Ngôi Nhà Usher Bị Sụp Đổ
Truyện Ngắn Của Edgar Allan Poe (1809-1849)
Năm ấy vào
một ngày thu ảm đạm, u ám, trời lặng như tờ, mây giăng nặng trĩu đầy
trời, tôi cỡi ngựa băng qua một con đường quê hoang vu, và một chặp sau
lúc trời bắt đầu chạng vạng, tôi chợt thấy xa xa ngôi nhà Usher buồn
thảm. Tôi không biết phải diễn tả thế nào –nhưng chỉ thoạt nhìn
thấy căn nhà ấy thôi, tinh thần tôi đã chùng xuống chán nản không
chịu được. Tôi nói không chịu được, vì cảm giác ấy không hề
giảm bớt bởi chút gì vui vui mà tâm hồn người thường cảm nhận được
như trong thơ trước cảnh thiên nhiên khắc nghiệt nhất với nét hoang vu
và kinh dị của nó. Tôi nhìn cảnh tượng trước mắt mình, trơ trọi chỉ
có căn nhà, cảnh trí vườn tược đơn giản của nó, nhìn các bức tường
lạnh lẽo, các cửa sổ trống trải như mắt người, vài bụi cỏ hoang,
nhìn mấy thân cây bị mục nát ngã màu trắng—lòng tôi chán chường,
chùng xuống không thể so sánh với một cảm giác nào trên đời cho phù
hợp hơn cảm giác của một người tỉnh lại sau cơn mộng ảo vì thuốc
phiện; cay đắng rơi vào cuộc sống đời thường, khi tấm mạng che mờ bị
buông xuống, để lộ thực tại phủ phàng. Có cái gì đó băng giá,
lạnh lùng, một tâm tư chìm lắng, bệnh hoạn, tư tưởng áo não vô phương
cứu chữa mà ngay cả sự phấn kích của trí tưởng tượng
cũng không thể ra tay hành hạ để biến nó thành chút gì đó sáng
lạn, rực rỡ. Tôi dừng lại suy nghĩ xem đó là cái gì đã khiến
tôi bàng hoàng khi lặng nhìn ngôi nhà Usher? Đó là một điều bí
ẩn hoàn toàn không tan biến được; và tôi cũng không thể vật lộn nổi
với những tưởng tượng tối ám tràn ngập tâm hồn mình trong lúc đang
trầm tư như thế. Tôi buộc phải trở về với kết luận không thỏa
đáng rằng, mặc dù chắc chắn các cảnh vật tự nhiên phối hợp lại có
gây tác động đến chúng ta, nhưng khi ta phân tích sức tác động này, ta lại gặp phải
những phối hợp vượt ngoài tầm hiểu biết sâu xa của mình. Tôi
nghĩ, có thể chỉ cần sắp xếp lại
vài nét đặc trưng của cảnh vật, vài chi tiết trong bức tranh thôi,
cũng đủ để làm thay đổi, hay có lẽ đủ để làm triệt tiêu, khả năng
tạo ra ấn tượng sầu não ấy của ngôi nhà. Với ý nghĩ đó tôi
bắt tay vào hành động. Tôi cho ngựa tiến đến gần cái hồ cạnh
ngôi nhà, đứng sát mép hồ chênh vênh tối đen, nước hồ trong vắt như
ánh gương không hề gợn tí sóng nào, và tôi nhìn xuống mặt hồ –nhưng
tôi giật mình bàng hoàng hơn cả trước đó nữa trước những hình ảnh
của cỏ dại, cành cây trông thật dễ sợ, và những khung cửa sổ trống trơn giống mắt người được sắp
xếp lại và in bóng xuống mặt hồ.
Dù
vậy tôi quyết định lưu lại tòa nhà
thảm não này vài tuần. Chủ nhà, anh Roderick Usher, từng là một
trong những người bạn thân của tôi thời niên thiếu, nhưng đã nhiều năm
rồi chúng tôi không gặp lại. Tuy vậy, mới đây tôi nhận được một
bức thư từ một miền xa xôi do anh gửi, khẩn khoản yêu cầu tôi phải
đích thân trả lời. Thư viết cho thấy anh trong tâm trạnh bất an lo
lắng. Người viết thư nói cơ thể anh đang mắc một thứ bệnh nặng,
còn tâm thần thì rối loạn dằn vặt, và anh tha thiết muốn gặp tôi,
vì tôi là người bạn thân duy nhất của anh, với mong mỏi là nhờ có
tôi đem lại niềm vui, bệnh anh sẽ thuyên giảm. Thư cứ nói như
vậy, và còn nhiều nữa – qua lời khẩn khoản của anh tôi thấy cả
một tấm lòng tha thiết, khiến tôi không thể nào ngần ngừ mà phải làm
theo lời anh yêu cầu dù tôi thấy yêu cầu ấy thật có một không
hai.
