Sunday, June 30, 2019

Chương V -Phần 4 - Sự Ra Đời Của Chủ Nghĩa Hiện Thực (1860-1914) - Chủ Nghĩa Tự Nhiên và Văn Học Về Cái Xấu Của Những Người Nổi Tiếng Và Giàu Có

             Chủ Nghĩa Tự Nhiên và Văn Học Về Cái Xấu Của Những Người Nổi Tiếng Và Giàu Có

Việc Wharton và James mổ xẻ phân tích những động cơ về tình dục và tiền bạc đang diễn ra trong xã hội thời bấy giờ đã nối kết họ với các nhà văn bề ngoài có vẻ như khác hẳn họ như Stephen Crane, Jack London, Frank Norris, Theodore Dreiser, và Upton Sinclair.  Giống các nhà văn mang tính quốc tế nhưng trình bày vấn đề thẳng thắng hơn, những nhà văn theo khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa* dùng ngòi bút hiện thực để nói lên mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.  
------
*Chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) là loại hình phát khởi như một phong trào vào cuối thế kỷ 19 trong văn học, điện ảnh, sân khấu và hội họa. Nó là một loại chủ nghĩa hiện thực cực đoan.  Những nhà văn theo tự nhiên chủ nghĩa viết truyện dựa trên tư tưởng cho rằng môi trường quyết định và điều quản tính cách con người. Chịu ảnh hưởng của những nhà văn tự nhiên chủ nghĩa Âu châu, nhất là Emile Zola, vào cuối thế kỷ 19, một thế hệ nhà văn đã xuất hiện ở Mỹ, mà cách suy nghĩ về sự vận hành của vũ trụ và nhận thức về tình trạng vô trật tự trong xã hội đã đưa họ đến chủ nghĩa tự nhiên, một loại hiện thực chủ nghĩa mới mẻ và tàn bạo hơn.  Trong các tác phẩm theo khuynh  hướng này, nhà văn tập trung viết về những cặn bã nhơ nhớp của xã hội và về lao động khổ nhọc của các tầng lớp dân nghèo.  Tự nhiên chủ nghĩa chịu ảnh hưởng nặng nề của triết thuyết Marx và học thuyết tiến hóa, cố gắng ứng dụng lý luận chặt chẽ và kiến thức khoa học của hai thuyết này để bàn về xã hội bằng văn học nghệ thuật, qua đó phê phán cơ cấu tổ chức xã hội cuối thế kỷ 19.




-----


Họ nêu lên những vấn đề xã hội, và chịu ảnh hưởng tư tưởng về thuyết tiến hóa của Darwin và triết thuyết định mệnh luận, xem con người như những con cờ bất lực trước các thế lực kinh tế xã hội vượt ngoài tầm kiểm soát của đương sự.

Chủ nghĩa tự nhiên là sự biểu đạt chủ nghĩa định mệnh qua văn chương. Gắn liền với những mô tả tiêu cực và hiện thực về đời sống của tầng lớp lao động thấp hèn, chủ nghĩa định mệnh phủ nhận tôn giáo như một lực lượng thúc đẩy sự tiến triển của thế giới, và thay vào đó, chủ nghĩa này xem vũ trụ như một cỗ máy. Những nhà tư tưởng Khai Sáng của thế kỷ 18 cũng đã từng nghĩ thế giới như cỗ máy, nhưng là một cỗ máy hoàn hảo, do Thượng Đế tạo ra dẫn đến tiến bộ xã hội và hoàn thiện con người. Ngược lại, những nhà văn tự nhiên chủ nghĩa lại nghĩ xã hội như một cỗ máy mù quáng, không có Thượng Đế và không thể kiểm soát được. 

Sử gia Mỹ thế kỷ 19 Henry Adams xây dựng một lý thuyết cầu kỳ phức tạp về lịch sử với ý tưởng về máy phát điện, tượng trưng cho lực cơ khí (máy móc),  và tình trạng hỗn loạn (entropy: mức độ hỗn loạn khi nhiệ̣t lượng không thể chuyển hóa thành động lực làm chạy máy), hoặc tình trạng tan rã của các lực.  Thay vì tiến bộ, Adams thấy sự thoái hóa không tránh được của xã hội loài người.

