Friday, September 27, 2019

Chương VI- Phần 1f - Văn Học Hiện Đại và Thời Kỳ Thử Nghiệm (1914-1945)

Văn Xuôi 1914-1945 - Chủ Nghĩa Hiện Thực Mỹ
Mặc dù giữa hai trận thế chiến các tác giả văn xuôi Mỹ có những thử nghiệ̣m về quan điểm và hình thức diễn đạt, nói chung, các nhà văn viết theo khuynh hướng tả chân nhiều hơn văn sĩ Âu châu. Tiểu thuyết gia Hemmingway viết về chiến tranh, săn bắn, và những mối quan tâm đeo đuổi của nam giới với văn phong giản dị, ngắn gọn. William Faulkner sáng tác các tiểu thuyết mạnh bạo, kể về nhiều thế hệ và văn hóa miền nam trong bối cảnh nóng bức đầy bụi đất miền Mississippi; và Sinclaire Lewis miêu tả rõ đời sống giới tiểu tư sản một cách mỉa mai.
Chủ đề chính trong những năm 1920 và 1930 là tầm quan trọng khi văn nghệ sĩ đối đầu với thực tại:  Các tác giả như F. Scott Fitzgerald và nhà biên kịch Eugene O’Neill thường xây dựng tấn bi kịch chờ đợi những người sống trong mộng tưởng hão huyền.
F. Scott Fitzgerald (1896-1940)
Cuộc đời của Francis Scott Key Fitzgerald giống như một câu chuyện thần tiên. Trong thế chiến thứ nhất, ông gia nhập quân đội và yêu một cô gái đẹp nhà giàu tên Zelda Sayre sống gần Montgomery, tiểu bang Alabama, nơi ông đóng quân.  Zelda tờ chối lời cầu hôn của ông vì ông khá nghèo.  Khi chiến tranh kết thúc ông giải ngũ và đến thành phố New York tìm cách làm giàu bằng ngòi bút để có thể cưới cô. 
Quyển tiểu thuyết đầu tay của ông, tựa đề Phía Bên Này Vườn Địa Đàng (1920), trở thành cuốn sách bán chạy nhất năm ấy, và hai người đã thành hôn khi ông 24 tuổi. Cả hai đều không thể chịu đựng nổi sự căng thẳng do thành công và danh vọng đem lại, và họ sống hoang phí. Họ sang Pháp năm 1924 để có thể sống cần kiệm lại, rồi trở về Mỹ bảy năm sau.  Zelda mắc bệnh tâm thần, phải vào bệnh viện; còn Fitzgerald trở nên nghiện rượu và qua đời khi ông hãy còn trẻ và mưu sinh bằng cách viết kịch bản cho điện ảnh.
Địa vị  vững vàng của Fitzgerald trong văn học Hoa kỳ chủ yếu dựa trên tác phẩm Gatsby Vĩ Đại/The Great Gatsby (1925), một câu chuyện được ông viết xuất sắc, có cấu trúc gãy gọn, nói về giấc mơ thành đạt ở Mỹ của một người tự lập thân.  Nhân vật chính đầy bí ẩn tên Jay Gatsby đã nhận thấy cái giá phũ phàng ông phải trả để đạt được các tham vọng cá nhân và tình yêu.  Những tác phẩm hay khác của Fitzgerald gồm Đêm Yêu Kiều/Tender Is the Night (1934) kể về một bác sĩ tâm thần trẻ tuổi phải chịu một cuộc đời bị hủy hoại vì cưới người vợ tính tình bất thường, và một số truyện khác đăng trong tập Những Cô Gái Đợt Sống Mới và Nhà Triết Học/Flappers and Philosophers (1920), Những Câu Chuyện Thời Nhạc Jazz/Tales of the Jazz Age (1922), và Tất Cả Những Người Đàn Ông Trẻ Sầu Muộn/All the Sad Young Men (1926).  Hơn bất kỳ một văn sĩ nào khác, Fitzgerald đã nắm bắt được đời sống hào nhoáng, chán chường vô vọng của người Mỹ những năm 1920.  Phía Bên Này Vườn Địa Đàng đã nói lên tiếng nói của giới trẻ Mỹ hiện đại.  Trong quyển tiểu thuyết thứ hai tựa đề Người Đẹp và Kẻ Khốn Nạn/The Beautiful and the Damned (1922) ông tiếp tục đi sâu khám phá thói tiêu xài xa xỉ tự hủy diệt trong thời đại của ông. 
Giá trị đặc biệt của Fitzgerald nằm ở văn phong độc đáo khiến người đọc choáng ngợp, hoàn toàn phù hợp với chủ đề nói về những gì quyến rũ, hấp dẫn.  Một đoạn nổi tiếng trong Gatsby Vĩ Đại ̣đã tóm lược tài tình những gì diễn ra trong suốt một thời gian dài:
“Có tiếng nhạc vang lên từ nhà người hàng xóm của tôi suốt những đêm hè.  Mấy gã đàn ông cùng các cô gái lai vãng trong khu vườn chong đèn xanh lơ của ông ta, giống như những con thiêu thân lẫn trong tiếng nói rù rì, tiếng mở rượu champagne dưới mấy chòm sao sáng.” 
Ernest Hemingway (1899-1961)                                                                                           
Ít nhà văn nào có đời sống phong phú như Hemingway, nhà văn đã tạo nên sự nghiệp lớn qua một trong số những tiểu thuyết mạo hiểm của mình.  Giống như Fitzgerald, Dreiser và những nhà văn nổi tiếng khác của thế kỷ 20, Hemingway xuất thân từ miền Trung tây nước Mỹ.  Sinh ra tại Illinois, thuở thời thơ ấu Hemingway thường nghỉ hè với những chuyến đi săn và câu cá ở Michigan.  Ông tình nguyện phục vụ trong một đơn vị cứu thương của quân đội Pháp trong thế chiến thứ nhất, ông bị thương và nằm bệnh viện sáu tháng.  Sau chiến tranh ông là phóng viên viết về chiến tranh, sống tại Paris. Ở đó ông gặp nhiều người Mỹ tha hương như Sherwood Anderson, Ezra Pound, F. Scott Fitzgerald, và Gertrude Stein.  Riêng Stein có ảnh hưởng mạnh đến lối hành văn ngắn gọn của ông.

