết bù trừ, đều được nói đến trong tác phẩm đầu tiên được ông cho xuất bản với tựa đề Thiên Nhiên  (1836).  Tiểu luận này bắt đầu như sau:
Thời đại của chúng ta là thời đại nhìn về quá khứ.  Nó dựng nhà mồ cho ông cha.  Nó viết tiểu sử, lịch sử và những lời phê bình.  Những thế hệ đi trước đã tận mắt chiêm ngưỡng Thượng Đế và thiên nhiên.  Còn chúng ta, chỉ biết (chiêm ngưỡng) qua cách nhìn của tiền nhân.  Tại sao chúng ta không nên tận hưởng một mối liên hệ nguyên tuyền (trực tiếp) với vũ trụ?  Tại sao chúng ta không nên có một nền thi ca nội quán (nhìn thẳng vào chính mình) chứ không phải thi ca dựa theo truyền thống, một tôn giáo mặc khải cho chúng ta, mà không phải lịch sử của họ, những ngừơi đến từ Cựu thế giới?  Được thiên nhiên ôm ấp trọn mùa, với triều dâng của thiên nhiên chảy quanh thấm nhuộm trong người chúng ta, và bằng quyền năng ban cho chúng ta, thiên nhiên đã mời gọi chúng ta hãy hành động sao cho phù hợp hài hòa, vậy tại sao chúng ta phải đào bới tìm kiếm trong mớ xương cốt tro tàn của quá khứ?  Hôm nay mặt trời vẫn chiếu sáng.  Trên các cánh đồng đầy những bông vải và cỏ gai*.  Chúng ta có miền đất mới, con người mới và tư tưởng mới.  Chúng ta hãy đòi hỏi những tác phẩm, luật lệ và cách thờ kính riêng của chúng ta.

--
*Flax: một giống cỏ cho hạt làm thức ăn giàu dinh dưỡng và cho sợi để chế biến nhiều thứ hữu ích.


Emerson yêu thích thiên tài về cách ngôn của nhà nghị luận Pháp thế kỷ 16 Montaigne..  Có lần ông nói với Bronson Alcott rằng ông muốn viết một cuốn sách giống như sách của Montaigne, “đầy những nét vui nhộn, có thơ ca, thương mại, thần học, triết học, có các giai thoại, cả chuyện tục." Ông than phiền văn phong trừu tượng của Alcott làm “mất đi ánh sáng chiếu trên chiếc mũ người ta đội, hoặc rơi vào cái thìa đứa trẻ đang dùng.”

Với cái nhìn đậm nét tâm linh và thực tiễn, lối diễn đạt như cách ngôn này làm Emerson rất sống động lôi cuốn.  Một trong số các nhà Siêu nghiệm luận vùng Concord đã khéo so sánh việc nghe Emerson giảng như “đi lên Thiên đàng bằng xích đu.”  Phần lớn tri thức tâm linh ông có đến từ những gì ông đọc về các tôn giáo Đông phương, nhất là Ấn độ giáo, Khổng giáo, và Mật giáo của đạo Hồi.  Thí dụ, bài thơ “Bhrama”* của ông dựa trên các tài liệu Ấn độ giáo để khẳng định một trật tự vũ trụ vượt ngoài nhận thức hữu hạn của con người.
Nếu kẻ giết người khát máu** nghĩ mình đã giết
Hoặc kẻ bị giết nghĩ mình đã chết.
Họ đều không biết rõ những cách tinh tế
Mà tôi giữ lấy, truyền trao, và đổi lại lần nữa.

Xa xôi hay đã quên rồi với tôi vẫn gần gũi
Bóng tối và ánh sáng đều như nhau;
Thánh thần đã biến mất lại hiện ra cho tôi;
Và với tôi nhục vinh chỉ là một.

