Tuesday, December 14, 2021

Chương 10: Văn Học Mỹ Đương Đại: Văn Học Vùng Miền -- Miền Nam

Miền Nam bao gồm các vùng khác nhau ở miền đông nam nước Mỹ, từ rặng núi Appalachians mát mẻ và thung lũng sông Mississippi rộng lớn đến các hồ đầm ướt át đầy cây cypress *mọc dọc theo Vịnh Mễ Tây Cơ**.  Bông vải và văn hóa điền trang dựa vào nô lệ da đen đã làm miền Nam thành miền giàu có nhất nước Mỹ trước thời Nội chiến (1860-1865).  Sau chiến tranh, miền này chìm trong cảnh nghèo nàn, cô lập suốt một thế kỷ.  Ngày nay miền Nam nằm trong vùng được gọi là Vành Đai Mặt Trời***, một vùng phát triển nhanh nhất ở Mỹ.

Là miền giữ truyền thống nhất trong các miền trên nước Mỹ, miền Nam rất hãnh diện về di sản độc đáo của mình.  Các chủ đề muôn thuở cho văn học miền Nam gồm gia đình, phong thổ, lịch sử, tôn giáo, sắc tộc.  Phần lớn các sáng tác về miền Nam đều có chiều sâu và tính nhân đạo xuất hiện từ những mất mác to lớn trong Nội chiến và nỗi trăn trở dằn vặt về di sản chế độ nô lệ của miền này ngày xưa.  

Miền Nam, với truyền thống văn chương truyền miệng phong phú, đã di dưỡng nhiều nhà văn nữ.  Ở tiểu bang miền Nam nằm phần trên chúng ta thấy có Bobby Ann Mason (1940-) thuộc bang Kentucky, chuyên viết về những thay đổi do văn hóa quần chúng định hình.  Trong truyện ngắn nổi tiếng nhất của bà tựa đề “Shiloh” (1982), một cặp nam nữ phải chấp nhận thay đổi quan hệ của họ hoặc phải cách ly nhau khi việc phân chia lại nhà ở “tràn lan khắp miền tây tiểu bang Kentucky như một vết dầu loang.” Tiểu thuyết ngắn nổi tiếng của Mason tựa đề Ở Miền Quê (1985) tả lại ảnh hưởng của chiến tranh Việt nam đối với một cô gái nhỏ ngây thơ có cha hy sinh trong cuộc chiến. 

Lee Smith (1944-) tập trung đi sâu vào nỗi thao thức của người dân miền núi Appalachian, dựa vào nguồn dân ca Mỹ để sáng tác tiểu thuyết Giấc Mơ Của Quỷ (1992).  Jayne Anne Phillips (1952-) viết truyện ngắn nói về những con người kỳ quặc –Những Tấm Vé Đen (1979) và tiểu thuyết Ước Mơ Máy Móc (1984) có bối cảnh là vùng núi khắc khổ tiểu bang Tây Virginia.

Các tiểu thuyết của Jill McCorkle (1958-) phản ánh đời sống tiểu bang Bắc Carolina.  Truyện tình đầy bí ẩn tựa đề Mặt Trăng Carolina (1996) của bà đào sâu một vụ tự tử nhiều năm trước tại một ngôi làng duyên hải nơi những đợt sóng không ngừng vỗ và bào mòn nền móng các ngôi nhà hoang tàn ven biển. Vùng Nam Carolina tươi tốt nơi Dorothy Allison (1949-) sinh trưởng được dùng làm bối cảnh cho tiểu thuyết tự truyện phức tạp của bà có tựa Tên Khốn Nạn Trốn Khỏi Carolina (1992) qua mắt nhìn của một cô gái 12 tuổi không cha không mẹ, nghèo nàn dơ bẩn, và có cá tính như con trai, có tên gọi là Bone.  Nhà văn bang Mississippi Ellen Gilchrist (1935-) chủ yếu dùng các ngôi làng nhỏ dọc theo sông Mississippi và thành phố New Orleans, tiểu bang Louisiana, làm bối cảnh cho Tuyển Tập Truyện Ngắn (2000) dùng nhiều khẩu ngữ của mình.

