Monday, April 8, 2019

Rip Van Winkle



"Rip Van Winkle"
Washington Irving (1783-1859)
                                                                       
                                                                       Lời Tựa
                    
  Tài liệu Diedrich Knickerbocker viết, được đăng sau khi ông qua đời
 
Câu chuyện dưới đây được tìm thấy trong số các giấy tờ của Diedrich Knickerbocker, một vị trưởng lão quyền quý ở New York,  một người rất hiếu kỳ về lịch sử người Hòa lan ở vùng New York, và cách sống của con cháu những di dân Hòa lan đầu tiên.  Tuy vậy, nghiên cứu lịch sử của ông không đến từ sách vở mà qua con người, vì sách về các đề tài ông yêu thích nhất rất hiếm trong khi đó ông lại khám phá nhiều qua những nhà quý tộc lớn tuổi , và còn khám phá nhiều hơn nữa từ các bà vợ của họ, một kho kiến thức huyền thoại phong phú và vô giá về sự thật lịch sử.  Do đó, khi ông tìm ra một gia đình gốc Hòa lan thật sự, sống an bình nơi điền trang có mái nhà thấp của họ, ẩn dưới tàng cây sung to rộng, ông xem đấy như một quyển sách in theo kiểu chữ Anh cổ,* được cất khóa kỹ, và nghiền ngẫm đọc nó say mê như con mọt sách. 
Kết quả những nghiên cứu của ông là lịch sử về một tỉnh lỵ dưới sự cai trị của những thống đốc người Hòa lan.  Quyển sử ấy được ông cho xuất bản sau đó vài năm.  Có nhiều ý kiến khác nhau về nét văn chương trong tác phẩm của ông, và, quả thực, nó cũng chẳng đặc sắc hơn cái người ta mong đợi.  Điểm đáng khen của tác phẩm là tính chính xác đến từng chi tiết của nó.  Thật ra khi mới xuất hiện lần đầu, tác phẩm cũng bị người ta đặt nghi vấn về tính chính xác ấy, nhưng sau đó, họ lại thừa nhận nó.  Bây giờ tác phẩm đã được đưa vào các bộ sưu tầm lịch sử như một quyển sách viết bởi một người có đủ thẩm quyền.
Vị trưởng lão ấy đã qua đời chẳng bao lâu sau khi tác phẩm của ông được xuất bản.  Giờ đây ông không còn nữa, khi nhắc đến ông, tưởng cũng không hại gì nếu nói rằng lẽ ra ông nên dành thì giờ cho những lao động xứng đáng hơn là ngồi viết những chuyện như vầy. Tuy nhiên ông có khuynh hướng tiêu khiển theo cách riêng của mình.  Mặc dù thú tiêu khiển ấy đôi khi có gây phiền hà một chút cho hàng xóm và làm buồn lòng vài người bạn mà ông thật lòng trân quý, những sai sót của ông chỉ khiến người ta “buồn  hơn là giận,”** và người ta cũng bắt đầu ngờ rằng ông làm thế không phải để trêu tức hay làm hại người khác.  Nhưng dù người phê bình có biết trân quý khi tưởng nhớ đến ông hay chăng, nhiều người có ý tốt mà chúng ta phải tôn trọng vẫn mến mộ khi nhắc đến ông.  Đặc biệt một vài người bán bánh còn làm bánh có in hình giống ông trên bánh tất niên của họ, và như vậy họ tạo ra một cơ hội biến ông thành bất tử, cũng giống như có hình được in trên mề đay Waterloo*** hay trên đồng tiền farthing**** triều Nữ hoàng Anne.
----
Chú thích:
Washington Irving viết truyện Rip Van Winkle dựa trên huyền thoại dân gian của người Đức.  Điều này cho thấy ông đọc và cḥịu ảnh hưởng văn chương lãng mạn Đức, và cũng đánh dấu việc ông từ bỏ cách viết châm biếm ở giai đoạn đầu trong đời viết văn của mình khi ông theo phái tân cổ điển, để chuyển sang viết tình cảm lãng mạn trong các tác phẩm về sau. 
*A heavy-faced type, now called Gothic, and Old English.  Loại chữ in to đậm, bây giờ gọi là chữ Gothic, dùng in tiếng Anh cổ.
**Hamlet Act 1, scene ii, line 232.  Trích trong kịch Hamlet Hồi 1, Màn 2, Dòng 232
***The Waterloo Medal commemorated the British victory over Napoleon in 1815.  Mề đay Waterloo mừng quân Anh chiến thắng Napoleon năm 1815.
****Farthing: đồng tiền đúc dưới thời Nữ hoàng Anne (1702-1714), có in hình bà, từng được lưu hành ở Anh, nhưng bị thu hồi năm 1961, có giá trị bằng ¼ đồng xu ngày xưa.