Họ cho kẻ không biết có tôi là kẻ bệnh hoạn;
Khi họ cho tôi bay bổng, tôi là đôi cánh,
Tôi là kẻ hoài nghi và là điều bị hoài nghi,
Và tôi là bài thánh ca người Bà la môn hát

Các thánh thần dũng mãnh buồn bã mơ ước có được chỗ ở của tôi
Và than vãn vô ích về Bảy Điều thiêng liêng
Nhưng em, hỡi người tình rụt rè của kẻ hiền thiện!
Lại tìm thấy tôi, và quay lưng với Trời.
Bài thơ này được xuất bản trong số đầu tiên của nguyệt san Atlantic vào năm1857 đã khiến người đọc chưa từng biết đến Bhrama, vị thần tối cao của Ấn độ giáo, linh hồn trường tồn và vô biên của vũ trụ, thấy rất khó hiểu.  Emerson đã khuyên độc giả của ông như sau: “Hãy bảo họ gọi đó là Jehovah thay vì Bhrama.” 
Nhà phê bình người Anh Matthew Arnold đã nói những tác phẩm bằng tiếng Anh quan trọng nhất của thế kỷ 19 là những bài thơ của Wordsworth và những bài nghị luận của Emerson.  Là nhà thơ và nhà văn vĩ đại, Emerson có ảnh hưởng xuyên suốt một chuổi dài nhiều thế hệ nhà thơ Mỹ, gồm cả Walt Whitman, Emily Dickinson, Edwin Arlington Robinson, Wallace Stevens, Hart Crane và Robert Frost. Ông cũng là người có ảnh hưởng rất lớn đối với triết học của John Dewey, George Santayana, Friedrich Nietzsche, và William James.

---
* Brahma: vị thần tối cao trong Ấn độ giáo, sáng tạo ra thế giới.  (Brahman: linh hồn vũ trụ; Brahmin: giai cấp cao quý nhất trong xã hội đẳn.g cấp Ấn độ giáo, tức giai cấp tăng lữ Bà la môn).
Trong bài thơ này Emerson đóng vai vị thần sáng tạo thế giới Brahma, bản thể của tất cả vạn vật trong vũ trụ.  Bài thơ ý nói con người chỉ có thể thấy mình trọn vẹn khi nhận thức được rằng tiểu ngã của mình chỉ là một phần của đại ngã vũ trụ bao la. 

**Giai cấp Kshatriya, tướng quân trị vì đất nước, bản chất hung hăng, nên gắn liền với màu đỏ.  (Kshatriya từ gốc Sanskrit katra, có nghĩa là cai trị)
                                                                           *** 
Henry David Thoreau (1817-1862)

Henry David Thoreau, dòng dõi người Pháp và Ái nhĩ lan, sinh ra tại Concord, và đã chọn ở lại đấy suốt đời. Xuất thân trong gia đình nghèo, giống như Emerson, ông theo học tại Harvard và tiến thân từ đó.  Suốt đời ông giảm thiểu nhu cầu sinh hoạt đến mức tối thiểu, và thu xếp sống với rất ít nhu cầu tiền bạc, nhờ đó ông sống độc lập, không phải nhờ đến ai. Về căn bản đời sống của ông chính là sự nghiệp của ông.  Là người không tuân thủ theo khuôn khổ có sẵn, ông luôn cố gắng sống theo những nguyên tắc chặt chẽ của riêng mình.  Sự cố gắng này chính là chủ đề cho nhiều bài viết của ông. 
Kiệt tác Walden (1854), tức Đời Sống Trong Rừng, của Thoreau là kết quả thời gian ông sống hai năm, hai tháng và hai ngày (từ năm 1845 đến năm 1847) trong một căn chòi gỗ bên hồ Walden, trong khu đất của Emerson.  Trong tác phẩm này, Thoreau cố ý gom gọn lại đời sống ấy trong một năm.  Tác phẩm được sắp xếp một cách cẩn thận để bốn mùa diễn ra tuần tự một cách tinh tế. Tác phẩm cũng được sắp xếp để các mối bận tâm đời thường đơn giản nhất được trình bày trước (trong phần tựa đề "Kinh tế" ông tả lại những phí tổn cho việc xây căn chòi); khi kết thúc, sách đã đưa đến việc bàn về thiền định, trầm tư khi ngắm nhìn các vì sao.  
Là một người thích đọc du ký, và là tác giả của nhiều sách du ký, nhưng với Walden,ngược lại, Thoreau đã đem lại cho chúng ta một tác phẩm đả phá việc đi đó đây: quyển sách mở ra vùng biên cương nội tâm để tự cá nhân khám phá, điều mà trước đây chưa hề có quyền sách nào ở Mỹ nói đến. Với vẻ khiêm tốn giống cuộc sống khổ hạnh của Thoreau, quyển sách không khác gì sách hướng dẫn sống một đời sống lành mạnh theo lý tưởng cổ điển. Mang đậm nét thi ca và triết học, tác phẩm nghị luận thi vị khá dài này thách thức người đọc hãy khảo sát lại đời sống của mình và hãy sống thực. Việc xây dựng căn chòi, được Thoreau miêu tả rất tỉ mỉ, là một ẩn dụ cụ thể về việc xây dựng tâm hồn một cách cẩn thận.  Trong nhật ký viết vào ngày 30 tháng giêng năm 1852, Thoreau giải thích việc ông chuộng cách sống bám rễ vào một chỗ như sau: "Tôi sợ phải du hành nhiều hoặc phải đi đến những danh lam thắng cảnh, vì tôi e rằng nó có thể hoàn toàn làm tổn hại tâm hồn."   

