Nghị Luận Chính Trị
Thomas Paine (1737-1809)
Tình cảm mãnh liệt trong văn học thời Cách mạng được diễn đạt qua các tác phẩm nghị
luận, thể loại văn chương phổ biến nhất về chính trị thời ấy. Hơn 2000 nghị luận được xuất bản trong thời kỳ Cách mạng.
Các tác phẩm này làm người Mỹ yêu nước rất phấn khởi, đồng thời cũng làm những kẻ trung thành với vua Anh phải khiếp sợ. Chúng thế chỗ các vở kịch, vì chúng
thường được đọc lớn trước nơi công cộng nhằm kích động người nghe.
Trong các trại lính, lính Mỹ cũng đọc cho nhau nghe các quyển nghị luận ấy, trong khi quân đội trung thành
với hoàng gia Anh lại ném các sách đó vào bếp lửa công cộng.
Quyển Khôn Ngoan của Thomas Paine bán ra trên 100.000 cuốn trong
ba tháng đầu sau khi xuất bản. Cho đến nay tác phẩm ấy vẫn kích động người đọc. Khi ông viết: “Sự nghiệp của nước Mỹ chủ yếu chính là sự
nghiệp của toàn thể loài người,” Paine đã nói lên tính ngoại lệ đặc thù của Mỹ, một đặc điểm mà cho đến bây
giờ vẫn còn rất đậm nét ở xứ này. Ông viết rằng, về căn bản, vì Mỹ
là nước thử nghiệm thể chế dân chủ và là xứ mở cửa đón tất cả di dân từ các
nước khác, vận mệnh nước Mỹ cho ta biết trước vận mệnh của cả loài người.
Trong một xứ dân chủ các bài viết chính trị cần phải rõ ràng để có sức lôi cuốn
cử tri. Và để có những cử tri am hiểu vấn đề, các vị cha già sáng lập nền dân
chủ Mỹ đã cổ vũ cho nền giáo dục toàn dân. Một dấu hiệu của đời sống văn học đơn
giản nhưng sinh động là sự ra đời của nhiều tờ báo. Ở Mỹ trong thời Cách mạng người ta đọc báo nhiều hơn bất cứ nơi nào trên thế giới. Di dân cũng đòi hỏi một văn phong đơn giản. Rõ ràng sáng sủa rất cần đối với người
di dân mới đến vì tiếng Anh có thể là ngôn ngữ thứ hai của họ. Bản thảo gốc
Tuyên Ngôn Độc Lập của Thomas Jefferson rất rõ ràng logic, nhưng những sửa đổi
của hội đồng xét duyệt còn làm bản thảo ấy trở nên đơn giản hơn nữa. Các bài viết của
những người chủ trương thành lập Liên bang (gọi là The Federalist Papers*), được viết nhằm vận động dân chúng ủng hộ Hiến pháp Mỹ, cũng lập luận rất sáng sủa mạch lạc, rất phù hợp cho các cuộc thảo luận bàn bạc của người dân ở một quốc gia dân
chủ.
-----
* The Federalist Papers ( lúc đầu có tựa là The Federalist) là
tập hợp 85 bài báo và nghị luận do Alexander Hamilton, James Madison, John
Jay viết dưới bút danh “Publius” nhằm vận động cử tri ủng hộ để thông qua Hiến
pháp Mỹ, được xuất bản năm 1788. Alexander Hamilton viết phần lớn các bài
này. Tựa sách The Federalist Papers xuất hiện vào thế kỷ 20.
Trường Phái Tân Cổ Điển: Trường Ca, Nhại Trường Ca, và Văn Châm Biếm
Tiếc thay, văn học không phải chỉ gồm những bài viết đơn giản và trực tiếp
như các bài văn chính trị. Khi cố gắng làm thơ, phần lớn các tác giả có
học hay rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa tân cổ điển cầu kỳ phức tạp. Riêng trường ca, lại có sức hấp dẫn đáng gờm. Những nhà văn yêu nước Mỹ
cảm thấy chắc chắn rằng cuộc Cách mạng Mỹ vĩ đại tất yếu phải được diễn đạt bằng trường ca, một thể loại truyện thơ dài, đầy kịch tính, với ngôn ngữ tao nhã, ca ngợi những chiến công của một vị anh hùng như huyền thoại.
