Tuesday, February 16, 2021

Chương VIII:Văn Xuôi Mỹ 1945-1990: Chủ Nghĩa Hiện Thực và Văn Xuôi Thử Nghiệm --Phần 8

Những Nhà Văn Miền Nam
Giống như miền Nam vẫn còn thiên nhiều về nông nghiệp thời bấy giờ, tác phẩm của các nhà văn miền Nam trong thập niên 1960 có khuynh hướng bám sát các truyền thống vốn được trân trọng từ lâu.  Trong thập kỷ có những thay đổi cấp tiến ấy, văn học miền Nam tiếp tục bám rễ vào chủ nghĩa hiện thực với cái nhìn mang tính đạo đức, nếu không muốn nói là nặng về tôn giáo,  Những chủ đề thường thấy trong văn học miền Nam gồm gia đình, mái ấm gia đình, lịch sử, phong thổ miền Nam, tôn giáo, tội lỗi, danh tính, cái chết, và việc đi tìm ý nghĩa cứu rỗi cho sự sống.  Giống William Faulkner và ThomasWolfe  (qua các tiểu thuyết Hỡi Thiên Thần, Xin Ngài Hãy Nhìn Về Quê Nhà /Look Homeward, Angel 1929), những nhà văn đã dấy lên phong trào "phục hưng" cho văn học miền Nam, nhiều nhà văn miền Nam vào những năm 1960 là học giả và văn sĩ có lối văn trau chuốt, coi trọng ngôn ngữ xem đó là gạch nối với truyền thống vốn đã ăn sâu trong thế giới cổ điển.
Nhiều tác giả từng là giáo sư có ảnh hưởng lớn. Caroline Gordon (1895-1981), sinh trưởng tại Kentucky lập gia đình với nhà thơ miền Nam Allen Tate, một giáo sư đại học dạy viết văn rất được kính trọng.  Bà chọn quê hương Kentucky làm bối cảnh cho tiểu thuyết của mình.  Truman Capote sinh ra ở New Orleans, và thời ấu thơ sống ở các thị trấn nhỏ của tiểu bang Louisiana và Alabama, dùng làm bối cảnh cho các tiểu thuyết đầu tay của ông mang nhiều phong cách sành điệu nhưng suy đồi và Gothic đậc trưng của miền Nam.  Giáo sư dạy viết người Mỹ đen  Ernest Gaines (1933- ) cũng sinh ra tại New Orleans đã đặt bối cảnh cho nhiều tác phẩm cảm động và sâu sắc của mình vào vùng quê đầm lầy nước đọng nơi nhiều người da đen cư ngụ ở Louisiana.  Có lẽ quyển tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, tác phẩm Tự Truyện Của Cô Jane Pittman /The Autobiography of Miss Jane Pittman (1971), đã phản ánh một loạt các biến cố xảy ra từ khi nội chiến Mỹ kết thúc năm 1865 sang những năm 1960.  Quan tâm nhiề̀u đến các vấn đề con người sâu kín hơn cả vấn đề màu da, Gaine đã đề cập đến các mối quan hệ giữa những sắc dân khác nhau một cách rất tinh tế.
Reynolds Price (1933- ), một giáo sư kỳ cựu ở Duke University, sinh ra ở North Carolina, nơi đã cung cấp bối cảnh cho nhiều tác phẩm của ông như Một Đời Dài Lâu Hạnh Phúc/A Long and Happy Life (1961).  Giống William Faulkner và Robert Penn Warren, trên mảnh đất miền Nam, ông đã dựng lên những nhân vật có liên hệ huyết thống với nhau, thường hay ngồi trầm tư nhìn tháng ngày trôi qua và nghĩ về việc cần phải chuộc lại những lỗi lầm sai trái ngày xưa.  Văn phong đầy suy niệm và giàu chất thơ của ông gợi nhớ lại truyền thống văn cổ điển của miền Nam thời xưa.  Bị liệt một phần não vì ung thư, ông đã đào sâu tìm tòi nỗi đau thể xác qua tác phẩm Lời Hứa Hẹn Sẽ Được An Nghỉ/The Promise of Rest (1995), câu chuyện về một người cha chăm sóc đứa con trai sắp chết vì bệnh AIDS.  Tiểu thuyết được đánh giá cao của ông tựa đề Kate Vaiden (1986) cho thấy ông còn có khả năng xây dựng hình ảnh cuộc sống của phụ nữ.
Walker Percy (1916-1990), sống tại Louisiana, lớn lên trong một gia đình gốc quý tộc miền Nam.  Nhưng tiểu thuyết được nhiều người ái mộ của ông --khi hài hước, lúc chứa đựng tình cảm nhẹ nhàng, khi lại giảng đạo đức và châm biếm-- cho thấy ông ý thức rõ về giai cấp xã hội và về việc ông theo Ky tô giáo.  Tiểu thuyết hay nhất của ông là tác phẩm đầu tay tựa đề Người Đi Xem Xi nê/The Moviegoer (l961). Truyện kể về một người đại diện mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoáng trẻ tuổi sống lông bông không định hướng ở New Orleans, cho thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh Pháp lan đến miền Nam Mới nổi lên phồn vinh và náo nhiệt sau thế chiến thứ hai. 
Những Thập Niên 1970 và 1980: Văn Học Phát Triển Vững Mạnh