Phương pháp tịnh tâm và tập trung của Thoreau giống như các kỹ thuật thiền định Á đông. Nét tương đồng này không phải ngẫu nhiên mà có: giống Emerson và Whitman, Thoreau chịu ảnh hưởng của triết lý Ấn độ giáo và Phật giáo. Tài sản ông trân quý nhất là thư viện gồm những sách kinh điển Á đông của ông mà ông đã để Emerson cùng sử dụng. Giống như các nhà văn siêu hình ở Anh cuối thời kỳ Phục hưng, cách diễn đạt sâu rộng của ông chịu ảnh hưởng của các tác phẩm kinh điển Hy La, rất mạch lạc rõ ràng, dí dỏm, và giàu ẩn dụ

Qua tác phẩm Walden, Thoreau kiểm chứng lại các lý thuyết Siêu nghiệm, ông tái hiện lại kinh nghiệm chung của người Mỹ vào thế kỷ 19: kinh nghiệm sống ở vùng biên địa.  Thoreau thấy rằng đóng góp của ông bằng ngôn ngữ và ngòi bút sẽ làm mới lại ý thức về nét hoang sơ của nước Mỹ. Trong nhật ký của ông có một đoạn viết vào năm 1851 không ghi ngày như sau:

Văn chương Anh, từ thời những người hát rong đến thời của các nhà thơ vùng hồ (Lake poets: William Wordswoth, Samuel Taylor Coleridge, Robert Southey…), Chaucer, Spencer, và Shakespeare, kể cả Milton, không hít thở không khí tươi mát, nghĩa là nó không tự nhiên. Về cơ bản đó là một nền văn chương đã được thuần hóa và văn minh hóa, chịu ảnh hưởng của Hy La.  Một nền văn chương với những khu rừng xanh ngát, và vị anh hùng trong rừng là Robin Hood.  Trong nền văn chương ấy, thi ca nói lên khá nhiều về tình yêu thiên nhiên gần gũi và vui tươi, nhưng lại không tả cảnh thiên nhiên nhiều như thế. Theo biểu đồ thời gian, nền văn học ấy cho chúng ta biết khi nào những thú hoang trong văn chương, chứ không phải con người hoang dã của văn học, sẽ trở thành tuyệt chủng. Chúng ta cần có một nước Mỹ riêng.