***
Những người du hành về thượng nguồn sông Hudson hẳn phải nhớ đến rặng núi Kaatskill*.  Đây là một nhánh tách ra từ rặng Appalachia, và người ta có thể thấy nó từ đằng xa về phía tây sông Hudson, nhô lên hùng vĩ, ngự trị cả vùng chung quanh.  Qủa thật, mỗi khi đổi mùa hoặc đổi thời tiết, cứ mỗi giờ những ngọn núi này lại thay đổi màu sắc và hình dạng huyền diệu của chúng.  Gần xa các bà nội trợ quán xuyến đều xem những ngọn núi ấy như những hàn thử biểu.  Khi thời tiết tốt và ổn định, rặng núi phủ màu da trời và màu tím, in dáng núi rõ nét trên bầu trời đêm quang đãng; nhưng thỉnh thoảng, khi quanh vùng, trời không có mây, trên đỉnh các ngọn núi ấy lại được che phủ bởi những làn hơi nước xam xám, mà dưới tia nắng hoàng hôn còn sót lại chúng sẽ sáng lên như chiếc vương miện rực rỡ.
Nơi chân rặng núi huyền thoại này, lữ khách có thể thấy một làn khói tỏa lên từ ngôi làng với những mái ngói thấp thoáng trong lùm cây.  Tại đấy màu xanh da trời của vùng núi cao xa xa hòa quyện vào màu xanh lá cây tươi mát của cảnh vật ở gần hơn.  Đó là một ngôi làng nhỏ rất cổ xưa, do vài người thực dân Hòa lan sáng lập nên khi tỉnh lỵ mới hình thành, vào khoảng thời gian đầu khi Ngài Peter Stuyvesant (cầu xin Ngài được an giấc ngàn thu) còn cai trị miền đó.  Có vài ngôi nhà của những người đến định cư đầu tiên dựng lên trong vòng vài năm,  xây bằng những viên gạch nhỏ, màu vàng được mua tận bên Hòa lan, với cửa sổ mắc cáo, và mặt tiền có đầu hồi, trên nóc có gắn hình con gà dùng để chỉ hướng gió.
Tại một trong những ngôi nhà trong ngôi làng đó (phải thành thực mà nói là những ngôi nhà ấy đều tàn tạ theo thời gian và phong sương theo thời tiết) có một anh chàng giản dị, chơn chất tên là Rip Van Winkle sống ở đấy đã lâu.  Chàng là hậu duệ gia đình Van Winkle vốn có tiếng dũng cảm can trường dưới thời Peter Stuyvesant́́** vì đã từng theo Ngài bao vây tiền đồn Christina***.  Tuy vậy chàng ta lại thừa hưởng rất ít tính cách binh nghiệp của tổ tiên mình.  Tôi đã nhận xét Rip Van Winkle là người giản dị, chơn chất.  Hơn thế nữa, chàng còn là người hàng xóm nhân từ, và người chồng ngoan ngoãn, sợ vợ.  Thật vậy, trong vai người chồng, chính tính cách nhượng bộ thái quá ấy đã khiến Rip Van Winkle được nhiều người quý mến, bởi vì những ông chồng trong gia đình cam chịu theo kỷ luật của một mụ vợ đanh đá, thì ngoài xã hội anh ta thường khúm núm và nhường nhịn người khác. Tính tình những ông chồng như thế chắc chắn đã được trui rèn trở nên dễ uốn nắn trong lò khổ nhục của đời sống gia đình.  Và bài học khi bị vợ kéo vào phòng riêng mà la mắng còn đáng giá hơn tất cả các bài thuyết giảng trên đời về đức tính kiên nhẫn chịu đựng.  Do vậy, về mặt nào đó, một bà vợ chanh chua, đanh đá có thể được xem như phần phước báu của mình; nếu thế thì Rip Van Winkle có ba lần được ban phước. 
Chắc chắn Rip Van Winkle là người được nhiều bà vợ tốt trong làng quý nhất.  Các bà ấy, như ta thường thấy ở phái nữ đáng yêu, đều chọn đóng vai như chàng trong các cuộc cãi vả trong gia đình, và tối lại khi tán gẫu với các chị em và bàn đến những chuyện như thế , họ chẳng bao giờ quên đổ lỗi cho vợ Van Winkle.  Cả lũ trẻ trong làng cũng vậy, hễ thấy chàng sắp đến gần là chúng reo to lên sung sướng.  Chàng giúp chúng biết chơi thể thao, làm đồ chơi cho chúng, dạy chúng thả diều, bắn bi, và chàng còn kể chuyện ma quỷ, phù thủy, và thổ dân da đỏ cho chúng nghe.  Mỗi khi Rip Van Winkle đi vội qua làng, một tốp trẻ con lại níu kéo áo chàng, leo trèo lên lưng, làm đủ trò nghịch ngợm mà không sợ bị la rầy gì cả. Ngay cả chó trong xóm cũng không con nào muốn sủa chàng.
Lỗi lớn nhất trong tính khí của Rip là không thích làm bất kỳ công việc nào để kiếm lợi.  Không phải vì chàng thiếu tập trung hoặc thiếu kiên trì; bởi vì chàng có thể ngồi trên tảng đá ướt, cầm cần câu dài và nặng như cái lao của người Tartar, và câu cá cả ngày không than phiền dù chàng chẳng được ai cho ăn để khuyến khích làm việc đó.  Chàng thường vác cây súng trường trên vai, đi hàng giờ băng qua rừng và đầm lầy, lên đèo cao hoặc xuống lũng sâu để bắn vài con sóc hay bồ câu rừng.  Chàng không bao giờ từ chối giúp đỡ hàng xóm dù việc có khó thế mấy.  Trong các trò chơi do quận tổ chức, chàng cũng là người nổi bật nhất khi thi lột vỏ bắp, hay xây hàng rào bằng đá.  Các phụ nữ trong làng hay nhờ Rip chạy việc giùm họ, và làm những chuyện lặt vặt mà các ông chồng ít vâng lời của họ không chịu làm.  Nói tóm lại  Rip sẵn sàng làm việc người mà bỏ việc nhà.  Còn thi hành bổn phận trong gia đình và giữ trang trại đâu ra đó, thì chàng lại không kham nổi.
 
___  
*Kaatskill (Catskill) Mountains: rặng núi nằm ở phía đông nam tiểu bang New York. 
**Peter Stuyvesant́́ là vị thống đốc cuối cùng của vùng New Netherland (1647-1664).
***Fort Christina: năm 1655 quân Hòa lan dưới sự lãnh đạo của Peter Stuyvesant́́ đã đánh bại thực dân vùng New Sweden tại tiền đồn Christina, gần Wilmington, Delaware ngày nay.  
Thật vậy, chàng tuyên bố làm việc nơi trang trại của mình là vô ích, đó là một mảnh đất nhỏ phiền hà nhất xứ.  Mọi thứ liên quan đến nó đều hỏng cả, và dù chàng có cố thế mấy, nó cũng hỏng như thế.  Rào dậu thì đổ nát; bò nuôi hoặc đi lạc mất hoặc vào chỗ trồng bắp cải.  Cỏ dại trên đồng của Rip mọc nhanh hơn những nơi khác.  Mỗi khi Rip sửa soạn ra đồng làm việc thì trời lại đổ mưa.  Mảnh đất Rip thừa tự dần dần nhỏ lại từng mẫu đất một dưới sự quản lý của chàng, cho đến khi nó chỉ còn hơn một luống để trồng khoai và giống bắp của người da đỏ, đến nông nỗi đó, nó vẫn là nông trại tồi tệ nhất trong xóm.
Đám con của chàng cũng thế, rách rưới, cù bơ cù bất như trẻ vô thừa nhận.  Cậu con tên Rip của chàng, một thằng bé lôi thôi lếch thếch, sinh ra hệt cha nó, hứa là nó sẽ thừa hưởng những thói quen và quần áo cũ của cha.  Người ta thường thấy thằng bé theo sát gót mẹ như một chú ngựa con, mặc chiếc quần thùng thình cha nó vất cho.  Thằng bé phải dùng tay giữ quần cao lên một cách khó khăn, giống như một phụ nữ quý phái nhấc chiếc váy dài lê thê của mình khi gặp phải thời tiết xấu.
Tuy vậy Rip Van Winkle lại là một trong những người hạnh phúc trên đời, với tính ngờ nghệch, thiếu khôn ngoan của mình, một người nhìn đời dễ dãi, với chàng ăn bánh mì trắng hay bánh mì nâu đều được, miễn sao ít phải suy nghĩ hay không bị rắc rối, một người thà đói với đồng xu dính túi còn hơn phải làm việc để kiếm một đồng bảng*Anh.  Nếu chỉ sống một mình, có lẽ Rip sẽ bằng lòng với một đời nhởn nhơ nghêu ngao huýt gió cả ngày; nhưng bà vợ không ngớt cằn nhằn bên tai chàng về tật ăn không ngồi rồi, cẩu thả, và làm lụn bại cả gia đình của chàng.  Từ sáng, trưa đến tối, miệng lưỡi bà vợ không bao giờ ngừng, bà cứ nhắm mọi điều chàng nói hay làm mà tuôn ra một tràng cho cả nhà nghe.  Đối với tất cả những bài lên lớp của vợ, Rip chỉ có một cách đáp lại, và vì đã quá quen cách ấy, nó biến thành thói quen luôn: chàng chỉ nhún vai, lắc đầu, và đưa mắt nhìn lên trời, chẳng nói chẳng rằng.  Nhưng cách ấy càng khiến vợ chàng nổi thêm cơn thịnh nộ; thế là chàng hoan hỉ rút lui ra khỏi nhà, lối thoát duy nhất của các ông chồng sợ vợ.   
Chỗ dựa duy nhất trong nhà cho Rip là con chó Wolf của chàng.  Con chó cũng sợ bà chủ như chàng, vì bà chủ xem cả hai là một cặp lười biếng, và thậm chí còn nhìn nó bằng cặp mắt hằn học vì bà cho nó là nguyên nhân khiến ông chủ lệch lạc như thế.  Sự thật thì con chó có đầy đủ các đức tính của một con chó tốt, rất can đảm khi đi đánh hơi tìm kiếm dấu vết trong rừng.  Nhưng có lòng can đảm nào chịu nổi miệng lưỡi kinh khủng một người đàn bà lúc nào cũng đay nghiến?  Ngay khi bước vào nhà, chòm lông trên đầu nó liền rủ xuống, đuôi thì cụp lại đụng đất hoặc cuộn tròn nép giữa hai chân, nó len lén chuồn đi, không muốn bà chủ thấy nó, mắt lấm lét dòm chừng bà.  Không để bà nện nó nhừ tử bằng cán chổi hoặc cái vá múc thức ăn, nó đã kịp phóng nhanh ra cửa miệng kêu ăng ẳng. 
---
*pound: đơn vị tiền tệ của Anh, Jersey, Guernsey, và đảo Man, Nam Georgia, quần đảo Sandwitch phía nam, ; thường được gọi là đồng "pound," cũng có tên gọi khác, ít phổ thông hơn, là "sterling." Được dùng ở Liên hiệp Anh, Jersey, Guernsey, Đảo Man, South Georgia, quần đảo Sandwich Islands phía nam, lãnh thổ ở Nam cực của Anh, và quần đảo núi lửa Tristan da Cunha ở nam Đại tây dương.  Một bảng/pound gồm 100 xu/pence.  Ký hiệu đồng bảng Anh là £.

