Thursday, June 6, 2019

Chương V -Phần 2- Sự Ra Đời Của Chủ Nghĩa Hiện Thực (1860-1914) - Văn Hài Hước và Văn Học Mang Màu Sắc Địa Phương

Văn Hài Hước và Hiện Thực Vùng Biên Địa 
Ở nước Mỹ thế kỷ 19 hai dòng văn học chính đã hòa nhập thành một nơi Mark Twain, đó là dòng văn hài hước dân gian miền biên địa và dòng văn mang màu sắc địa phương (“văn học đặc thù của một vùng”).  Hai cách tiếp cận văn học có liên quan với nhau này khởi sắc vào những năm 1830  –thậm chí nó có gốc rễ từ truyền thống văn học tại từng địa phương.  Vì cách xa những thú vui thành thị, việc kể chuyện rất thịnh hành ở các ngôi làng nghèo chốn biên địa, trên sông nước, trong hầm mỏ, hay vào lúc những người chăn bò quây quần quần bên đống lửa.  Nói thậm xưng, kể chuyện bình dân với cách diễn đạt cường điệu để gây cười, nói khoát lác khó tin, và nói hài hước của người hùng lao động đem lại nét sinh động cho văn học miền biên địa.  Những dạng hài hước này có mặt ở nhiều vùng biên địa thuộc “miền Tây năm xưa” (nay là miền Nam nằm sâu trong lục địa và vùng đất phía dưới miền Trung tây), miền biên địa đang khai thác mỏ, và dọc theo Thái bình dương.  Mỗi vùng có một nhân vật độc đáo riêng và các câu chuyện được tập hợp lại đều kể về nhân vật đó: các nhân vật đó là Mike Fink, người hay gây sự trên thuyền bè đi trên sông Mississippi; Casey Jones, viên kỹ sư trong ngành hỏa xa dũng cảm; John Henry, người Mỹ da đen đóng khoan thép vào đá;* Paul Bunyan, người phu đốn gỗ khổng lồ mà tên tuổi được nhiều người biết đến qua quảng cáo; những người dân miền Tây như Kit Carson, chiến sĩ đương đầu chống lại người da đỏ; và Davy Crockett, người mở đường Tây tiến.  Những chiến công của họ được thổi phồng lên, và ca tụng qua các bài hát dân gian và trên báo chí.  Đôi khi những chuyện này được in thành sách, như trường hợp Kit Carson và Davy Crockett.
Twain, Faulkner và nhiều nhà văn khác, nhất là những nhà văn miền nam, chịu ảnh hưởng nhiều nơi các nhà hài hước vùng biên địa thời trước Nội chiến như Johnson Hooper, George Washington Harris, Augustus Lonstreet, Thomas Bangs Thorpe, và Joseph Baldwin.  Từ những nhà hài hước này cùng với người dân sống nơi biên địa đã rộ nở vô số từ ngữ hài hước của Mỹ như “absquatulate” (cuốn gói/chuồn), “flabbergasted” (há hốc mồm), “rampagious” (bát nháo).
Những người dân địa phương trong vùng hay nói ba hoa, “các anh hề với đuôi dài có khoan,” khăng khăng bảo rằng mình là "nửa ngựa nửa cá sấu," càng giúp tăng thêm sức sống cho miền biên cương. Họ mượn sức mạnh từ các thiên tai để khiến kẻ xấu phải khiếp sợ.  Một anh chàng ba hoa tuyên bố: “Tôi là con trốt người ta thường thấy, tôi cứng như hạt hickory, kéo dài và uốn lượn như luồn gió mạnh tây bắc.  Tôi có thể giáng một cú nệ̣n như thân cây đổ xuống, và tôi liếm một cái thì hiện cả một mẫu tây** ánh sáng ở ngay giữa đám đông.”
http://web.mst.edu/~kdrowne/SouthwesternHumor.html

*John Henry: He is said to have worked as a "steel-driving man"—a man tasked with hammering a steel drill into rock to make holes for explosives to blast the rock in constructing a railroad tunnel. According to legend, John Henry's prowess as a steel-driver was measured in a race against a steam-powered rock drilling machine, a race that he won only to die in victory with hammer in hand as his heart gave out from stress. The story of John Henry is told in a classic folk song, which exists in many versions, and has been the subject of numerous stories, plays, books, and novels.
https://en.wikipedia.org/wiki/John_Henry_(folklore)