Walden đã gợi hứng cho William Butler Yeats, một nhà thơ theo chũ nghĩa dân tộc nhiệt thành người Ái nhĩ lan, sáng tác bài thơ “Hòn Đảo Innisfree.” *  Trong khi đó bài nghị luận “Khi người dân không nghe lời” với chủ thuyết bất bạo động dựa trên nền tảng đạo đức cần thiết cho người dân có quyền không tuân theo những luật pháp bất công.  Bài thơ này là nguồn cảm hứng thúc đẩy phong trào giành độc lập cho Ấn độ của Mahatma Gandhi, và cho cuộc đấu tranh đòi nhân quyền cho người Mỹ đen của Martin Luther King vào thế kỷ 20. 

Thoreau là nhà Siêu nghiệm luận hấp dẫn nhất ngày nay vì tác phẩm của ông phản ánh ý thức bảo vệ môi trường, tính độc lập tự lực tự cường, tinh  thần kiên trì đấu tranh chống chế độ nô lệ, lý thuyết chính trị về sự bất tuân của người dân và về đấu tranh hòa bình do ông chủ trương.  Tư tưởng của Thoreau ngày nay vẫn sống động mới mẻ, và cách hành văn đầy thi vị, sáng sủa với thói quen quan sát kỹ  lưỡng của ông vẫn rất hiện đại. 

Walt Whitman (1819-1892)

Sinh ra tại Long Island, New York, Walt Whitman vừa hành nghề thợ mộc vừa sáng tác.  Ông là người của quần chúng nhân dân, và với tác phẩm mới lạ độc đáo và tuyệt vời của mình, ông đã nói lên tinh thần dân chủ của nước Mỹ. Chủ yếuWhitman là người tự học. Ông rời ghế nhà trường năm 11 tuổi để đi làm; do đó ông không được học trường lớp kiểu chính quy truyền thống, nhưng chính học như thế đã khiến các nhà văn Mỹ trở nên kẻ bắt chước phong cách văn chương Anh.  Tác phẩm Lá Cỏ (Leaves of Grass) (1855) của Whitman, tập thơ mà ông dành cả đời để viết đi viết lại, gồm bài “Bài Ca Về Tôi” (“Song of Myself”), một bài thơ bất hủ độc đáo nhất từ trước đến lúc ấy do một người Mỹ viết.  Lời khen nồng nhiệt của Emerson và một vài người khác dành cho tập thơ táo bạo này đã khẳng định tên tuổi Walt Whitman trên thi đàn mặc dù tác phẩm lúc đó chưa thành công rộng rãi.

Là một tác phẩm có tầm nhìn sâu rộng ca ngợi mọi sáng tạo, Lá Cỏ lấy nguồn cảm hứng chủ yếu từ các bài viết của Emerson, đặc biệt bài nghị luận tựa đề “Nhà Thơ” trong đó Emerson đã tiên liệu rằng sẽ có một mẫu người thi sĩ mạnh mẽ có tâm hồn rộng mở, một nhà thơ cho tất cả mọi người, một nhà thơ kỳ lạ khiến người ta phải sững sờ như Walt Whitman. Thể thơ tự do, mới mẻ, không vần không điệu, thơ ca ngợi tính dục một cách cởi mở, thơ nói về tình cảm dân chủ mãnh liệt, thơ khẳng định tính lãng mạn cao độ khi nói rằng con người nhà thơ là một với bài thơ, là một với vũ trụ và độc giả, thơ như thế đã vĩnh viễn thay đổi nền thi ca Mỹ.

Lá Cỏ (Leaves of Grass) bao la, sinh động, và tự nhiên như lục địa Mỹ châu.  Nó chính là bản anh hùng ca mà nhiều thế hệ nhà phê bình văn học Mỹ đã lên tiếng khát khao đòi hỏi mặc dù họ không biết rõ. Dòng chuyển động nhấp nhô trong bài thơ “Bài Ca Về Tôi” nghe như tiếng nhạc rạo rực tâm hồn.