Mặc dù hồi
còn nhỏ, hai đứa chúng tôi khá thân nhau, nhưng tôi biết rất ít về
người bạn này của mình. Anh ấy có thói quen rất khép kín, ít
khi tâm sự. Tuy vậy tôi được
biết từ thời xa xưa tổ tông dòng họ nhà anh đã được người ta biết
đến nhiều vì tính đa cảm kỳ đặc, biểu hiện qua các bức họa được
đánh giá rất cao trong nhiều năm dài, và mới đây qua các đóng góp tài chính thầm
lặng nhưng hết sức to lớn của họ cho công tác từ thiện, cũng như
lòng nhiệt thành đam mê đối với phần tinh túy phức tạp của âm nhạc,
có lẽ hơn cả lòng đam mê đối với cái đẹp chính thống mà người ta
dễ nhận biết về khoa nghệ thuật này. Tôi cũng biết
được một sự kiện rất độc đáo là, mặc dù lúc nào họ cũng được tôn
quý, từ thân cây dòng họ nhà Usher chưa bao giờ mọc được một
nhánh cây nào có sức chịu đựng dẻo dai; nói khác đi, toàn bộ gia
đình chỉ là cha truyền con nối trực tiếp, và luôn luôn như vậy, hiếm
khi thay đổi; nếu có thì thay đổi chỉ tạm thời ngắn ngủi. Trong
khi nghĩ trong đầu cách làm sao giữ gìn toàn mỹ phong cách của tòa
nhà cho hòa hợp với tính cách cố hữu của người sống trong đó, và
trong khi nghĩ về các ảnh hưởng có thể có qua hàng thế kỷ giữa tòa
nhà và người cư trú ở đó, tôi cho là có lẽ chinh vì thiếu mất
người từ một dòng họ khác chen vào tộc họ này mà kết quả là tòa
nhà được truyền từ đời cha xuống đời con với cái tên khác thường,
không rõ ràng là “Tòa nhà Usher” – một cái tên mà trong tư duy của
những gia nhân làm việc cho dòng họ ấy ám chỉ cả tòa nhà lẫn người
ở đấy.
Tôi vừa nói rằng ảnh hưởng duy nhất của thí nghiệm có tính
trẻ con của tôi –tức là việc nhìn xuống mặt hồ nước--khiến ấn tượng có một không hai ban đầu càng mạnh mẽ sâu đậm thêm. Chắc chắn khi biết mình
nhanh chóng trở thành đồng bóng dị đoan –sao tôi lại không nên
gọi cái tính đó như thế nhỉ? –điều ấy càng khiến tôi thêm đồng bóng
dị đoan hơn nữa. Lâu rồi tôi đã thấy đó là quy luật nghịch lý
về tất cả các cảm xúc có cơ sở rùng rợn kinh dị. Và có lẽ
cũng chỉ vì lý do này, khi tôi ngước mắt lên nhìn lại ngôi nhà, sau
khi đã thấy bóng của nó in xuống mặt hồ, đầu tôi lại tưởng tượng ra
một điều kỳ lạ –một sự tưởng tượng khôi hài đến nỗi tôi chỉ muốn
nói đến nó để cho thấy những xúc cảm dằn vặt tôi quả thật có tác
động mạnh. Trí óc tôi đã tưởng tượng nhiều đến độ khiến tôi
phải thật sự tin rằng toàn bộ tòa nhà và vùng quanh nó được bao
phủ bởi một làn khí, thứ khí không đến từ trên trời, mà tỏa ra từ
cây cối mục rửa, từ bức tường xám và hồ nước lặng câm; một làn ám
khí kỳ bí, u ám, nặng như chì, mờ ảo, khiến ta dã dượi.
Xua đuổi khỏi
tâm tư cái chỉ có nằm mơ mới thấy, tôi chú mục nhìn vào bộ mặt
thực của tòa nhà. Có lẽ nét chính của tòa nhà là nó quá
sức cổ xưa. Màu sắc theo thời gian đã phai nhòa đáng kể.