Nhiều tác giả đã cố gắng nhưng không thành công. Timothy Dwight
(1752-1817), một người trong nhóm các nhà thơ Hartford Wits, là một thí
dụ. Dwight, về sau trở thành hiệu trưởng đại học Yale, viết trường ca Cuộc
Chinh Phuc Canaan (1785), dựa trên câu chuyện trong Kinh Thánh nói về cuộc
chiến đấu của Joshua để được vào miền Đất Hứa. Dwight đã đặt George
Washinton, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ và sau trở thành tổng thống đầu tiên của
Mỹ, trong vai nhân vật Joshua, và đã mượn thể thơ lưỡng cú* mà Alexander Pope đã
từng dùng để dịch trường ca của Homer. Trường ca của Dwight đầy tham vọng
nhưng lại không có sức lôi cuốn. Các nhà phê bình Anh bài bác trường ca của ông không
nương tay; ngay cả bạn của Dwight la John Trumbull (1750-1831) cũng không hào
hứng về tác phẩm ấy. Có quá nhiều cảnh sấm chớp thịnh nộ trong các màn đánh nhau đến nỗi
Trumbull đề nghị anh hùng ca đó nên được cung cấp cho những cây tầm sét.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi thơ ca châm biếm lại có đất dụng võ thịnh hành hơn loại
thơ nghiêm túc. Thể loại chế nhạo trường ca khuyến khích các nhà thơ Mỹ dùng
cách nói tự nhiên, và không dẫn dụ họ rơi vào vũng lầy yêu nước kiểu lộ liễu tình cảm thái quá, và cách dùng tĩnh từ đầy thi vị rập theo quy ước nhưng lại vô hồn, xuất
ph́át từ thi sĩ Hy lap Homer và thi si La mã Virgil như các nhà thơ Anh đã làm.
Trong các tác phẩm nhại trường ca như M’Fingal (1776-1782) của
Trumbull, những xúc cảm được điều chỉnh vừa phải và cách diễn đạt quy ước là
những vũ khí được dùng để châm biếm hiệu quả. Chính cách nói ồn ào hùng hổ
thởi Cách mạng cũng bị chế nhạo. Dựa theo tác phẩm Hudibras của nhà thơ Anh Samuel Buttler, tác phẩm nhại trường ca này nhạo
báng nhân vật theo đảng Bảo thủ Anh tên là M’Fingal. Tác phẩm xúc tích,
cô đọng, như khi tác giả ghi nhận việc kẻ tội phạm sắp bị treo cổ:
Không một ai từng cảm biết dây thòng lọng bị kéo
Lại có ý nghĩ tốt về luật pháp
M’Fingal có đến 30 ấn bản, được in lại trong vòng ½ thế kỷ, và được nhiều
người yêu thích ngay ở Anh lẫn Mỹ. Thể loại châm biếm được độc giả thời
Cách mạng yêu thích một phần vì nó nói lên những lời khen và phê bình mang tính
xã hội; các chủ đề chính trị và các vấn đề xã hội là những đề tài chính thời ấy. Vở hài kịch đầu tiên của Mỹ được biểu diễn, vở “Sự Tương Phản” (ra đời năm 1787) của Royall Taylor (1757-1826) đã cho thấy sự tương phản một cách hài
hước giữa một viên sĩ quan Mỹ, trung tá Manly, với Dimple, người bắt chước lề thói của
Anh. Tất nhiên, nhân vật Dimple được xây dựng nhằm tạo nét hài hước. Vở
kịch giới thiệu nhân vật Yankee* đầu tiên của Mỹ tên là Jonathan.
Một tác pẩam châm biếm khác, quyển tiểu thuyết Modern Chivalry do
Hugh Henry Brackenridge xuất bản từng đợt từ năm 1792 đến năm 1815, chỉ trích
một cách đậm nét những điều quá lố lăng của thời đại bấy giờ. Brackenridge
(1748-1816) là một di dân người Tô cách lan lớn lên tại miền biên địa nước Mỹ,
viết quyển tiểu thuyết dài và phong phú này dựa trên truyện Don Quixote, qua đó ông mô tả cuộc hành trình xui xẻo của đại úy Farrago và người hầu
ngu ngốc, tàn bạo nhưng lại thu hút lòng người tên là Teague O’Regan.
Các Nhà Thơ Thời Kỳ Cách Mạng Mỹ
Philip Freneau (1752-1832)
Nhà thơ Philip Freneau là người đã biết phối hợp trong thơ của ông những
nét gợi cảm từ chủ nghĩa lãng mạn Âu châu, và đã thoát ra khỏi kiểu bắt chước và
tính chung chung mơ hồ của nhóm thơ Hartford Wits. Điểm chủ yếu giúp nhà thơ
thành công và cũng làm ông thất bại là tinh thần dân chủ nồng nhiệt của ông cộng
với tính thiếu uyển chuyển, linh động.
Nhóm Hartford Wits, chắc chắn đều gồm những nhà yêu nước, đã phản ảnh khuynh
hướng bảo thủ văn hóa nói chung của tầng lớp có học thức. Freneau đã đi ngược
lại những nhà thơ thủ cựu khư khư giữ lấy thái độ của Đảng Tory bảo thủ
bên Anh, ông than phiền “các tác phẩm của nhóm quý tộc chỉ nói lý thuyết, ca
tụng nền quân chủ và những bổng lộc hữu danh vô thực ở Hartford.” Mặc dù
Freneau cũng đượoc học hành rất tốt, và quen thuộc với các tác phẩm cổ điển như các nhà thơ nhóm Hartford, ông lại ủng hộ sự nghiệp đấu tranh cho tự do
và dân chủ.