Các tiểu thuyết gia miền Nam khai thác đề tài trải nghiệm của nam giới gồm có nhà văn Cormac McCarthy (1933-) được nhiều độc giả hoan nghênh với những tác phẩm đầu tay như Suttree (1979) mang nét đặc thù tiêu biểu cho truyện miền Nam nói về  cảm xúc sâu kín tăm tối, cái dốt nát, nghèo nàn lấy bối cảnh miền Đông tiểu bang Tennessee với những ngọn đồi và thung lũng xanh rì.  Năm 1974 McCarthy dọn đến El Paso, tiểu bang Texas, và ông bắt đầu tìm hiểu phong cảnh và truyền thống miền Tây.  Quyển truyện Kinh Tuyến Máu hay là Buổi Tối Đỏ Ở Miền Tây (1985) là cái nhìn lột tả không dấu diếm của Thằng Nhỏ, một thiếu niên 14 tuổi từ Tennessee, trở thành một kẻ giết người máu lạnh tại Mexico vào những năm 1840.  Tác phẩm trường ca bán chạy nhất của McCarthy là tiểu thuyết ba tập Border Trilogy ---Tất Cả Các Chú Ngựa Đẹp (1992), Chỗ Băng Qua Đường (1994), và Những Thành Phố Vùng Đồng Bằng (1998), tô vẽ vùng sa mạc giữa Texas và New Mexico với nét hùng vĩ đầy bí ẩn. 

Các tác giả đáng ghi nhận khác gồm Charles Frazier (1950-) người North Carolina, tác giả tiểu thuyết về nội chiến Mỹ Ngọn Núi Lạnh (1997); Pat Conroy (1945-), sinh ra tại Goergia, tác giả Ông Santini Vĩ Đại (1976) và Tiếng Nhạc Bên Bờ Biển (1996); và Barry Hannah  (1942-) người Mississippi nổi tiếng với cốt truyện đầy bạo lực và tính cách mạo hiểm táo bạo.  Một nhà văn rất khác lạ cũng sinh ra tại Mississippi là Richard Ford (1944-) khởi đầu bằng lối viết kiểu Faulkner nhưng sau nổi tiếng với tác phẩm Người Chuyên Viết Về Thể Thao (1986) lấy bối cảnh ở New Jersey, và quyển sách tiếp theo tựa Ngày Lễ Độc Lập  (1995).  Quyển sau nói về Frank Bascombe, một người trôi dạt, mơ mộng đã đánh mất tất cả những gì khiến cuộc đời anh ta có nghĩa –đứa con trai, ước mơ trở thành tiểu thuyết gia, hôn nhân, mấy người tình, bạn bè, việc làm.  Bascombe là người nhạy cảm thông minh, những chọn lợa của anh ta, theo lời anh nói, là cốt để “làm chệch hướng niềm đau thương do hối tiếc kinh khủng gây ra.” Cái trống rỗng của anh ta, cùng các trung tâm mua bán vô danh, cùng việc xây dựng nhà ở mới thật thô sơ mà anh ta lượn xe qua đã âm thầm minh chứng cho thấy Ford đã nhìn thấy căn bệnh của quốc gia mình.

Nhiều nhà văn Mỹ gốc Phi châu được hoan nghênh chào đón tại miền Nam như Earnest Gaines người Louissiana, Alice Walker người Goergia, Zora Neale Hurston sinh tại Florida với tiểu thuyết nói về năm 1937 tựa đề Mắt Họ Đang Nhìn Thượng Đế được xem là tác phẩm đầu tiên của một tác giả người Mỹ đen ủng hộ nữ quyền.  Hurston qua đời trong thập niên 1960 lại được ái mộ trở lại vào những năm   1990.  Ismael Reed sinh tại Tennessee, lấy bối cảnh New Orleans cho tiểu thuyết Mumbo Jumbo của mình (1972).  Margaret Walker (1915-1998) từ Alabama là tác giả quyển Jubilee (1966), cùng các bài nghị luận Nói Về Phụ Nữ, Da Đen và Tự Do (1997). 