Rêu phong phủ đầy bên ngoài, buông thòng xuống chỗ mái nhà giáp vách
tường giống như mạng nhện chằng chịt. Dù vậy rêu phong chỉ là
phần thêm vào ngoài việc ngôi nhà đang xuống cấp cực độ. Tòa
nhà không hề bị tróc hồ gì cả; các phần của tỏa nhà vẫn thích nghi
được một cách hoàn hảo với tình trạng mục rửa của từng viên
gạch khiến nó có vẻ không nhất quán kỳ đặc. Điều này làm tôi
nhớ đến hình ảnh tòan bộ công trình bằng gỗ xưa quý giá đã bị mục
nát qua bao năm dài trong các nhà mồ bỏ hoang mà làn khí bên ngoài
không bao giờ lay động được. Dù vậy ngoài dấu hiệu bị mục nát
quá đỗi này, nhìn chung tỏa nhà vẫn không có vẻ gì là không chắc
chắn. Quan sát thật kỹ, ta có thể khám phá ra một vết rạn nứt
rất khó thấy, hình dạng như tia chớp, xẹt qua xẹt lại ngay trước mặt
tiền tòa nhà, chạy từ mái nhà xuống tận vách tường, cho đến khi
mất hút trong nước hồ tăm tối thâm u.
Thấy những
điều ấy, tôi cưỡi ngựa đi qua một con đường ngắn dẫn đến tòa
nhà. Một gia nhân đã đứng đó đợi để dẫn ngựa đi, còn tôi thì
bước vào hành lang có mái vòm cung theo kiểu Gothic. Một người
hầu nam rón rén bước tới, lẳng lặng đưa tôi đi qua nhiều ngõ tăm tối,
ngoằn ngèo để đến phòng của chủ. Tôi không biết sao, nhưng phần
lớn những gì tôi trông thấy trong khi đi như thế càng khiến tăng thêm
những xúc cảm tôi đã nói ở phần trên. Trong khi các sự vật chung
quanh tôi –như nét chạm trổ trên trần nhà, các tấm thảm thâm u treo
trên tường, sàn gỗ nâu thẫm, và những phần thưởng như áo giáp về công trạng
dòng họ này đạt được lập lòe như trong mơ, rung rinh kêu rổn rảng theo
bước chân tôi đi—thật sự chỉ là những thứ rất thân quen với tôi từ
khi còn tấm bé, dù tôi ngần ngừ không muốn thừa nhận rằng đối với
tôi chúng rất thân quen, tôi vẫn thắc mắc khi thấy những vật thông
thường như vậy lại khêu gợi các điều hồ tư loạn tưởng hết sức lạ
lùng. Ở một cầu thang tôi gặp người bác sĩ của gia đình bạn
tôi. Tôi thấy gương mặt của ông ta lộ vẻ pha lẫn chút gì
đó vừa ma mảnh vừa bối rối. Ông đi với tôi một khúc, rồi vượt
qua tôi. Người hầu khi ấy đã mở cửa phòng và đưa tôi vào gặp
mặt chủ nhà.
Căn phòng tôi
được đưa vào rất cao rộng. Các cửa sổ đều dài, hẹp, với chóp
nhọn, và chúng cách xa nền nhà làm bằng gỗ sồi màu đen đến nỗi
người trong nhà không thể nào với tới được. Những tia nắng đỏ
tía yếu ớt hắt vào qua khung mắc cáo vừa đủ để lộ cho thấy các đồ
vật đáng ghi nhận trong phòng; nhưng dù cố gắng thế mấy mắt cũng
khó có thể thấy các góc phòng ở xa xa, hoặc các nét chạm trổ trên
trần nhà hình vòm cung. Trên tường treo những tấm màn dài đậm
màu. Căn phòng đầy đồ đạc cổ xưa, đã cũ mòn và không gây thoải
mái. Sách vở, nhạc cụ để lung tung, nhưng cũng không làm cho căn
phòng thêm sinhđộng. Tôi cảm thấy mình phải hít thở một thứ
không khí buồn thảm. Căn phòng bị bao trùm bởi một vẻ u ám,
trang nghiêm, sâu lắng, vô phương cứu chữa.
Khi tôi bước
vào, Usher đang nằm soài người trên chiếc sofa liền đứng dậy, và chào
đón tôi vồn vã đến nỗi, thoạt tiên tôi nghĩ rằng có phần thân thiện
thái quá hoặc do sự cố gượng gạo của một người đã nhàm chán cuộc
đời. Tuy vậy khi liếc
nhìn gương mặt của anh, tôi tin rằng anh hết sức thành thật.
