Ngoài Plath và Sexton, các nhà thơ phát triển những phong cách độc đáo dựa trên thơ truyền thống nhưng mở rộng ra các lãnh vực thơ mới với sắc thái riêng của thời đại, gồm có John Berryman,Theodore Roethke, Richard Hugo, Philip Levine, James Dickey, Elizabeth Bishop,và Adrienne Rich.
Sylvia Plath (1932-1963)
Cuộc đời của Sylvia Plath nhìn bên ngoài có vẻ như gương mẫu: bà được học bổng theo học đại học Smith, ra trường đứng đầu lớp, được Fulbright tài trợ để học tại đại học Cambridge bên England. Ở đó bà gặp người chồng đầy sức thu hút là nhà thơ Ted Hughes, có hai mặt con với ông và ở một ngôi nhà nơi miền quê nước Anh. Dưới sự thành công như trong truyện thần tiên ấy dẫy đầy những vấn đề tâm lý không giải quyết được mà bà đã bộc lộ qua tiểu thuyết được nhiều người đọc tựa đề Lọ Hình Chuông/The Bell Jar (1963). Trong số đó có các việc liên quan đời sống riêng tư, và những vấn đề nảy sinh từ ý thức của bà về thái độ áp bức phụ nữ vào những năm 1950. Trong số đó có niềm tin — mà ngay cả một số phụ nữ cũng có người tin theo — cho rằng phụ nữ không nên để lộ cơn giận dữ của mình hoặc không nên nuôi tham vọng đeo đuổi một sự nghiệp, mà thay vào đó họ nên chu toàn trọng trách chăm lo cho chồng con. Những phụ nữ thành công về mặt nghề nghiệp như Plath cảm thấy cuộc sống họ đầy mâu thuẫn. Cuộc đời như trong truyện của Plath đã vụn vỡ khi bà và Hughes ly thân, và bà phải chăm lo cho các con trong một căn hộ ở London suốt mùa đông cực kỳ giá lạnh. Bệnh tật, cô thân, chán chường, Plath làm việc ngày đêm để sáng tác ra một loạt những bài thơ khiến người ta phải sửng sốt trước khi bà tự kết liễu đời mình bằng cách dùng hơi gas trong nhà bếp. Những bài thơ này được tập hợp lại thành tập Ariel (1965), ra đời hai năm sau khi bà qua đời. Khi viết lời giới thiệu, Robert Lowell ghi nhận rằng thơ của bà đã phát triển nhanh chóng từ khi bà và Anne Sexton theo học các lớp về thi ca của ông năm 1958. Những bài thơ đầu của Plath được viết ra rất công phu và theo lối truyền thống, nhưng về sau thơ bà nổi bật lên niềm tuyệt vọng và tiếng kêu thống thiết bênh vực cho người phụ nữ. Trong bài thơ "Ứng viên"/ “TheApplicant” (1966), Plath phơi bày sự rỗng tuếch của vai trò làm vợ khi ấy ̣(mà bà đã giảm thiểu xuống thành một thứ vật vô tri vô giác “it”):
A living doll, everywhere you look.
Nhìn đâu anh cũng thấy nó là một con búp bê bằng xương bằng thịt
It can sew, it can cook.
Biết vá may, nấu nướng.
It can talk, talk, talk.
Biết nói, nói, nói
It works, there is nothing wrong with it.
Nó làm việc, điều ấy chẳng có gì sai trái cả̉
You have a hole, it’s a poultice.
Anh bị thủng lỗ, nó là miếng bông đắp lại
You have an eye, it’s an image.
Anh có mắt, nó là hình ảnh cho anh nhìn.
Anh ạ, nó là phương sách cuối cùng của anh đó
My boy, it’s your last resort.
Lấy nó đi, lấy nó đi, lấy nó đi anh.
Will you marry it, marry it, marry it.
Plath bạ̣o dạ̣n sử dụng ngôn ngữ vần điệu đồng dao dành cho trẻ con, và lối nói thẳng thừng sống sượng. Bà có biệt tài dùng hình ảnh táo bạo của văn hóa quần chúng. Nói về một đứa bé sơ sinh, bà viết: "Tình yêu lên giây cót cho bé chạy như chiếc đồng hồ vàng mập tròn." Trong bài "Bố"/"Daddy,” bà tưởng tượng cha bà như quỷ Dracula trong phim xi nê: "Có một cọc nhọn ghim vào trái tim đen mập to của ba/Và dân làng chẳng ai thích ba cả."