Stephen Crane, con của một mục sư, đã diễn tả sự đánh mất Thượng Đế một cách rất xúc tích, cô đọng như sau:

                                                            


Người đàn ông nói với vũ trụ:
“Thưa Ngài, tôi hiện hữu!”
Vũ trụ đáp: “Dẫu thế,
Điều đó không l̀àm ta
thấy ta có bổn phận gì cả.”

Giống chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên đầu tiên xuất hiện ở Âu châu.  Người ta thường nói nó bắt nguồn từ các tác phẩm của Honoré de Balzac vào những năm 1840, và được xem như một phong trào văn học của Pháp với những nhà văn như Gustave Flaubert, Edmond và Jules Goncourt, Émile Zola, và Guy de Maupassant.  Nó dám vạch trần mặt trái nhơ nhuốc của xã hội với các đề tài như ly dị, tình dục, ngoại tình, nghèo đói và tội phạm. 
Chủ nghĩa tự nhiên nở rộ khi người Mỹ bị cuốn hút vào đô thị và thấy rõ tầm quan trọng của các thế lực kinh tế xã hội to lớn.  Đến năm 1890, nước Mỹ chính thức tuyên bố vùng biên địa đã đóng lại. Phần lớn người Mỹ đều đã sống tại các thị trấn, và doanh nghiệp đã chiếm lĩnh các nông trang.
Stephen Crane (1871-1900)

Stephen Crane sinh tại New Jersey, tổ tiên của ông trước một thế kỷ từng là chiến sĩ trong thời Cách mạng Mỹ, hoặc làm giáo sĩ, cảnh sát trưởng, quan tòa, nông gia.  Ông là nhà báo, nhưng viết cả tiểu thuyết, nghị luận, làm thơ và soạn kịch.  Crane mô tả cuộc đời trần truồng không thêm thắt, các khu nhà ổ chuột, bãi chiến trường.  Truyện ngắn của ông –cụ thể là “Chiếc Thuyền Mở,” “Khách Sạn Màu Xanh Dương,” “Cô Dâu Về Phốo Yellow Sky”—là những truyện tiêu biểu cho thể loại văn học này.  Quyển tiểu thuyết về nội chiến Mỹ mà người đọc khó lòng quên được của Crane, tựa đề Huân Chương Dũng Cảm Màu Đỏ, xuất bản năm 1895 đã được đón tiếp một cách nồng nhiệt, nhưng ông chưa kịp tắm mình trong vinh quang thì đã qua đời năm 29 tuổi vì không hề lưu tâm chăm sóc sức khỏe. Trong hai thập niên đầu thế kỷ 20 Crane hầu như bị quên lãng, nhưng ông lại hồi sinh qua quyển tiểu sử được người đọc ca ngợi do Thomas Beer viết về ông, xuất bản năm 1923.  Kể từ đó ông luôn được xem là một nhà văn thành công, một văn sĩ xuất chúng viết về người bình dân, một nhà văn lớn thuộc trường phái hiện thực và tượng trưng.
Tác phẩm Maggie: Cô Gái Hè Phố (1893) của Crane là một trong những tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa hay nhất của Mỹ, nếu không nói là tiểu thuyết tự nhiên Mỹ ra đời sớm nhất.  Đây là một câu chuyện thương tâm về một cô gái đa cảm nghèo phải chịu thất bại trong đời vì cha mẹ thất học và nghiện ngập.  Vì yêu và vì muốn thoát khỏi cảnh nhà đầy bạo lực, cô đã để mình bị dụ dỗ phải chung sống với một thanh niên nhưng chẳng bao lâu sau cô bị bỏ rơi.  Khi người mẹ luôn cho mình là đúng hất hủi cô, Maggie trở thành gái giang hồ để nuôi thân, nhưng rồi quá thất vọng cô phải tự tử.  Chủ đề sát thực tế cuộc đời và ngòi bút khoa học khách quan, không bao giờ lên tiếng bình phẩm của Crane đã đánh dấu Maggie là một tác phẩm mang khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa.
Jack London (1876-1916)
Xuất thân là một công nhân nghèo, tự học ở California, Jack London đã từ chỗ nghèo khó tiến lên đài danh vọng qua tập truyện đầu tay của mình tựa đề Đứa Con Của Chó Sói (1900), lấy bối cảnh chính là vùng Klondifke và Yukon thuộc Tây Bắc Canada.  Những tác phẩm bán chạy nhất khác của ông, như Tiếng Gọi Của Rừng Hoang (1903), và Sói Biển (1904), đã khiến ông trở thành nhà văn nhận tiền thu lao cao nh̀ất nước Mỹ thời ấy. 
Quyển tự truyện Martin Eden (1909) mô tả những căng thẳng nội tâm về giấc mơ Mỹ mà Jack London đã trải nghiệm khi ông nổi lên bất ngờ như thiên thạch, từ chỗ vô danh nghèo khó trở thành người danh giá, giàu có.  Eden là một anh thủy thủ và lao động nghèo nhưng thông minh và siêng năng.  Sau nhờ viết văn Eden trở thành giàu có và nổi tiếng.  Nhưng Eden nhận thấy người phụ nữ anh yêu chỉ quan tâm đến tài sản và danh tiếng của anh mà thôi.  Thất vọng vì thấy nàng không yêu mình, anh đâm ra mất niềm tin nơi bản chất tốt của con người.  Anh cũng trải nghiệm đau khổ khi thấy mình trở nên xa lạ với giai cấp của anh, vì anh không còn thuộc tầng lớp lao dong nữa, trong khi anh từ chối không chấp nhận những giá trị nặng vật chất của lớp người giàu có mà anh đã làm việc cật lực để được đứng vào hàng ngũ của họ.  Anh tự chèo thuyền về miền nam Thái bình dương và tự trầm mình xuống biển.  Giống như những tác phẩm hay thời đó, Martin Eden là một câu chuyện về sự thất bại. Nó là tiền đề cho tác phẩm Gatsby Vi Đại (The Great Gatsby) của F. Scott Fitzgerald khi nó bộc lộ nỗi thất vọng giữa gìau sang nhung lụa.
Theodore Dreiser (1871-1945)