Theo năm tháng cuộc sống gia đình của Rip càng ngày càng tồi tệ.  Tính khí chanh chua của bà vợ không vì tuổi tác mà dịu bớt, và miệng lưỡi đanh đá ấy càng sắc bén hơn vì được dùng thường xuyên.  Đã lâu rồi, mỗi lần phải bỏ ra khỏi nhà, Rip thường tự an ủi bằng cách lui đến chỗ tụ hội của những nhà hiền triết, nhàn rỗi trong làng.  Họ họp lại nơi băng ghế trước một quán trọ nhỏ, nơi có treo bức ảnh vua George đệ tam với nước da hồng hào.  Ở đó vào ngày hè dài lê thê, họ thường ngồi dưới bóng râm, tán gẫu những tin đồn đãi trong làng, hoặc kể mấy câu chuyện chẳng có nội dung gì, không đầu không đuôi, chỉ khiến người ta buồn ngủ.  Nhưng khi tình cờ có một lữ khách đi qua và một tờ báo cũ lọt vào tay họ, tại đó thỉnh thoảng cũng có những cuộc thảo luận sâu sắc đáng để bất cứ chính trị gia nào bỏ tiền ra để được nghe.  Họ sẽ nghiêm trang lắng nghe nội dung tờ báo, do Derrick Van Brummel chậm rãi đọc, ông là hiệu trưởng trường làng, không hề biết sợ con chữ khủng nhất trong từ điển và luôn ăn mặc chỉnh tề.  Rồi bọn họ sẽ tham gia bàn luận về các biến cố chung nhiều tháng sau khi chúng đã xảy ra.  
Ý kiến của nhóm thảo luận chính trị này hoàn toàn do Nicholas Vedder điều khiển, một người đứng đầu trong làng và cũng là chủ quán trọ.  Từ sáng đến tối ông ngồi trước cửa quán, chỉ xê dịch ghế vừa đủ để tránh nắng, để được ngồi dưới bóng cây, chính xác đến độ hàng xóm có thể dựa vào sự di dịch chỗ ngồi của ông mà đoán giờ như dựa vào đồng hồ mặt trời vậy.  Đúng là ông ta chẳng hề phát biểu, mà chỉ liên lục hút ống điếu của mình.  Những người ủng hộ ông (vì mọi người vĩ đại đều có người ủng hộ) hiểu ông rất tõ, và họ biết cách lĩnh hội ý kiến của ông.  Khi có chuyện gì được đọc từ trong báo ra hay liên quan đến tin tức mà ông không vừa ý, ông sẽ hút thật mạnh, nhả ra những làn khói ngắn liên tiếp một cách giận dữ.  Còn khi vừa ý, ông sẽ hút chậm rãi, bình thản, và thở ra những làn mây khói nhẹ nhàng.  Đôi khi ông rút ống vố khỏi miệng, để cho làn khói thuốc từ đó bay quanh mũi ông, để tỏ vẻ hòan toàn đồng ý.  
Nhưng ngay tại thành lũy này, chàng Rip xấu số cuối cùng cũng phải chịu thua mụ vợ đanh đá của mình.  Mụ bất ngờ xông vào chỗ yên tĩnh nơi mọi người đang hội họp, yêu cầu mọi người phải dừng lại.  Ngay cả nhân vật được kính trọng là Nicholas Vedder cũng không được miệng lưỡi hàm hồ của mụ kiêng dè, và mụ còn tố cáo chính Vedder là người khiến chồng mụ vướng vào thói quen ăn không ngồi rồi.
Cuối cùng chàng Rip đáng thương gần như tuyệt vọng, và để trốn phải làm việc đồng áng cũng như tránh tiếng cằn nhằn của vợ, chàng chỉ còn cách vác súng đi lang thang trong rừng.  Ở đấy thỉnh thoảng chàng ngồi dưới gốc cây và mở hầu bao* cho con chó Wolf, con vật đồng cam cộng khổ mà chàng rất cảm thông, xem chàng còn gì.  Chàng hay nói với nó như vầy: “Wolf thân yêu, bà chủ bắt chú phải sống kiếp chó cơ khổ, nhưng chú đừng phiền làm chi, chừng nào tôi còn sống, chú sẽ chẳng cần một người bạn nào khác đứng ra lo cho chú cả.” Wolf thường vẫy đuôi, buồn bã nhìn mặt chủ, và nếu loài chó biết thương hại, thì tôi tin chắc nó đã trả lời là nó luôn một lòng một dạ theo chủ.
Trong một lần bỏ đi thật lâu trong rừng như thế, vào một ngày thu đẹp trời, Rip không ngờ đã leo lên một trong những vùng cao nhất của rặng núi Kaatkill.  Chàng mãi mê săn đuổi theo mấy con sóc, trò săn bắn mà chàng thích nhất, trong khung cảnh tĩnh lặng chỉ có tiếng súng của chàng dội đi dội lại.  Trời về chiều, thở hào hển và mệt lả, Rip nằm lăn ra nghỉ nơi một gò đất cao, phủ đầy cỏ xanh rì trên đỉnh một vách đá dốc.  Ẩn hiện sau cây cối, nhìn xuống phía dưới, chàng có thể thấy cảnh miền quê với rừng rậm trải dài hàng dặm xa tít.  Xa xa thấp bên dưới chàng thấy sông Hudson uy nghi lặng lẽ uốn quanh, phản chiếu một áng mây tím hay một cánh buồm của chiếc tàu như ngủ quên trên boong tàu sáng loáng tợ gương, và cuối cùng mất dạng sau vùng đất cao xanh lơ. 
Còn bên kia là một thung lũng nằm khuất sâu trong vùng núi, hoang dã, cô quạnh và gập ghềnh, đáy thung lũng ngỗn ngang đá từ các vách núi nhô ra lăn xuống, chỗ ấy ít khi nào nắng hoàng hôn chiếu xuống.  Rip nằm đó trầm tư ngắm cảnh vật trong khi màn đêm từ từ buông xuống.  Rặng núi bắt đầu đổ bóng dài xanh thẫm xuống thung lũng.  Rip biết rằng trời sẽ tối hẳn trước khi chàng về đến làng, và chàng thở dài khi nghĩ đến cảnh phải đương đầu với cơn thịnh nộ của bà vợ.  
Khi chàng sắp quay xuống núi, chàng bỗng nghe có tiếng gọi từ xa: “Rip Van Winkle!  Rip Van Winkle!”  Chàng nhìn quanh, nhưng không thấy gì cả ngoài một con quạ đơn độc đang bay qua vùng núi.  Chàng nghĩ có lẽ mình chỉ tưởng tượng mà thôi, và quay lại tính đi xuống thì chàng lại nghe tiếng gọi y như vậy vang trong vùng trời chiều tối tĩnh mịch.  “Rip Van Winkle!  Rip Van Winkle!”  Cùng lúc đó con chó Wolf xù lông trên lưng nó lên, cất tiếng gầm gừ và nép sát vào người chủ, lấm lét nhìn xuống thung lũng.  Rip bỗng cảm thấy sợ nhưng không rõ vì sao; chàng lo âu nhìn về phía con chó đang nhìn.  Chàng nhận thấy có một bóng người lạ đang chậm chạp trèo lên các tảng đá, lưng khòm xuống vì sức nặng của vật ông ta đang vác   Rip ngạc nhiên khi thấy có người ở chỗ hẻo lánh ít ai lui tới này, nhưng chàng nghĩ có thể một người nào đó trong vùng đang cần chàng giúp đỡ, và chàng vội vàng đi xuống để giúp. 
Khi đến gần, chàng càng ngạc nhiên hơn nữa trước hình dạng dị kỳ của người lạ mặt.  Đó là một ông già vai rộng, thấp người, tóc bồm xồm với bộ râu muối tiêu.  Ông ta mặc chiếc áo của người Hoà lan cổ –một chiếc áo khoác ngắn tay buộc dây quanh eo – và nhiều lớp quần buộc dây ngắn tới đầu gối, lớp quần ngoài cùng rộng thùng thình với hàng nút đơm dài xuống hai bên và chùm dây nơi đầu gối.  Ông ta vác trên vai một cái thùng gỗ to nặng, như thùng rượu, và ra dấu bảo Rip đến giúp ông khiêng tiếp.  Mặc dù e dè và không tin người mới gặp này, với tính nhanh nhẩu vui vẻ vốn có,  Rip vẫn làm theo lời ông yêu cầu.  Rồi họ cùng giúp nhau trèo lên khỏi hẻm núi hẹp, mà trước đây có lẽ từng là một dòng nước chảy mạnh trong núi nhưng nay đã khô cạn. 
-- 
*knapsack: túi vi hay túi da