Anne Sexton (1928-1974)
Giống như Sylvia Plath, Anne Sexton là một phụ nữ nhiều đam mê, cố gắng trong vai trò làm vợ, làm mẹ, và là thi sĩ ngay trước khi phong trào phụ nữ diễn ra ở Mỹ. Giống như Plath, bà mắc bệnh tâm thần và cuối cùng tự tử. Thơ tự thú của Sexton mang tính tự thuật nhiều hơn thơ của Plath, và thiếu nét kỹ xảo có trong các bài thơ Plath sáng tác thời kỳ đầu. Tuy vậy, thơ của Sexton gây xúc cảm mạnh mẽ. Chúng xoáy mạnh vào các chủ đề bị cấm kỵ. Thường thường bà táo bạo giới thiệu những đề tài về phụ nữ như mang thai, thân thể phụ nữ, hay hôn nhân dưới cái nhìn của phụ nữ. Trong bài "Loại Người Như Nàng"/“Her Kind”(1960), Sexton xem mình như mụ phù thủy bị đưa lên dàn thiêu:
I have ridden in your cart, driver,
Này người phu xe, tôi đã từng đi xe của anh
waved my nude arms at villages going by,
vẫy cánh tay trần chào những ngôi làng tôi đi qua
learning the last bright routes, survivor
tìm hiểu những con đường sáng sủa sau cùng, là kẻ sống sót
where your flames still bite my thigh
chỗ ngọn lửa của anh vẫn còn cắn vào đùi tôi
and my ribs crack where your wheels wind.
và xương sườn tôi gãy ngay chỗ bánh xe ngựa của anh xoay tròn
A woman like that is not ashamed to die.
Một phụ nữ như thế không biết xấu hổ khi chết.
I have been her kind.
Tôi từng là loại phụ nữ như thế.
Tựa đề tác phẩm cho thấy bà quan tâm về bệnh tâm thần và về cái chết. Đó là các tập Đường Về Bedlam và Trở Lại Một Phần Đường/ To Bedlam and Part Way Back(1960), Sống Hay Chết/Live or Die (1966), và quyển sách được xuất bản sau khi bà qua đời Cuộc Chèo Thuyền Kinh Khủng Hướng Về Thượng Đế/The Awful Rowing Toward God (1975).
John Berryman (1914-1972)
Cuộc đời của John Berryman giống với cuộc đời của Robert Lowell về một số mặt. Sinh ra tại Oklahoma, Berryman theo học các trường ở miền Đông Bắc --trường dự bị đại học tư rồi vào đại học Columbia, và sau đó được học bổng học tại Princeton. Chuyên làm thơ theo dạng thức và âm vận truyền thống, ông lấy cảm hứng từ lịch sử Mỹ thời kỳ đầu, và viết những bài thơ tự thú và tự phê bình đăng trong tập Những Bài hát TrongnMơ/Dream Songs (1969), trong đó có một nhân vật tự thuật đời mình rất kỳ đặc tên là Henry cùng những suy tư của ông về việc đi dạy mỗi ngày của mình, về tật nghiện rượu kinh niên và tham vọng của mình. Giống Theodore Roethke người cùng thời với ông, Berryman phát triển một phong cách sâu sắc, nhưng nhu nhuyến, bỡn cợt, sống động với những câu trích từ truyện dân gian, đồng dao của trẻ em, những thành ngữ thường dùng và tiếng lóng. Nói về Henry, Berryman viết: "Hắn nhìn đăm đăm vào đống đổ nát. Đống đổ nát lom lom nhìn lại hắn." Ở một chỗ khác, ông dí dỏm viết: "Ối trời ơi trời ơi/ Tôi rên rỉ lảm nhảm, bao giờ sự dửng dưng mới đến?"