**1 acre=0.405 hectare, 4,840 square yards
 
Những Nhà Văn Mô Tả Đời Sống Địa Phương
Giống như văn hài hước miền biên cương, văn học mô tả đời sống địa phương có ngồn gốc từ xa xưa (đã bắt rễ từ lâu), nhưng một thời gian dài sau Nội chiến dòng văn học này mới có những tác phẩm hay nhất xuất hiện.  Hiển nhiên là nhiều nhà văn trước Nội chiến từ Henry David Thoreau và Nathaniel Hawthorne đến James Greenleaf Whittier, James Russell Lowell đều vẽ nên cảnh tượng những vùng đấat cụ thể của nước Mỹ một cách độc đáo.  Nhưng cái làm cho những nhà văn địa phương khác với những nhà văn khác nằm ở chỗ họ quan tâm và ý thức rất rõ về việc biểu hiện một địa danh cụ thể, với ngòi bút hiện thực đi sâu mô tả từng chi tiết.
Bret Harte (1836-1902) được xem là tác giả của nhiều truyện mạo hiểm như “Cái May Mắn Của Trại Khai Mỏ Roaring Camp,” “Những Kẻ Du Thủ Du Thực Vùng Poker Flat,” có bối cảnh là miền biên địa khai thác mỏ ở miền Tây.

Là người đầu tiên thành công lớn của trường phái văn học mang màu sắc địa phương, trong một thời gian ngắn có lẽ Hart là nhà văn nổi tiếng nhất ở Mỹ với văn phong trữ tình rất hấp dẫn nói về miền Tây của những tay súng cừ khôi.  Bầng ngòi bút hiện thực, ông cũng là người đầu tiên đưa vào các tác phẩm văn học nghiêm túc các nhân vật thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội -- những tên đánh bạc xảo quyệt, các cô gái làng chơi ăn mặc lòe loẹt, và những tên cướp thô bạo.  Ông không bị chỉ trích (cũng như Charles Dickens ở Anh, người rất ngưỡng mộ tác phẩm của Hart), vì cuối truyện ông  cho ta thấy những người có vẻ vô gia cư như thế thật sự lại có tấm lòng vàng.
Nhiều nhà văn nữ được người ta nhớ đến qua việc mô tả rất tài tình về vùng New England như Mary Wilkins Freeman (1852-1930), Harriet Beecher Stowe (1811-1896), và nhất là Sarah Orne Jewett (1849-1909). Óc sáng tạo và tài quan sát chính xác về các nhân vật, về bối cảnh vùng Maine cùng văn phong tinh tế của bà thể hiện rõ qua truyện “Con Hạc Trắng” trong tập truyện Miền Đất Của Những Cây Thông Kim.  Những tác phẩm mang màu sắc địa phương của Harriet Beecher Stowe, nhất là truyện Nàng Pearl Trên Đảo Orr (1862) mô tả những làng đánh cá nghèo ở Maine đã ảnh hưởng đến Jewett rất nhiều. Qua các thư từ còn lưu lại người ta thấy các nhà văn nữ thế kỷ 19 đã thành lập một mạng lưới tương trợ về mặt đạo đức và gây được ảnh hưởng.  Phần lớn độc giả của các tiểu thuyết là phụ nữ, và nhiều nữ sĩ đã sáng tác tỉểu thuyết, thi ca, và những mẫu chuyện hài được nhiều người ưa chuộng.
Tất cả các miền trên nước Mỹ đều tán dương địa phương của mình qua văn hoc đậm màu sắc địa phương. Một số nói về các vụ phản đối đòi cải cách xã hội, nhất là vào khoảng cuối thế kỷ 19 khi tình trạng bất công xã hội và khó khăn kinh tế là những vấn đề hết sức bức bách.  Kỳ thị chủng tộc và bất bình đẳng giữa nam nữ được đề cập trong tác phẩm của những nhà văn miền Nam như George Washington Cable (1844-1925), Kate Chopin (1851-1904), được đề cập mạnh mẽ qua các truyện có bối cảnh là miền Louisiana nói tiếng Pháp của người Cajun* đã vượt xa loại tiểu thuyết mang màu sắc địa phương.
----
*The Cajuns (/ˈkeɪdʒən/; (Louisiana French: les Cadiens), also known as Acadians (Louisiana French: les Acadiens),[2] are an ethnic group mainly living in the U.S. state of Louisiana, and in the Canadian maritimes provinces as well as Québec consisting in part of the descendants of the original Acadian exiles—French-speakers from Acadia (L'Acadie) in what are now the Maritimes of Eastern Canada. In Louisiana, Acadian and Cajun are often used as broad cultural terms without reference to actual descent from the deported Acadians. Today, the Cajuns make up a significant portion of south Louisiana's population and have exerted an enormous impact on the state's culture.

