Sunday, June 2, 2019

Khái Lược Văn Học Sử Mỹ - Chương V -Phần 1- Sự Ra Đời Của Chủ Nghĩa Hiện Thực (1860-1914) - Mark Twain

                                                                        Chương V
                                             Sự Ra Đời Của Chủ Nghĩa Hiện Thực (1860-1914) - Mark Twain

Cuộc Nội chiến (1861-1865) giữa miền Bắc công nghiệp và miền Nam nông nghiệp dựa vào sở hữu nô lệ là một bước ngoặc lớn trong lic̣h sử Mỹ.  Sau cuộc chiến,  nét lạc quan ngây thơ của một quốc gia dân chủ non trẻ đã nhường chỗ cho một thời kỳ kiệt quệ.  Lý tưởng Mỹ vẫn còn đó, nhưng nó đã chuyển hướng.  Trước chiến tranh, những người có lý tưởng đấu tranh bảo vệ nhân quyền, nhất là đòi xóa bỏ chế độ nô lệ; sau chiến tranh người Mỹ ngày càng lý tưởng hóa văn minh tiến bộ và mẫu người tự nỗ lực thành công. Đây là thời kỳ của nhà triệu phú công nghệp và sản xuất kỹ nghệ, thời kỳ của nhà đầu tư thị trường chứng khoáng, thời kỳ khi thuyết tiến hóa của Darwin và "sự sống còn của loài thích nghi nhất" có vẻ đã thừa nhận cả các phương pháp đôi khi vô đạo đức của những tên đại gia thành đạt.
Doanh nghiệp nở rộ sau chiến tranh.  Việc sản xuất phục vụ chiến tranh đã thúc đẩy công nghiệp ở miền Bắc và cho nó vị trí ưu thế và quyền lực chính trị (political clout). Nó cũng giúp những nhà kinh doanh công nghiệp thêm kinh nghiệp quý báu về quản lý con người và máy móc.  Tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú của đất nước Mỹ --sắc, than, dầu mỏ, vàng, bạc-- đem nhiều nguồn lợi cho doanh nghiệp.  Hệ thống hỏa xa xuyên lục địa mới xây dựng, khánh thành năm 1869, và thông tin liên lạc bằng điện tín cả xứ bắt đầu hoạt động năm 1861 đã giúp công nghệ dễ dàng trong việc tiếp cận nguyên liệu, thị tường và truyền thông. Dòng người nhập cư liên tục cung cấp nguồn lao động với giá không cao hầu như không bao giờ dừng.  Trên 23 triệu người nước ngoài  --từ Đức, bán đảo Bắc âu Scandanavia và Ái nhĩ lan trong những năm đầu, rồi sau đó ngày càng nhiều người nhập cư đến từ miền Trung và Nam Âu châu-- đổ xô đến nước Mỹ giữa năm 1860 và năm 1910.  Chủ nhân đồn điền ở Hawaii,các công ty hỏa xa và doanh nghiệp cần người ở miền Tây cũng thâu nhập vào người lao động hợp đồng từ Tàu, Nhật và Phi luật tân.
Năm 1860 đại đa số người Mỹ sống ở nông trại hoặc các ngôi làng nhỏ, nhưng tính đến năm 1919 một nửa dân số Mỹ đã tập trung sống ở 12 thành phố.  Các vấn đề đô thị hóa và công nghiệp hóa đã xuất hiện: nhà ở nghèo nàn chật chội, điều kiện sống thiếu vệ sinh, lương thấp (gọi là "nô lệ ăn lương"), điều kiện làm việc khó khăn, và việc kiềm chế doanh nghiệp không đầy đủ.  Các nghiệp đoàn lao động bắt đầu phát triển, và những vụ đình công khiến cả nước bắt đầu chú ý đến tình cảnh công nhân. Tương tự, các chủ nông trại thấy mình phải vật lộn với "tiền lời" đến từ phía miền Đông, những tên tài phiệt nhiều mánh khóe như J.P. Morgan và John D. Rockefeller.  Các nhà băng có bản doanh ở miền đông của họ kiểm soát tín dụng và các hợp đồng cho vay lấy lãi thế chân bằng bất động sản rất chặt chẽ, là huyết mạch đối với sự phát triển và nền nông nghiệp của miền tây.  Trong khi đó các công ty hỏa xa tính cước rất cao khi chuyên chở nông sản đến các thành phố.  Nông gia dần dần thành đối tượng để chỉ trích và chế nhạo như kẻ "quê mùa," "ngu dốt." Người Mỹ lý tưởng trong thời kỳ sau Nội chiến là nhà triệu phú.  Năm 1860 có không đến 100 triệu phú; nhưng đến năm 1875, có trên 1.000 người.   
