Thursday, March 7, 2019

Khái Lược Văn Học Sử Mỹ - Chương I - Phần 4: Văn Học Thuộc Địa Miền Nam va Miền Trung Mỹ

Văn học trước cách mạng ở miền nam nước Mỹ nặng màu sắc quý tộc và thế tục, nó phản ảnh cơ chế kinh tế xã hội chính yếu của các đồn điền miền Nam.  Những người di dân Anh đầu tiên tìm đến các thuộc địa miền nam vì ở đó có nhiều cơ hội kinh tế, chứ không phải vì họ đi tìm tự do tôn giáo.
Mặc dù phần đông người miền nam là chủ nông trại hay thợ thuyền nghèo không hơn người nô lệ da đen bao nhiêu, dựa vào chế độ nô lệ da đen, một tầng lớp trưởng giả có học thức ở miền nam được hình thành, phỏng theo lý tưởng cổ điển đã sẵn có từ lâu ở cựu thế giới về giai cấp thượng lưu quý tộc sở hữu nhiều đất đai.  Định chế nô lệ da đen đã giúp giải phóng những người da trắng giàu có ở miền nam, họ khỏi phải lao động tay chân, chỉ ngồi không hưởng nhàn, nó biến giấc mơ được sống một đời trưởng giả nhàn nhã giữa miền đất hoang dã của châu Mỹ của họ thành sự thật.  Việc nhấn mạnh lao động siêng năng, học hành đàng hoàng, và lòng nhiệt thành trở nên hiếm thấy ở miền nam –thay vào đó, chúng ta thường nghe nói đến thú vui cưỡi ngựa và săn bắn. Nhà thờ là chỗ tụ hội của tầng lớp xã hội vương giả, không phải là diễn đàn để khảo xét lương tâm.


William Byrd (1674-1744)   
Văn hóa miền nam tất yếu xoay quanh mẫu người đàn ông thanh lịch quý phái.  Đó là mẫu người nam giới thời Phục hưng vừa giỏi việc quản lý nông trại vừa thông hiểu các tác phẩm cổ điển Hy lạp, có quyền uy như một lãnh chúa phong kiến.  William Byrd đã mô tả nếp sống phong lưu tại điền trang Westover của ông qua lá thư nổi tiếng ông viết năm 1726 cho người bạn là Charles Boyle, hầu tước miền Orrery ở Anh:

Bên cạnh ưu thế có khí hậu trong lành, chúng tôi còn được cung cấp đủ thứ mà không phải tốn một xu (ở đây tôi muốn nói đến những người chủ điền trang).  Tôi là chủ môt gia đình lớn, và cửa nhà tôi luôn mở rộng chào đón mọi người.  Nng tôi chẳng phải trả hóa đơn, và nhiều tháng tôi hoàn toàn không đụng đến tiền túi của mình. 
Như một vị trưởng thượng, tôi có cả bầy gia cầm và gia súc, có nô lệ nam nữ, kẻ hầu người hạ, và nhân công biết các ngành nghề cũng phục vụ cho tôi, nên tôi sống độc lập không cần ai, ngoài Chúa Trời.

William Byrd là thí dụ điển hình cho giới thượng lưu thời thuộc địa ở miền nam.  Được thừa kế
1040 hecta đất, ông cho mở rộng thêm đến 7,160 hecta.  Ông vừa là đại thương gia, nhà buôn lẻ, vừa là chủ điền trang.  Thư viện của ông với 3600 đầu sách là thư viện lớn nhất miền nam thời đó.  Sinh ra thông minh lanh lợi, ông lại được người cha bồi dưỡng thêm bằng cách gửi ông đi học các trường nổi tiếng bên Anh và Hòa lan.  Ông có đến viếng thăm triều đình Pháp, trở thành thành viên của Hội Hoàng Gia, và kết bạ̣n với những nhà văn hàng đầu của Anh thời bấy giờ, đặc biệt là William Wycherley và William Congreve.  Các nhật ký ông gửi về London khác hẳn những nhật ký của người theo phái Puritan vùng New England, vì trong đó kể lại các yến tiệc linh đình, những buổi họp mặt vui chơi lộng lẫy xa hoa, và săn đuổi phụ nữ, nhưng rất hiếm khi nói về việc soi rọi nội tâm.
Ngày nay Byrd được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm Lịch Sử về Đường Phân Chia Ranh Giới, một quyề̉n nhật ký ghi lại chuyến đi kéo dài nhiều tuần lễ của ông vào năm 1729, vượt qua 960 kilo mét để tiến sâu vào lục địa nh̀ằm khảo sát đo đạc lại con đường phân chia các thuộc địa lân cận với Virginia và North Carolina.  Những ấn tượng mạnh mẽ về vùng đất hoang dã rộng lớn, với thổ dân Da Đỏ, những người da trắng nghèo sống trong rừng nhiều thú dữ và biết bao nhiêu khó khăn nơi người đàn ông quý phái văn minh này đã được ghi lại trong một quyển sách đặc thù miền nam vàđộc đáo kiểu Mỹ.  Ông chế nhạo những người thực dân đầu tiên đến vùng Virginia: "họ có khoảng trăm ngườoi, phần lớn không có thiện cảm với những người con nhà đàng hoàng." và ông đùa cợt rằng tại Jamestown, " giống như người Anh chính gốc, họ xây dựng một nhà thờ tốn kém không quá 50 bảng Anh (pounds), và một quán rượu tổn phí đến 500 bảng Anh." Các bài viết của Byrd là thí dụ điển hình về mối quan tâm bén nhạy của người miền nam đối với thế giới vật chất: đất đai, người Da Đỏ, cây cối, thú vật và dân mới đến định cư.