Tính đến giữa thập kỷ 1970 một kỷ nguyên văn học phát triển vững vàng đã bắt đầu.  Cuộc xung đột về chiến tranh Việt nam đã kết thúc, chẳng bao lâu sau Mỹ bắt tay với nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, và tổ chức kỷ niệm 200 năm thành lập Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.  Rồi đến thập niên 1980 --"Thập niên về Cái Tôi" như Tom Wolf nói-- khi cá nhân thường hay tập trung vào những mối bận tâm riêng của mình hơn là vào những vấn đề lớn của xã hội.  Trong văn học, những trào lưu cũ vẫn còn, nhưng động lực thúc đẩy việc tìm tòi thử nghiệm đã suy giảm.  Những nhà văn mới như John Gardner, John Irving (Thế Giới Qua Cách Nhìn Của Garp/The World According to Garp, 1978), Paul Theroux (Bờ Biển Của Muỗi/The Mosquito Coast,**1981), William Kennedy (Cỏ Sắt/Ironweed, 1983), và Alice Walker (Màu Tím/The Color Purple, 1982) nổi bật lên với những tiểu thuyết có văn phong xuất sắc miêu tả tình cảnh con người rất cảm động.  Các nhà văn lại quan tâm nhiều hơn đến bối cảnh, nhân vật và chủ đề gắn liền với chủ nghĩa hiện thực, cùng việc khai thác các đề tài lịch sử như trong tác phẩm của E.L.Doctorow.  
Chủ nghĩa hiện thực, bị các nhà văn thử nghiệm bỏ rơi vào thập niên 1960, dần dần trở lại, thường pha trộn với những yếu tố mới mẻ riêng của tác giả, rất độc đáo --chẳng hạn bố cục táo bạo lồng một tiểu thuyết vào trong một tiểu thuyết khác, như tác phẩm Ánh Sáng Tháng Mười/October Light của John Gardner hoặc sử dụng phương ngữ của người da đen như trong truyện Màu Tím/The Color Purple của Alice Walker. Dòng văn học của các nhà văn thiểu số/da màu bắt đầu phát triển. Kịch nghệ cũng chuyển từ tả chân hiện thực sang giống như điện ảnh và di động nhiều hơn. Tuy vậy, đồng thời thập niên nói nhiều đến cái tôi này cũng phản ảnh những tài năng mới sôi động như Jay McInerney (Ánh Đèn Sáng Loáng, và Thành Phố Lớn/Bright Lights, Big City, 1984), Bret Easton Ellis (It́ Hơn Cả Số Không/LessThan Zero,1985), và Tama Janowitz (Những Nô Lệ Của New York/Slaves of New York,1986).
E.L. Doctorow (1931- )
Tiểu thuyết của Doctorow cho thấy sự chuyển hướng từ tiểu thuyết metafiction***(tiểu thuyết nói về tiểu thuyết) sang loại tiểu thuyết mới nhạy cảm với các vấn đề của con người hơn.  Quyển tiểu thuyết được hoan nghênh nhiệt liệt của ông về cái giá nhân mạng phải trả quá cao trong chiến tranh lạnh mang tựa đề Quyển Sách Về Daniel/The Book of Daniel (1971) dựa trên vụ xử tử  Julius và Ethel Rosenberg về tội gián điệp, do  con của họ kể lại khi đang chịu tang cha mẹ mình.  Tác phẩm Nỗi Nhức Nhốỉ Trước Dư Luận/The Public Burning của Robert Coover cũng nói về chủ đề tương tự, nhưng truyện của Doctorow chan chứa tình cảm nồng ấm hơn nhiều.  
Tác phẩm  Điệu Nhạc Ragtime/Ragtime**** (1975) của Doctorow là một bức tranh ghép hình collage muôn màu muôn sắc rất phong phú về nước Mỹ bắt đầu từ năm 1906.  Như  John Dos Passo đã làm nhiều thập niên trước qua tập tiểu thuyết gồm ba tập trilogy tựa USA của ông, Doctorow đã phối hợp nhân vật hư cấu với nhân vật có thật để ghi lại hương vị và nét phức tạp của thời đại ông mô tả.  Lịch sử hư cấu về nước Mỹ được Doctorow tiếp tục trình bày qua tác phẩm Hồ Ngỗng Trời/Loon Lake (1979), lấy bối cảnh những năm 1930, nói về một nhà tư bản tàn bạo đã thống trị và hủy diệt những người sống có lý tưởng.
Những tác phẩm về sau của Doctorow gồm quyển tự truyện Hội Chợ Thế Giới/World’s Fair (1985), kể chuyện một đứa bé 8 tuổi lớn lên trong thời kỳ Khủng hoảng kinh tế của những năm 1930; Billy Bathgate (l989), mô tả lại một tên trùm xã hội đen có thật ở New York lấy tên là Dutch Schultz; và Công Ty Cấp Nước/The Waterworks (1994), lấy bối cảnh New York vào thập niên 1870.  Thành Phố Của Thượng Đế/City of God (2000) — tựa đề hàm ý nói về Thánh Augustine — trở lại mô tả thành phố New York hiện nay.  Lương tri của một giáo sĩ đan kết với tình trạng nghèo đói, tội phạm, và cô đơn nói chung của thành phố được phơi bày qua câu chuyện về cuộc đời của những người ông tiếp xúc.  Quyển sách ngầm nói lên niềm tin lâu dài của Doctorow cho rằng viết văn --một cách làm nhân chứng cho sự thật-- là phương thức sống còn của loài người.
Văn của Doctorow rất rộng thoáng.  Phong cách sinh động và đầy sáng tạo mới mẻ của ông đã liên kết ông với những nhà văn siêu tiểu thuyết (metafiction writers) như Thomas Pynchon và John Barth, tuy tiểu thuyết của Doctorow vẫn bám sát vào hiện thực và lịch sử.  Việc ông sử dụng người và sự kiện có thật đã gắn liền ông với nền Báo Chí Mới (new journalism) trong những thập niên 1960, và với Norman Mailer, Truman Capote, và Tom Wolfe, trong khi việc ông dùng cách viết hồi ký hư cấu như trong tác phẩm Hội Chợ Thế Giới/World’s Fair đã đưa ông đến gần những nhà văn như Maxine Hong Kingston và việc các hồi ký nở rộ vào những năm 1990.