Lúc họ đang leo lên, thỉnh thoảng Rip nghe có tiếng như tiếng sấm ầm ầm dội ra từ hẻm núi sâu, hoặc từ trong những khe núi cao, mà con đường lởm chởm đá họ đi hướng đến.  Chàng dừng lại giây lát, nhưng rồi cho đó là tiếng gầm gừ từ xa khi có mưa rào thường hay xảy ra ở những miền núi cao, chàng lại trèo tiếp.  Khi đi qua hẻm núi, họ đến một khu đất trũng, giống như chỗ xem hát lộ thiên nho nhỏ ngày xưa, bao quanh bởi những vách đá dốc thẳng đứng.  Nơi mép vách đá có nhiều nhánh cây mọc vươn ra, ở đấy ta có thể thấy một chút bầu trời xanh, và áng mây chiều nhuộm nắng hoàng hôn. Trong suốt thời gian trèo leo vất vả như thế, Rip và người bạn đồng hành của chàng chẳng ai nói với ai câu nào. Bởi vì, mặc dù Rip hết sức kinh ngạc không biết khiêng thùng rượu gỗ lên núi cao này làm chi, có một cái gì đó lạ lùng khó hiểu về người lạ mặt khiến Rip thấy sợ và không dám tỏ vẻ thân thiện. 
Khi họ đi đến chỗ xem hát lộ thiên, lại có thêm nhiều điều kỳ quặc nữa xuất hiện. Tại khu đất bằng phẳng ở chính giữa, có một nhóm người trông rất lạ lùng đang chơi ném banh lăn vào chín ci hình gỗ.*  Họ ăn mặc lạ lùng như người từ xứ khác đến; một sộ́ mặc áo khoác ngắn đến hông** theo kiểu thời xưa, một số khác mặc áo khoác sát nách.  Họ có đeo dao dài vắt vào nơi dây nịch.  Phần đông họ đều mặc quần rộng thùng thình có buộc dây nơi đầu gối, giống như người đàn ông lạ mặt nọ.  Gương mặt của họ cũng dị kỳ lắm: một người có đầu to, mặt rộng, và cặp mắt ti hí như mắt heo, một người khác trên mặt chỉ có mũi, đầu đội mũ màu trắng rộng vành, chỏm hình nón,*** trên có gắn một cái đuôi lông gà nhỏ.  Những người ấy đều để râu, với đủ hình dạng, màu sắc.  Một người trong bn họ có vẻ là vị thủ lãnh.  Đó là một người đàn ông  già, mập tròn, mặt dày dạn phong sương.  Ông ta mặc chiếc áo khoác đến hông, dài tay có viền đăng ten, mang dây nịch thật to có chỗ để gắn gươm, đầu đội mũ cao có gắn lông chim, mang vớ dài màu đỏ, và giày đế cao có vẽ hoa hồng.  Những người ấy làm Rip nhớ đến người trong bức tranh cổ của dân vùng Flanders,**** mà chàng đã thấy tại phòng khách nhà ông Dominie Van Shaick, vị giáo sĩ trong làng.  Bức ấy được mang từ Hòa lan sang khi người Âu mới đến định cư.
Điều kỳ lạ  nhất đối với Rip là, mặc dù những người này rõ ràng đang vui chơi, nhưng họ luôn giữ vẻ mặt hết sức trang nghiêm, và im lặng một cách bí mật, và buổi tiệc của họ có lẽ buồn nhất trong tất cả các buổi tiệc mà Rip từng chứng kiến.  Không có gì làm xáo trộn khung cảnh yên lặng ấy ngoài tiếng những trái banh đang lăn của trò ném gỗ.  Khi banh lăn, tiếng chúng vang dội cả núi rừng, giống như tiếng sấm gầm chuyển mưa. 
Khi Rip và người cùng đi với chàng đến gần, họ bỗng ngừng chơi, đưa mắt nhìn chàng lom lom như cái nhìn của các bức tượng, gương mặt họ lạ lùng, thiếu tế nhị và không chút thân thiện đến nỗi tim chàng đập mạnh và đầu gối khựng lại.  Lúc đó người đàn ông đi cùng Rip đổ hết rượu trong thùng gỗ vào một cái bình chứa lớn có vòi, và ra dấu cho Rip hãy phục vụ nhóm người ấy.  Chàng run sợ vâng theo.  Họ im lặng nốc những ngụm rượu dài, rồi trở lại chơi tiếp. 
Dần dần nỗi kinh ngạc và lo sợ của Rip cũng dịu bớt.  Thậm chí, khi không có ai nhìn, chàng còn thử nếm thức uống của họ nữa.  Chàng thấy nó có vị giống như rượu Hòa lan.  Đương nhiên chàng thấy khát, và lát sau lại thử uống lần nữa.  Cứ thế, hết ngụm rượu này đến ngụm rượu khác, và Rip cứ tiếp tục quay trở lại chỗ bình chứa rượu nhiều lần đến nỗi cuối cùng các giác quan của chàng bị choáng ngợp, mắt đảo tung lộn xộn trong đầu, trí óc không còn tỉnh táo được nữa, và chàng chìm vào một giấc ngủ thật say.
Khi tỉnh dậy, Rip thấy mìng đang nằm trên gò đất phủ cỏ xanh mà từ chỗ ấy, lúc trước chàng đã thấy ông già ở dưới thung lũng hẹp.  Chàng dụi mắt --đó là một buổi sáng nắng chiếu rực rỡ.  Chim chóc nhảy nhót tiú tít trong các bụi rậm, và một con diều hâu đang lượn vòng trên không, bay ngược làn gió núi trong lành.  Rip thầm nghĩ: "Chắc chắn mình đã không ngủ quên ở đây suốt đêm qua." Chàng cố nhớ lại những gì đã xảy ra trước khi chàng ngủ quên.  Người đàn ông kỳ lạ với thùng gỗ đựng rượu -- h̉ẻm núi đá -- việc hai người đi sâu vào khu đá lởm chởm -- bữa tiệc buồn bã với trò chơi ném banh vào chín trụ gỗ -- bình chứa rượu -- "Ồ, cái bình chứa rượu! Cái bình chết tiệt ấy! Biết lấy cớ gì mà nói với mụ Van Winkle đây?" 
___
*ninepins: trò chơi ném quả cầu để làm đổ những chai gỗ gọi là “pin” được sắp sẵn cách xa người ném.
**doublets and jerkins: áo khoác ngoài đến ngang hông và áo khoác cụt tay thịnh hành thời Trung cổ đến thế kỷ 17 bên Âu châu.