Sau khi bắt đầu nổi tiếng với tiểu thuyết Mặt Trời Vẫn Mọc/The Sun Also Rises (1926), ông viết bài về nội chiến Tây Ban Nha trong thế chiến thứ hai, và những trận đánh ở Trung quốc vào những năm 1940.  Trong một chuyến đi săn bắn ở Phi châu, ông đã bị thương nặng khi máy bay nhỏ của ông rơi; nhưng ông vẫn tiếp tục ham mê đi săn và câu cá, những hoạt động đã gợi hứng cho ông sáng tác nên một số tác phẩm hay nhất. Ngư Ông và Biển Cả/The Old Man and the Sea (1952), quyển tiểu thuyết ngắn đầy thơ mộng của ông kể về một ông lão đánh cá nghèo dũng cảm bắt được một con cá khổng lồ, nhưng con cá đã bị đàn cá mập đến ăn thịt, đã được giải Pulitzer năm 1953, và năm sau ông được giải Nobel văn chương.  Chán nản vì cảnh gia đình đổ vỡ, vì bệnh tật, và cho rằng mình đã mất đi khả năng viết truyện hay, Hemingway đã tự sát bằng súng vào năm 1961.

Hemingway có lẽ là tiểu thuyết gia được ưa chuộng nhất vào thế kỷ 20.  Ông diễn đạt những tình cảm nhân đạo, phi chính trị, và theo nghĩa ấy ông là nhà văn của đại chúng.  Với văn phong đơn giản, tiểu thuyết của ông dễ hiểu, và thường có bối cảnh ở một nước xa lạ.  Là người “ tôn sùng kinh nghiệm sống,” Hemingway thường để nhân vật của ông dính líu vào những tình huống nguy hiểm, để qua đó thể hiện rõ bản chất sâu kín; trong các tác phẩm ông sáng tác về sau, mối hiểm nguy đôi khi trở thành thời điểm nhân vật khẳng định nam tính của mình.  Giống như Fitzgerald, Hemingway trở thành người phát ngôn cho thế hệ của ông. Nhưng thay vì vẽ lên nét hào nhoáng thiêu thân của thói đời như Fitzgerald, người không tham chiến, Hemingway viết về chiến tranh, cái chết và “thế hệ lạc loài” của những người sống sót đầy bi quan và chua chát sau thế chiến.  Nhân vật của ông không phải là những con người mơ mộng, mà là những tay đấu bò, binh lính và kẻ thi đấu thể thao chuyên nghiệp (các võ sĩ).  Nếu có học, họ là người mang trong lòng những vết sẹo hằn sâu và bị mất niềm tin. 