Giống tác phẩm Martin Eden của London, tiểu thuyết Bi Kịch Nước Mỹ xuất bản năm 1925 của Theodore Dreiser, khảo sát những mối nguy hiểm của giấc mơ Mỹ.  Câu truyện kể lại thật chi tiết cuộc đời của Clyde Griffiths, một thằng bé thiếu ý chí và không biết mình muốn gì. Cậu ta lớn lên trong một gia đình rất nghèo, theo đạo Tin lành ̣rao giảng Phúc âm, lang thang đây đó, nhưng mơ ước sẽ giàu sang và được những phụ nữ đẹp thương yêu. Một ông chú giàu có nhận cậu vào làm trong xưởng của ông.  Khi cô bạn gái Roberta của cậu manh bầu, cô yêu cầu cậu phải cưới cô. Trong khi đó, Clyde lại yêu một cô gái thuộc xã hội quyền quý, đại diện cho lớp người thành công, giàu có và luôn được xã hội niềm nở đón tiếp.  Clyde thận trọng lên kế hoạch để làm Roberta bị chết đuối trong một chuyến đi thuyền; nhưng đến phút cuối anh lại đổi ý, song cô gái lại rủi ro rơi xuống nước.  Clyde là người biết bơi giỏi, nhưng anh đã không cứu cô, và cô bị chết đuối. Khi Clyde bị đưa ra tòa, Dreiser kể lại câu chuyện ngay từ đầu, và ông sử dụng một cách tài tình cách nhìn đầy thuận lợi của công tố viên và của luật sư biện hộ cho Clyde, ông phân tích từng bước diễn tiến cùng động cơ đã đưa đẩy chàng Clyde nhu hòa khá sùng đạo và có gia đình quen biết tốt, trở thành kẻ sát nhân.
Mặc dù văn của ông khó hiểu, trong Bi Kịch Nước Mỹ, Dreiser đã chứng tỏ ông là một nhà văn tầm vóc lớn trên văn đàn nước Mỹ.  Những chi tiết chính xác đưa người đọc đến chỗ bị choáng ngợp trước bi kịch không thể tránh.  Quyển tiểu thuyết là bức chân dung xấu xí về huyền thoại thành đạt ở Mỹ bị sụp đổ, nhưng đây cũng là câu chuyện chung về những căng thẳng gây ra do đô thị hóa, hiện đại hóa và về sự cách ly con người.  Trong truyện đầy những tưởng tượng lãng mạn và nguy hiểm của những kẻ bị mất tất cả, không còn gì.
Bi Kịch Nước Mỹ phản ánh sự bất mãn, ganh ghét và thất vọng của những người nghèo và người lao động bị thiệt thòi trong xã hội đầy cạnh tranh mà mọi người đều mong muốn mình thành đạt ở nước Mỹ.  Khi cường quốc công nghệ Mỹ cất cánh bay cao, thì cuộc sống lộng lẫy của những người giàu có qua báo chí và hình ảnh càng thêm tương phản với cuộc sống buồn tẻ của các nông gia bình dị và công nhân nơi thị thành. Truyền thống thổi bùng lên những mong ước ngày một tăng và khát khao thật phi lý.   Những vấn đề như thế, thường xảy ra ở các nước hiện đại hóa, đã đưa đến sự ra đời của các báo chí nói xấu những người nổi tiếng –đi sâu vào điều tra tường thuật các vấn đề xã hội với tài liệu rõ ràng, và là động lực thúc đẩy cải cách xã hội.