***sugar-loaf hat: mũ rơm rộnh vành thường thấy ở Tây Ban Nha, thịnh hành ở Âu châu vào thế kỷ 17 và 18.

****Flemish: ngôn ngữ được dùng ở miền Flanders, vùng đất nước Bỉ gần Hoà lan.

Chàng nhìn quanh tìm súng, nhưng thay vì thấy khẩu súng trường được chàng vô dầu và giữ sạch sẽ, chàng lại thấy một cây súng xưa nằm cạnh bên chàng, loại súng phát hỏa bằng cách đốt miếng bùi nhùi, nòng súng đã rỉ sét, cò thì long rớt ra ngoài, và túi đạn dược cũng bị sâu bọ gặm ăn nát cả rồi.  Chàng đâm ra nghi rằng những người nghiêm trang có tiệc trong núi chơi khăm mình, dụ chàng uống rượu của họ, và cướp mất khẩu súng của chàng.  Con chó Wolf cũng biến đâu mất, nhưng nó cũng có thể đi đâu đó để đuổi theo một con sóc hay một con chim trĩ.  Chàng huýt gió và gọi tên con chó, nhưng chẳng được gì; chỉ có tiếng dội lại mà chẳng thấy bóng một con chó nào.  Chàng nhất định quay trở lại chỗ có những người nhảy múa đêm cuối cùng để xem có thể gặp ai trong bọn họ để đòi lại con chó cùng khẩu súng chăng.  Khi nhổm đứng lên, chàng thấy các khớp xương sơ cứng lại, thiếu mất  khả năng hoạt động thường có của chàng.  “Ngủ trên núi không hợp với mình,” Rip thầm nghĩ, “Nếu đùa kiểu này mà khiến mình bị ngã bệnh phong thấp thì mình sẽ may mắn được mụ vợ tha tội cho.”  Rip đi xuống thung lũng một cách khó khăn.  Chàng tìm thấy hẽm núi nơi chàng cùng ông già đồng hành trèo lên đêm hôm trước; nhưng chàng kinh ngạc thấy có một dòng nước từ trong núi đang chảy sủi bọt tung tóe nơi hẽm núi ấy, nước chảy xiết qua các tảng đá, tiếng nước khi mạnh khi yếu rền vang cả hẻm núi.  Tuy vậy Rip cũng tìm cách bám theo sườn núi mà leo trèo qua được vùng núi đá có nước chảy ấy, và phải vất vả lắm chàng mới vượt qua được khu rừng đầy cây phong, cây sassafras, và witch hazel.  Thỉnh thỏang chàng bị vấp phải hay bi vướng vào các loại dây leo hoang bám chằng chịt trên các thân cây, đan kết như một mạng lưới theo lối chàng đi.

Cuối cùng chàng cũng đến được chỗ hẻm núi mở rộng với những vách núi thẳng đứng, nơi có nhà hát lộ thiên; nhưng lại chẳng thấy vết tích gì của chỗ ấy cả.  Chỉ có đá chồng lên thành một bức tường cao không thể vượt qua nổi.  Thế là chàng Rip đáng thương đành phải dừng lại đó.  Chàng gọi tên và huýt gió để kêu con chó, nhưng chỉ được đáp lại với tiếng kêu của bầy quạ nhởn nhơ bay liệng qua lại nơi một cây khô nhô ra từ vách núi đầy nắng chiếu sáng rực.  Bọn quạ, biết chúng được an toàn trên cao, có vẻ coi thường và chế nhạo trước vẻ bối rối ngỡ ngàng của gã đàn ông đáng thương kia.  Bây giờ biết làm sao đây?  Buổi sáng qua dần, Rip thấy đói vì chàng chưa ăn điểm tâm.  Chàng thấy buồn vì không thể tìm ra con chó và khẩu súng; chàng sợ phải gặp lại bà vợ, nhưng chàng không thể ở trong núi mà chịu đói thế này được.  Rip lắc đầu, vác khẩu súng rỉ rét trên tay mà trong lòng đầy những âu lo, chàng đành quay gót về nhà.
Khi về đến gần làng, chàng gặp một số người, nhưng chàng chẳng biết người nào trong số họ cả, điều này khiến chàng hơi ngạc nhiên, vì trước đây chàng luôn nghĩ mình đều biết hết mọi người ở vùng chung quanh làng.  Cách họ ăn mặc cũng khác với cách mà chàng từng quen thuộc trước đây.  Mọi người đều chăm chăm nhìn chàng đầy vẻ kinh ngạc không kém, và mỗi khi họ đưa mắt nhìn chàng, họ đều phải vuốt cằm một cái.  Điệu bộ vuốt cằm lập đi lập lại thường xuyên ấy làm cho Rip tự dưng cũng phải làm theo y như vậy, cho đến khi chàng kinh ngạc thấy râu chàng đã dài đến cả tấc!

Bấy giờ chàng đã về đến gần cổng làng rồi. Những con chó cũng thế,  chẳng con nào trông quen cả, sủa vang khi chàng đi qua. Một nhóm trẻ con lạ hoắc chạy theo bén gót chàng, reo hò chỉ chỏ vào bộ râu bạc của chàng.  Ngay ngôi làng cũng đã thay đổi hẳn:rộng lớn và đông đúc hơn.  Có thêm những dãy nhà trước đây chàng không hề thấy, còn những nơi trước đây chàng hay lui tới thì không còn nữa.  Chủ nhà nơi cửa rất lạ, và từ nơi cửa sổ những gương mặt ngó nhìn chàng cũng rất lạ; mọi thứ đều lạ cả.  Lòng chàng cảm thấy ngờ vực và lo sợ.  Chàng bắt đầu hoài nghi không biết chàng và thế giới quanh chàng có bị bỏ bùa chăng.  Chắc chắn đây là làng xóm nơi chàng sinh trưởng, ngôi làng mà chàng ra đi ngày hôm trước.  Rặng Kaatskill vẫn sừng sững đứng đó, dòng sông Hudson bạc vẫn lững lờ trôi ở xa xa; chỗ đồi cao, nơi lũng sâu vẫn còn như xưa, khiến Rip thấy bỡ ngỡ bàng hoàng –“Bình đựng rượu tối qua đã làm đầu óc khốn nạn của mình rối loạn thảm thương rồi!”
Với ít nhiều khó khăn chàng mới tỉm ra đường về nhà.  Chàng im lặng, sợ sệt tiến đến gần nhà, lòng cứ thắp thỏm chờ nghe tiếng la chói tai của bà vợ.  Nhưng chàng chỉ thấy ngôi nhà mình đã mục nát –mái đổ sập, các cửa sổ đều siêu vẹo, cánh cửa ra vào long khỏi bản lề.  Một con chó đói, trông giống con Wolf, lấm lét đi quanh nhà.  Rip gọi tên nó, nhưng con thú chỉ nhăn răng gầm gừ rồi bỏ đi.  Thật là một vết thương rất đau cho chàng.  Rip thở dài thật tội nghiệp: “Ngay con chó cũng quên mình rồi!
Chàng bước vào nhà, ngôi nhà mà phải thành thật nói rằng bà Van Winkle vợ chàng luôn luôn giữ ngăn nắp.  Nhà bây giờ trống trơn, vắng lạnh, rõ ràng đã bị bỏ hoang lâu rồi.  Cảnh hoang tàn khiến Rip quên hết chuyện sợ vợ –chàng cất tiếng gọi vợ con thật to.  Tiếng chàng gọi vang vọng qua các căn phòng vắng tanh, rồi tất cả lại im lặng.
Chàng bèn vội vã đi tiếp đến chỗ chàng hay lui tới để giải khuây, tức quán trọ trong làng, nhưng quán trọ ấy giờ cũng không còn nữa.  Thay vào đó là một tòa nhà lớn bằng gỗ ọp ẹp, với nhiều cửa sổ mở toang hoang, một số đã hư hỏng, che chắn bằng những chiếc nón và áo khoác cũ.  Phía trên cửa ra vào có sơn tấm biển: “Khách sạn Liên Hiệp của Jonathan Doolittle.”  Thế chỗ cho cây đại thụ trước đây từng che mát cho quán trọ yên tĩnh nho nhỏ của người Hòa lan, giờ là một cây cột lớn trơ trọi, trên đỉnh có gắn cái gì đó giống như chiếc nón vải đội lúc đi ngủ màu đỏ.  Trên nón có đính lá cờ gồm nhiều ngôi sao và các hàng sọc dài –tất cả đều lạ lùng, khó hiểu.  Dù vậy trên tấm biển chàng nhận ra gương mặt hồng hào của vua George, chỗ ấy nhiều lần Rip từng ngồi hút ống vố thật yên lành, nhưng ngay cả gương mặt vua George bây giờ cũng đã biến thái đáng kể.  Chiếc áo đỏ được thế bằng áo màu xanh dương che kín cổ, tay ông cầm gươm thay vì cái trượng của vua chúa, nón ông đội là nón quân phục có ba cạnh, và bên dưới có sơn dòng chữ lớn: “Đại tướngWashington.” 
Như thường lệ, có một đám người đứng gần nơi cửa ra vào, nhưng Rip không nhận ra ai cả.  Tính cách của họ có vẻ thay đổi.  Họ bận rộn, ồn ào và tranh luận náo nhiệt, chứ không còn vẻ bình thản và ngái ngủ như lúc trước.  Chàng tìm hoài nhà thông thái Nicholas Vedder với gương mặt to có hai cằm, hút ống vố dài và đẹp, nhả  từng ngụm khói thuốc chứ không hề nói chuyện gẫu với ai, nhưng chàng chẳng thấy ông ấy đâu cả.  Cả ông Van Brummel hiệu trưởng thường chia xẻ tin tức với mọi ngưởi từ một tờ nhật trình đã cũ cũng không còn. Thay vào đó là một anh chàng gầy, trông dữ dằn, túi đầy những tờ rơi truyền đơn, đang hùng hổ nói về quyền công dân, bầu cử, nghị viên Quốc hội, về quyền tự do, Bunker’s Hill*, các anh hùng năm 1776, và những từ ngữ khác làm chàng Van Winkle hết sức ngỡ ngàng, nghe như vịt nghe sấm (nghe như ngôn ngữ khó hiểu thời Babylon).

