Monday, November 8, 2021

Chương 10: Văn Học Mỹ Đương Đại --Sáng Tác Phi Hư Cấu: Hồi Ký và Tự Truyện

Nhiều nhà văn khát khao muốn có các thể loại văn chương cởi mở và ít kinh viện hơn để chuyển tải những tầm nhìn hậu hiện đại của mình.  Sự trỗi dậy của văn học toàn cầu, đa chủng tộc, và văn do nữ giới sáng tác –với các tác phẩm mà trong đó nhà văn suy tư về trải nghiệm bản thân được văn hóa, màu da và giới tính uốn nắn– đã khiến tự truyện và hồi ký có sức thu hút đặc biệt.  Mặc dù ranh giới hai chữ tự truyện và hồi ký vẫn còn trong vòng tranh luận, một hồi ký tiêu biểu thường ngắn hơn và hạn chế hơn về phạm vi đề cập, trong khi tự truyện cố gắng  cho người đọc cái nhìn toàn diện về cuộc đời người viết.

Tính phân vụn trong chủ nghĩa hậu hiện đại đã khiến nhiều nhà văn gặp vấn đề diễn đạt một cái tôi hoàn chỉnh một cách thành công khi hạ bút viết.  Nhiều người đã phải chuyển sang viết hồi ký khi họ phải vật lộn để xác lập một cái tôi chân thuần.  Trong sáng tác phi hư cấu, cái gì làm nên tính chân xác, và đến mức độ nào một nhà văn có thể thêu dệt thêm vào ký ức các kinh nghiệm mình có, là các chủ đề phản biện nóng hổi tại các hội nghị của giới văn sĩ. 

Chính văn sĩ cũng đóng góp nhiều quan sát sâu sắc về các vấn đề như vậy qua các sách họ viết về sáng tác như quyển Đời Viết Văn (1989) của Annie Dillard.  Trong số các hồi ký đáng ghi nhận phải kể tác phẩm Ánh Sáng Bị Cướp Mất (1989) của Ved Mehta.  Sinh ra tại Ấn độ, Mehta bị mù khi lên ba.  Câu chuyện ông kể về mình, người thanh niên mù lòa một thân một mình bay sang Mỹ du học thật khó quên.  Tác phẩm có sức thôi miên tựa đề Tro Của Angela (1996) của nhà văn người Mỹ gốc Ái nhĩ lan Frank McCourt hồi tưởng lạimột cách nồng ấm pha với hài hước, về tuổi thơ của mình tại Ái nhĩ lan sống trong cảnh nghèo khó, gia đình có người nghiện rượu và độc đoán.   Truyện Tay Làm Hàm Nhai (1997) của Paul Auster nói lên cái nghèo đã cản trở ông sáng tác và đầu độc tâm hồn ông thế nào.

 

 

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.