Sunday, October 6, 2019

Chương VI- Phần 1g: Văn Học Hiện Đại và Thời Kỳ Thử Nghiệm (1914-1945)

Tiểu Thuyết Phê Phán Xã Hội
Từ những năm 1890 trong văn học Mỹ ngấm ngầm đã xuất hiện những tác phẩm phản đối xã hội,  từ đó phát triển mạnh thành chủ nghĩa tự nhiên với Stephen Crane và Theodore Dreiser mang thông điệp rõ ràng của các nhà văn tả chân xã hội.* Về sau có cả những nhà văn dấn thân đấu tranh xã hội như Sinclair Lewis, John Steinbeck, John Dos Passos, Richard Wright, và nhà soạn kịch Clifford Odets.  Họ gắn bó với những năm 1930 vì họ quan tâm đến tình cảnh của người bình dân, các nhóm người khác nhau trong xã hội, người hành nghề chuyên môn, như trong tác phẩm tiêu biểu Arrowsmith (nói về một bác sĩ) hoặc Babbitt (một thương nhân trong vùng) của Sinclair Lewis; họ viết về các gia đình như trong Chùm Nho Uất Hận của Steinbeck; hay về dân thị thành qua 11 nhân vật mà Dos Passos xây dựng nên trong tác phẩm U.S.A.Trilogy của ông.


Sinclair Lewis (1885-1951)
Harry Sinclair Lewis sinh tại Sauk Centre, tiểu bang Minnesota, ông tốt nghiệp đại học Yale.  Ông bỏ học đi làm cho một cộng đồng mang tính xã hội chủ nghĩa có tên Helicon Home Colony, do nhà văn tả chân xã hội Upton Sinclair tài trợ.  Tác phẩm Phố Main/Main Street (1920) của Sinclair Lewis châm biếm đời sống đơn điệu và đạo đức giả tại một thị trấn nhỏ tên Gopher Prairie, tiểu bang Minnesota. Ông mô tả nước Mỹ một cách sắc bén và chỉ trích lối sống vật chất hẹp hòi và đạo đức giả của nước Mỹ, nhờ vậy ông nổi tiếng trong nước và trên thế giới.  Năm 1926 ông được tặng, nhưng ông đã từ chối, giải thưởng Pulizer Prize với tác phẩm Arrowsmith (1925), một tiểu thuyết mô tả từng bước nỗ lực của một  bác sĩ tìm cách giữ gìn y đức của mình giữa những tham lam và thối nát.  Năm 1930 ông trở thành nhà văn Mỹ đầu tiên được giải Nobel Văn chương.
Tiểu thuyết lớn khác của Lewis là tác phẩm Babbitt (1922).  George Babbitt là một thương gia như bao thương gia khác, ông sống và làm việc tại một thị trấn nhỏ bình thường như bao thị trấn Mỹ khác mang tên Zenith.  Babbitt là người tháo vác và đạo đức, ông tin rằng doanh nghiệp là cách tiếp cận khoa hoc mới mẻ đối với nếp sống hiện đại. Không yên, ông tìm cách làm đời sông có nghĩa, nhưng lại thất vọng khi dan díu với một phụ nữ sống lang bạc không theo khuôn khổ truyền thống, rồi ông quay lại với vợ và chấp nhận số phận của minh.  Quyển tiểu thuyết đã thêm vào ngôn ngữ Mỹ một từ mới “babbittry” với nghĩa lối sống tiểu tư sản,̀ tự mãn, tầm nhìn hạn hẹp. Quyển Elmer Gantry (1927) phơi bày tôn giáo cải cách ở Mỹ, trong khi tác phẩm Cass Timberlane (1945) tìm hiểu về những căng thẳ̉ng xảy ra trong cuộc hôn nhân giữa một ông thẩm phán già và cô vợ trẻ.
John Dos Passos (1896-1970)


Giống như Sinclair Lewis, John Dos Passos lúc đầu là một nhà cấp tiến khuynh tả, nhưng về già ông lại khuynh hữu.  Dos Passos tả chân, theo khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa.  Tác phẩm hay nhất của ông mang tính khách quan khoa học và có ảnh hưởng như một tài liệu.  Dos Passos phát triển lối văn ghép hình (collage) thử nghiệm trong tác phẩm chính của ông USA, gồm Vĩ Tuyến Thứ 42/The 42nd Parallel (1930), 1919 (1932), và Món Tiền Lớn/The Big Money (1936). Tập truyện có cái nhìn bao quát rộng lớn này nói về lịch sử xã hội Mỹ từ 1900 đến năm 1930, nó phơi bày những tệ nạn đạo đức của xã hội vật chất Mỹ qua cuộc đời các nhân vật.