Xuất thân từ gia đình người Huguenot** Freneau tham chiến trong cuộc chiến
tranh Cách mạng. Năm 1780 ông bị bắt và bị nhốt trên hai chiếc tàu Anh, ông suýt chết nhưng nhờ gia đình tìm cách can thiệp để ông được thả. Bài thơ “Chiếc Tàu Ngục Tù” của ông là lời tố cáo cay đắng về sự tàn
bạo của người Anh, những người muốn nhuộm máu toàn thế giới. Bài thơ này và
những sáng tác cách mạng khác, kể cả “Eutaw Springs,”*** “Tự do ở Mỹ,” “Một Thỉnh
Nguyện Chính Trị,” “Tham Vấn Nửa Đêm,” “Độc Thoại của Vua Goerge Đệ Tam” đã làm ông nổi tiếng là “nhà thơ của Cách mạng Mỹ.”
Freneau còn là chủ bút cho nhiều tạp chí, và ông luôn để hết tâm huyết
vào sự nghiệp dân chủ. Khi Thomas Jefferson giúp ông ra tờ báo quân đội,
chống lại phe Liên Hiêp̣ Dân Tộc năm 1791, Freneau trở thành chủ bút tờ
nhật báo đấu tranh mạnh mẽ đầu tiên ở Mỹ, và là nhà văn di trước William Cullen
Bryant, William Lloyd Garrison, và H.L. Mencken.
Là nhà thơ kiêm chủ bút, Freneau bám sát lý tưởng dân ch̉u của mình.
Những bài thơ được đọc giả yêu chuộng của ông, đăng trong nhật báo dành cho
người có trình dộ trung bình, thường xuyên ca ngợi các chủ đề về nước Mỹ.
"Giá Trị Của Thuốc Lá" nói về cây thuốc lá bản địa và là chỗ dựa chính
của nền kinh tế ở các thuộc địa miền nam; trong khi "Bình Rượu Rum"ca
ngợi thức uống ở vùng West Indies, món hàng được trao đổi buôn bán chính ở Mỹ
trong thời kỳ đầu, và là hàng xuất cảng chủ yếu của Tân Thế Giới. Người thường dân ở Mỹ được mô tả sống động trong "Người Lái Thuyền ở
Hatteras," cũng như qua các bài thơ nói về các lang băm và những người
truyền giáo ồn ào nhưng không có thực chất.
Freneau có văn phong tự nhiên và bình dân, phù hợp với tinh thần dân chủ
chân chính. Nhưng ông có thể đạt đến mức sáng tác những vần thơ kiểu tân cổ điển rất
tao nhã, bay bổng với các tác phẩm thường được đăng trong các hợp tuyển như
bài thơ “Hoa lài dại” (1786), gợi lên hương thơm ngọt ngào của loài hoa bản địa. Mãi đến những năm 1820, khi phong trào Phục hưng Mỹ bắt đầu, nền thi
ca Mỹ mới vượt qua được tầm cao mà Freneau đã đạt được trước đó 40 năm.
Những năm đầu đã có các tác phẩm đặt nền móng cho nhiều thành tựu văn
học sau này. Tinh thần dân tộc đã thúc đẩy sự ra đời của nhiều tác phẩm,
dẫn đến việc biết trân trọng những gì thuộc nước Mỹ.
Noah Webster (1758-1843) nghĩ ra việc soạn Từ điển Mỹ, và ông là một người đọc sách và dạy đánh vần quan trọng cho các trường học.
Quyển Sách Học Vần của ông được bán trên 100 triệu ấn bản trong nhiều năm. Từ Điển Mỹ của ông được cập nhật hóa và vẫn còn được dùng làm chuẩn mực mãi cho đến
nay. Quyển Địa Lý Nước Mỹ của Jedidiah Morse, một quyển sách tham
khảo mang tính đột phá khuyến khích việc mở mang kiến thức về xứ Mỹ rộng lớn và ngày càng nới rộng thêm. Trong thời kỳ này có một số sách khá thú
vị, tuy không phải tác phẩm văn chương, đó là các quyển nhật ký của những người
dân sống ở vùng biên địa và nhật ký của các
nhà thám hiểm như Meriwether Lewis (1774-1809), và Zebulon Pike (1779-1813). Họ đã tường trình cuộc thám hiểm lãnh thổ Louisiana, một vùng đất rộng lớn ở Bắc Mỹ mà Thomas Jefferson đã mua lại từ vua
Napoleon vào năm 1803.
-----
*Couplet: thể thơ có hai câu với tiết tấu giống nhau và vần với nhau, làm
thành một đơn vị trong một bài thơ dài.
**Huguenot: người theo
giáo phái Protestant ở Pháp vào thế kỷ 16-17. Phần lớn theo học thuyết
Calvin, họ bị người Ky tô giáo chính thống xử tội và
nhiều người phải rời nước Pháp di dân sang Mỹ.
https://en.wikipedia.org/wiki/Huguenots
***
Eutaw Springs: Trận chiến
Eutaw Springs (8 tháng 9,
1781), xảy ra gần Charleston, South Carolina, là trận chiến
cuối cùng mà hai tiểu bang North và South Carolina tham chiến trong cuộc Cách mạng Mỹ. Cả quân đội Anh lẫn quân đội Mỹ đều tuyên
bố mình thắng trận.
http://ufdc.ufl.edu/AA00011697/00001
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.