Những khúc gỗ và đá sỏi lát đường rầy rời bỏ tôi
Tôi đi quanh những rặng núi cao, cây cỏ của tôi che khắp lục địa
Tôi đồng hành với cái nhìn của mình 

Bài thơ chứa đầy muôn vàn hình ảnh và âm thanh cụ thể.  Những chú chim của Whitman không phải là những "bóng ma có cánh" rập theo quy ước thi ca.  "Con cò với đốm vàng trên đỉnh đầu" của thi sĩ "đêm đêm đi đến đầm lầy bắt cua nhỏ để ăn." Whitman dường như có mặt trong mọi thứ ông nhìn thấy hoặc tưởng tượng ra.  Ông quả là người của quần chúng. "Đi tàu đến từng hải cảng để vui chơi và mạo hiểm/ Vội vã đi cùng đ́ám đông hiện đại, tôi cũng hăng hái và sốc nổi như mọi người." Nhưng đồng thời ông cũng là một với từng cá nhân đau khổ, ông là "Người mẹ của thời xa xưa, bị xử tội vì là phù thủy, bị củi khô thiêu cháy, đám con đứng nhìn trân trân.....Tôi là kẻ nô lệ bị bức hại/ Nhăn nhó đau đớn vì bị đàn chó cắn....Tôi là người lính cứu hỏa tả tơi bị đánh gãy xương ngực...."

Hơn mọi tác giả khác, Whitman đã tạo ra huyền thoại về một nước Mỹ dân chủ.  "So với tất cả các dân tộc khác trong mọi thời đại, có thể nói người Mỹ có thiên nhiên nên thơ toàn vẹn nhất.  Nước Mỹ chủ yếu là bài thơ vĩ đại nhất." Khi Whitman viết dòng này, ông đã bạo dạn đánh đổ ý kiến thường cho rằng nước Mỹ quá thô tháo và mới mẻ không thể nào nên thơ được.  Ông đã tạo ra một nước Mỹ của trí tưởng tượng tự do vượt ngoài thời gian, với cư dân là những người mang tinh thần tiên phong đế từ tất cả các quốc giaNhà văn và thi sĩ người Anh D. H. Lawrence đã nói rất đúng khi gọi Whitman là nhà thơ của "con đường cái quan thênh thang."
Chúng ta có thể thấy giá trị vĩ đại của Whitman qua nhiều bài thơ ông sáng tác như "Qua Sông Bằng Phà Brooklyn," “Rời Chiếc Nôi Vẫn Còn Đong Đưa Mãi,” “Khi Hoa Huệ Cuối Cùng Nơi Thềm Cửa Nở” --một bài thơ ai điếu về cái chết của Abraham Lincoln.  Một tác phẩm quan trọng khác là bài nghị luận dài của ông mang tựa đề “Nhãn Quan Dân Chủ” (1871) được viết trong cơn sốt chạy theo vật chất của nền công nghệ “Mạ Vàng.” Trong bài nghị luận này Whitman đã chỉ trích nước Mỹ một cách đích đáng về cái giàu có với nền kỹ nghệ hùng cường phức tạp, che đậy một tâm hồn “khô khan cằn cỗi và trơ trọi tựa sa mạc Sahara.” Ông kêu gọi nên có một nền văn học mới để vực người dân Mỹ sống lại (“Không phải sách cần phải thành sách toàn vẹn, mà chính người đọc sách cần phải thành người toàn vẹn.”).  Nhưng nói cho cùng chính “Bài Ca Về Mình” mới là thi phẩm chủ yếu biến Whitman thành nhà thơ bất tử.  Ở đây ông đã đặt cái tôi lãng mạn ngay trọng tâm bài thơ:


Tôi ca ngợi tôi, tôi hát về tôi
Điều tôi cho là như vậy, bạn cũng cho là như vậy
Vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi cũng thuộc về bạn
 