Những văn thuật mới mẻ của Dos Passos gồm các phân đoạn mang tính thời sự lấy từ các hàng tít trong báo chí đương thời, các bài hát phổ biến, quảng cáo hay tiểu sử của những người Mỹ quan trọng thời ấy, như nhà phát minh Thomas Edison, nhà lãnh đạo tổ chức thợ thuyền Eugene Debs, diễn viên Rudolph Valentino, nhà tài phiệt J.P. Morgan, và nhà xã hội học Thorstein Veblen.  Các đoạn thời sự và tiểu sử khiến tác phẩm của Dos Passos có giá trị như tư liệu; văn thuật thứ ba, “mắt thâu hình,” gồm một dòng ý thức diễn đạt qua các bài thơ như văn xuôi đưa ra câu trả lời chủ quan về các biến cố được tả trong sách.
---
*muckraking novelists/nhà văn tả chân phê phán xã hội.
....during the Progressive Era, which lasted from around 1900 to 1917, muckraking journalists successfully exposed America's problems brought on by rapid industrialization and growth of cities. Influential muckrakers created public awareness of corruption, social injustices and abuses of power.Trong thời kỳ Tiến Bộ, kéo dài từ khoảng 1900 đến 1917, các nhà văn phê phán xã hội đã phơi bày thàng công những vấn đề của nước Mỹ gây ra do quá trình công nghiệp hóa va phát triển đô thị quá nhanh.  Những nhà văn phê phán xã hội có ảnh hưởng đã khiến công chúng ý thức hơn về tệ đoan tham những, các bất công xã hội, nạn lạm quyền.
John Steinbeck (1902-1968)

Giống như Sinclaire Lewis, John Steinbeck ngày nay được giới phê bình văn học hải ngoại (ở ngoài nước Mỹ) đánh giá cao hơn trong nước, chủ yếu vì ông được giải Nobel Văn chương năm 1963, và danh tiếng khắp trên thế giới mà giải thưởng ấy mang lại.  Trong cả hai trường hợp, Ủy Ban trao giải (cho Lewis và Steinbeck) đều chọn những nhà văn Mỹ có tinh thần khai sáng nổi bật về phê phán xã hội.

Steinbeck, người California, chủ yếu lấy thung lũng Salinas Valley, gần San Francisco, làm bối cảnh cho tác phẩm của mình.  Tác phẩm được nhiều người biết đến nhất của Steinbeck là tiểu thuyết được giải Pulitzer tựa đề Chùm Nho Uất Hận (1939), mô tả nỗi khó nhọc gian khổ của một gia đình nghèo ở Oklahoma bị mất nông trại trong thời kỳ kinh tế suy thoái khiến họ phải bỏ sang California tìm việc.  Người trong gia đình ấy phải chịu cảnh bị áp bức như thời phong kiến với các địa chủ giàu có.  Những tác phẩm khác có bối cảnh California gồm Tortilla Flat (1935), Chuột và Người (1937), Cannery Row (1945), và Phía Đông Vườn Địa Đàng (1952).  Steinbeck kết hợp chủ nghĩa hiện thực với chủ nghĩa lãng mạn nguyên sơ, ông nhìn thấy phẩm chất đạo đức nơi những nông dân nghèo sống nhờ ruộng đất.  Tiểu thuyết của ông cho thấy những người nông dân ấy rất yếu thế.  Họ là những người có thể phải lìa bỏ tất cả nếu xảy ra hạn hán, và là những người đầu tiên khốn khổ trong thời kỳ xảy ra chính biến hay suy thoái kinh tế.


 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.