Chúng tôi ngồi xuống, và trong giây lát khi anh lặng im, tôi nhìn anh,
vừa thấy tội nghiệp vừa sững sờ. Chắc chắn trước giờ chưa có
ai, trong một thời gian thật ngắn ngủi, lại thay đổi khủng khiếp đến
thế như Roderick Usher! Phải khó khăn lắm tôi mới nhận ra người đàn ông
trước mặt tôi là người bạn thân thời thơ ấu của mình. Dẫu sao
nét mặt của anh lúc nào cũng đặc biệt. Nước da tái mét như
xác chết, con mắt to, long lanh va sáng quắc không mắt nào sánh bằng;
đôi môi mỏng và rất nhợt nhạt cong lên tuyệt đẹp; chiếc mũi thanh như
mũi của người mẫu Do Thái với cánh mũi mở rộng một cách kỳ lạ;
cái cằm như được đúc khuôn thật khéo không nhô ra nhiều như nói lên sự
thiếu năng lực về đạo đức; tóc của anh trông còn mềm và thưa hơn cả
tơ nhện; tất cả những nét này, cùng với vừng trán cao bên trên
thái dương, tạo nên một gương mặt người ta khó lòng quên được. Và bây giờ với những nét nổi bật ấy càng lộ rõ
cùng hình ảnh chúng đã từng biểu hiện trong quá khứ có biết bao
thay đổi đến nỗi tôi hồ nghi không biết mình đang nói chuyện cùng ai
đây. Giờ đây màu da tái mét như cái xác và ánh mắt long lanh
sáng kỳ diệu của anh làm tôi giật mình, thậm chí kinh sợ nữa.
Cả mái tóc cũng để mọc một cách khổ sở, không hề được để ý
đến, và nó bồng bềnh phủ quanh gương mặt anh ta, hoang dại như tơ nhện,
chứ không phải mọc tự nhiên. Dù cố thế mấy tôi cũng không thể liên tưởng biểu hiện phức tạp đó với bất kỳ ý tưởng nào về con người
đơn giản.
Về phong cách
của người bạn tôi, điều tôi nhận thấy ngay là tính không trước sau như
một của anh. Không lâu sau, tôi nhận ra rằng
tính thiếu nhất quán ấy nảy sinh từ một loạt những vật lộn yếu ớt
và vô vọng nhằm khống chế thói sợ hãi, một nỗi lo bất an thái quá
lúc nào cũng dằn vặt tâm tư. Quả thực tôi đã chuẩn bị tinh
thần để gặp bạn tôi với phong cách như thế, không phải chỉ do lá thư
anh ấy gửi, mà chủ yếu do tôi nhớ lại một số nét anh có hồi nhỏ,
và qua những kết luận tôi suy ra từ hình dạng và tính tình kỳ đặc
của anh. Anh khi thì linh hoạt vui vẻ, khi thì buồn rầu cau
có. Giọng anh nói thay đổi rất nhanh từ chỗ run rẩy bất quyết (khi sức sống -animal spirits₫full of vigor- dường như
hoàn toàn ngưng trệ) đổi sang cách nói chính xác, đầy nhiệt huyết,
cụt ngủn, chậm chạp, rõ ràng từng chữ môt cách gượng gạo, lời nói
thốt ra chắc nịch, thăng bằng, ồn ồn vọng ra từ cổ họng, mà người
ta thường thấy nơi kẻ say rượu nặng hay kẻ ngậm thuốc phiện bất trị
đang lúc phê cao độ.
Thế là anh
lên tiếng nói về chuyến viếng thăm của tôi, về tấm lòng của anh tha
thiết muốn gặp tôi, và về niềm an ủi mà anh mong tôi sẽ đem đến cho
anh. Cuối cùng (at some length) anh đề cập đến cái mà anh cho là bản chất của
căn bệnh mình mắc phải. Anh nói đó là điểm xấu nội tại vốn
có trong gia đình anh, và anh vô vọng tìm cách điều trị cho hết bệnh
ấy –ngay sau đó anh nói thêm đó là một thứ tâm bệnh chắc chắn chẳng
bao lâu nữa sẽ khỏi. Bệnh ấy biểu hiện qua một số những cảm
giác kỳ lạ. Khi anh mô tả tỉ mỉ, những biểu hiện này làm tôi
quan tâm và rối trí thêm, mặc dù từ ngữ anh dùng và cách anh mô tả
có vẻ tin được. Anh khốn khổ vì giác quan của mình nhạy cảm
đến mức bệnh hoạn. Anh chỉ có thể ăn được thức ăn không thêm gia
vị; anh chỉ mặc được áo quần may bằng một loại vải nào đó mà thôi;
mùi của các thứ hoa khiến anh không chịu được; ngay cả một chút ánh
sáng yếu ớt cũng khiến mắt anh như bị tra tấn; và chỉ có một vài
âm thanh đặc biệt đó là âm thanh của đàn dây, mới không gợi lên cảm
giác kinh hãi nơi anh.
Tôi thấy anh
đúng là nô lệ cho một loài kinh dị bất thường. Anh nói,”Tôi sẽ chết. Tôi phải chết trong ngôi nhà
hoang phế tàn lụi này. Như vậy đấy, tôi chắc chắn sẽ mất biệt
chỉ như vậy đấy, không có cách nào khác. Tôi sợ những chuyện
xảy ra trong tương lai, không phải sợ chúng mà sợ hậu quả của chúng.