Nhà văn James Alan McPherson (1943-), người Georgia, mô tả công nhân thợ thuyền trong tập truyện ngắn Chỗ Rộng Rãi/Elbow Room* (1977), và hồi ký Miền Đất Không Phải Quê Nhà: Suy Tư Khi Lưu Vong,  tựa sách phản ánh việc ông dọn đến Iowa.  ZZ Packer (1973-), học nghề với McPherson tại khóa tu nghiệp viết văn ở Iowa, lớn lên từ miền Nam, đi học ở vùng Trung Đại tây dương,và hiện sống tại California.  Tác phẩm đầu tay của bà, một tập truyện ngắn có tựa Uống Cà Phê Ở Chỗ Khác (2003), đã khiến bà thành ngôi sao sáng trên văn đàn.  Nhà văn ủng hộ nữ quyền và viết rất năng nổ bell hooks (tên khai sinh là Gloria Watkins sinh ra tại Kentucky năm 1952-) nổi tiếng với những bài viết phê bình văn hóa gồm có Dáng Vẻ Người Da Đen:  Sắc Tộc và Đại Diện (1992) và các tự truyện bắt đầu với tác phẩm Bone Cô Gái Da Đen/Bone Black: Những Kỷ Niệm Thời Thiếu Nữ (1996).

Nhà thơ thử nghiệm và học giả chuyên nghên cứu các chuyện kể của người nô lệ (Giải Phóng Linh Hồn, 1999), Harryette Mullen (1953-) sáng tác các thi tập như Nàng Thơ và Kẻ Tôi Đòi (1995).  Percival Everett (1956-), tiểu thuyết gia và người viết chuyện gốc ở Goergia, sáng tác các tiểu thuyết không có kết thúc rất tinh tế; các sáng tác gần đây của bà gồm Điên Loạn (1997)  và Chữ Tượng Hình (1999).

Nhiều nhà văn da đen khi gia đình di cư từ vùng này sang vùng khác không ra đời ở miền Nam, nhưng họ lại trở về miền Nam để tìm nguồn cảm hứng sáng tác.  Nhà văn chuyên viết truyện khoa học giả tưởng Octavia Butler (1947-) ở California lấy đề tài từ sự gắn bó gia đình và truyền thống kể chuyện của ngươi da đen trong tác phẩm Hạt Giống Hoang (1980); tác phẩm Ngụ Ngôn Người Gieo Hạt (1993) nói về vấn đề nghiện ngập.  Shirley Ann Williams (1944-), cũng từ California đến, viết về tình bạn giữa hai người phụ nữ khác sắc tộc ở miền Nam dưới thời còn nô lệ trong tiểu thuyết lịch sử dựa trên sự kiện có thật tựa đề Dessa Rose (1986).  Nhà văn Randall Kenan (1963-) lớn lên ở Bắc Carolina, bối cảnh cho tiểu thuyết Bóng Ma Hiện Về (1989) và các chuyện ngắn Hãy Để Người Chết Chôn Người Chết Của Họ  (1992).  Tác phẩm Đi Trên Nước: Đời Sống Của Người Mỹ Đen Vào Đầu Thế kỷ 21 (1999)  không thuộc loại tiểu thuyết hư cấu.                                                             

____

https://www.cormacmccarthy.com/about-the-society/

 


 



 

   

 

 

       

 

 

 

 

 

--------

* https://www.louisiana-destinations.com/louisiana-swamps-cypress-trees.htm

**The Gulf Coast of the United States is the coastline along the Southern United States where they meet the Gulf of Mexico. The coastal states that have a shoreline on the Gulf of Mexico are Texas, Louisiana, Mississippi, Alabama, and Florida, and these are known as the Gulf States. Wikipedia

***The Kinder Institute defines the Sun Belt as all areas in the continental U.S. below 36 degrees 30 minutes north latitude. The region comprises 15 states — Alabama, Arizona, Arkansas, California, Florida, Georgia, Louisiana, Mississippi, Nevada, New Mexico, North Carolina, Oklahoma, South Carolina, Tennessee and Texas.  Sun Belt, region comprising 15 southern states in the United States and extending from Virginia and Florida in the southeast through Nevada in the southwest, and also including southern California. https://www.britannica.com/place/Sun-Belt

 

 

 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.