Theodore Roethke (1908-1963)
Con của một người chủ vườn cây trồng trong nhà kính, Theodore Roethke đã phát triển một loại ngôn ngữ đặc biệt gợi lên hình ảnh "thế giới nhà kính" với những côn trùng tí hon và những gốc rễ cây chưa từng thấy:
"Trùng ơi, Hãy ở cùng tôi/Đây là lúc tôi đang gặp khó khăn." Những bài thơ tình của ông đăng trong tập Lời Nhắn Cùng Gió (1958) ca ngợi vẻ đẹp và nỗi khát khao với lòng đam mê thơ ngây. Một bài thơ đã bắt đầu thế này: "Tôi biết một nàng con gái, yêu kiều từ trong xương tủy,/Khi lũ chim nhỏ thở dài, nàng sẽ thở dài đáp lại chúng." Đôi khi thơ ông có vẻ như cách viết tốc ký của thiên nhiên, hay những câu đố rối rắm cổ xưa: "Ai đã tung bụi mù lên thành tiếng ồn?/Hãy hỏi chú chuột nhũi, nó biết đấy."
Richard Hugo (1923-1982)
Richard Hugo, sinh trưởng tại Seattle, tiểu bang Washington, theo học với Theodore Roethke. Ông lớn lên trong khung cảnh nghèo nàn u ám nơi thành thị và đã xuất sắc diễn đạt được niềm hy vọng, nỗi âu lo chán chường của người dân lao động miền Tây bắc nước Mỹ.
Hugo viết những bài thơ hoài cổ, tự thuật theo âm vận iambic* táo bạo nói về những thị trấn nhỏ tồi tàn, bị quên lãng vùng ông sống trên nước Mỹ; ông cũng viết về nỗi tủi nhục, thất bại, và những giây phút hiếm hoi được chấp nhận trong quan hệ giữa người với người. Ông tập trung lưu ý người đọc đến các chi tiết nhỏ, tưởng chừng như không dính líu gì nhau để nói lên những điều quan yếu hơn. "Điều Bạn Yêu Thích Nhiều Vẫn Là Mỹ" (1975) kết thúc với hình ảnh một người mang theo ký ức về thị trấn xưa của mình như thể chúng là thức ăn:
in case you’re stranded in some odd empty town
trong trường hợp bạn bị kẹt lại tại một thị trấn hoang vắng kỳ dị nào đó
and need hungry lovers forfriends, and need feel
và cần đến những người tình đói khát để làm bạn và cần cảm thấy
you are welcome in the street
bạn được chào đón ân cần
club they have formed.
nơi quán bên đường do họ lập nên.
Philip Levine (1928- )
Philip Levine, sinh tại Detroit, Michigan, trực tiếp viết về những nỗi khốn khó kinh tế của thợ thuyền qua óc quan sát nhạy bén, lòng phẫn nộ và giọng văn mỉa mai chua chát của mình. Giống Hugo, ông xuất thân từ nơi thành thị nghèo túng. Ông từng là tiếng nói cho những kẻ cô đơn mắc kẹt giữa lòng nước Mỹ công nghiệp. Thơ ông đượm màu u ám, phản ảnh một khuynh hướng vô chính phủ dẫu thừa biết các hệ thống chính phủ sẽ vẫn còn mãi. Trong một bài thơ, Levin ví mình như con chồn sống sót trong một thế giới thợ săn nguy hiểm nhờ lòng can đảm và óc tinh ranh của mình. Nói về vần điệu, ông theo một con đường từ khuôn khổ thơ truyền thống trong các tác phẩm ban đầu đến những dòng thơ tự do cởi mở hơn trong các bài thơ về sau của ông trong đó ông bày tỏ sự phản đối đơn độc của mình đối với cái xấu xa của thế giới đương thời.