Khi nghĩ về bất kỳ một biến cố
nào, dù thật nhỏ nhặt, không quan trọng chút nào, có thể tác động
khiến tâm hồn tôi bồn chồn không chịu nổi, tôi đều run sợ. Quả
thật tôi không thấy ghê tởm cái nguy hiểm, trừ khi nó có ảnh hưởng
tuyệt đối là gây kinh hoàng. Trong tình trạng hoang mang bất an
như vầy, tôi cảm thấy sẽ có lúc tôi phải từ bỏ hẳn sự sống và lý
trí trong khi vật lộn với cái bóng kinh dị là nỗi Sợ Hãi.”
Ngoài ra, có
lúc tôi được biết thêm một nét kỳ dị khác nữa của tâm thần anh bạn
tôi qua các câu nói bóng gió tối nghĩa và rời rạc. Anh ta bị
ràng buộc bởi những tư tưởng mê tín nào đó in sâu trong đầu về căn
nhà anh ở, và vì thế, trải qua nhiều năm, anh vẫn chưa bao giờ dám đi
xa nhà –khi nói về một ảnh hưởng mà sức mạnh không thật của nó
được diễn bày bằng những từ ngữ quá tối nghĩa đến độ không thể diễn
đạt lại —một thứ ảnh hưởng mà những đặc điểm kỳ quái của hình
dạng và bản chất tòa nhà của gia đình anh, với dấu ấn hằn sâu qua
bao chịu đựng từ lâu, đã ngự trị cả tâm trí của anh, một thứ ảnh
hưởng đến từ hình dạng các bức tường xám với tháp nhọn bên trên,
từ hồ nước mờ tối mà cả toà nhà dọi bóng xuống, đã tác động lên
đời sống tinh thần của anh.
Tuy thế, mặc
dù với chút lưỡng lự, anh cũng nhìn nhận rằng phần lớn nỗi sầu muộn
kỳ lạ khiến anh bị dằn vặt nhiều đều xuất phát một cách tự nhiên
và rõ rệt từ chứng bệnh nặng và kéo dài đến độ quá mức chịu
đựng, mà cô em gái thân yêu hiền dịu của anh mắc phải. Qua bao
năm dài cô ấy là người chia sẻ và là người thân cuối cùng, duy nhất
của anh trên đời. “Cái chết của cô ấy,” anh nói một cách cay
đắng mà tôi không thể nào quên, “sẽ làm anh (một người tuyệt vọng, mong manh) trở thành người cuối cùng còn lại của gia tộc
Ushers cổ xưa.” Trong lúc anh nói, cô Madeline (tên của cô em anh bạn tôi) chầm chậm đi qua ở phía xa xa, và, không biết có
tôi hiện diện, cô biến đi mất dạng. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên
nhận biết có cô ấy, lòng không khỏi pha lẫn nỗi lo sợ, và tôi cũng
không biết phải giải thích cảm giác ấy thế nào nữa. Tôi thấy
mình nặng nề đờ đẫn khi đưa mắt nhìn theo bước chân cô đi xa
dần. Cuối cùng khi cánh cửa đóng lại không còn thấy bóng cô nữa,
tôi theo bản năng liền liếc sang nhìn gương mặt người anh trai của cô,
nhưng anh đã lấy hai tay ôm mặt, và tôi chỉ có thể nhận biết nét
nhợt nhạt xanh xao không bình thường phủ đầy những ngón tay buông
thỏng để trôi những giọt nước mắt đầy cảm thương.
Căn bệnh của
cô Madeline từ lâu đã làm các bác sĩ phải vò đầu bó tay. Họ
đều chẩn đoán cô có biểu hiện lạ lùng là lúc nào cũng dửng
dưng, người héo mòn dần, và về mặt cảm xúc thì, tuy chỉ kéo
dài trong chốc lát, hay rơi vào tình trạng đờ đẫn không phản ứng gì cả,
chẳng khác nào người chết. Cho đến hôm ấy, cô đã
chịu đựng căn bệnh kiên trì như thế, và chưa phải nằm liệt giường,
nhưng đến cuối đêm đó khi tôi đến viếng thăm, cô đã không còn sức
chống chọi lại căn bệnh (như lời anh cô nói với vẻ âu lo khôn tả), và tôi được biết rằng lần tôi nhìn thấy cô vừa
rồi có thể là lần cuối, và khó lòng thấy lại cô lần nữa khi cô
còn sống.