Nét son của Hemingway là văn phong sáng sủa, không hề dư một chữ.  Ông thường kiệm lời.  Trong tiểu thuyết Giã Từ Vũ Khí/A Farewell to Arms (1922), nhân vật nữ chết trong lúc sanh con đã nói: “Em không thấy sợ chút nào cả. Đây chỉ là một màn diễn tồi.”  Hemingway có lần đã ví văn của ông như những tảng băng: “Ứng với một phần nhỏ nổi trên mặt nước lại có 7 phần 8 chìm dưới nước.”

Biệt tài của Hemingway là nét tinh tế trong các đối thoại và cách mô tả chính xác thể hiện qua các truyện ngắn xuất sắc như “Tuyết Trên Đỉnh Núi Kilimanjaro” và “Cuộc Đời Hạnh Phúc Ngắn Ngủi Của Francis Macomber.”  Theo các nhà phê bình, truyện ngắn của Hemingway có giá trị ngang bằng hoặc vượt hơn cả tiểu thuyết của ông.  Những tiểu thuyết hay nhất của ông gồm Mặt Trời Vẫn Mọc, nói về cuộc sống vất vưởng của những kẻ tha hương sau thế chiến thứ nhất, Giã Từ Vũ Khí, nói về mối tình bi thảm của một người lính Mỹ và cô y tá người Anh trong chiến tranh, Chuông Gọi Hồn Ai (1940) với bối cảnh nội chiến Tây Ban Nha, và Ngư Ông và Biển Cả.

William Faulkner (1897-1962)
Sinh ra trong một gia đình miền nam cổ kính, William Harrison Faulkner lớn lên tại thành phố Oxford, tiểu bang Mississippi, và sống gần trọn đừi ở đó.  Faulkner tạo nên một bối cảnh hư cấu cho các tiểu thuyết của mình, đó là Quận Yoknapatawpha nơi có nhiều gia đình cùng những quan hệ chằng chịt qua nhiều ̣đời. Quận Yoknapatawpha với thủ phủ tên “Jefferson,” được hư cấu theo khuôn mẫu thành phố Oxford, Mississippi, và những vùng phụ cận đã được Faulkner tái hiện dựa trên lịch sử địa phương với các sắc dân như người da đỏ, người Mỹ đen, người Mỹ gốc Âu châu, cùng các nhóm dân lai nhiều dòng máu khác nhau từng sống ở đó.  Là nhà văn có nhiều tư tưởng mới lạ,  Faulkner đã thử nghiệm tài tình cách kể chuyện theo trình tự thời gian, sử dụng những quan điểm và tiếng nói của các nhân vật khác nhau (gồm những kẻ sống bên lề xã hội, trẻ em, và người thất học), với cách hành văn baroque cổ điển phong phú, khó hiểu, những câu văn dài đầy mệnh đề phụ phức tạp.