Tiếng thơ của Whitman làm rung động cả độc giả ngày nay bằng lời tuyên ngôn về tính hợp nhất và năng lực của mọi sáng tạo. Ông quả là nhà thơ mới độc đáo chưa từng có.  Thơ ông bật ra như lời tự thuật, biến người thường dân Mỹ thành nhà thi sĩ, biến độc giả thành người sáng tác, và làm cho mãi đến ngày nay người ta vẫn còn phải khám phá về loại thơ thực nghiệm, hữu cơ.
Các Nhà Thơ Bà La Môn
Vào thời đó, những vị Bà La Môn vùng Boston (theo cách người thời đó thường gọi lớp sinh viên học tại Harvard thuộc dòng dõi quyền quý) đã trở thành các bậc thầy văn chương lỗi lạc, học thức uyên bác và được mọi người kính phục của nước Mỹ. Đời sống của họ mang phong cách giàu sang, nhàn nhã theo khuôn mẫu của vùng New England luôn đề cao đạo đức trong phong cách làm việc và xem trọng việc học.

Nếu sống trong thời Puritan trước đó, những vị Bà la môn vùng Boston này hẳn đã là các giáo sĩ; nhưng vào thế kỷ 19, họ là các giáo sư, thường dạy tại Harvard.  Cuối đời họ hay trở thành các đại sứ, và nhận học vị danh dự từ những viện đại học lớn ở Âu châu.  Phần lớn họ đều lui tới và tiếp nhận nền giáo dục của Âu châu.  Họ quen thuộc với tư tưởng học thuật của Anh, Đức, Pháp, và thường thường là tư tuỏng từ Ý và Tây Ban Nha.  Xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, nhưng lại ủng hộ dân chủ, các nhà thơ Ba la môn đã truyền đạt quan điểm tao nhã, kiểu Âu châu của họ về mọi vấn đề của nước Mỹ qua các buổi thuyết giảng trước công chúng tại hơn 3000 thính đường, và qua hai tạp chí có ảnh hưởng lớn ở Boston là Tạp Chí Bình Luận Bắc Mỹ và Nguyệt san Atlantic.
Tác phẩm của các nhà thơ Bà la môn đã hòa nhập cả hai truyền thống Mỹ và Âu, và họ tìm cách duy trì tiếp kinh nghiệm mà quốc gia bên hai bờ Đại tây dương đều cùng chia xẻ. Những nhà thơ học giả này cố gắng giáo dục và nâng cao trình độ dân chúng trong vùng bằng cách giới thiệu khía cạnh Âu châu vào văn học Mỹ. Mỉa mai thay, ảnh hưởng của họ nói chung đều bảo thủ.  Họ khăng khăng một mực đòi phải có nội dung và hình thức kiểu Âu châu, họ đã ngăn trở sự phát triển ý thức đặc thù riêng của Mỹ.  Là những người có hảo ý, nhưng nguồn gốc xuất thân đã khiến họ mờ mắt không thấy tính cách mới lạ táo bạo độc đáo của Thoreau, Whitman (người mà họ từ chối không chịu tiếp xúc), và Edgar Alan Poe (người mà ngay cả Emerson cũng xem là “anh chàng say rượu”). Các nhà thơ Bà la môn này là trụ cột của cái gọi là “ truyền thống tao nhã” mà ba thế hệ nhà văn hiện thực Mỹ đã phải chống lại.  Một phần vì ảnh hưởng của họ mờ nhạt, phải mất gần 100 năm sau, những thiên tài đặc thù của Mỹ như Whitman, Melville, Thoreau, và Poe mới được công chúng nhìn nhận trên đất nước họ.
 Henry Wadsworth Longfellow (1807-1882)
Các nhà thơ Bà la môn vùng Boston quan trọng nhất là Henry Wadsworth Longfellow, Oliver Wendell Holmes và James Russell Lowell.  Longfellow, giáo sư ngôn ngữ hiện đại tại Harvard, là nhà thơ được nhiều người biết đến nhất thời đại ấy.  Ông cũng là người gánh trách nhiệm đã đem lại cho người Mỹ ý thức về quá khứ hòa nhập truyền thống Âu châu với Mỹ đầy vẻ huyền thoại, mờ ảo và phi lịch sử.  Ông đã viết ba bài thơ dài về các huyền thoại của thổ dân Mỹ bằng âm vận kiểu Âu châu.  “Evangeline” (1847), “Bài Ca Hiawatha” (1855), và “Chuyện Miles Standish Tán Tỉnh Người Đẹp" ("The Courtship of Miles Standish”) (1858).  Longfellow cũng viết sách giáo khoa về ngôn ngữ hiện đại và một quyển du ký tựa đề Outre-Mer kể lại  những huyền thoại nước ngoài,  phỏng theo quyển Tạp Ghi (Sketch Book) của Washington Irving.  Mặc dù bảo thủ, quy tắc, đa sầu đa cảm, và cách diễn đạt dễ dãi có làm hỏng đi các bài thơ dài của ông, bài thơ trữ tình ngắn du dương như bài “Nghĩa Địa Của Người Do Thái Ở Newport” (1854), “Tuổi Trẻ Đã Mất Của Tôi” (1855), và “Thủy Triều Dâng, Thủy Triều Rút” (1880) c̉ua ông vẫn còn được người đọc mến chuộng. 