Nhiều ngày
sau đó cả Usher và tôi đều không nhắc đến tên cô; và trong suốt thời
gian ấy tôi bận bịu tìm đủ mọi cách để giúp bạn mình vơi bớt sầu
muộn. Chúng tôi cùng nhau vẽ tranh, đọc sách; hoặc tôi lắng nghe
anh chơi đàn guitar ngẫu hứng một cách man dại, như trong giấc mơ.
Cứ thế, tôi trở nên thân với anh hơn, đủ để tiếp cận cả những vùng
sâu thẳm trong tâm tư của anh, để rồi tôi cay đắng nhận thấy mình chỉ
nỗ lực vô ích khi cố làm cho tâm hồn tăm tối sầu muộn ấy vui lên;
tựa như một tố chất tích cực nội tại đang cố gắng phủ lên toàn bộ
mọi sự vật trong cả một thế giới tinh thần và vật chất lúc nào
cũng tỏa ra vẻ u ám sầu muộn.
Kỷ niệm về
những giờ phút trang nghiêm tôi cùng người chủ căn nhà Usher ngồi với
nhau sẽ luôn đeo đẳng tôi. Nhưng tôi sẽ không tài nào diễn tả
được chính xác bản chất của những điều anh nghiên cứu hay đắm mình
vào và lôi cuốn hoặc dẫn dắt tôi vào đó. Một lý tưởng vừa
thú vị vừa hết sức hỗn loạn bao trùm khắp tất cả với vẻ sáng
ngời như sulphur. Những tiếng đàn lời ca ai điếu dài lê thê do anh
ngẫu hứng chơi sẽ mãi mãi vang vọng bên tai tôi. Hơn thế, trí óc tôi
vẫn còn khốn khổ vì không quên được sự lệch lạc méo mó của anh,
cái đã làm cường
điệu thêm nét hoang dại trong bản nhạc valse cuối cùng do Von Weber* sáng tác.
----
*Carl Maria Friedrich Ernst von Weber was a German composer,
conductor, pianist, guitarist and critic, and was one of the first significant
composers of the Romantic school. Weber's operas Der Freischütz, Euryanthe and
Oberon greatly influenced the development of the Romantische Oper in Germany. Wikipedia
Những bức tranh vẽ ra từ trí tưởng tượng cầu kỳ của
anh, những bức tranh với từng nét chấm phá khiến nó thành mơ hồ,
làm tôi càng thêm rùng mình hồi hộp mà không biết vì sao mình lại
rùng mình hồi hộp như vậy -- những bức tranh (giờ đây hiện ra sống động trước mắt tôi) mà từ đó tôi không tài nào rút tỉa ra được, dù
chỉ một phần nhỏ nhoi, để có thể diễn đạt thuần túy bằng chữ
viết. Với nét vẽ hoàn toàn đơn giản, với cách phác họa trần
trụi của bạn tôi, anh đã làm người ta chú ý và bàng hoàng tột độ.
Nếu có ai vẽ được một tư tưởng, người đó hẳn phải là Roderick
Usher. Ít ra đối với tôi, với hoàn cảnh quanh tôi lúc ấy, khi
nhìn những hình ảnh hoàn toàn trừu tượng mà con người đầy âu lo ấy
sáng tạo ra trên khung vải, lòng tôi chợt dâng lên một cảm giác bàng
hoàng vô cùng mãnh liệt, thứ cảm giác mà tôi chưa bao giờ có
khi lặng ngắm những nét mơ màng chắc chắn được nhiều người khen ngợi
nhưng lại vô cùng cụ thể của Fuseli.*
---
*Henry Fuseli (Johann Heinrich Füssli 1741-1825): họa sĩ người Anh sinh tại Zurich, Thụy sĩ, bạn của William
Blake, và là người cai quản Viện Mỹ
Thuật Hoàng Gia từ năm 1804 đến năm 1825. (The Royal Academy of Arts tọa lạc trong tòa nhà Burlington trên đường Piccadilly ở Luân đôn. Nó có vị trí độc đáo là một
viện hoạt động độc lập,do tư nhân tài trợ, và được những họa sĩ và
kiến trúc sư nổi tiếng lãnh đạo).
Một trong
những tư tưởng thai nghén trong đầu anh bạn tôi, không dính líu nhiều
đến tính trừu tượng trong tranh, cũng có thể diễn đạt bằng ngôn từ,
dù biểu trưng như vậy rất kém. Một bức tranh nhỏ cho thấy phần bên
trong một tầng hầm hoặc một đường hầm dài hun hút hình chữ nhật,
với những bức tường thấp, nhẵn nhụi màu trắng, không hề gián đọan
hay có một vật gì khác.
