Saturday, May 8, 2021

Thi Ca Mỹ Đương Đại --Phần 2: Thơ Về Tự Ngã/Cái Tôi

Thơ về tự ngã có khuynh hướng nói với chính mình hoặc là độc thoại.  Ở mức độ xúc cảm mạnh mẽ, loại thơ này bộc lộ trạng thái tâm hồn của một con người.  Bối cảnh, dù có mặt, vẫn không hề đóng vai trò quyết định nào.  Loại thơ này mang tính tâm lý hoặc tâm linh, với niềm khát vọng về một cảnh giới vô thời gian.  Tuy vậy, nó cũng có thể làm giảm bớt niềm tin vững chắc về tâm linh bằng cách diễn dịch mọi ý nghĩa chỉ qua ngôn ngữ.  Do đó, trong nhóm thơ về tự ngã phong phú này,  người ta có thể tìm thấy thơ nhuốm vẻ lãng mạn, giàu xúc cảm, cũng như những bài thơ dựa trên ngôn ngữ đặt lại vấn đề danh tính và ý nghĩa, xem đấy như là những cái được tạo dựng lên.

Giữ thế quân bình trước những mối quan ngại này, John Ashbery nói rằng ông chú ý đến "trải nghiệm về kinh nghiệm,"hay cái được gạn lọc qua ý thức của ông, hơn là cái thực sự xảy ra.  Bài thơ "Được Sửa Chữa Lại Nhanh Nhất,"/ "Soonest Mended" (1970)* mô tả một thực tại "ngoài kia"/"out there" nằm sờ sờ ra đó và có vẻ đơn giản, nhưng lại là cái sống còn giống như sàn nhà mà trên đó lúa và trấu (giống như cuộc đời của con người, hay là những lá cỏ của nhà thơ Walt Whitman) được gạn lọc để tách ra:

...nằm bên dưới cuộc chuyện trò là

dòng chuyển dịch và không muốn bị chuyển dịch, 

là ý nghĩa lỏng lẻo, bừa bộn và đơn sơ như sàn đập lúa. 

Nhà thơ bí ẩn, được đào tạo theo khuynh hướng cổ điển W.S. Merwin (1927-) tiếp tục cho ra đời những tập thơ với cái nhìn riêng chủ quan của mình khiến độc giả không thể quên được.  Bài thơ "Dòng Sông Của Ong"/"The River of Bees" (1967) của Merwin kết thúc như sau:

Trên cửa có nói phải làm gì để sống còn

Nhưng chúng ta sinh ra đâu phải để sống còn

Chỉ để sống thôi

Chữ "chỉ" nhấn mạnh một cách mỉa mai sống thực sự như con người thật khó biết bao, đâu phải chỉ để sống còn mà là một sự đeo đưổi cao thượng hơn biết mấy.  Cả Ashbery và Merwin, những nhà thơ đi trước thế hệ những nhà thơ viết về tự ngã hiện thời, mang đặc điểm chuyên viết những độc thoại tách rời hẳn văn cảnh hay câu chuyện kể bên ngoài tự ngã.  Những dòng thơ hiện sinh tác động mạnh vào tâm trí độc giả của Merwin đào sâu tâm lý trong khi cách dùng chữ bất ngờ của Ashbery xuất phát từ những gì con người lưu lại --tâm lý, nông trang, triết học-- hướng đến trường phái Ngôn ngữ.

Những nhà thơ viết về tự ngã gần đây càng đào sâu hơn nữa sự nhận biết có tính chủ quan   về ý thức** xảy ra từng lúc nơi một người.  Đối với Ann Lauterbach (1942- ), bài thơ là sự kéo dài của tâm thức đang hoạt động; bà từng nói thơ của bà là "một hành động xây dựng nên tự ngã, là ngưỡng tự ngã vượt qua để lên tiếng nói."  Nhà thơ ngôn ngữ Lyn Heinian (1941-) diễn tả dòng chuyển biến của ý thức trong bài thơ tự truyện dưới dạng văn xuôi tựa đề Cuộc Đời Tôi/My Life (1987), sử dụng sự chia chẻ, phân ly, những bước nhảy vọt gây ngạc nhiên, và những điểm hội tụ tình cờ: "Tôi hình dung một ý tưởng ngay khi tôi đến với ý tưởng đó, chúng tôi đụng đầu nhau."  Rae Armantrout (1947-) sử dụng sự im lặng và những chùm ý tưởng liên quan nhau tinh tế và không trực tiếp; bài thơ tựa đề cho tập thơ Necromance (1991) cảnh báo "nhấn mạnh/chính xác/ được tiết lộ như là/thù địch."  Một nhà văn thử nghiệm khác, Leslie Scalapino (1947-) sáng tác thơ như "khảo sát tâm tư trong tiến trình nó đang sáng tạo bất kỳ một cái gì đó."