James Dickey (1923-1997)
Là tiểu thuyết gia, nhà viết bài nghị luận và cũng là nhà thơ, James Dickey la người tiểu bang Georgia. Tại đại học Vanderbilt ông học với nhà thơ và nhà phê bình Donald Davidson thuộc nhóm thơ Agrarian, người đã khuyến khích tâm hồn thơ đa cảm của Dickey hướng về di sản miền nam của mình. Giống Randall Jarrell, Dickey là phi công trong Thế chiên thứ hai, và ông đã viết về sự thống khổ trong chiến tranh. là nhà văn và nhà thơ, ông thường quan tâm năng nỗ, "vượt trội lên, một cách vô vọng/ Vượt trội lên trên những gi được đòi hỏi." Ông tha thiết muốn làm sống lại sự gấn bó với thế giới —một sự gắn bó ông tìm thấy trong thiên nhiên (thú vật, rừng hoang), qua tính dục, và hoạt động thể xác. Tiểu thuyết Giải Phóng/Deliverance (1970) của ông, có bối cảnh là vùng trũng sông nước hoang dã miền nam, đi sâu tìm hiểu cuộc đấu tranh sinh tồn và mặt trái đen tối trong quan hệ gắn bó của người đàn ông. Khi truyện được quay thành phim với chính nhà thơ đóng vai viên cảnh sát trưởng miền nam, quyển tiểu thuyết và cuốn phim càng làm ông nổi tiếng thêm. Tác phẩm Tuyển Tập Thơ/Selected Poems (l998) bao gồm những bài thơ ông sáng tác gần cuối đời, nhưng ông nổi tiếng chủ yếu qua tập thơ đầu Những Vần Thơ 1957-1967/Poems 1957-1967 (1967).
Elizabeth Bishop (1911-1979) và Adrienne Rich (1929- ) Trong số những nhà thơ nữ thuộc nhóm thơ lập dị, Elizabeth Bishop và Adrienne Rich được trân trọng trong nhất những năm gần đây. Người đọc bị thu hút bởi sự thông minh tinh anh của Bishop và mối quan tâm mô tả các phong cảnh xa xôi cùng những chuyến du hành ẩn dụ một cách chính xác tinh tế của bà. Giống như người thầy hướng dẫn của mình là Marianne Moore, Bishop sáng tác những bài thơ rất công phu vừa mô tả vừa hàm chứa kín đáo những triết lý thâm sâu. Việc mô tả biển Bắc Đại Tây dương lạnh như băng trong bài "Nơi Chòi Câu Cá"/“At the Fishhouses” (1955) có thể áp dụng cho thơ của Bishop: "Nó giống như điều chúng ta tưởng kiến thức là gì:/tối đen, mặn mà, rõ ràng, lưu chuyển, hoàn toàn tự do." Cùng với Moore, Bishop có thể được xếp vào truyền thống thơ những nhà thơ nữ "lạnh" xuất phát từ Emily Dickinson, đối lại với thơ "nóng" của Plath, Sexton, và Adrienne Rich.
Mặc dù Rich bắt đầu sáng tác thơ theo dạng thể và vần điệu truyền thống, tác phẩm của bà, nhất là những bài thơ được viết sau khi bà đã trở thành người nhiệt thành ủng hộ phong trào nữ quyền vào những năm 1980, chứa đựng những xúc cảm mãnh liệt. Thiên tài đặc biệt của Rich nằm ở cách bà dùng ẩn dụ, như tác phẩm xuất sắc "Lặn Vào Xác Tàu Bị Đắm"/ “Diving Into the Wreck” (1973), nói lên việc người phụ nữ đi tìm danh tính của mình qua hình tượng lặn xuống một chiếc tàu bị đắm. Trong bài thơ "Kẻ Đi Trên Mái Nhà"“The Roofwalker” (1961) của Rich, được đề tặng cho nhà thơ Denise Levertov, bà xem việc sáng tác thơ đối với người phụ nữ như mọ̀t kỹ thuật tinh xảo đầy nguy hiểm. Giống như người đàn ông lợp mái nhà, bà cảm thấy mình "cheo leo, lớn hơn cả cuộc đời, /và có lúc sẽ bị té gãy cổ."
---
*Iambic Pentameter:
Trong một câu thơ, một iamb là một âm điệu chứa một vần không nhấn theo sau bởi một vần được nhấn, hoặc một vần ngắn theo sau bởi một vần dài. Thí dụ như từ comPLETE.
In a line of poetry, an iamb is a foot or beat consisting of an unstressed syllable followed by a stressed syllable, or a short syllable followed by a long syllable, according to FreeDictionary.com. An example is the word comPLETE.
**
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.