Các tiểu thuyết hay nhất của Faulkner gồm Âm Thanh và Cuồng Nộ/The Sound and the Fury (1929) và Khi Tôi Đang Nằm Hấp Hối/As I Lay Dying (1930), hai tác phẩm hiện đại trong đó ông thử nghiệm cái nhìn và tiếng nói của các nhân vật, khảo sát những gia đình ở miền nam lúc họ trải qua nỗi căng thẳng khi mất người thân; Ánh Sáng Tháng Tám/Light in August (1932) kể về mối quan hệ phức tạp và tàn bạo giữa một người đàn bà da trắng và một người đàn ông da đen; và tiểu thuyết Absalom, Absalom!* (1936), đây có lẽ là tác phẩm hay nhất của ông, nói về sự thành đạt của một người chủ đồn điền tự dựng nên sự nghiệp và thất bại bi thảm của ông gây ra do thành kiến sắc tộc và do không biết yêu thương.
Hầu hết các tiểu thuyết này đều sử dụng các nhân vật khác nhau để kể về từng phần của câu chuyện, qua đó độc giả thấy ý nghĩa nằm ở cách kể chuyện cũng như ở chủ đề tác phẩm.  Việc sử dụng những cách nhìn khác nhau khiến Faulkner trở thành nhà văn tự phản tỉnh (“self-referential”/”reflecxive” **) hơn Hemingway hoặc Fitzgerald; mọi tiểu thuyết ông viết đều tự nhìn lại những gì đã xảy ra, đồng thời nó tiết lộ một câu chuyện liên quan đến vấn đề nhiều người quan tâm.  Các chủ đề Faulkner đề cập gồm những vấn đề truyền thống, gia đình, cộng đồng ở miền nam nước Mỹ, đất đai, lịch sử và quá khứ của vùng đất ấy, vấn đề chủng tộc, những đam mê tham vọng và tình yêu.  Ông cũng sáng tác ba tác phẩm nói về sự suy thoái của gia tộc Snopes Thôn Làng/The Hamlet (1940), Thị Xã/The Town (1957), và Ngôi Biệt Thự/The Mansion (1959).
   
------
*
Giống như những tiểu thuyết khác của Faulkner, Absalom, Absalom! ngụ ý nói về lịch sử miềm nam; tựa đề tác phẩm là ẩn dụ về đứa con ngỗ nghịch chống lại đế chế do cha mình gây dựng nên, tương tự câu chuyện trong Kinh thánh về Vua David và Absalom, con trai của David, kẻ đã nổi loạn chống lại cha mình (khi ấy là Vua của Israel) và đã bị Joab tướng của Vua David giết chết thay vì nghe theo lệnh của Vua David là phải đối xử nhẹ nhàng với con trai Vua, và do đó khiến Vua hết sức đau đớn.
Like other Faulkner novels, Absalom, Absalom! allegorizes Southern history; the title itself is an allusion to a wayward son fighting the empire his father built, much like the Biblical story of King David and Absalom, a son of David, who rebelled against his father (then King of Kingdom of Israel) and who was killed by David's general Joab in violation of David's order to deal gently with his son, causing heartbreak to David.
Câu chuyện về Thomas Sutpen phản ảnh bước thăng trầm của văn hóa điền trang miền nam nước My....Bằng cách dùng nhiều nhân vật để kể chuyện và trình bày câu chuyện theo cách nhìn vấn đề của riêng mỗi người, quyển tiểu thuyết đã ngầm nói lên tinh thần văn hóa lịch sử bàng bạc khắp miền nam mà Faulkner sinh trưởng, nơi mà qúa khứ luôn là hiện tại, và thường xuyên được chỉnh sửa qua lời kể của người này người kia trải qua bao năm tháng; và vì thế, tác phẩm cũng đi sâu khám phá tiến trình huyền thoại hóa và đặt vấn đề đâu là sự thật.

The history of Thomas Sutpen mirrors the rise and fall of Southern plantation culture….
By using various narrators expressing their interpretations, the novel alludes to the historical cultural zeitgeist (“spirit of the age”) of Faulkner's South, where the past is always present and constantly in states of revision by the people who tell and retell the story over time; it thus also explores the process of myth-making and the questioning of truth.
Absalom, Absalom cùng với Âm Thanh và Cuồng Nộ/The Sound and the Fury đã giúp Faulkner được trao giải Nobel Văn chương.  Năm 2009 một ban giám khảo bình duyệt đã tuyên bố Absalom, Absalom! là tác phẩm miền nam hay nhất từ xưa đến giờ.
Absalom, Absalom, along with The Sound And the Fury, helped Faulkner win the Nobel Prize in Literature.  In 2009, a panel of judges called Absalom, Absalom! the best Southern novel of all time

**


Wednesday, September 18, 2019

Chương VI- Phần 1e- Văn Học Hiện Đại và Thời Kỳ Thử Nghiệm (1914-1945)