Truyền thống lớn của ngành báo chí về phóng sự điều tra đã khởi đầu trong thời kỳ này khi các tạp chí quốc gia như McClures and Collier’s đã cho xuất bản quyển Lịch Sử Công Ty Dầu Khí Standard (1904) của Ida M. Tarbell, Điều Xấu Hổ o cua Cho Các Thành Phố (1904) của Lincoln Steffens cùng những điều phơi bày những điều xấu xa khác. Tiểu thuyết phóng sự điều tra dùng các văn thuật táo bạo của báo chí để mô tả các điều kiện lao động và sự đàn áp khắc nghiệt của chủ nhằm thu hút sự chú ý của độc giả.  Tác phẩm Con Bạch Tuộc (1901) của Frank Norris, một nhà báo dân túy, đã phơi bày bộ mặt của các công ty hỏa xa lớn, trong khi đó tác phẩm Rừng Già (1906) của nhà báo mang khuynh hướg xã hội Upton Sinclair đã vẽ nên bức tranh nhơ nhớp về các lò sát sanh và chế biến thịt ở Chicago.  Tác phẩm Gót Sắt (1908) của Jack London mô tả một nhà nước tàn bạo đến độ không thể tưởng tượng, đã báo trước sự ra đời của tác phẩm 1984 của George Orwell khi London tiên đoán sẽ có một cuộc chiến tranh giai cấp thay đổi chính quyền.
Một lời đáp mang tính nghệ thuật hơn trước tình trạng xã hội thời bấy giờ là chân dung hiện thực hoặc tập hợp các bức tranh hiện thực về những nhân vật dân dã và đời sống nội tâm đầy thất vọng chán chường của họ.  Tuyển tập truyện ngắn Những Con Đường Chính Họ Đã Đi Qua (1891) của Hamlin Garland (1860-1940), người được William Dean Howells hướng đẫn vào nghề viết, quả là một phòng triễn lãm chân dung những người dân đời thường. Tập truyện đã mô tả tình trạng nghèo đói khiến người ta phải bàng hoàng của các nông gia miền Trung tây nước Mỹ đưa đến yêu cầu cải cách nông nghiệp. Tựa sách nói về nhiều con đường mòn ở miền Tây mà những người tiên phong can trường đã đi qua, và các con lộ chính ở những ngôi làng họ đã xây dựng nên.
Gần giống với tác phẩm Những Con Đường Chính Họ Đã Đi Qua của Garland là tác phẩm Winesburg, Ohio của Sherwood Anderson (1876-1941), được ông khởi sự viết vào năm 1916. Đây là tập hợp các truyện ngắn rời rạc về những cư dân trong thị trấn hư cấu mang tên Winesburg qua cái nhìn của một phóng viên trẻ ngây thơ tên George Willard, về sau anh ta đã rời thị trấn ấy đi lên thành phố lớn làm giàu. Giống tác phẩm Những Con Đường Chính Họ Đã Đi Qua và các tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa khác vào thời ấy, Winesburg, Ohio nhấn mạnh cái nghèo thầm lặng, nỗi cô đơn chán chường ở một thị trấn nhỏ của nước Mỹ.



  


   




No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.