Thursday, May 27, 2021

Thi Ca Mỹ Đương Đại --Phần 4: Thơ về Vùng Miền

Một số thi sĩ --họ không kết thành nhóm, nhưng khuynh hướng này xuất hiện khắp nước Mỹ-- có cảm hứng sáng tác sâu đậm từ những phong cảnh từng miền cụ thể.  Thí dụ những cảm hứng trữ tình của Robert Hass về vùng Bắc California, duyên hải Nam California với những kỷ niệm lướt sóng của mark Jarman, những bài thơ có bối cảnh miền Tây Bắc ven Thái Bình dương của Tess Gallagher, các bài  của Simon Ortiz và thơ của Jimmy Santiago Baca xuất phát từ phong cảnh miền Tây Nam.  Từng vùng nhỏ hơn cũng lại là nguồn hứng cho thơ:  vùng đất khó khăn nằm trên miền Nam của C.D. (Carolyn) Wright khác xa vùng Vịnh Louisiana của Yusef Komunyakaa.

Thơ về vùng miền không dựa vào việc mô tả phong cảnh; mà đúng ra, chính đất đai với lịch sử của nó mới là động lực sinh khởi tiềm tàng trong cách sống, cách suy nghĩ của người dân vùng đó, kể cả nhà thơ.  Miền đất được cảm nhận, như cách D.H. Lawrence gọi, chính là "linh hồn của đất đai."

Charles Wright (1935- )

Một trong những nhà thơ vùng miền gây xúc cảm nhiều nhất là Charles Wright.  Lớn lên ở bang Tennessee, Wright là người miền Nam nhưng có cái nhìn trùm khắp thế giới.  Ông rút tỉa từ thơ Ý và Trung hoa, và đưa vào thơ ông những chủ đề miền Nam như gánh nặng của quá khứ bi thương, như chúng ta thấy trong loạt thơ tựa đề "Quyề̉n Sách Miền Appalachia Nói Về Người Quá Cố," dựa trên Sách Của Người Ai Cập Nói Về Người Chết.  Các tác phẩm của ông gồm NhạcMiền Quê: Tuyển Tập Những Bài Thơ Đầu Tay (1982); Chickamauga (1995); và tập Màu Xanh Phủ Định: Tuyển Tập Những Bài Thơ Sáng Tác Sau Này (2000).

Thơ giàu xúc cảm của Wright đem lại những giây phút cho ta nhìn vào bên trong để thấy đời sống tâm linh được cứu vớt, hay đúng hơn, được xây dựng lại, từ những đổ vỡ do thời gian và hoàn cảnh gây ra.  Một điều kỳ quặc có chủ đích mà ta có thể thấy khi nhà thơ đột ngột ngưng việc dùng cách nói bình dân và chuộng hơn các câu thơ dài, ngắt ngang với số vần kỳ lạ, đã đem lại cho thơ của ông vẻ bóng bẩy duyên dáng, giống như những nông cụ thô sơ dùng ở nông trại thời xưa được tay người sử dụng làm  nhẵn bóng.  Chất thơ do ông tự tạo, tự tìm ra, đôi khi có vẻ oằn oại, khiến thơ của Wright mang tính thời đại và không mang vẻ kiêu sa giả tạo.

Tâm yếu trong quan điểm của Wright là sự khác biệt giữa cách nhìn siêu nghiệm và cái yếu đuối của con người.  Ông bị lôi cuốn một mặt vào những chủ đề thật vĩ đại như các vì sao, chòm sao, lịch sử, mặt khác vào những phần nhỏ nhoi có thể sờ thấy được chẳng hạn ngón tay, sợi tóc.  Bài thơ "Chickamauga" dùng làm tựa đề cho tập thơ cùng tên, dựa vào kiến thức độc giả: Vào ngày 19 tháng 9 năm 1862, Chickamauga, tiểu bang Georgia, là nơi diễn ra trận chiến quyết định trong cuộc Nội chiến giữa hai miền Nam Bắc nước Mỹ.  Miền Nam đã thua quân đội Liên hiệp miền Bắc, mở đường cho quân miền Bắc tràn vào tiêu thổ cả miền Nam qua ngõ Atlanta, tiểu bang Georgia.      

Bài thơ "Chickamauga" có thể được đọc lên như công án thiền về phong cảnh thiên nhiên, nhưng nó cũng là thi điếu về cái chết và có bàn đến nghệ thuật làm thơ của tác giả.  Bài thơ mở đầu với một quan sát đơn giản: "Bồ câu lượn vòng trên đám cỏ cao." Cảnh có vẻ bình yên này chỉ là giây phút ngắn ngủi trước khi người thợ săn nổ súng; những chiến sĩ gục xuống, dù bài thơ chẳng hề nêu ra, đã bị quên bẵng, bị cắt đứt nằm xuống khác nào chim bồ câu và cỏ cao kia.  Cây "mộc lan ngã đổ" làm giảm đi hình ảnh lãng mạn về "giữa đêm khuya với hoa mộc lan" vốn được khắc họa về miền Nam của những điền trang trước thời Nội chiến Mỹ.  Bài thơ là bia mộ hòa quyện hiện tại với quá khứ cho những thế giới và những lý tưởng đã mất đi.

 Dove-twirl in the tall grass.

End-of-summer glaze next door 

On the gloves and split ends of the conked magnolia tree. 

Work sounds: truck back-up-beep, wood tin-hammer, cicada, fire horn._____

History handles our past like spoiled fruit.

Mid-morning, late-century light 

                calicoed under the peach trees.

Fingers us here. Fingers us here and here.______ 

The poem is a code with no message:

The point of the mask is not the mask but the face underneath,

Absolute, incommunicado,unhoused and peregrine._____ 

The gill net of history will pluck us soon enough 

From the cold waters of self-contentment we drift in

One by one 

                 into its suffocating light and air._____

Structure becomes an element of belief, syntax

And grammar a catechist, 

Their words what the beads say,

       words thumbed to our discontent.

Bài thơ nhìn lịch sử như một cấu trúc, một "mật mã không lời nhắn."  Mỗi cá nhân hiện hữu trong chính mình, ngoài quãng đời và thời lượng của mình không hề được ai biết đến, "không phải chiếc mặt nạ mà gương mặt thật bên dưới."  Chết là điều chúng ta không thể tránh cũng như những chiến sĩ đã ngã xuống, như miền Nam Xa Xưa, như con cá bị bắt.  Tuy vặy, thơ cũng đem lại chút an ủi: Nỗi bất mãn được chúng ta khéo nói cũng có thể mang lại một phần cái bất tử.  


        

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.