Hart Crane (1899-1932)
Hart Crane là một nhà thơ trẻ mang nhiều nỗi đau khổ, ông đã lao xuống biển tự tử khi mới 33 tuổi.  Ông đã để lại những bài thơ rất độc đáo, nhất là trường ca Cây Cầu (1930), lấy cảm hứng từ cầu Brooklyn, trong bài thơ đó ông có tham vọng duyệt lại những trải nghiệm về văn hóa Mỹ và uốn nắn nền văn hóa ấy lại theo khuôn mẫu tích cực.  Phong cách mượt mà và cuồng nhiệt của ông nổi bật qua những bài thơ ngắn, như bài “Những Cuộc Hải Trình” (1923, 1926), “Bên Mộ Của Melville” (1926), một bài thơ kết thúc với lời khắc trên bia mộ phù hợp cho nhà thơ:
Không ai được đánh thức người thủy thủ
Chỉ có biển giữ lại bóng hình tuyệt vời này.
Marianne Moore (1887-1972)
Marianne Moore có lần viết thơ là “những khu vườn tưởng tượng với những con cóc thật sống trong đó.”  Thơ của bà như những đối thoại, nhưng lại mang thi thuật tinh tế và phức tạp, dựa trên những mô tả cực kỳ chính xác và những sự kiện lịch sử khoa học.  Là một “nhà thơ của các nhà thơ” bà đã ảnh hưởng các nhà thơ về sau như người bạn trẻ Elizabeth Bishop của bà.  
Langston Hughes (1902-1967)
Một trong số những nhà thơ tài ba thuộc phong trào Phục hưng Harlem vào những năm1920 –bên cạnh James Weldon Johnson, Claude McKay, Countee Cullen và những người khác– là Langston Hughes.  Ông nồng nhiệt đón nhận điệu nhạc jazz của người Mỹ đen và là một trong số những tác giả da đen đầu tiên cố gắng tạo sự nghiệp với đồng lương qua sáng tác văn học.  Hughes phối hợp nhạc blues, các bài thánh ca nhà thờ, ngôn ngữ bình dân, và lối sống của cộng đồng da đen vào thơ của mình.  Là một nhà tổ chức các sinh hoạt văn hóa gây nhiều ảnh hưởng, Hughes đã xuất bản nhiều tuyển tập văn học của các tác giả da đen, và thành lập các nhóm kịch của người da đen tại Los Angeles, Chicago, và New York.  Ông cũng viết báo, sáng tạo ra nhân vật Jesse B. Semple (“simple”) để phê phán xã hội.  Một trong những bài thơ của ông được nhiều người yêu thích nhất, bài “Người Da Đen Nói Về Các Dòng Sông” (1921, 1925) ca ngợi di sản Phi châu,và di sản ông được thừa hưởng nói chung, bằng cách liệt kê một hệ thống phân loại rất ấn tượng. Bài thơ nêu lên ý tưởng rằng, giống như những dòng sông lớn trên thế giới, nền văn hóa Phi châu sẽ tồn tại lâu dài và sâu đậm:


Tôi đã biết những dòng sông

Tôi đã biết những dòng sông cổ xưa như thế giới, xưa hơn cả máu chảy trong huyết quản con người.

Linh hồn tôi sâu thẩm như những dòng sông ấy

Tôi tắm trên sông Euphrates*

Từ thời bình minh mới ló dạng

Tôi xây chòi gần sông Congo

Và dòng sông ấy ru tôi ngủ

Tôi ngắm sông Nile và dựng lên những ngọn Kim tự tháp trên bờ sông

Tôi nghe tiếng hát trên sông Mississippi khi Abe Lincoln xuôi dòng về New Orleans,

Và tôi từng thấy lòng sông đầy bùn của nó hóa thành vàng óng ả dưới ánh mặt trời lặn. 

Tôi từng biết những dòng sông

Những dòng sông cổ xưa, nước đuc lờ.

Tâm hồn tôi trở nên sâu thẫm như ṇhững dòng sông ấy.
----
 
* Sông Euphrates là sông dài nhất và là một trong những con sông quan trọng nhất trong lịch sử miền Tăy Á.  Cùng với sông Tigris, đay là con sông xác lập nên vùng Mesopotamia.

The Euphrates is the longest and one of the most historically important rivers of Western Asia. Together with the Tigris, it is one of the two defining rivers of Mesopotamia. Wikipedia


(Còn tiếp)