Từ 1860 đến năm 1914, nước Mỹ đã biến đổi từ một nước cựu thuộc địa của Anh non trẻ sống bằng nông nghiệp thành một nước công nghiệp hiện đại khổng lồ.  Từ một nước mắc nợ vào năm 1860; đến năm 1914, Mỹ trở thành nhà nước giàu nhất thế giới, với dân số tăng lên hơn gấp đôi, từ 31 triệu năm 1860 tăng lên đến 76 triệu năm 1900.  Cho đến thế chiến thứ nhất, Mỹ đã trở thành một cường quốc thế giới quan yếu.
Cùng với công nghiệp hóa phát triển là sự cách ly con người.  Các tiểu thuyết Mỹ đặc trưng trong thời kỳ này như Maggie: Cô Gái Đường Phố của Stephen Crane, Martin Eden của Jack London, và sau đó là tác phẩm Một Bi Kịch Nước Mỹ của Theodore Dreiser, đều mô tả sự băng hoại do các thế lực kinh tế gây ra, và sự cách ly người nghèo và kẻ cô thế.  Những người sống sót, như Huck Finn của Twain, Humphrey Vanderveyden trong truyện Sói Biển của London, và Dì Carrie cơ hội chủ nghĩa của Dreiser tồn tại được nhờ nội lực của họ dựa trên lòng nhân ái, nhanh nhạy, và trên hết là cá tính riêng của mình.
Samuel Clemens (Mark Twain) (1835-1910)
Samuel Clemen, người được biết nhiều hơn qua bút danh Mark Twain, lớn lên tại thị trấn Hannibal vùng biên địa bên bờ sông Mississippi, tiểu bang Missouri.  Câu nói nổi tiếng của Ernest Hemingway cho rằng toàn bộ văn học Mỹ đều xuất phát từ một quyển sách lớn, quyển Những Cuộc Hành Trình Của Huckleberry Finn, cho ta thấy vị trí cao vòi vọi của tác giả trong di sản này.  Những nhà văn Mỹ đầu thế kỷ 19 có khuynh hướng quá cầu kỳ, ướt át, màu mè thái quá --phần vì họ vẫn cố gắng tỏ ra mình cũng có thể viết văn trau chuốt như người Anh.  Văn phong của Twain, dựa trên lời nói bình dân, hiện thực mạnh mẽ của người Mỹ, đã đem đến cho các nhà văn Mỹ cách nhìn trân quý mới mẻ đối với tiếng nói của dân tộc mình.  Twain là tác giả lớn đầu tiên đến từ trong lòng nước Mỹ và ông đã thể hiện được cách nói bình dân hài hước độc đáo, cùng tinh thần đả phá mọi giá trị, định chế truyền thống.
Đối với Twain và những nhà văn Mỹ khác cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa hiện thực không chỉ là một văn thuật: Nó chính là cách nói lên sự thật và làm nổ tung các quy ước lỗi thời.  Vì thế nó giải phóng triệt để và có tiềm năng thách thức lại xã hội.  Thí dụ nổi bật nhất là Huck Finn, một thằng bé nghèo quyết định nghe theo tiếng gọi của lương tâm và giúp đỡ một người nô lệ da đen đi trốn tìm tự do, mặc dù Huck nghĩ làm như thế có nghĩa là cậu bé sẽ phải đọa địa ngục vì dám bất tuân luật lệ.
Kiệt tác của Mark Twain xuất hiện năm 1884 có bối cảnh là ngôi làng St. Petersburg trên sông Mississippi. Là con của một kẻ vô gia cư nghiện ngập, Huck vừa được một gia đình tử tế nhận làm con nuôi thì cha của cậu bé, trong một cơn say mèm, dọa sẽ giết cậu.  Sợ bị chết, Huck tìm cách trốn thoát bằng cách dàn cảnh giả là mình đã bị chết. Trong khi Huck đi trốn, một người bị xã hội săn lùng khác cùng tháp tùng với cậu; đó là anh nô lệ tên Jim có người chủ là cô Watson, người sắp bán anh đi theo dòng sông về tận miền Nam nơi chế độ nô lệ còn hà khắc hơn nữa. Huck và Jim sống trôi nổi trên một chiếc bè trên sông Mississippi hùng vĩ, nhưng rồi chiếc bè bị một tàu hơi nước làm đắm chìm; họ lạc mất nhau rồi về sau gặp lại. Họ trải qua nhiều chuyến hành trình vừa khôi hài vừa nguy hiểm ở trên bờ.  