James Russell Lowell (1819-1891)

James Russell Lowell, người trở thành giáo sư dạy ngôn ngữ hiện đại tại Harvard sau khi Henry Wadsworth Longfellow về hưu, là một Mathew Arnold* trong nền văn học Mỹ.  Ông nguyên là một nhà thơ, nhưng sau đó dần dần mất đi khả năng làm thơ, và trở thành nhà phê bình và nhà mô phạm được nhiều người kính nể. Là chủ bút tờ The Atlantic, và đồng chủ bút tờ North American Review ông đã có ảnh hưởng to lớn. Bài nghị luận phê bình “Ngụ ngôn cho những nhà phê bình” (1848) là lời khen ngợi vừa vui nhộn vừa đích đáng về các tác giả Mỹ, chẳng hạn ông viết: “Poe xuất hiện với con quạ, giống như Barnaby Rudge**/Ba phần năm ông ấy là thiên tài còn hai phần năm chỉ là sô cô la đậm đặc mà thôi.”

Do ảnh hưởng của vợ ông, Lowell trở thành nhà cải cách cấp tiến, chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ da đen, và ủng hộ phong trào đấu tranh để phụ nữ được quyền đi bầu và bãi bỏ sử dụng lao động trẻ em. Tác phẩm Tài liệu Biglow Tập Một*** đã tạo ra nhân vật Hosea Biglow, một người đàn bà miệng lưỡi chanh chua nhưng lại là nhà thơ thất học trong làng, và là người đòi phải cải cách thi ca viết bằng phương ngữ.  Benjamin Franklin và Philip Freneau đã dùng tiếng nói của người dân làng thông minh để lên tiếng phê phán xã hội.  Lowell cũng làm thơ châm biếm, và ông là người nối kết truyền thống “nhân vật” thời thuộc địa với khuynh hướng hiện thực mới và dòng văn học mang tính cách địa phương, sử dụng phương ngữ đặc thù của từng vùng nở rộ vào những năm 1850, và đơm hoa kết trái với Mark Twain.




------



*Mathew Arnold (1822-1888) là nhà thơ và nhà phê bình văn hóa người Anh thời Victoria.

**Barnaby Rudge là tên nhân vật trong quyển tiểu thuyết lịch sử cùng tên của Charles Dickens với bối cảnh là cuộc nổi dậy Gordon năm 1780.  Nhân vật này là một người đơn giản sống với bà mẹ tên Mary và con quạ̣̣̣̣ tên Grip.  Chính con quạ này đã gợi hứng cho Poe viết bài thơ “Raven.”

***Biglow Papers First Series (Tài liệu Biglow Tập Một): tập thơ châm biếm viết bằng phương ngữ Yankee (vùng New England/các tiểu bang Đông Bắc nước Mỹ) của Lowell đăng trong nhật báo Boston Courier vào những năm 1846-1848, sau được in thành tập thơ vào năm 1848.
 
(Còn tiếp)

Nguồn:
http://ufdc.ufl.edu/AA00011697/00001

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.