Nhiều thơ thử nghiệm viết về tự ngã rất cô đọng, không nói thẳng, không như kể chuyện, và không có tính khách quan; tuy vậy, thơ này hay nhất khi nó không phải chỉ nói về tự ngã mà nó bay lượn quanh một "điểm trọng tâm không có mặt."  Thi ca về tự ngã thường gắn với việc diễn đọc trước công chúng.  Trong trường hợp các nữ thi sĩ, việc xóa nhoà, ý niệm im lặng, và sự phân cách thưường đi liền với ulia Kristeva và những nhà lý thuyết khác người Pháp ủng hộ nữ quyền.  Nhà thơ Susan Howe (1937-), người phát triển nghệ thuật làm thơ hình ảnh phức tạp đan kết yếu tố lịch sử với yếu tố cá nhân, ghi nhận rất khó truy tìm dòng họ của phụ nữ trong thư khố và phả hệ, và có sự xóa nhoà người phụ nữ trong lịch sử văn hóa.  Đối với bà, trong cương vị một phụ nữ, "những khoảng trống và sự im lặng là nơi bạn tìm thấy mình."

Jorie Graham (1950-)

Một trong số những nhà thơ viết về cái tôi chủ quan thành công nhất là Jorie Graham.  Sinh tại New York và lớn lên ở Ý, bà học tại Sorbonne, Pháp, đại học New York (chuyên ngành phim, điều này ảnh hưởng nhiều đến tác phẩm của bà) và dự khoá dành cho Các Văn Nghệ Sĩ Iowa, rồi dạy lại tại đấy. Sau đó bà trở thành giáo sư tại Harvard.

Thi phẩm của Graham đượm đầy những điều nói về các giống dân trên khắp thế giới, và bà xem lịch sử Mỹ như một phần nằm trong mối liên hệ gắn bó với quốc tế rộng lớn hơn qua thời gian dài.  Bài thơ dùng làm tựa đề cho tập thơ được giải thưởng Pulitzer của bà Giấc Mơ về Trường Quy Nhất: Thơ Chọn Lọc từ năm 1974 đến năm 1994 (1995) nói về lịch sử thay đổi và phức tạp này.  Bài thơ nối kết  lại những yếu tố khác nhau qua cách liên kết tư tưởng tự do phóng khóang --nhà thơ đi bộ qua những mảng tuyết trắng trong cơn bão tuyết để trả lại cho người bạn bộ áo quần bó sát người dành cho vũ công mặc khi biểu diễn, một bầy chim sáo (giống chim đã lấn chỗ các loài chim bản địa), một chú quạ đen đơn độc (nhân vật chíng trong truyện kể của người bản xứ da đỏ ở Mỹ) gợi lên  như "một vết mực trên cảnh chiều tà rợp ánh tuyết trắng." 

Những ấn tượng tác động lên giác quan này vực dậy ký ức thời thơ ấu của nhà thơ về Âu châu, về người dạy múa mặc y phục đen, và trải rộng ra đến lịch sử Tân thế giới.  Thi sĩ đã tả lại việc Christopher Columbus tiếp xúc với người bản xứ da đỏ trên bờ cát trắng như trận bão tuyết trắng xóa mà bà băng qua: "Ông nghĩ ông nhìn thấy người da đỏ bỏ chạy qua vùng tuyết trắng trước con tàu," và "Trong cơn lốc tuyết trắng xóa, ông dựng lên một cây thánh giá thật lớn."

Tất cả những yếu tố này đều thứ yếu đối với tâm thức đang lưu chuyển chứa đựng chúng và không ngừng tự đặt câu hỏi cho chính nó.  Tâm thức này, hay là "trường quy nhất" (một loạt các lý thuyết trong ngành vật lý cố tìm cách liên kết lại tất cả những lực có trong vũ trụ) được mô tả giống như cơn bão tuyết của thuở ban đầu:

Không có gì tự nó đúng hay sai.  Chỉ là chuyển động.  Nhiều dải chuyển động.  Những sợi tơ rơi rơi dấu vết thực của những hoa tuyết tí hon. 

Graham tập trung vào tâm thức như một cửa ngõ của nghĩa lý và ma mị, cả hai đều là một phần của thế giới và là một cái nhìn riêng biệt.  Như một cuốn phim gồm nhiều thước phim gộp lại, tiếng nói của bà đã nối kết lại những cái nhìn và kinh nghiệm khác nhau.  Một Bầy/Swarm  (2000) đào sâu thêm thiên hướng siêu hình, chiều sâu xúc cảm và sự thôi thúc mạnh mẽ của Graham.  

-----

* https://owlcation.com/humanities/Analysis-of-Poem-Soonest-mended-by-John-Ashbery

Analysis of Poem 'Soonest Mended' by John Ashbery

Andrew Spacey Mar 18, 2021 

 **

phenomenology is the study of “phenomena”: appearances of things as they appear in our experience, or the ways we experience things, thus the meanings things have in our experience. Phenomenology studies conscious experience as experienced from the subjective or first person point of view.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.