Những chuyến đi ấy cho thấy tính cách đa dạng, lòng rộng lượng, và đôi khi phi lý tàn bạo của xã hội con người.  Cuối cùng người ta khám phá ra rằng cô Watson đã trả tự do cho Jim, và một gia đình tử tế sẽ nhận thằng bé đi hoang Huck làm con nuôi.  Nhưng Huck kh̀ông chịu nổi xã hội văn minh và cậu lại dự định sẽ trốn đến "các lãnh địa"--tức miền đất có người da đỏ sống.  Kết thúc truyện đem lại cho người đọc một phiên bản đối nghịch hẳn với huyền thọại cổ điển về sự thành công kiểu Mỹ: đó là con đường rộng mở dẫn đến miền đất hoang dã nguyên tuyền, xa khỏi những ảnh hưởng băng hoại của “văn minh.” Những tiểu thuyết của James Fenimore Cooper, các bài thơ ca hướng về con đường cái quan của Walt Whitman, tiểu thuyết Con Gấu của William Faulkner, và tác phẩm Trên Đường  của Jack Kerouac là những thí dụ tương tự khác trong văn học Mỹ.
Huckleberry Finn đã gợi hứng cho muôn vàn cách diễn giải về tác phẩm.  Chắc chắn quyển tiểu thuyết là câu chuyện về sự chết, sống lại, và sự bắt đầu.  Người nô lệ đào tẩu tên Jim đã trở thành hình ảnh người cha của Huck; khi quyết định cứu Jim, Huck đã phát triển về mặt đạo đức, vượt khỏi mọi ràng buộc của xã hội sở hữu nô lệ cậu từng sống.  Chính những cuộc hành trình của Jim đã khai mở cho Huck thấy những phức tạp của bản chất con người và đem đến cho Huck lòng dũng cảm về đạo đức.
Quyển tiểu thuyết sinh động hóa lý tưởng của Twain về một cộng đồng sống hài hòa với nhau: "Vượt lên tất cả, cái bạn muốn có trên chiếc bè là ai ai cũng hài lòng và cảm thấy mình cư xử đúng đắn, tử tế với người khác."  Giống như chiếc tàu Pequod của Melville, chiếc bè đã bị chìm cùng với cái cộng đồng đặc biệt ấy.  Thế giới trong sáng đơn giản của chiếc bè cuối cùng đã bị áp đảo bởi tiến bộ vật chất --tượng trưng là chiếc tàu hơi nước, nhưng hình ảnh huyền thoại của dòng sông Mississippi vẫn còn mãi, bao la và không ngừng biến đổi như chính cuộc sống.
Mối liên hệ không bền chắc giữa thực tại và ảo tưởng là một chủ đề đặc thù trong tác phẩm của Twain, và là nền tảng cho phần lớn tính cách hài hước của ông.  Dòng sông hùng vĩ nhưng phỉnh phờ và thường xuyên thay đổi cũng là nét chính của phong cảnh ông hư cấu.  Trong tác phẩm Đời Sống Trên Sông Mississippi Twain nhớ lại thời ông còn trẻ học làm người lái tàu hơi nước, ông viết: "Bây giờ tôi đi làm để học về hình dạng con sông, và về tất cả những sự vật tan biến nhanh mà tâm trí và bàn tay tôi không sao nắm giữ được, đó mới là cái chính yếu."
Ý thức về đạo đức của Twain với tư cách một nhà văn phản ảnh trách nhiệm của ông khi làm người lái tàu đưa con tàu đến bến an toàn.  Bút hiệu "Mark twain" của Samuel Clemens là cụm từ những người đi tàu trên dòng Mississippi thường dùng để nói về hai fathoms, tức 3.6 mét, độ sâu của mực nước đủ để tàu bè đi qua sông an toàn.  Mục đích nghiêm túc kết hợp với thiên tài về văn phong và óc hài hước hiếm có  của Twain đã khiến tác phẩm của ông tươi mát và lôi cuốn.


  

       
   
                                         

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.