-----   
*
https://en.wikipedia.org/wiki/Bayou
**
Bờ biển Muỗi, còn được biết đến với tên bờ biển Miskito và Vương quốc Miskito, về mặt lịch sử bao gồm vùng đất không xác định rõ dọc bờ biển phía đông của Nicaragua và Honduras.  Nó làm thành một phần của vùng đất Tây Caribbean.
The Mosquito Coast, also known as the Miskito Coast and the Miskito Kingdom, historically included the kingdom's fluctuating area along the eastern coast of present-day Nicaragua and Honduras. It formed part of the Western Caribbean Zone.
***
Tiểu thuyết về tiểu thuyết: loại tiểu thuyết trong đó tác giả chủ ý nói đến tính hư cấu dàn dựng và tính đặc thù văn học của một tác phẩm bằng cách nhại lại hoặc bỏ không tiuân theo các quy ước viết tiểu thuyết (nhất là chủ nghĩa tự nhiên) và các thủ pháp truyền thống.
Tiểu thuyết về tiểu thuyết là dạng văn hư cấu nhấn mạnh cách bố cục của chính nó qua cách liên tục nhắc cho người đọc nhớ là họ đang đọc hoặc đang xem một tác phẩm hư cấu.
Metafiction: fiction in which the author self-consciously alludes to the artificiality or literariness of a work by parodying or departing from novelistic conventions (especially naturalism) and traditional narrative techniques. 
Metafiction is a form of fiction that emphasizes its own constructedness in a way that continually reminds the reader to be aware that they are reading or viewing a fictional work. Wikipedia 
****
  Nhạc rag – chữ ragtime còn được viết rag-time hoặc rag time – là một loại nhạc được thịnh hành nhất từ năm 1895 đến năm 1919.  Nét đặc trưng của nhạc này là nhịp "ragged," tức là có một yếu tố nhịp điệu mới được thêm vào nhịp điệu vốn có sẵn trong bài nhạc.  Nhạc rag kể chuyện về ba nhóm người ở Mỹ: người Mỹ da đen mà nhạc sĩ vùng Harlem tên Coalhouse Walker Jr. là người đại diện, những người dân khá giả sống ở ngoại ô,  mà tiêu biểu là Bà Mẹ, một bà gia trưởng quyền uy của một gia đình da trắng thượng lưu tại New Rochelle, New York; và những di dân từ Đông Âu đến Mỹ.
 
Ragtime – also spelled rag-time or rag time – is a musical style that enjoyed its peak popularity between 1895 and 1919. Its cardinal trait is its syncopated or "ragged" rhythm. 
Set in the early 20th century, Ragtime tells the story of three groups in the United States: African Americans, represented by Coalhouse Walker Jr., a Harlem musician; upper-class suburbanites, represented by Mother, the matriarch of a white upper-class family in New Rochelle, New York; and Eastern European immigrants, 

[Syncopation is a musical process that involves adding an unexpected element to the basic beat of a musical composition. Basically, the art of syncopation calls for developing a line of rhythm that is played off the main beat line, creating an effect that provides the listener with a sense of enjoying a beat within a beat.  "Rag" is shorthand for ragged time, a syncopated rhythm that blends march tempos, minstrel-show music and a melody deliberately broken up to play in choppy passages over a steady sustaining beat.]

 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.