----
*Bunker’s Hill: Trận Bunker Hill (xảy ra vào ngày 17 tháng 6, năm 1775), là trận đánh gần Bunker Hill ( một ngọn đồi trong vùng Boston, gần Charlestown, Massachusetts) xảy ra vào đầu cuộc Chiến tranh Cách Mạng Mỹ.

Bề ngoài của Rip, với bộ râu dài xồm xoàm, khẩu súng bắn chim đã rỉ sét của chàng, chiếc áo vải thô, và cả đám phụ nữ và con nít đi theo chàng, chẳng mấy chốc đã làm những người quan tâm đến chính trị nơi quán chú ý.  Họ bu lại quanh chàng, nhìn chàng từ đầu đến chân một cách tò mò.  Người đang diễn thuyết vội đi đến chỗ Rip, kéo chàng ra một bên, và hỏi “ hắn đã bầu cho phía nào?”  Rip chỉ nhìn trân trân không biết ất giáp gì.  Một anh chàng khác nhỏ con và lăng xăng đến nắm cánh tay Rip, nhón gót hỏi bên tai chàng “ hắn thuộc phe Liên hiệp hay phe Dân chủ?”  Rip cũng ngờ nghệch không hiểu cả câu hỏi.  Khi ấy, một người đàn ông lịch sự, trông có vẻ hiểu biết, dáng điệu quan trọng, đội chiếc mũ ba cạnh, rẽ bước vào giữa đám đông, vừa đi vừa dùng khuỷu tay tách đám đông ra hai bên, đến đứng ngay trước mặt Rip, một tay ông chống nạnh, còn tay kia để trên gậy, cặp mắt và chiếc mũ chỉa vào Rip một cách soi mói, và nói giọng nghiêm khắc: “ Cái gì đã đưa hắn đến cuộc bầu cử này với khẩu súng trên vai, kéo theo cả một đám đông; phải chăng hắn định kích động dân chúng nổi loạn chăng?”
“Ôi trời ơi, các ông ơi!” Rip kêu lên sững sờ.  “Tôi chỉ là một anh chàng quèn nghèo nàn, dân trong vùng, thần dân trung thành của nhà vua.  Lạy Chúa phù hộ Đức Vua!”
Khi ấy một người đứng gần đó cất tiếng la to: “Kẻ ủng hộ nước Anh đây! Tên gián điệp! Kẻ tỵ nạn!  Hãy bảo hắn im mồm! Hãy bảo hắn cút đi ngay!  Phải khó khăn lắm người đàn ông với vẻ  quan trọng nọ mới lập lại được trật tự.  Và với vẻ mặt nghiêm khắc gấp mười lần lúc trước, ông ra lệnh cho tên tội phạm vô danh tiểu tốt phải nói hắn đến đấy để làm gì, và tìm kiếm ai.  Người nghèo khúm núm trấn an người đàn ông ấy, nói là chàng không có ý hại ai cả, chỉ đến để tìm vài người hàng xóm thường hay đến quán này.
“À, vậy họ là ai?  Nói tên xem.”
Rip ngẫm nghĩ giây lát rồi hỏi:
“Nicholas Vedder đâu rồi?”
Mọi người im lặng một hồi, rồi một cụ già cất tiếng đáp, giọng cụ yếu ớt và hơi the thé:

“Nicholas Vedder ư?  Ông ta mất đã 18 năm nay rồi.  Hồi trước có tấm bia gỗ trong sân nhà thờ ghi rõ về đời ông ta, nhưng bây giờ tấm bia đó cũng đã mục nát mất tiêu rồi.”

“Còn Brom Dutcher đâu?”

 “Ôi, ông ấy đi theo quân đội từ khi có chiến tranh; kẻ nói ông ta đã chết trong trận bão ở Stony Point; người thì cho rằng ông ta bị chết đuối trong một mưa giông lớn ở chân núi Antony’s Nose.* Tôi không biết rõ –ông ta chẳng bao giờ trở lại đây.”
“Còn ông hiệu trưởng Van Blummel?”
“Ông ấy cũng ra chiến trường; làm tướng lớn lắm, và bây giờ ông ta là đại biểu Quốc hội.”
Tim của Rip như ngừng đập khi nghe nói về những thay đổi đau buồn nơi quê xưa và bạn bè cũ, và biết rằng bây giờ chỉ còn một thân một mình trên đời.  Những câu trả lời khiến chàng bàng hoàng khi thấy thời gian trôi đi quá nhanh, và có nhiều chuyện chàng không thể nào hiểu được: chiến tranh, Quốc hội –Stony Point; chàng không còn can đảm để hỏi tiếp về bạn bè nữa, mà chỉ khóc oà trong tuyệt vọng, “Có ai ở đây biết Rip Van Winkle không?”
“Ồ Rip Van Winkle à!” hai ba người kêu lên. “Biết chứ!  Rip Van Winkle kia kìa, đang dựa vào gốc cây đó.”
Rip nhìn về phía đó, và thấy một người giống như mình lúc bỏ đi lên núi, cũng có vẻ lười biếng và rách rưới y như vậy.  Chàng giờ đây hoàn toàn mù tịt.  Chàng nghi ngờ chính danh tính của mình, không biết mình là mình hay là anh chàng kia.  Trong lúc lòng chàng đang rối bời như vậy, người đàn ông đội mũ ba góc yêu cầu chàng nói chàng là ai, tên gì.
“Chỉ có Trời biết!” Rip quẫn trí kêu lên.  “Tôi không còn là tôi nữa –Tôi là người khác rồi – tôi kia kìa– à mà không, đó là một người khác, đóng vai tôi –Tối qua tôi còn là tôi, nhưng tôi ngủ quên trên núi, và họ đã tráo cây súng của tôi; rồi mọi thứ đều thay đổi, tôi cũng thay đổi, và tôi không thể nói tôi là ai hoặc tên gì!
___
*Anthony’s Nose: đỉnh núi nằm gần sông Hudson, về phía bắc quận Westchester, tiểu bang New York.  