Robert Beverly (c.1673-1722)
Cũng là một ông chủ điền trang giàu có ở miền nam và là tác giả quyển Tiểu Bang Virginia, Lịch Sử Hình Thành và Hiện Thời (1705, 1722), Robert Beverley đã ghi lại lịch sử của tiểu bang này với một văn phong nhân đạo nhưng mạnh mẽ. Giống như Byrd, ông ngợi khen người Da Đỏ, và có nhận xét về n hững điều mê tín kỳ lạ của người Âu châu về Virginia --thí dụ, họ tin rằng “xứ này sẽ biến tất cả những ai đến đây thành người da đen.” Ông nhìn nhận người miền nam có tính hiếu khách, đặc điểm này vẫn còn mãi đến ngày nay.
Truyện châm biếm hài hước, trong đó những thói hư tật xấu của con người bị chế nhạo mai mỉa một cách hóm hĩnh, thường xuất hiện ở miền nam vào thời thuộc địa.  Một nhóm dân định cư tại Georgia công khai chế nhạo nhà sáng lập hội từ thiện là tướng James Oglethrope trong một bài luận ngắn tựa đề “Truyện Có Thật và Mang Tính Lịch Sử về Thuộc Địa Georgia” (1741).  Họ giả vờ khen ngợi ông đã làm họ nghèo đói và phài làm lụng vất vả đến nỗi họ phải phát huy “đức tính khiêm cung đáng quý" và phải tránh xa “những lo âu do tham vọng muốn thăng tiến xa hơn gây ra.”
Bài thơ lớn tiếng châm biếm tựa đề “Người Buôn Thuốc Lá"* châm biếm thuộc địa Maryland, nơi tác giả, một người Anh tên Ebenezer Cook, cố gắng thử bán thuốc lá nhưng không thành công.  Cook phơi bày những nét thô lỗ cộc cằn của dân thuộc địa Maryland bằng giọng hài hước vui nhộn, và tố cáo thực dân đã lừa gạt ông.  Bài thơ kết luận với lời nguyền rủa thậm xưng:
Cầu Trời nổi cơn thịnh nộ để biến những miền đất ấy thành hoang địa
Nơi không tên đàn ông nào trung thành với vợ, và không mụ đàn bà nào tiết trinh vẹn toàn.

Nói chung, miền nam thời thuộc địa đã gắn liền với truyền thống văn học dí dỏm thế tục, và đầy  thông tin đậm nét hiện thực.  Phỏng theo phong cách văn chương Anh, người miền nam đã đạt được tầm cao của trí tưởng tượng với óc quan sát chính xác, hóm hĩnh về tình hình cuộc sống ở Tân thế giới.

Olaudah Equiano (Gustavus Vassa) (c. 1745-c.1797)
Trong thời kỳ thuộc địa đã xuất hiện vài nhà văn da đen quan trọng như Olaudah Equiano và Jupiter Hammon.  Là người Ibo đến từ Niger (Tây Phi), Equiano là nhà văn da đen đầu tiên ở Mỹ và là tác giả quyển tự truyện Câu Chuyện Thú Vị về Cuộc Đời của Olaudah Equiano, tức Gustavus Vasssa, Một Người Phi Châu  (1789) --quyển sách đầu tiên thuộc thể loại truyện kể về đời nô lệ da đen. Equiano tả lại quê hương của ông, nỗi kinh hoàng và sự tàn bạo xảy đến khi ông bị bắt làm nô lệ ở quần đảo Tây ẤnVề sau Equiano cải đạo thành tín đồ Thiên Chúa giáo, than van một cách rất thống thiết việc ông bị “những người Thiên Chúa giáo đối xử tàn bạo không đúng theo lời dạy của Chúa,“ một cảm xúc mà nhiều thế kỷ sau người Mỹ gốc Phi châu vẫn còn đề cập.

Jupiter Hammon (c. 1720-c. 1800)
Người ta thường nhớ đến nhà thơ da đen Mỹ Jupiter Hammon, một người nô lệ tại Long Island, New York, qua những bài thơ mang tính tôn giáo của ông, và qua "Bài diễn văn gửi những người nô lệ ở tiểu bang New York" (1787), qua đó ông kêu gọi trả tự do cho con cháu những người nô lệ, thay vì bắt họ phải đời đời kiếp kiếp làm nô lệ.  Bài thơ “Suy Nghĩ Trong Đêm” là bài thơ đầu tiên của người da đen được xuất bản tại Mỹ.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.