Một vài chi
tiết thêm vào bức ký họa phần nào nói lên rằng cái hầm này nằm
rất sâu dưới mặt đất. Toàn bộ cái hầm trải dài thăm thẳm ấy không
hề có một lối ra nào cả, cũng không hề có một ngọn đưốc hay nguồn
ánh sáng nhân tạo nào; vậy mà cái hầm ấy lại ngập đầy những tia
chói chang, phủ kín nó với vẻ lộng lẫy kinh dị và không hài hòa
chút nào.
Tôi vừa nói
về tình trạng bệnh về thần kinh thính giác của bạn tôi, cái đã làm
anh không thể nghe nổi tất cả các thứ âm nhạc, ngọai trừ âm hưởng
nào đó của một vài loại đàn dây. Có lẽ chính vì tự hạn chế
mình vào mỗi một loại đàn guitar mà anh mới có những tưởng tượng
mạnh mẽ như vậy khi đàn. Nhưng tôi không thể dựa vào đó để giải
thích lối chơi đàn ngẫu hứng một cách dễ dàng và say sưa của
anh. Qua nốt nhạc lời ca xuất phát nơi trí tưởng tượng hoang dại
của anh (bởi vì đôi
khi anh tự đặt ra lời ca có vần điệu), chúng hẳn phải là kết quả của một sự tự chủ
và tập trung tinh thần cao độ mạnh mẽ như tôi đã nói, và tôi chỉ có
thể quan sát được những khi anh tự tạo vẻ phấn khích thích thú
nhiều nhất. Tôi dễ dàng nhớ lại lời của một trong số những bài anh
trình bày một cách hết sức say sưa. Có lẽ, khi hát lên những
lời ấy, anh càng làm tôi ấn tượng thêm, bởi vì qua ý nghĩa bí ẩn
sâu xa của khúc hát, lần đầu tiên tôi tưởng tượng thấy tôi đã nhận
thức được rằng, về phần Usher, bạn tôi biết rõ vị thế cao tột nhưng
chông chênh trên ngai vàng của anh. Những lời vần điệu ấy, mang tựa đề
“Biệt Thự Có Ma,” như sau, nếu không nói là y hệt thế này:
I
Trên cánh
đồng xanh nhất trong thung lũng
của chúng ta
Nơi các thiên
thần nhân từ trú ngụ
Trước đây
từng có một lâu đài –
Một lâu đài
sáng chói –ngẩng cao đầu
trong lãnh
địa của nhà vua Tư Tưởng,
Tòa lâu đài
đứng đó;
Thiên thần
chưa bao giờ xoải cánh
choàng lên
một tòa nhà nào đẹp bằng một nửa vẻ đẹp của lâu đài ấy.
II
Những lá cờ
màu vàng, lộng lẫy, huy hoàng,
Phất phới
trên nóc lâu đài
(Điều này,
toàn bộ điều này, đã xảy ra
từ Thời Xưa
xa lắm)
Vào ngày thân
thương ấy
Khi làn gió
nhẹ đong đưa,
Dọc theo các
bức tường nhợt nhạt được tô điểm tựa như lông chim ,
Cuốn theo
hương xưa ngọt ngào
III
Những kẻ rong
chơi nơi thung lũng hạnh phúc ấy
Có thể thấy
qua hai cửa sổ sáng choang
Những bóng ma
múa may nhịp nhàng
hài hòa theo
tiếng đàn
lượn quanh ngai
vàng
nơi vương đế ́́(Porphyrogene)* đang ngự
với vẻ lộng
lẫy của bậ̣c trị vì một cõi.
IV
Qua khung cửa
lâu đài xinh đẹp
rực sáng đầy
hạt trai, hồng ngọc
lấp lánh, lấp lánh,
vọng vang, vọng vang không ngừng
chuỗi dài
những tiếng Đồng Vọ̣ng,
với lời ca
ngọt ngào đẹp tuyệt vời
tán dương sự
khôn ngoan và tuệ gíác của vương đế.
V
Nhưng cái
xấu, khoác áo sầu thảm,
tấn công lâu
đài vương đế;
(Ôi, hãy khóc
thương đi, vì vương đế
chẳng còn
ngày mai nữa, hoang tàn!)
Và quanh tòa
nhà của ngài
nét lộng lẫy
một thời huy hoàng
giờ chỉ là
câu chuyện một thời xa xưa bị chôn vùi
mà người đời
mơ hồ nhớ lại.
VI
Và giờ đây
những lữ khách đi trong thung lũng
còn thấy qua
các khung cửa sổ sáng đỏ ánh đèn
những chiếc
bóng to múa lượn hư ảo
theo âm điệu
trầm bổng chói tai;
cùng khi ấy,
qua cánh cửa xanh xao,
một đám
người gớm ghiếc ùa ra,
như dòng sông
chảy xiết kinh dị,
rú lên khanh
khách –môi chẳng mỉm cười.