Khi ấy mọi người đứng đấy chỉ biết nhìn nhau, gật đầu và nháy mắt đầy ý nghĩa, hoặc lấy ngón tay gõ nhè nhẹ lên trán.  Có người rỉ tai nói phải giữ súng cho kỹ, và canh chừng ông già làm điều sai trái.  Khi có người đề nghị như vậy, người đàn ông với dáng điệu quan trọng vội vàng bỏ đi.  Ngay lúc căng thẳng nhất ấy, một người phụ nữ tươi trẻ xinh đẹp chen qua đám đông để nhìn thấy người đàn ông có bộ râu bạc.  Tay nàng bế một đứa bé kháu khỉnh.  Vừa thấy người đàn ông, đứa bé cất tiếng khóc ngay. “Im đi, Rip.  Im đi, cu ngốc à; ông già không hại con đâu.”  Tên đứa bé, dáng điệu của người phụ nữ, giọng của nàng, tất cả làm khơi lại một chuỗi ký ức trong đầu Rip.
“Cô tên gì, thưa cô?” chàng hỏi.
“Judith Gardenier.”
“Còn cha của cô tên gì?”
 “À, ông cha đáng thương của tôi, tên ông ấy là Rip Van Winkle.  Nhưng đã 20 năm kể từ khi cha tôi vác súng bỏ nhà đi và từ đó không ai nghe tin tức gì về ông nữa –con chó về nhà một mình.  Không ai biết ông đã tự sát hay bị người da đỏ bắt đi mất.  Lúc đó tôi còn nhỏ xíu.”
Rip chỉ còn biết hỏi thêm một câu; chàng cất giọng run run:
“Mẹ con đâu rồi?”
“Một thời gian ngắn sau đó bà cũng qua đời vì vỡ mạch máu khi đang trong cơn thịnh nộ tại chỗ môt người bán hàng rong ở New England.”
Ít ra cuộc điều tra đến đây cũng đem lại chút gì ấm lòng.  Người đàn ông lương thiện giờ đây không còn cầm lòng được nữa.  Ông ôm chầm lấy con gái mình và đứa bé trong tay.  Ông kêu to:
“Ba đây con!” “Chàng Rip Van Winkle trẻ lúc trước, giờ là ông già Rip Van Winkle.  Có ai biết Rip Van Winkle đáng thương này đâu!
Mọi người đứng đấy đều sững sờ, cho đến khi có một bà lão lụm cụm từ trong đám đông bước ra, giơ tay lên trán che để nhìn mặt Rip thật kỹ hồi lâu rồi kêu lên: "Quả đúng rồi! Đây là Rip Van Winkle – chính ông ấy đây.  Mừng ông đã trở về, ông hàng xóm xưa của tôi.  Sao vậy, thế suốt 20 năm qua ông ở đâu?"
Thế là câu chuyện về Rip được kể lại.  Cả 20 năm qua mà đối với chàng chỉ như một đêm.  Mấy người hàng xóm lắng nghe và trố mắt nhìn; một số còn cười cợt đùa bỡn.  Người đàn ông đội nón có ba góc, khi thấy không có gì đáng sợ nữa, bỏ đi ra ngòai cánh đồng, bĩu môi và lắc đầu –thấy thế cả đám đông người đứng đó cũng lắc đầu.
Tuy vậy, người ta vẫn quyết định phải hỏi ý kiến ông lão Peter Vanderdonk, lúc ấy đang từ ngoài đường tiến về phía họ.  Ông vốn là hậu duệ của một sử gia có cùng tên với ông, người đã viết một trong những sách đầu tiên kể về thị trấn này.  Peter là một cư dân lâu đời nhất trong làng, và ông biết rất rõ tất cả các biến cố và truyền thống tuyệt vời nhất trong vùng.  Ông nhớ ra Rip ngay, và khẳng định chuyện của Rip là có thật một cách thỏa đáng nhất.  Ông làm cho mọi người đứng đấy phải tin theo lời tổ tiên ông, tức nhà sử gia, khi kể rằng rặng núi Kaatskill trước đây luôn luôn có những sinh linh rất kỳ lạ lai vãng.  Ông nói rằng, theo lời tổ tiên ông thì ngài Hendrick Hudson vĩ đại, người đầu tiên khám phá ra dòng sông Hudson và miền quê quanh đó, cứ 20 năm một lần, đều tổ chức một dạ tiệc với những người thủy thủ cùng đi thám hiểm với ông trên chiếc tàu Halfmoon.  Nhờ đó họ được thăm lại cảnh cũ khi xưa ông ta đã mạo hiểm, và theo dõi dòng sông với thành phố mang tên ông.  Ông ta cũng nói rằng cha ông đã từng thấy họ ăn mặc kiểu người Hòa lan ngày xưa, chơi trò ném chai gỗ nơi vùng đất trũng trong vùng núi.  Vào một buổi chiều hè, chính ông đã có lần nghe tiếng banh lăn, nghe như tiếng sấm gầm vang.
Đến đây câu chuyện cũng gần kết thúc.  Đám đông nghe xong giải tán, xoay ra bàn những điều họ quan tâm và cho là quan trọng hơn như vụ bầu cử.  Người con gái của Rip đưa ông về nhà mình ở.  Nàng có một căn nhà ấm cúng, đầy đủ tiện nghi; chồng nàng là một chủ trại vui vẻ phương phi, người mà Rip nhớ lại ngày xưa là một trong những đứa trẻ hay trèo lên lưng chàng.  Còn con trai và là người thừa kế của Rip, cũng hệt như cha, chính là người ngồi dựa gốc cây, được thuê làm việc trên nông trại, nhưng anh ta cho thấy đã thừa kế tính tình giống như người cha: anh làm việc người thì được, còn việc của mình thì chẳng bao giờ quan tâm đến.
Giờ đây Rip lại sống như xưa, đi trên các con đường ngày trước và vẫn giữ thói quen cũ.  Chẳng bao lâu sau, ông tìm lại được các bạn cũ của mình, mặc dủ tình bạn cũ theo thời gian cũng không còn như trước.  Ông thích kết bạn với những người thuộc thế hệ mới, lớn lên sau này, và càng ngày ông càng thấy thích họ.
Vì không có việc gì ở nhà để làm, và vì đã đến tuổi an hưởng hạnh phúc, tuổi mà một người có thể ở không nhàn rỗi mà chẳng ai bắt tội hay quở trách, ông lại lui đến ngổi nơi băng ghế trước cửa quán trọ, và được người ta tôn trọng như một vị lão làng, một người có thể kể lại chuyện thời xưa từng năm một, thời  “trước khi có chiến tranh.”  Cũng phải mất một số thời gian ông mới hội nhập được vào những câu chuyện tán gẫu thường có nơi quán, cũng như mới hiểu được những biến cố lạ lùng xảy ra trong thời gian ông chìm trong giấc ngủ.  Làm sao có cuộc Chiến tranh Cách mạng –làm sao nước Mỹ thoát khỏi ách thực dân Anh, làm sao, thay vì là thần dân của Vua George Đệ tam, giờ đây ông lại trở thành một công dân tự do của Hiệp Chủng Quốc.  Thực ra Rip chẳng phải là người có máu chính trị; những thay đổi của các quốc gia hay đế chế hầu như chẳng để lại chút ấn tượng gì nơi ông. Nhưng có một loại áp bức độc đoán mà từ lâu ông đã phải than van, đó là chính phủ của mấy bà.  Hạnh phúc thay, nay nó đã cáo chung. Giờ đây ông đã thóat khỏi ách hôn nhân ràng buộc; ông muốn đi hay về khi nào cũng được, không còn phải sợ bị bà Van Winkle bạo tàn hà hiếp nữa.  Tuy vậy, mỗi khi tên bà vợ được nhắc đến, Rip lại lắc đầu, nhún vai, mắt ngước lên trời, người ta có thể cho đó là thái độ rút lui phó mặc cho số phận, hay niềm sung sướng đã được thoát ly. 
Ông thường kể chuyện về mình với những người lạ dừng chân nơi lữ quán của ông Dolittle.  Thoạt đầu người ta có nhận xét, mỗi lần kể, ông có thay đổi vài chỗ trong chuyện; nhưng họ chẳng hồ nghi gì, vì ông mới tỉnh lại sau giấc ngủ dài.  Rốt lại đầu đuôi câu chuyện cũng y hệt như chuyện tôi kể, và không một người đàn ông, đàn bà hay trẻ nhỏ nào trong làng mà không biết rành chuyện ấy.  Vài người luôn luôn tỏ vẻ nghi ngờ câu chuyện không có thật, và họ khăng khăng là Rip bị hồ tư loạn tưởng.  Đó là điểm cho thấy Rip lúc nào cũng vẫn là một người bất như nhất.  Tuy  thế, những cư dân Hòa lan lớn tuổi hầu như thảy đều cho chuyện ấy có thật.  Ngay đến giờ, họ không cho rằng mình nghe tiếng trời gầm vào chiều hè nơi vùng núi Kaatskills.  Họ chỉ nói Hendrick Hudson và những người đi trên tàu với ông đang chơi trò ném banh lăn.  Cũng như khi gặp cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, các ông chồng sợ vợ trong vùng đều thường mơ ước được nốc một ngụm rượu từ bình rượu lớn của Rip Van Winkle.
Chú thích
Người ta có thể nghi ngờ câu chuyện kể trên được ông Knickerbocker viết ra từ mẩu chuyện dị đoan của ngưởi Đức về vua Frederick der Rothbart và núi Kypphauser.  Tuy vậy, ghi chú đính kèm theo chuyện cho thấy chuyện này có thật, được ông kể lại theo cung cách trung thực thường có nơi ông.
“Chuyện Rip Van Winkle có thể có vẻ khó tin đối với nhiều người, nhưng riêng tôi tôi vẫn tin nó hoàn toàn, vì tôi biết quanh vùng người Hòa lan xưa của chúng tôi cư ngụ thường xảy ra nhiều chuyện và hiện tượng kỳ diệu.  Quả thật, tôi đã từng nghe nhiểu chuyện còn lạ lùng hơn cả chuyện này được kể ở các ngôi làng dọc theo sông Hudson.  Tất cả đều trung thực đến độ không ai có thể nghi ngờ.  Chính tôi cũng đã trò chuyện cùng Rip Van Winkle.  Lần cuối tôi gặp ông, ông là một bô lão khả kính, trí óc minh mẫn, nói năng mạch lạc, đến nỗi tôi nghĩ không một người có lương tri nào lại không nhìn nhận như thế.  Tôi đã từng thấy giấy chứng nhận của tòa án về sự việc này, do chính ông thẩm phán ký với dấu thập giá.  Do đó câu chuyện trên đây quả là chuyện thật, không còn hồ nghi gì nữa.”
                                                                                                       “D.K.”                                                                                                                                          (1819-1820)   