Tiểu thuyết Gia Đình Grandissime The Grandissimes (1880) **của Cable đã đề cập vấn đề kỳ thị chủng tộc một cách tài tình, cũng như tác phẩm táo bạo Tỉnh Thức The Awakening (1899) kể về nỗ lực tuyệt vọng của một người phụ nữ đi tìm danh tính cho mình qua xúc cảm đam mê, một quyển truyện đi trước thời đại.
----
** https://docsouth.unc.edu/southlit/cablegrand/summary.html

Trong tác phẩm Tỉnh Thức một người phụ nữ trẻ đẹp đã có gia đình với những đứa con xinh xắn và một người chồng thành công độ lượng, đã từ bỏ gia đình tiền tài, danh vọng, và cuối cùng cả mạng sống của mình để đạt được điều nàng muốn.  Những hình ảnh nên thơ về biển cả, chim muông (trong lồng cũng như bay bổng trên trời) và âm nhạc gợi lên trong truyện ngắn này khiến nó trở nên mạnh mẽ phức tạp một cách lạ thường.
Cùng với truyện Tỉnh Thức phải nói đến truyện ngắn “Giấy Dán Tường Màu Vàng” (1892) của Charlotte Perkins Gilman (1860-1935).  Cả hai truyện đều bị quên lãng một thời, nhưng đã được các nhà phê bình văn học phụ nữ phát hiện trở lại vào cuối thế kỷ 20.  Trong truyện của Gilman, một bác sĩ cao ngạo đã làm vợ ông hóa điên khi ông nhốt bà trong phòng để trị bệnh suy nhược tinh thần cho bà.  Người vợ bị nhốt đã bộc lộ tinh trạng bị giam hãm của mình lên trên giấy dán tường, qua các hình vẽ các phụ nữ bị nhốt đang bò lê phía sau song sắt.
Chủ Nghĩa Hiện Thực Miền Trung Tây
Qua nhiều năm dài chủ bút tờ nguyệt san Atlantic có tầm vóc quan trọng là William Dean Howells (1837-1920) đã cho xuất bản tác phẩm hiện thực mang màu sắc điạ phương của các nhà văn như Harte, Mark Twain, George Washington Cable và nhiều người khác.  Ông là kiện tướng của chủ nghĩa  thực, và những tiểu thuyết ông viết như Một Thí Dụ Đời Mới (1882), Sự Thăng Tiến Của Silas Lapham (1885), và Cái Nguy Hại Của Kẻ Giàu Mới (1890), đã hòa quyện nhuần nhuyễn các hoàn cảnh xã hội với tình cảm những người dân Mỹ trung lưu thường thấy.  
Tình yêu, tham vọng, lý tưởng, và những cám dỗ là động cơ thúc đẩy hành động của các nhân vật trong truyện.  Howells hiểu biết rất sắc bén sự băng họai về đạo đức của giới thương gia tài phiệt thời Mạ Vàng (Gilded Age) vào những năm 1870. Tác phẩm Sự Thăng Tiến Của Silas Lapham đã nói lên điều đó một cách mai mỉa qua tựa đề cuốn sách.  Silas Lapham đã trở nên giàu có bằng cách lừa đảo một người cùng làm ăn chung trước đây với mình; và hành động vô đạo đức của hắn đã làm đảo lộn cả gia đình hắn, mặc dù nhiều năm trôi qua hắn vẫn không thấy mình hành động không đúng.  Cuối cùng Lapham cũng biết hối lỗi, và đã chấp nhận phá sản thay vì thành công một cách vô đạo đức.  Giống như Huckleberry Finn, Silas Lapham là một câu chuyện về việc không thành công: sự sụp đổ doanh nghiệp của Lapham lại là sự thăng tiến về đạo đức của hắn.  Giống như Twain, về cuối đời Howells ngày càng tích cực hoạt động cho sự nghiệp chính trị, nhằm bảo vệ quyền lợi của các tổ chức nghiệp đoàn lao động, và phản đối chủ nghĩa thực dân Mỹ ở Phi luật tâṇ.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.