Tôi nhớ rõ ý tưởng mà bài hát gợi lên đã đưa chúng tôi đến
việc chia sẻ những suy nghĩ mà qua đó Roderick Usher hé lộ một ý
kiến giờ đây tôi nhắc đến, không phải vì nó mới mẻ
(vì những người khác cũng đã từng
nói rồi), mà vì bạn
tôi cứ khư khư bám lấy ý kiến đó. Nói chung, ý kiến đó nói về
việc các thực vật đều có khả năng cảm nhận. Nhưng theo óc
tưởng tượng lộn xộn của bạn tôi, ý kiến đó mang một đặc điểm táo
bạo hơn nữa, và trong một số điều kiện, nó còn đi đến chỗ vô tổ
chức nữa. Tôi không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả bạn tôi
đã cố sức thuyết phục tôi về ý kiến đó một cách mạnh mẽ không kiềm
chế được ra sao. Tuy vậy, niềm tin của anh ta (như tôi đã từng nói bóng gió ở phần trước) có liên quan đến những tảng đá xám của căn nhà
tổ tiên anh để lại. Anh tưởng tượng rằng nơi căn nhà anh ở có các
điều kiện của khả năng cảm nhận ấy, thể hiện qua cách định vị trí những tảng đá, qua
trật tự người ta sắp xếp chúng, cũng như qua kiểu những loại rêu
phong mọc phủ lên đá, hay chỗ các cây cối bị mục nát đứng chung quanh
–và bao trùm lên tất cả là sự bền bỉ không suy suyển của cách sắp
xếp này cùng hình ảnh nó in xuống mặt nước hồ tĩnh lặng. Anh
bạn tôi nói rằng bằng chứng cho thấy các thực vật đều có khả năng
cảm nhận có thể thấy được qua làn hơi cô đọng lại từ từ nhưng chắc
chắn của nước hồ và của các bức tường. Anh nói thêm kết quả
có thể khám phá qua ảnh hưởng im lìm nhưng dai dẳng và khủng khiếp
mà, trải qua nhiều thế kỷ, ảnh hưởng ấy đã đúc khuôn số phận của
gia đình anh, làm anh trở thành như anh hiện giờ tôi thấy. Những ý kiến như vậy không cần bình luận, và tôi
sẽ không nói thêm làm gì.
Những quyển
sách chúng tôi cùng đọc –những quyển sách trải qua bao nhiêu năm đã uốn nắn
một phần không nhỏ đời sống tinh thần của người bệnh– có thể
nói cũng có nét tương tự với con người suy yếu ấy. Chúng tôi
cùng nhau đọc kỹ những tác phẩm như Ververt và Chartreuse
của Gresset; Belphegor của Machiavelli; Thiên Đàng và Địa Ngục của
Swedenborg; Cuộc Hành Trình Dưới Mặt Đất của Nicholas Klimm
do Holberg viết; Thuật Xem Chỉ Tay của Robert Fludd, Jean
D’Indagine, và De la Chambre; Cuộc Hành Trình Đi Vào Miền Xanh Lơ Xa
Vời của Tieck; Thành Phố Mặt Trời của Campanella.
Quyển sách bạn tôi thích nhất là quyển sách nhỏ được ấn bản lần
thứ tám tựa đề Directorium Inquisitorium của thầy tu Eymeric de
Gironne thuộc dòng Dominican; rồi còn những đoạn trong quyển Pomponius
Mela, nói về những thần linh sống trong rừng ham mê tửu sắc và
sinh linh Aegipan giống loài dê có đuôi cá, quyển sách này Usher ngồi
đọc mơ tưởng cả giờ không chán. Nhưng anh vui thích nhất khi đọc
quyển sách cực kỳ hiếm có và kỳ lạ được đóng thành sách từ bốn
tờ giấy gấp lại thành tám trang kiểu Gothic –một cuốn sổ tay của
nhà thờ đã bị lãng quên–tựa là Vigiliae Mortuorum secundum Chorum
Ecclesiae Maguntinae.**
---
*Porphyrogene
**Roderick
Usher is portrayed, it will be remembered, as cultured, overbred, sensitive,
learned in strange learning, and as a believer in many strange doctrines and
ideas—a lover of many things which the world has agreed to pass by as
valueless, but in which he found a satisfaction, perhaps akin to another
satisfaction of which Poe has spoken as arising from a consciousness of
solitary possession, as when one finds himself in some wild, where, even
wrongly, he believes no other human foot has trod. Such a man would be a
bibliophile—and so the poet portrayed him—but he would be a lover of rare books
not merely for their rarity, but also for their unusual contents.
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.