Nguồn:
Trích trong Great American Short Stories.  Wallace and Mary Stegner chu bien.  (New York, NY: DELL Publishing Co. INC., 1957), trang 31-52.
                                                                                ***


Washington Irving (1789-1859)
Là con t trong số 11 người con của một gia đình thương nhân giàu có tại New York, Washington Irving đã trở thành sứ giả̉ ngoại giao và văn hóa cho nước Mỹ ở Âu châu, giống như Benjamin Franklin v Nathaniel Hawthorne.  Mặc dù có tài viết, có lẽ ông không muốn trở thành nhà văn chuyên nghiệp, dành trọn thời gian để viết, nếu như không có một loạt các biến cố trong đời đã đưa đẩy ông vào nghiệp viết văn.  Qua bạn bè, ông đã có thể cho in quyển Tạp Ghi (1819-1820) của ông đồng thời ở Anh lẫn ở Mỹ, và được công nhận có bản quyền với thù lao ở cả hai nước. Trong quyển Tạp Ghi Của Geoffrye Caryon (tên giả của Irving) có hai chuyện của ông được người ta nhớ nhiều nhất.  Đó là “Rip Van Winkle” (Chàng Rip Van Winkle) và “The Legend of Sleepy Hollow” (Chàng Kỵ̣ Sĩ Không  Đầu)Tạp Ghi đã nói lên đầy đủ văn phong tinh tế, tao nhã dù có vẻ bình dị của Irving.  “Crayon” gợi cho ta thấy Irving có tài của nhà họa sĩ khéo cho màu, và là nhà văn sáng tạo ra một giọng văn và truyèn đạt tình cảm phong phú, uyển chuyển.  Qua quyển Tạp Ghi, Irving đã chuyển hoá rặng núi Catskill bên sông Hudson về phía bắc thành phố  New York thành một vùng huyền bí, tuyệt vời.
Độc giả Mỹ chấp nhận lịch sử tưởng tượng về vùng Catskill của Irving một cách đầy biết ơn, dù ông đã dựa trên các câu chuyện của nước Đức để viết và chỉ thay đổi cho phù hợp bối cảnh Mỹ.  Irving đã đem lại cho nước Mỹ cái mà nước Mỹ rất cần trong những năm đầu vật chất phô trương hào nhoáng: một cách hòa nhập vào miển đất mới qua trí tưởng tượng.
Không một nhà văn nào thành công bằng Irving về tài nhân văn hóa miền đất mới, cho nó một tên gọi và một gương mặt thật với một loạt những huyền thoại riêng của nó.  Câu chuyện “Rip Van Winkle,” một người ngủ giấc ngủ 20 năm, khi thức dậy thì thấy các thuộc địa đã được độc lập, cuối cùng đã trở thàng truyện đân gian ở Mỹ.  Truyện đã được dàn dựng trên sân khấu, được truyền miệng rộng rãi, và dần dần được nhiều thế hệ người Mỹ xem là một huyền thoại thuần túy của Mỹ,
Irving đã khám phá và giúp làm thỏa mãn ý thức lịch sử của dân tộc Mỹ khi hãy còn tinh khôi.  Rất nhiều tác phẩm của ông có thể được xem như những cố gắng đầy tâm huyết nhằm xây dựng linh hồn cho một đất nước còn tinh khôi bằng cách tạo dựng lại lịch sử và thổi vào đó một luồng sinh khí sống động đầy sáng tạo.  Để tìm đề tài viết, ông đã chọn những khía cạnh kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ: việc khám phá ra Tân thế giới, vị tổng thống đầu tiên và là anh hùng dân tộc, và cuộc thám hiểm Tây tiến.  Tác phẩm đầu tay của ông là quyển Lịch sử New York (1809) dưới sự cai trị của người Hòa lan, một tài liệu giá trị nhưng đầy mỉa mai, trong đó ông giả vờ như thể sách do Diedrich Knickerbocker viết (từ đó có tên “phái Knickerbocker” để gọi những người bạn của Irving và các nhà văn ở New York thời ấy).
Source:
http://ufdc.ufl.edu/AA00011697/00001

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.